Trung Quốc và Nga đưa tàu chiến đến gần Alaska - Cuộc phô diễn lực lượng chung 'chưa từng có'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tuần trước, các tàu chiến từ một hoạt động hải quân chung giữa Trung Quốc và Nga đã đi vòng quanh bờ biển Alaska. Đây được coi là nhóm chiến đấu kết hợp giữa Nga và Trung Quốc lớn nhất từng tiếp cận bờ biển Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ Dan Sullivan cho biết trong một tuyên bố hôm 5/8 rằng 11 tàu chiến Nga và Trung Quốc cùng hành động đã tiếp cận bờ biển Alaska, theo cách mà ông gọi là "một lời nhắc nhở khác rằng chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên xâm lược độc tài mới do các nhà độc tài của Bắc Kinh và Moscow lãnh đạo”.

Ông Sullivan, thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nói với đài Fox News hôm 5/8 rằng Hải quân Hoa Kỳ đã điều động 4 tàu khu trục để hộ tống các tàu Trung Quốc và Nga ra khỏi bờ biển Hoa Kỳ.

Các nhà lập pháp cũng nhấn mạnh rằng vào mùa hè năm ngoái, ngoài khơi Alaska cũng chứng kiến một hoạt động tập trận tương tự với quy mô nhỏ hơn.

Ông Sullivan cho biết trong một tuyên bố tiếp theo: “Cho rằng phản ứng của chúng ta còn yếu ớt, tôi đặc biệt khuyến khích các quan chức quân sự cấp cao chuẩn bị cho một phản ứng mạnh mẽ hơn nhiều” trong trường hợp diễn ra các cuộc tập trận tương tự.

Ông cũng cho biết ông rất "phấn khởi" khi lưu ý rằng cuộc xâm nhập mới nhất này đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ, gửi một "thông điệp mạnh mẽ" tới Trung Quốc và Nga rằng Hoa Kỳ "sẽ không ngần ngại bảo vệ và phòng thủ các lợi ích quốc gia sống còn của Mỹ ở Alaska”.

Tuy nhiên, thông tin chi tiết về hoạt động tập trận chung Trung - Nga vẫn còn rất ít ỏi. Mặc dù Bộ Tư lệnh phía Bắc của Hoa Kỳ không phản hồi ngay lập tức yêu cầu xác nhận và cung cấp thêm thông tin chi tiết từ The Epoch Times, nhưng một phát ngôn viên của cơ quan này nói với The Wall Street Journal rằng, ngoài các tàu hải quân, các khí tài của lực lượng không quân Mỹ cũng được điều động khẩn cấp.

"Dưới sự chỉ huy của chúng tôi, các khí tài của lực lượng không quân và hải quân đã tiến hành các hoạt động nhằm đảm bảo khả năng phòng thủ của Hoa Kỳ và Canada. Cuộc tuần tra vẫn ở trong vùng biển quốc tế và không được coi là một mối đe dọa”, tờ Wall Street Journal dẫn lời quan chức của Bộ Tư lệnh phía Bắc của Hoa Kỳ.

'Một hoạt động tà ác nào đó đang diễn ra theo cách này'

Theo các chuyên gia, hoạt động chung Trung - Nga lần này được coi là hoạt động lớn nhất từ trước đến nay nhằm tiếp cận bờ biển Mỹ.

“Đây là nhóm chiến đấu kết hợp Nga - Trung lớn nhất từng tiếp cận bờ biển Mỹ từ trước đến nay”, ông Brent Sadler, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Di sản và là Đại úy Hải quân đã nghỉ hưu, cho biết trong một bài đăng trên nền tảng X, trước đây gọi là Twitter.

“Một hoạt động tà ác nào đó đang diễn ra theo cách này”, ông nói.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài Fox News, ông Sullivan đã lặp lại quan điểm về quy mô to lớn của hoạt động tập trận chung.

