Những bức tranh về các nàng Tiên cổ tích thời Victoria

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các Tiên nữ mặc trang phục tơ tằm, với cánh hoa, cánh côn trùng và sơn ca dưới ánh trăng, nơi mà một con cóc có thể là một chỗ ngồi, hoặc một con đom đóm có thể là một ngọn đèn.

Đặc biệt là ở Vương quốc Anh, niềm đam mê với các nàng Tiên và những câu chuyện dân gian có một lịch sử lâu dài và phong phú.

Trong thời đại Victoria, tranh cổ tích đã trở thành một thể loại nghệ thuật đặc sắc riêng. Phần lớn niềm đam mê cổ tích này bắt đầu từ giữa thế kỷ 19, và được thúc đẩy từ những thay đổi xã hội. Trước những tiến bộ khoa học và công nghiệp hóa, bên cạnh thế giới tự nhiên, con người cũng ngày càng quan tâm hơn đến thế giới tâm linh.

Nguồn tài liệu cho những bức tranh, hình minh họa và màu nước này đến từ các truyền thuyết của người Celt, và sự quan tâm trở lại đối với các mối tình lãng mạn thời trung cổ, và từ vở kịch “Giấc mộng đêm hè” của đại văn hào lỗi lạc nhất nước Anh - William Shakespeare.

Có những nghệ sĩ thời Victoria chỉ thực hiện một số ít tác phẩm về các nàng Tiên, nhưng cũng có một số người hầu như chỉ chuyên về thể loại này. Trong một cuộc trưng bày gần đây tại Tate Britain về các nàng Tiên trong nghệ thuật từ 250 năm trước đến nay, bảo tàng mô tả các bức tranh về “các Tiên nữ mặc trang phục tơ tằm, với cánh hoa, cánh côn trùng và sơn ca dưới ánh trăng, nơi mà một con cóc có thể là một chỗ ngồi, hoặc một con đom đóm có thể là một ngọn đèn”.

‘Giấc mộng đêm hè’

Các buổi biểu diễn chuyên nghiệp vở “Giấc mộng đêm hè” vô cùng nổi tiếng ở Anh thế kỷ 19. Một trong những vở hài kịch hay nhất của Shakespeare, nhà văn đùa giỡn với hệ thống giai cấp xã hội cứng nhắc đương thời, lấy ra 3 nhóm riêng biệt và đảo lộn vị thế xã hội trong thế giới siêu nhiên mà không một phàm nhân nào có quyền kiểm soát. Trong câu chuyện, bốn thanh niên người Athens là: nàng Hermia, chàng Lysander, chàng Demetrius và nàng Helena, chạy trốn vào một khu rừng khi đang chuẩn bị đám cưới cho Công tước xứ Athens.

Vở kịch mở đầu với việc nàng Hermia nổi giận với cha là Egeus và Theseus, vua của Athens, vì đã cấm nàng kết hôn với người yêu là chàng Lysander. Nàng Hermia không hứng thú gì với lựa chọn của cha dành cho nàng là Demetrius, nhưng bạn thân của nàng, Helena, rõ ràng là có.

Vậy là, cặp đôi Hermia và Lysander trốn đi trong đêm tối, cùng với sự truy đuổi kịch liệt của Demetrius. Chuyện còn phức tạp hơn khi cô bạn Helena quyết định đuổi theo họ vào rừng, với hy vọng giành lại trái tim của Demetrius.

Khi ở trong rừng, họ băng qua xứ sở Thần Tiên. Oberon và Titania, nhà vua và hoàng hậu của các Tiên, cùng với đoàn tùy tùng của họ đến dự lễ cưới. Vua và hoàng hậu tranh cãi vì các vấn đề tình cảm của riêng họ, tức giận vì không thể kiểm soát hoàng hậu, vua Oberon ra lệnh cho tiểu Tiên Puck nhỏ nhựa hoa tình yêu lên mắt hoàng hậu. Khi tỉnh dậy, hoàng hậu sẽ yêu thứ đầu tiên mà mình nhìn thấy.

Một trường hợp nhầm lẫn danh tính đã vô tình lôi kéo bốn người Athens vào cốt truyện. Vì trong lúc làm nhiệm vụ, tiểu Tiên Puck đã rắc nhựa hoa tình yêu lên mắt của Demetrius và chàng Lysander đang say ngủ và… khi đôi mắt chập chờn mở ra, một đêm hỗn loạn bắt đầu với những trái tim tan vỡ, nhận lầm người yêu, và những thay đổi… Đến cuối câu chuyện, phép màu đã xảy ra và tất cả các cặp đôi đều hòa giải.

