Nối gót FED, ECB đang cân nhắc tăng lãi suất, chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giống như Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) hồi cuối năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải từ bỏ chính sách nới lỏng định lượng, chấm dứt chương trình mua trái phiếu và tăng lãi suất điều hành để ngăn lại đà tăng chóng mặt của lạm phát.

Thị trường kỳ vọng rằng ECB sẽ tăng đợt lãi suất đầu tiên vào tháng 7 để đối phó với mức lạm phát hiện đang đạt kỷ lục là 8,1% so cùng kỳ vào tháng 5/2022.

Trước khi tăng lãi suất, ECB sẽ chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng mua trái phiếu để dọn đường cho quyết định tăng lãi suất.

Chủ tịch ECB cho biết: “Ngay cả khi các cú sốc về nguồn cung giảm dần, các động lực giảm phát trong thập kỷ qua cũng khó có thể quay trở lại".

Bà Christine Lagarde, Chủ tịch của ECB, trong một bài đăng trên blog gần đây đã nói rõ rằng, ít nhất là hiện tại, ECB sẽ tập trung vào việc điều chỉnh lãi suất, thay vì quy mô bảng cân đối kế toán, để chế ngự lạm phát. Bà cho biết sẽ ủng hộ chính sách nâng dần tỷ lệ lãi suất điều hành như một công cụ đối phó với lạm phát.

Từ giờ cho tới 21/7/2022, Hội đồng quản trị của ECB còn rất nhiều thời gian để họp lại và ra quyết định. Các nhà kinh tế tại Bank of America tuần trước đã nâng dự báo về lãi suất cơ bản của ECB lên 150 điểm cơ bản cho năm 2022 (1,5%); trước đó các nhà kinh tế này kỳ vọng ECB chỉ tăng 100 điểm cơ bản trong tháng Bảy và tháng Chín tới đây.

Một câu hỏi khác xung quanh cuộc họp này của ECB là mức độ mà ngân hàng trung ương sẵn sàng chống lại thị trường về lợi suất trái phiếu ở những nước đang căng thẳng về tài chính trong khu vực đồng tiền chung euro. Nhiều khả năng ECB sẽ tuyên bố mạnh mẽ hơn trước rằng họ sẽ hành động chống lại 'sự phân mảnh quá mức' mà không đi sâu vào bất kỳ chi tiết nào", ông Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Berenberg Bank, cho biết (theo Market Watch).

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Nối gót FED, ECB đang cân nhắc tăng lãi suất, chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng