Trung Quốc buộc phải siết chặt việc phát hành giấy nhận nợ bừa bãi của các doanh nghiệp bất động sản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi các doanh nghiệp bất động sản phát hành giấy nhận nợ (thương phiếu) ồ ạt, có dấu hiệu lừa đảo thương phiếu, mua bán sôi động trên thị trường thứ cấp thì các nhà quản lý Trung Quốc lại không thể tiếp cận với thông tin các thương phiếu đó phát hành với số liệu bao nhiêu, cam kết những gì và dòng tiền thu được chảy về đâu trong. Các cơ quan quản lý Trung Quốc buộc phải có hành động kiểm soát tình trạng này nhưng liệu nỗ lực này có trở nên quá lạc hậu? 

Theo 3 nguồn tin từ Reuters, các doanh nghiệp bất động sản ở Trung Quốc hiện đang phát hành khối lượng lớn thương phiếu, chính là phát hành giấy nhận nợ ngắn hạn, khoảng 3,6 nghìn CNY, tương đương với 556 tỷ USD vào năm 2020, tăng 20% so với năm 2019.

Thương phiếu, không được tính là nợ chịu lãi, thường được sử dụng trong lĩnh vực bất động sản như một khoản phải trả hứa hẹn với các nhà cung cấp xây dựng một khoản thanh toán vào một ngày cố định trong tương lai, thường là trong vòng một năm. Các nhà cung cấp có thể dùng giấy nhận nợ này bán lại trên thị trường thứ cấp với mức giá thấp hơn khi họ cần tiền mặt.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp BĐS Trung Quốc, sau khi buộc phải tuân thủ việc không vi phạm "tam giác lằn ranh đỏ" mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đưa ra hồi tháng 8 năm ngoái, giờ đây có vẻ như các ông lớn bất động sản Trung Quốc đã lách luật, tìm kiếm các khoản nợ bằng phát hành thương phiếu cho đối tác thay vì vay nợ từ NHTM để thanh toán.

Hồi tháng 08/2020, PBOC đã thiết lập 3 giới hạn đỏ về nợ với các doanh nghiệp này, đảm bảo họ sẽ phải cắt giảm tỷ lệ nợ của họ về mức giới hạn vào ngày 1/2/2021: (i) tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản không bao gồm các khoản thu ứng trước không được vượt quá 70%; (ii) tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 100%; và cuối cùng (iii) lượng tiền mặt đối ứng với các khoản nợ ngắn hạn (chính là chỉ số đo lường khả năng thanh toán tức thời) là 1 - 1.

Trước rủi ro này, các nhà quản lý Trung Quốc đang tính tới việc sẽ giám sát chặt chẽ hơn nữa các ông lớn BĐS, đặc biệt trong bối cảnh các công ty như China Evergrande Group, China Fortune Land và Sichuan Languang Development thanh toán chậm ngày càng tăng, công ty China Evergrand Group hiện đang mắc nợ ngân hàng lớn nhất, khoảng 88 tỷ USD.

Việc chế tài hành vi phát hành thương phiếu cũng diễn ra khi Bắc Kinh tìm cách giải quyết việc vay nợ không kiềm chế của các doanh nghiệp BĐS bên ngoài các kênh tài chính thông thường như vay ngân hàng và phát hành trái phiếu để hạn chế rủi ro tài chính.

Các cơ quan quản lý của Trung Quốc muốn biết thông tin thực rằng các công ty BĐS phát hành bao nhiêu thương phiếu, sử dụng tiền vào mục đích gì, họ có báo cáo đầy đủ thông tin cho các cơ quan quản lý hay không? Cách họ hạch toán có để che giấu tình trạng nợ nần hay không?

Nguồn tin của Reuters cho biết, các nhà quản lý của Trung Quốc sẽ ra chế tài buộc các doanh nghiệp BĐS phải báo cáo hàng tháng về các thương phiếu chưa tất toán.

Thị trường bất động sản của Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng sau cú sốc COVID-19, làm dấy lên lo ngại về rủi ro tài chính và sự phát triển quá nóng. Cuối năm ngoái, các nhà chức trách đã bắt đầu đẩy mạnh các biện pháp kiềm chế đối với lĩnh vực này, bao gồm hạn chế tích lũy nợ.

Nguồn tin từ một số doanh nghiệp BĐS và môi giới cho biết giấy nhận nợ, còn gọi là thương phiếu, thường được phát hành bởi một tập đoàn BĐS lớn cho một công ty liên kết, công ty đối tác, nhưng rủi ro ở chỗ doanh nghiệp BĐS có thể phát hành nhiều thương phiếu cho một hóa đơn nhận nợ. (Ảnh: Pix4free)
Nguồn tin từ một số doanh nghiệp BĐS và môi giới cho biết giấy nhận nợ, còn gọi là thương phiếu, thường được phát hành bởi một tập đoàn BĐS lớn cho một công ty liên kết, công ty đối tác, nhưng rủi ro ở chỗ doanh nghiệp BĐS có thể phát hành nhiều thương phiếu cho một hóa đơn nhận nợ. (Ảnh: Pix4free)

12 nhà phát triển lớn, bao gồm Evergrande, phải tiết lộ tình trạng nợ của họ tại ngân hàng, trên thị trường nợ và các khoản nợ ngoại bảng (cam kết bảo lãnh) cho các cơ quan quản lý trong một kế hoạch được thí điểm thực hiện bởi PBOC và các cơ quan quản lý thị trường nhà ở cuối năm ngoái. Nhưng chế tài này lại chưa bao gồm thông tin báo cáo về nợ từ thương phiếu.