Hermia and Lysander. A Midsummer Night's Dream
Bức tranh ‘Nàng Hermia và chàng Lysander’ lấy cảm hứng từ vở kịch ‘Giấc mộng đêm hè’, năm 1870, họa sĩ John Simmons. (Phạm vi công cộng)

Trong phần sau của sự nghiệp, họa sĩ John Simmons (1823–1876), người nổi tiếng với nghệ thuật vẽ chân dung, đã tạo ra một loạt tác phẩm lấy cảm hứng từ vở kịch của Shakespeare. Những tác phẩm này nổi bật do sự kết hợp giữa chủ nghĩa hiện thực rất chi tiết với các điểm nhấn giàu trí tưởng tượng.

Trong bức tranh màu nước “Nàng Hermia và chàng Lysander, 'Giấc mộng đêm hè'” tương ứng với Màn 2, cảnh 2 của vở kịch. Trời đã về đêm và họ quyết định đi ngủ, mà không hề hay biết về các nàng Tiên và những sinh vật mê hoặc khác đang ẩn nấp xung quanh. Chàng Lysander nắm lấy ngón tay của nàng Hermia bằng một tay và tay kia chạm vào mặt rêu.

Trong vở kịch, chàng lãng mạn tuyên bố: “Một mảnh đất sẽ làm gối cho cả hai chúng ta...” Sau đó, vì bị tiểu Tiên Puck nhỏ nhựa hoa tình yêu vào mắt, chàng Lysander tỉnh dậy và đã yêu Helena, bạn của nàng Hermia. Họa sĩ Simmons gợi ý rằng Helena có thể đã có mặt tại đó, được thể hiện dưới dạng một cái bóng ở phía xa bên phải của nàng Hermia. Còn tiểu Tiên Puck có thể nằm trong số các nàng Tiên dưới chân cặp đôi hoặc nhân vật hầu như không nhìn thấy ở trung tâm bên trái.

Detail of Fairies
Chi tiết của bức tranh ‘Nàng Hermia và chàng Lysander’ lấy cảm hứng từ vở kịch ‘Giấc mộng đêm hè’, năm 1870, họa sĩ John Simmons. (Phạm vi công cộng)

Bức tranh ‘Nàng Hermia và chàng Lysander’ hoàn hảo với những hình ảnh đại diện đa dạng và chi tiết chân thực về các nàng Tiên, phản ánh nền tảng của nghệ sĩ trong bức tranh thu nhỏ.

Tác phẩm được đưa ra đấu giá vào năm 2012 và hãng đấu giá nổi tiếng Sotheby’s nhận xét rằng: “Họa sĩ Simmons tạo ra cả một nền văn minh gồm các 'loại' Tiên khác nhau: một số bay với đôi cánh mỏng như tơ rung rinh, số khác cưỡi những cỗ xe do chuột điều khiển hoặc những con dơi với cơ thể nhợt nhạt, mảnh dẻ lấp lánh dưới ánh trăng”. Những người thời Victoria tin rằng các nàng Tiên là có thật và họ đã thực hiện “các cuộc thám hiểm khoa học” để thu thập bằng chứng.

Trong tranh, họa sĩ Simmons sử dụng thành thạo chất liệu màu nước để tạo ra những vùng màu bão hòa mơ hồ và thế giới khác. Bột màu Gouache-màu nước đục được làm dày bằng chất giống như keo, được sử dụng để tạo ra các hình dạng và đường nét bố cục. Tác phẩm nghệ thuật được thực hiện với độ rõ nét đáng kinh ngạc và kết thúc mượt mà.

'Linh hồn của đêm'

Spirit of the Night
Bức tranh 'Linh hồn của đêm' (Spirit of Night) năm 1879, họa sĩ John Atkinson Grimshaw. (Phạm vi công cộng)

Một số bức tranh cổ tích vĩ đại thời Victoria đã lấy cảm hứng từ các nguồn khác ngoài vở kịch của Shakespeare.

Họa sĩ John Atkinson Grimshaw (1836 - 1893) chỉ vẽ một vài bức tranh cổ tích, và chúng chủ yếu là phương tiện để ông nghiên cứu về tác động của ánh sáng trong suốt cuộc đời mình. Bức tranh 'Linh hồn của đêm' là một ví dụ điển hình về sự quan tâm của ông đối với ánh sáng vàng kim, điều mà ông đã khám phá thông qua các thí nghiệm với lăng kính và ánh sáng màu.

Trong bức tranh này, nàng Tiên được khắc họa từ người mẫu là nữ diễn viên Agnes Leefe, người đã tạo dáng cho nhiều tác phẩm của họa sĩ, nàng Tiên phủ trên mình một tấm màn che trong suốt.

Năm 2019, nhà đấu giá của Anh là Christie’s đã mô tả bức tranh rằng: “Nàng Tiên bay lơ lửng trên một ngôi làng ven biển dưới bầu trời đầy trăng, ánh sáng bạc phản chiếu trên biển, và trên làn da trong mờ của nàng ấy, với sắc màu cầu vồng lung linh trên đôi cánh trắng trong suốt của nàng”. Đó là ngôi làng mờ ảo, mang màu sắc của mùa thu dường như không có thật, trong khi nàng Tiên được phác thảo hết sức chân thật và sống động, mặc dù chỉ bay thoáng qua trên không trung.

