Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ tử vong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thực phẩm siêu chế biến (chẳng hạn như hamburger, mì ăn liền, bánh ngọt, khoai tây chiên…) đã trở thành món ăn giải trí, rẻ và tiện lợi cho mọi người mọi nhà. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy thực phẩm siêu chế biến có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và tiêu thụ quá mức có thể làm tăng nguy cơ tử vong.

Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ tử vong

Dữ liệu cho thấy có tới 71% thực phẩm đóng gói được bán ở Hoa Kỳ được coi là siêu chế biến. Mặc dù có sự khác biệt về trình độ học vấn và thu nhập, nhưng lượng tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến nói chung là cao ở mọi cấp độ kinh tế xã hội.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh vào tháng 5 năm 2019 cho thấy rằng, tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm siêu chế biến (hơn bốn phần ăn mỗi ngày) làm tăng tỷ lệ tử vong chung lên 62%. Ngoài ra, cứ tiêu thụ thêm mỗi khẩu phần thực phẩm siêu chế biến, tỷ lệ tử vong nói chung sẽ tăng 18%. Nghiên cứu này đã theo dõi 19.899 người tham gia (7.786 nam và 12.113 nữ) với độ tuổi trung bình là 37,6 tuổi trong khoảng thời gian trung bình là 10,4 năm.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng nghiên cứu này là quan sát và không thể thiết lập quan hệ nhân quả. Các yếu tố gây nhiễu không đo lường được cũng có thể ảnh hưởng đến một số rủi ro quan sát được. Tuy nhiên, những phát hiện này hỗ trợ cho kết quả của các nghiên cứu khác, vốn liên kết thực phẩm siêu chế biến với các tình trạng sức khỏe bất lợi.

Nhóm nghiên cứu cho rằng để cải thiện sức khỏe cộng đồng, các chính sách phải được xây dựng để hạn chế tỷ lệ thực phẩm siêu chế biến trong chế độ ăn uống, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến tối thiểu.

Tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ ung thư

Thuật ngữ “thực phẩm siêu chế biến” xuất phát từ hệ thống phân loại thực phẩm NOVA, được các nhà nghiên cứu tại Đại học Sao Paulo ở Brazil phát triển. Hệ thống phân loại thực phẩm thành bốn nhóm dựa trên mức độ chế biến của chúng trong quá trình sản xuất:

  • Thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến tối thiểu: Trái cây, rau, sữa, cá, đậu, trứng và các loại hạt không có bất kỳ thành phần nào được thêm vào, đồng thời đã trải qua những thay đổi tối thiểu so với trạng thái tự nhiên của chúng.
  • Thành phần chế biến: Thực phẩm được thêm vào các loại thực phẩm khác và không được tiêu thụ riêng lẻ, chẳng hạn như muối, đường và dầu.
  • Thực phẩm chế biến: Được làm từ hai nhóm thực phẩm đầu tiên và có thể thay đổi theo nhiều cách khác nhau (ví dụ: mứt, dưa chua, trái cây đóng hộp, bánh mì tự làm, pho mát).
  • Thực phẩm siêu chế biến: Thường chứa năm thành phần trở lên với thời hạn sử dụng dài và thường chứa nhiều chất phụ gia công nghiệp như chất bảo quản, chất nhũ hóa, chất tạo ngọt, màu sắc và hương vị nhân tạo.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 2 trên Tạp chí eClinicalMedicine cho thấy rằng, tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc ung thư nói chung, đặc biệt là ung thư buồng trứng và ung thư não. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ nhiều thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong do ung thư, đặc biệt là ung thư buồng trứng và ung thư vú.

Nghiên cứu cho thấy cứ tăng 10% lượng thực phẩm siêu chế biến trong chế độ ăn uống, thì tỷ lệ mắc ung thư tổng thể tăng 2% và tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng tăng 19%. Mức tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến cứ tăng 10% thì tỷ lệ tử vong do ung thư nói chung tăng 6%, tỷ lệ tử vong do ung thư vú tăng 16% và tỷ lệ tử vong do ung thư buồng trứng tăng 30%.

Đây là đánh giá toàn diện nhất về mối liên hệ giữa thực phẩm siêu chế biến và nguy cơ ung thư cho đến nay. Eszter Vamos, tác giả chính của nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn, cho biết: “Nghiên cứu này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy thực phẩm chế biến sẵn có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe, bao gồm tăng nguy cơ bệnh ung thư".

Thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến các bệnh khác nhau

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí có thẩm quyền JAMA Neurology vào tháng 12 năm 2022 đã xác nhận rằng việc hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn có thể giảm tình trạng suy giảm nhận thức ở người trung niên và người lớn tuổi.

Nhóm nghiên cứu từ Trường Y thuộc Đại học Sao Paulo ở Brazil đã tuyển dụng 10.775 người tham gia ở độ tuổi từ 35 đến 74. Các nhà khoa học chia những người này thành bốn nhóm dựa trên tỷ lệ phần trăm thực phẩm chế biến sẵn mà họ tiêu thụ. Những người tham gia được theo dõi trong thời gian trung bình là tám năm.

Các số liệu thống kê cho thấy so với nhóm tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến ít nhất, những người trung niên tiêu thụ nhiều nhất (chiếm ba phần tư chế độ ăn uống của họ) bị suy giảm khả năng nhận thức nhanh hơn 28% và suy giảm “chức năng điều hành” nhanh hơn 25%, vốn đóng vai trò cần thiết cho học tập, làm việc và cuộc sống hàng ngày.

Trong một nghiên cứu khác được công bố vào tháng 5 năm 2019 trên Tạp chí Y học Anh, các nhà nghiên cứu từ Pháp và Brazil đã đánh giá mối liên quan giữa lượng thức ăn chế biến sẵn và nguy cơ mắc bệnh tim mạch (CVD), bao gồm bệnh tim và đột quỵ.

Họ chia 105.159 người tham gia với độ tuổi trung bình là 42,7 tuổi (21.912 nam và 83.247 nữ) thành các nhóm dựa trên mức độ chế biến thực phẩm trong chế độ ăn. Họ cũng đo tỷ lệ mắc bệnh trong thời gian theo dõi lên tới 10 năm (2009 đến 2018).

Kết quả cho thấy khi tỷ lệ tuyệt đối của thực phẩm siêu chế biến tăng 10%, tỷ lệ mắc bệnh CVD tăng tương ứng là 12%, bệnh tim là 13% và đột quỵ là 11%.

Lượng tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến của thanh thiếu niên

Bằng chứng mới nhất cho thấy so với những người tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến ít hơn, thanh thiếu niên tiêu thụ nhiều hơn có xu hướng lựa chọn chế độ ăn uống kém lành mạnh hơn. Kết quả nghiên cứu được công bố tại Phiên Khoa học về Bệnh Cao huyết áp của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ được tổ chức vào tháng 9 năm 2022 cho thấy mối liên hệ giữa thói quen ăn uống kém và một số loại thực phẩm siêu chế biến, chẳng hạn như bánh ngọt, kẹo và món tráng miệng đông lạnh.

Trong một thí nghiệm kéo dài hai tháng, hơn 300 thanh thiếu niên đã hoàn thành một cuộc khảo sát chi tiết về lượng thức ăn siêu chế biến của họ. Kết quả cho thấy sự gia tăng tần suất tiêu thụ món tráng miệng đông lạnh, tiêu thụ bánh ngọt và tiêu thụ kẹo có liên quan đến mức tăng lần lượt là 11%, 12% và 31% trong tất cả các mức tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến khác.

Maria Balhara, nhà nghiên cứu chính của nghiên cứu và là sinh viên tại Đại học David Brautman ở Florida, cho biết: “Thực phẩm siêu chế biến được thiết kế để trở nên rất ngon hoặc được thiết kế để gây nghiện nhất có thể. Chúng rẻ và tiện lợi khiến người dùng khó cưỡng lại. Hầu hết mọi người ăn quá nhiều những thực phẩm này mà không nhận ra điều đó”.

Theo David Chu từ The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch

David Chu là một nhà báo ở London, đã làm việc trong lĩnh vực tài chính gần 30 năm tại các thành phố lớn ở Trung Quốc và nước ngoài, bao gồm Hàn Quốc, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác. Ông sinh ra trong một gia đình chuyên về Y học cổ truyền Trung Quốc và có nền tảng về văn học cổ đại Trung Quốc.



BÀI CHỌN LỌC

Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ tử vong