Quyền lực thuộc về người tiêu dùng!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vụ tẩy chay bia Bud Light tại Mỹ đang phơi bày một thực tế: người tiêu dùng có thể tạo ra khác biệt lớn trong cấu trúc sản xuất của một nền kinh tế. Và đáng lẽ họ mới chính là những ông chủ thực sự của hệ thống kinh tế.

Ông Brendan Whitworth, Giám đốc điều hành của Anheuser-Busch, cuối cùng đã tham gia trả lời phỏng vấn về việc Bud Light bị tẩy chay. Bằng cách nào đó, ông ấy đã xoay sở để vượt qua cuộc phỏng vấn trong khi không tiết lộ bất cứ điều gì có ý nghĩa ngoài những lời lẽ khuôn sáo thông thường về doanh nghiệp.

Vị CEO này hẳn có một tài năng đặc biệt mới có thể tham gia một cuộc phỏng vấn kéo dài 9 phút và không nói gì về mối quan tâm duy nhất của cuộc phỏng vấn: rằng công ty đã xúc phạm nặng nề tập khách hàng chính của mình và hiện đang rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Sau tất cả, ông ấy chủ yếu nói về những khó khăn của các nhà cung cấp, những người làm việc cho công ty, các chiến dịch quảng cáo và thông điệp mới của công ty, ngoài ra là những sự lặp lại nhàm chán.

Vị CEO giả vờ không biết gì về sự tàn phá đang diễn ra đối với thương hiệu và công ty. Sự thật thì không phải ông Whitworth đang giả vờ. Ông ấy đơn giản chỉ nghĩ rằng nếu ông ấy thể hiện một bộ mặt tốt, thì đến một lúc nào đó mọi chuyện sẽ qua đi. Giống như nhiều người ở vị trí và đẳng cấp đó, ông ấy cho rằng việc đưa ra thông điệp, giả vờ và gây ấn tượng có thể giải quyết mọi thứ. Đối với những người này, vấn đề nằm ở cách định hướng dư luận.

Đó là điều mà Anheuser-Busch và mọi nhà bình luận khác đã làm trong nhiều tháng, nhưng vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Bud Light từ vị trí số một trở thành trò đùa của thời đại, tất cả chỉ bắt đầu với một sai lầm lớn, được hỗ trợ bởi nhiều sai lầm khác (trang web Bud Light của Canada vẫn đang quảng bá cho Tháng Tự hào [của giới LGBTQ] và khoe khoang về sự hào phóng từ thiện của mình đối với các nhóm hoạt động cánh tả).

Dự đoán của tôi là thương hiệu này cuối cùng sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn. Công ty sẽ cần phải làm điều này nếu không sẽ phải đối mặt với việc khủng hoảng lây lan sang các thương hiệu khác của mình. Các cuộc phỏng vấn giả dối, thao túng và trịch thượng sẽ không khắc phục được điều này.

Người tiêu dùng không còn chỉ đơn thuần là đồng hành đứng ngoài cuộc. Họ đang dần coi trọng quyền lực của mình một cách nghiêm túc. Họ chỉ đơn giản là đưa ra những lựa chọn khác. Đánh bại loại bia số một ở Hoa Kỳ là một việc nghiêm túc. Và thật tuyệt vời khi nghĩ về ý nghĩa của nó.

Và nhân tiện, tôi đã chán ngấy khẳng định rằng Bud Light bị “tẩy chay” bởi “những người bảo thủ”. Vấn đề ở đây là người thường đã phát ốm trước lời nói dối ngớ ngẩn rằng bất kỳ ai kể cả trẻ em đều có thể và nên thay đổi giới tính của mình thông qua thuốc và dao mổ của bác sĩ phẫu thuật và những người còn lại trong chúng ta buộc phải chấp nhận điều đó và do đó cần loại bỏ các tương tác giới tính đã được định sẵn trong toàn bộ lịch sử.

Nhưng ngay cả khi bạn không khó chịu về những quảng cáo chuyển giới, bạn vẫn nên phấn khích về những gì đang xảy ra. Đối với tôi, đây không phải là vấn đề thích hay không thích một nhân vật vớ vẩn gây khó chịu nào đó trên TikTok. Đây không phải là một cuộc chiến văn hóa. Vấn đề thực sự liên quan đến nguyên tắc cơ bản là ai sẽ có quyền lực trong một hệ thống kinh tế: những người có ảnh hưởng lớn trong các công ty như BlackRock và Fidelity, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chính phủ hay những người bình thường?

Quyền lực thuộc về người tiêu dùng!
Một tấm biển trước cửa hàng Walgreens vào ngày 09/03/2023 tại El Cerrito, California, Mỹ. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Hãy xem xét một trường hợp khác: Walgreens. Đại dịch và các đợt tiêm chủng bắt buộc đã mang lại lợi nhuận khổng lồ của công ty này. Nhưng người tiêu dùng đã thay đổi. Hầu như không ai muốn sản phẩm của công ty nữa. Các quy định tiêm chủng không còn nữa. Việc tiêm chủng đang đi theo con đường của việc xét nghiệm, mặt nạ và tấm che mặt: thẳng đến thùng rác. Khi Walgreens báo cáo những con số bán hàng khủng khiếp và khoản đầu tư sai lầm của mình, cổ phiếu đã bị giảm giá mạnh.

Vì vậy, nó không chỉ là Bud Light. Điều tương tự đang diễn ra trong ngành truyền thông công nghiệp. CNN chiến đấu để giành lấy người xem trong khi sự xuất hiện đột xuất của ông Tucker Carlson trên Twitter thu hút hàng triệu lượt xem trong vài giờ. New York Times tồn tại nhờ các trò chơi chữ và trò chơi ô chữ trong khi The Epoch Times tiếp tục giành thêm thị phần.

Chúng ta đang chứng kiến sự hình thành của một cuộc nổi dậy thực sự của người tiêu dùng chống lại các công ty dòng chính của Mỹ.

Ý nghĩa của tất cả những điều này là gì?

Quyền lực thuộc về người tiêu dùng!
Một chai Bud Light nằm trong ngăn mát của người bán hàng trong trận đấu giữa đội Baltimore Orioles và Cleveland Guardians tại Công viên Oriole ở Camden Yards vào ngày 31/05/2023 ở Baltimore, Maryland, Mỹ. (Ảnh: Rob Carr/Getty Images)

Lịch sử và hiện tại

Hãy tiếp cận câu hỏi này thông qua bối cảnh lịch sử.

Sự khác biệt quan trọng giữa chế độ phong kiến ​​và chủ nghĩa tư bản là gì? Điều gì đánh dấu sự thay đổi trong hệ thống kinh tế mà con người sống? Trong chế độ phong kiến, các lãnh chúa của điền trang lớn xác định điều kiện sống, phân bổ lương thực và thực sự sở hữu các tá điền, đổi lại tá điền được đảm bảo an ninh, ít nhất là trên nguyên tắc. Với chủ nghĩa tư bản, những người bình thường sở hữu tiền, cho phép họ di chuyển, lựa chọn những công việc mới, tiếp cận thị trường mà họ lựa chọn và tạo ra một con đường mới để phát triển.

Có một thay đổi mạnh mẽ nhất đi cùng với tất cả những thay đổi này. Quyền ra quyết định kinh tế đối với việc sử dụng các nguồn lực của xã hội được chuyển từ người sản xuất và tầng lớp quý tộc sang chính người tiêu dùng. Chính họ là người quyết định cái gì được sản xuất, với số lượng bao nhiêu, chất lượng ra sao và do đó doanh nghiệp nào phát đạt và doanh nghiệp nào lụi tàn. Người tiêu dùng trở thành vua. Đây là đặc điểm đáng chú ý của những thay đổi kinh tế và xã hội mạnh mẽ từ thế kỷ 15.

Nó vẫn đúng cho đến ngày nay. Bạn có thể nhận ra sự tồn tại của các cấu trúc tư bản chủ nghĩa theo mức độ quyền lực của người tiêu dùng. Trong khi đó, các nhà sản xuất và chính phủ có trách nhiệm tuân theo mong muốn của công chúng. Điều này trở nên rõ ràng nhất trong các chiến dịch tiếp thị của thế kỷ 19 và 20. Các chiến dịch này được tập trung hướng đến người dân thường, vì người dân thường có quyền lực để tác động tới ưu tiên sản xuất.