“Đây là điều chưa từng có về quy mô và phạm vi của lực lượng đặc nhiệm hải quân chung giữa Nga và Trung Quốc, lực lượng đang hợp tác rất chặt chẽ với nhau”, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan nói với hãng tin.

"Cho dù quý vị đang sống ở Alaska, giống như tôi, hay ở Bờ Đông Hoa Kỳ, thì việc một lực lượng đặc nhiệm hành động trên mặt nước rất lớn giữa hai kẻ thù chính của chúng ta, đang thăm dò rất gần bờ biển Hoa Kỳ, là đều đáng lo ngại”.

Ông tin rằng hoạt động này cho thấy các nhà lãnh đạo ở Trung Quốc và Nga đang duy trì lập trường "ngày càng hung hăng" đối với Hoa Kỳ.

Các sự cố trước đó

Nhận xét của ông Sullivan ám chỉ đến một sự cố tương tự, mặc dù có quy mô nhỏ hơn, xảy ra vào tháng 9/2022. Một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường của Trung Quốc, 2 tàu hải quân Trung Quốc khác và 4 tàu hải quân Nga đã tham gia vào hoạt động này.

Hoa Kỳ đã đáp trả cuộc xâm nhập trên bằng một chiếc tàu tuần duyên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển. Ông Sullivan gọi phản ứng của Washington vào thời điểm đó là “yếu ớt”.

Vào thời điểm đó, Chuẩn Đô đốc Nathan Moore, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển số 17, cho biết trong một tuyên bố rằng đội hình chung Trung - Nga "hoạt động phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế", đồng thời nhấn mạnh rằng lực lượng hải quân Hoa Kỳ sẽ "đáp trả sự hiện diện bằng chính sự hiện diện để đảm bảo không có sự gián đoạn nào đối với các lợi ích của Hoa Kỳ trong môi trường hàng hải xung quanh Alaska”.

Theo Lực lượng Bảo vệ Bờ biển, khi đang tuần tra định kỳ ở Biển Bering, thủy thủ đoàn của Lực lượng tuần duyên Kimball đã quan sát thấy một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Renhai CG 101 của Trung Quốc gần đảo Kiska.

Theo tuyên bố, thủy thủ đoàn sau đó nhận thấy thêm 2 tàu Trung Quốc, một tàu khu trục hải quân Nga và 3 tàu khác của Nga "tất cả trong một đội hình duy nhất với Renhai" và "hoạt động trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Hoa Kỳ”.

Sau khi phát hiện các tàu Nga và Trung Quốc, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển tuyên bố rằng thủy thủ đoàn Kimball đang hành động theo một chỉ thị mới gọi là "Chiến dịch Biên phòng Sentinel". Chiến dịch này được "thiết kế để đáp trả sự hiện diện bằng sự hiện diện khi các đối thủ chiến lược hoạt động trong và xung quanh vùng biển của Hoa Kỳ”.

Việc Trung Quốc và Nga thành lập đội hình trên diễn ra một tháng sau khi Tổng thư ký của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cảnh báo về mối quan tâm của Trung Quốc ở Bắc Cực và việc Nga mở rộng quân sự ở đó.

Trong một diễn biến khác, Trung Quốc và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) dự kiến tổ chức cuộc tập trận không quân chung đầu tiên để tăng cường quan hệ quân sự.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 31/7 cho biết cuộc tập trận chung Falcon Shield-2023 sẽ diễn ra tại tỉnh Tân Cương của Trung Quốc, nhưng không tiết lộ thời gian cũng như quy mô của cuộc tập trận.

"Đây là cuộc huấn luyện chung đầu tiên giữa hai lực lượng không quân, với mục tiêu tăng cường trao đổi và hợp tác thực chất giữa quân đội hai nước, đồng thời nâng cao sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau", thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nêu rõ.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc và Nga đưa tàu chiến đến gần Alaska - Cuộc phô diễn lực lượng chung 'chưa từng có'