Lừa đảo từ giấy nhận nợ bơm thêm rủi ro thị trường nợ

Nguồn tin từ một số doanh nghiệp BĐS và môi giới cho biết giấy nhận nợ, còn gọi là thương phiếu, thường được phát hành bởi một tập đoàn BĐS lớn cho một công ty liên kết, công ty đối tác, nhưng rủi ro ở chỗ doanh nghiệp BĐS có thể phát hành nhiều thương phiếu cho một hóa đơn nhận nợ.

Ví dụ, hóa đơn mà doanh nghiệp BĐS phải trả cho đối tác là 1,000 CNY, đáng lẽ doanh nghiệp BĐS chỉ có thể phát hành thương phiếu nhận nợ 1,000 CNY cho đối tác. Nhưng để kiếm tiền lừa đảo, doanh nghiệp BĐS có thể phát hành 2 - 3 thương phiếu trị giá 1,000 CNY cho một hóa đơn nhận nợ như vậy. Đối tác của doanh nghiệp BĐS sẽ dùng các thương phiếu này bán lại trên thị trường thứ cấp với giá thấp hơn 1,000 CNY để lấy tiền mặt. Đó là trò lừa đảo từ thương phiếu bơm thêm rất nhiều rủi ro cho thị trường nợ vốn đầy vấn đề của Bắc Kinh.

Nhiều tổ chức tài chính địa phương cũng là chủ sở hữu của các thương phiếu này, và một số trong số họ đóng gói công cụ này thành các sản phẩm quản lý tài sản và ủy thác để bán cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, các quan chức trong ngành cho biết. Cách làm này tương tự như cách Lemah Brothers đóng gói tất cả nợ mua nhà dưới chuẩn, chứng khoán hóa nó dưới tên gọi CDO rồi bán lại cho các NHTM, quỹ đầu tư khác trên khắp hệ thống trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính vậy.

Ông Xinpeng Zhu, một luật sư tại Công ty Luật Shanghai Rongying, người đại diện cho các chủ sở hữu thương phiếu bao gồm các công ty quản lý quỹ và tài sản, ngân hàng, công ty môi giới và nhà đầu tư bán lẻ cho biết: “Đó là một lỗ hổng pháp lý."

Một số định chế tài chính đã đóng gói thương phiếu trong các sản phẩm quản lý tài sản để bán cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, ông nói.

Evergrande là nhà phát hành thương phiếu lớn nhất. Công ty lớn nhất trong tập đoàn của nó, Evergrande Real Estate Group, phát hành số thương phiếu có giá trị 205,7 tỷ NDT (32 tỷ USD) vào cuối năm 2020, cao hơn 24% so với năm 2019 và cao hơn 390% so với năm 2015 (theo Reuters).

Các nhà phân tích cho biết, con số thực tế của thương phiếu đang lưu hành trên thị trường tài chính Hồng Kông còn lớn hơn nhiều vì không phải mọi số liệu này đều được hợp nhất vào báo cáo tài chính của tập đoàn. Chưa kể các doanh nghiệp khác trong tập đoàn cũng phát hành thương phiếu.

Evergrande nói với Reuters rằng chỉ có một số lượng "cực kỳ nhỏ" thương phiếu của họ không được hoàn trả đúng hạn và cho biết họ không phát hành bất kỳ thương phiếu nào cho các công ty liên kết vì mục đích tài chính và họ không biết về việc các giấy nhận nợ của mình được đóng gói thành các sản phẩm tài chính quản lý tài sản.

Dù tuyên bố như vậy, nhưng Evergrande tháng trước đã rất chật vật thu xếp thanh toán cho các thương phiếu đến hạn đã khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, trái phiếu của công ty này. Việc bán tháo này đã khiến trái phiếu nội tệ và ngoại tệ đáo hạn trong hai năm tới của Evergrande hiện được giao dịch với lợi suất rất cao, lần lượt ở mức là 35% và 23%.

Có vẻ như nợ của các doanh nghiệp BĐS Trung Quốc rơi vào tình trạng không thể hạ xuống, khi bị bóp ở chỗ này thì nó sẽ lập tức phình ra ở chỗ kia mà thôi. Điều này khiến thị trường đặt câu hỏi liệu nỗ lực siết chặt và kiểm soát nợ của các ông lớn BĐS Trung Quốc có trở nên lạc hậu?

Thanh Đoàn

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc buộc phải siết chặt việc phát hành giấy nhận nợ bừa bãi của các doanh nghiệp bất động sản