Giới tinh hoa luôn thù ghét và tìm cách chống lại sự kiểm soát của người tiêu dùng bởi vì điều đó có nghĩa là đời sống thương mại được định hình bởi những người bình thường chứ không phải một số ít người có đặc quyền. Sự phản đối chính yếu đối với Cách mạng Công nghiệp không đến từ công nhân mà từ hoàng gia và quý tộc. Khi các nền kinh tế phát triển, các nhà công nghiệp lớn đã thay thế tầng lớp quý tộc trong việc chống lại sự thống trị của người tiêu dùng. Tại Mỹ, họ đã đạt được thành công trong các ngành công nghiệp lớn dựa trên tài nguyên và lĩnh vực quân đội nhưng họ vẫn chưa thể xâm chiếm ngành bán lẻ, truyền thông và công nghệ mới.

Đây là điều đã làm cho các đợt phong tỏa năm 2020 tại Mỹ trở nên cực kỳ triệt để và có tác động lớn. Họ đã đưa các hình thức liên minh theo kiểu băng đảng vào thẳng các lĩnh vực mà trước đây họ chưa thống trị: bán lẻ, khách sạn, dịch vụ, du lịch và phân phối thực phẩm. Toàn bộ chính sách đại dịch được xây dựng để đè bẹp các doanh nghiệp nhỏ và tước quyền kiểm soát của người tiêu dùng. Thay vì làm chủ lĩnh vực kinh tế, người tiêu dùng bị chăn dắt như gia súc và phải tuân theo các quy định về khoảng cách xã hội. Sau đó, họ bị buộc phải đeo mặt nạ. Sau đó, họ phải chấp nhận tiêm các loại vaccine mang tính thử nghiệm.

Những ngày đó không còn nữa, nhưng người tiêu dùng vẫn còn cảm giác tức giận và mong muốn biết sự thật. Lợi ích kinh doanh đằng sau thảm họa này là gì? Tại sao WalMart và Target vẫn mở nhưng Max's Burgers phải đóng cửa? Những điều này đã xảy ra trên khắp nước Mỹ. Xem xét kỹ lưỡng các công ty lớn cho thấy họ đã ngừng quan tâm nhiều đến người tiêu dùng và quan tâm nhiều hơn đến các nguồn tài chính có liên hệ với WEF, những bên đang thúc đẩy một kế hoạch chính trị liên tục xúc phạm người dân thường.

Quyền lực thuộc về người tiêu dùng!
Người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab có bài phát biểu trong cuộc họp thường niên của WEF ở Davos, vào ngày 21/01/2020. (Ảnh: FABRICE COFFRINI / AFP qua Getty Images)

Dần dần, người dân sau đại dịch đang tìm thấy tiếng nói và quyền lực của họ trong việc lựa chọn cách sử dụng tiền của mình. Mua sắm tại địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và từ chối ESG [tiêu chí môi trường, xã hội, quản trị] và DEI [các chương trình đa dạng, công bằng, hòa nhập]. Và không có lĩnh vực nào trong cuộc sống quan trọng hơn sức khỏe và dinh dưỡng. Trong ba năm qua, tầng lớp chuyên gia đã kiểm soát cơ thể người dân và thất bại thảm hại. Đây là lý do tại sao chúng ta đang chứng kiến một làn sóng mới tập trung vào dinh dưỡng, chăm sóc bằng liệu pháp tự nhiên và thể dục.

Một nhận thức mới đang xuất hiện: hoặc tất cả chúng ta phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình hoặc để bị đẩy đến chỗ phải chết sớm. Dược phẩm nói riêng đã rơi vào thời kỳ khó khăn. Đó là một số phận mà họ đáng phải gánh chịu sau những sự đầu độc trong những năm gần đây.

Quyền lực cho người tiêu dùng!

Phong trào tiêu dùng mới này hoàn toàn phù hợp. Thật vậy, sức mạnh của người tiêu dùng là bản chất của nó. Những kẻ phát xít, những người theo chủ nghĩa tập đoàn, những người theo chủ nghĩa phục thù… đã luôn luôn chống lại điều đó: hãy nghĩ về khẩu hiệu của WEF rằng chúng ta sẽ không sở hữu gì và trở nên hạnh phúc. Và họ sẽ đề cao điều đó cho tới khi chúng ta nói không.

Bí mật lớn nhất được giữ kín trong đời sống kinh tế của chúng ta là những người tiêu dùng thông thường có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cấu trúc sản xuất. Đây là điều quan trọng trong các vụ việc với Bud Light, Target và Walgreens: họ đang phơi bày thực tế đó cho người dân. Quyền lực cho người tiêu dùng!

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

Quyền lực thuộc về người tiêu dùng!