Trong hội thảo trực tuyến “Những nàng tiên quý giá: Từ tưởng tượng đến hiện thực” của L’Ecole, Trường Nghệ thuật Trang sức ở Paris, diễn giả Estelle Icart lưu ý rằng nàng tiên bay lượn trong bức tranh này dường như bay lơ lửng trên một khu vực đầy khói bụi, có lẽ bị ô nhiễm. Điều này nói lên tình trạng công nghiệp hóa nhanh chóng của thời đại. Thật vậy, họa sĩ Grimshaw đã thực hiện một loạt tranh riêng về bến cảng Liverpool. Dù thực tế là vậy, nhưng bức tranh vẫn tràn ngập ánh sáng huyền ảo, trực tiếp phát ra từ nàng Tiên có vầng hào quang với những tia sáng vàng rực. Có vẻ ánh trăng phản chiếu trong nước phát ra từ cây đũa phép của nàng Tiên.

Bức tranh được khơi nguồn từ bài thơ “Đêm nay” (To Night) của nhà thơ lãng mạn người Anh là Percy Bysshe Shelley.

Chân dung siêu nhiên

Victorian Fairy
Bức chân dung nàng Tiên (1869) của họa sĩ người Anh - Sophie Gengembre Anderson, với tiêu đề “Khuôn mặt xinh đẹp của cô gái, nhẹ nhàng lơ lửng, có bướm, hoa và châu báu đính kèm, vì vậy nàng Tiên của bạn được tạo nên từ những điều tươi đẹp nhất.” Tranh dầu trên vải. (Phạm vi công cộng)

Theo Nhà sử học trang sức Inezita Gay-Eckel trong hội thảo trực tuyến của L’École: Màu xanh lá cây từ lâu đã được gắn với các thuộc tính tích cực, chẳng hạn như mùa xuân, rừng cây, may mắn, sức khỏe; và tiêu cực như rắn, rồng, ác quỷ, chất độc.

Nhà sử học thời trung cổ Michel Pastoureau trong cuốn sách “Màu xanh lá cây: Lịch sử của một màu sắc” viết rằng màu xanh lá cây từ lâu đã là màu của những sinh vật siêu nhiên, đặc biệt là các nàng Tiên.

Ở đây, màu xanh lá cây được sử dụng để tạo hiệu ứng nổi bật trong tác phẩm “Khuôn mặt xinh đẹp của cô gái, nhẹ nhàng lơ lửng, có bướm, hoa và châu báu đính kèm, vì vậy nàng Tiên của bạn được tạo nên từ những điều tươi đẹp nhất”. Họa sĩ Anderson (1823 - 1903) chuyên vẽ những bức chân dung trẻ em duyên dáng và dịu dàng, đặc biệt là các bé gái. Sự khám phá đa cảm về tuổi thơ trong nghệ thuật đã trở nên phổ biến trong thời đại Victoria. Đôi khi, họa sĩ vẽ các cô gái trong hình dáng Tiên nữ, và bức tranh này là một ví dụ tuyệt vời.

Cô gái được miêu tả với chiếc vương miện bướm màu sắc rực rỡ và đôi cánh Thần Tiên. Bà Icart, trong hội thảo trực tuyến L’Ecole, mô tả cô gái/cô Tiên trông giống như một nàng công chúa Celtic với mái tóc đỏ, làn da trắng và đội vương miện. Chiếc túi màu xanh lá cây mà cô ấy cầm trong tay, được trang trí bằng lưới vàng và ngọc trai, có thể đựng đồ trang sức của cô ấy; một giả thuyết khác là màu xanh lục có thể tượng trưng cho một loại thuốc ma thuật bên trong chiếc lọ. Tuy nhiên, với khuôn mặt Thiên Thần của cô ấy, có vẻ như cô ấy là một “nàng Tiên tốt bụng”, cho thấy lọ thuốc không phải là chất độc.

Xem những hình ảnh cổ tích sáng tạo, với kỹ năng nghệ thuật tinh xảo và đầy quyến rũ này, người ta như du hành từ thế giới trần tục vào bầu không khí lãng mạn của siêu nhiên. Những bức tranh thời Victoria này đã thu hút sự chú ý của thế hệ mới thông qua sách, triển lãm và bán đấu giá.

Midsummer Eve
“Đêm giữa mùa hạ” (Midsummer Eve), 1851 - 1914, họa sĩ Edward Robert Hughes. Màu nước với bột màu. (Phạm vi công cộng)

Theo Michelle Plastrik - The Epoch Times

Cao Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Những bức tranh về các nàng Tiên cổ tích thời Victoria