Nhà khoa học NASA ‘hoàn toàn chắc chắn' có sự sống ngoài hành tinh trong hệ Mặt trời 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bên dưới bầu không khí đậm đặc axit trên một hành tinh có nhiệt độ nóng như thiêu đốt 475°C lại là nơi có thể có sự sống ngoài Trái đất trong hệ Mặt trời của chúng ta.

Một nhà khoa học của NASA tuyên bố rằng sự sống ngoài hành tinh rất có thể đang ẩn náu trên sao Kim trong những điều kiện mà con người không thể chịu đựng được. Giả thuyết mới được đưa ra bởi Tiến sĩ Michelle Thaller, một nhà khoa học nghiên cứu tại Trung tâm Bay không gian Goddard của Hoa Kỳ.

Thaller cho biết "những dấu hiệu có thể của sự sống" đã được tìm thấy trong bầu không khí chứa đầy carbon dioxide, đồng thời nói thêm rằng bà hoàn toàn chắc chắn rằng sự sống tồn tại ở đâu đó.

Tiến sĩ Thaller nói trong một cuộc phỏng vấn với The Sun: “Chúng tôi thấy những dấu hiệu có thể của sự sống trong bầu khí quyển của Sao Kim”.

Bà nói thêm: “Tôi chưa bao giờ kỳ vọng vào sao Kim. Nhưng hiện tại đây là nơi chúng ta nhìn thấy thứ gì đó trong khí quyển trông rất giống do vi khuẩn tạo ra”.

Sao Kim thường được miêu tả như “người anh em song sinh của Trái đất” do có kích thước và cấu trúc tương tự. Nhưng do điều kiện sống trên hai hành tinh quá khác biệt, nên các nhà thiên văn học tin rằng con người sẽ không thể tồn tại trên sao Kim.

Nằm cách Mặt trời 67 triệu dặm, sao Kim là hành tinh nóng nhất trong hệ Mặt trời của chúng ta với nhiệt độ thậm chí có thể làm tan chảy cả chì. Bầu khí quyển của nó - bao gồm axit sulfuric và carbon dioxide - cũng làm tăng thêm tình trạng khắc nghiệt, khi gây ra “hiệu ứng nhà kính mất kiểm soát” ngăn nhiệt thoát ra bên ngoài không gian.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học từ lâu đã tranh luận về việc liệu các đám mây của sao Kim có thể chứa các dạng sống vi sinh vật có thể tồn tại nhờ lưu huỳnh, metan và sắt hay không. Nhiều giả thuyết cho rằng quá trình quang hợp có thể xảy ra trên bề mặt sao Kim khi năng lượng Mặt trời đủ để xuyên qua các đám mây dày của hành tinh này.

Tuy nhiên, Giáo sư Dominic Papineau, nhà sinh vật học vũ trụ tại Đại học London, tin rằng quan điểm của Tiến sĩ Thaller là “khó để đặt giả thuyết một cách thực tế”.

Nói chuyện với MailOnline, Papineau giải thích: “Để các phản ứng hóa học liên quan đến sự sống diễn ra, nước ở dạng lỏng là cần thiết. Do đó, để tìm thấy sự sống ngoài Trái đất, chúng ta cần tìm nước lỏng và để tìm hóa thạch ngoài hành tinh đòi hỏi phải tìm kiếm các loại đá trầm tích có liên quan đến nước lỏng trong quá khứ”.

Ông nói thêm: “Điều này khiến cho giả thuyết về sự sống trên sao Kim ngày nay khó có thể thực tế, vì bề mặt của nó quá nóng, mặc dù sao Kim có thể từng có nước lỏng trong quá khứ. Tuy nhiên, một vấn đề với hồ sơ hóa thạch có thể có trên sao Kim là hoạt động núi lửa lan rộng dường như đã phủ kín phần lớn bề mặt trong vài trăm triệu năm qua”.

Tuy vậy, cả Giáo sư Papineau và Tiến sĩ Thaller đều đồng ý rằng các mặt trăng băng giá trong hệ Mặt trời của chúng ta cũng có thể là nơi có tiềm năng tồn tại sự sống của vi sinh vật.

NASA cho rằng có 290 “mặt trăng truyền thống” trong hệ Mặt trời của chúng ta - không bao gồm 462 tiểu hành tinh và các hành tinh nhỏ hơn.

Giáo sư Papineau tiếp tục: “Nhiều khả năng chúng ta có thể tìm thấy sự sống và/hoặc hóa thạch ngoài Trái đất trên sao Hỏa và trên các mặt trăng băng giá ở ngoại vi hệ Mặt trời. Điều này là do nước ở dạng lỏng tồn tại trên các hành tinh đó, bao gồm cả trong lớp băng ở cực nam sao Hỏa. Hành tinh Đỏ và các mặt trăng băng giá cũng có hồ sơ địa chất có thể bảo tồn hóa thạch”.

Theo Daily Mail

Văn Thiện biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhà khoa học NASA ‘hoàn toàn chắc chắn' có sự sống ngoài hành tinh trong hệ Mặt trời