Phúc họa vô định, thảy đều dựa vào tâm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một giấc mơ kỳ lạ đã giúp tú tài sửa đổi thói tham lam, quyết tâm làm một người lương thiện. Cũng từ đó ông nhận ra rằng: Qua hồi bĩ cực đến hồi thái lai, đi hết những quanh co khúc khuỷu sẽ gặp được phúc địa động thiên của cuộc đời.

Ở Hoài Tây có một vị tú tài tên là Diệp Gia Lương, gia cảnh khốn khó, phải kiếm sống bằng nghề dạy học. Gần nơi họ Diệp cư trú có một lão phú hào họ Mã, đảm nhận chức Phó Quận thú trong vùng. Một năm nọ, ông Mã mời Diệp tú tài đến dạy học cho hai công tử nhà mình.

Diệp tú tài vốn là người tài giỏi nên rất nhanh chóng được ông chủ xem trọng. Mỗi năm Mã gia đều trả cho anh ta số tiền học phí lên tới hàng trăm lượng, hơn nữa còn biếu tặng rất nhiều món quà hậu hĩnh. Không chỉ vậy, ông Mã còn vay tiền giúp anh ta gây dựng sự nghiệp. Có thể nói, nhà họ Mã đối đãi rất trọng hậu với Diệp tú tài, chính vì cảm nhận sâu sắc lòng tốt và đức độ của chủ nhân, anh cũng tận tâm tận lực dạy dỗ hai vị tiểu công tử của Mã gia.

Mấy năm cứ thế trôi qua, Diệp Gia Lương tích lũy được rất nhiều của cải và bắt đầu bước vào hàng ngũ phú hào. Nhưng lúc này, ông chủ Mã bất hạnh mắc trọng bệnh và qua đời khi còn đang tại chức. Hai tiểu công tử nhà họ Mã đã quen sống sung sướng, chi tiêu hoang phí vô độ, dần dà của cải trong nhà từ vàng bạc, châu báu cho đến đất đai, ruộng điền đều lần lượt qua tay họ Diệp bán đi.

Diệp Gia Lương nhọc lòng nghĩ kế, vắt kiệt tâm tư, mưu tính chiếm đoạt toàn bộ sản nghiệp nhà họ Mã, khiến hậu duệ của Mã gia rơi vào cảnh bần cùng. Hai đứa trẻ bơ vơ không nơi nương tựa, thường xuyên ăn đói mặc rét, cơ thể gầy gò ốm yếu, rơi vào tình cảnh vô cùng thê thảm.

Vào một đêm nọ, Diệp Gia Lương nằm mộng thấy bản thân lạc vào cõi âm tào địa phủ, trước mặt có một vị trưởng quan đang ngự trên đại đường, còn Diệp tú tài thì quỳ dưới thềm. Một vị thư lại liệt kê các tội của Diệp tú tài và nói rằng, anh là kẻ vong ân phụ nghĩa. Vị trưởng quan nghe xong nổi cơn thịnh nộ, phán rằng Diệp tú tài phải mang thân trâu ngựa để trả nợ đời.

Diệp tú tài lại hốt hoảng dập đầu lia lịa, năm lần bảy lượt van xin, thỉnh cầu cho mình một cơ hội. Anh ta khẩn thiết cầu xin vị trưởng quan trên công đường cho anh ta trở về dương gian làm lại cuộc đời, anh ta nguyện sẽ trả lại tất cả tài sản đã chiếm đoạt và hứa sẽ chăm lo chu đáo cho hai vị công tử của Mã gia.

Vị trưởng quan Âm tào nói: “Nếu ngươi đã có tâm hối cải thì tạm thời ta sẽ tha cho người trở về. Nhưng nếu nhà ngươi không giữ lời hứa, nhà ngươi sẽ vĩnh viễn bị đọa vào địa ngục A Tỳ”.

Địa ngục A Tỳ còn gọi là địa ngục Vô Gián, những tội hồn nào rơi vào đây đều là những kẻ thập ác bất xá, đã từng phạm nhiều đại tội không thể dung tha.

Diệp Gia Lương bỗng choàng tỉnh dậy khỏi giấc mộng, sau đó kể cho vợ nghe những gì vừa chứng kiến và nói rằng: “Vinh hoa phú quý chúng ta được hưởng hôm nay đều là tài sản của họ Mã. Cho dù có trả lại toàn bộ thì nhà chúng ta vẫn cứ là địa chủ, phú hào, việc gì phải kết oán cừu với quỷ Thần làm chi?”.

Chị vợ gật đầu cho là phải. Từ đó, hai vợ chồng quyết tâm làm lại từ đầu, sửa chữa tất cả lỗi lầm xưa kia.

Hôm sau, Diệp tú tài đi tìm chỗ nương thân của hai công tử họ Mã, cuối cùng thấy anh em họ trong một túp lều rách nát. Trong nhà chỉ có bốn bức tường hoang vu trống trải, thực là tình cảnh vô cùng đáng thương. Hai đứa trẻ thấy thầy Diệp thì òa lên khóc nức nở. Diệp tú tài niệm tình thầy trò trước kia nên cũng nắm tay hai trò mà khóc nấc lên.

Diệp tú tài đưa hai công tử họ Mã về nhà, chuẩn bị cho họ quần áo và trăm lượng bạc trắng, để họ có thể vượt qua tình cảnh nghèo khó trước mắt. Vài tháng sau, anh ta lại trả lại toàn bộ tài sản nhà họ Mã, đồng thời thu xếp cho hai vị công tử có được công việc kiếm sống, để một vị ở nhà mở tiệm cầm đồ, còn một vị ra ngoài làm công việc giao thương.

Các công tử nhà họ Mã đã trải qua trắc trở lần này, cảm nhận được những ấm lạnh chốn nhân gian, từ đó quyết tâm sửa chữa sai lầm trước kia. Sau vài năm dành hết tâm lực cho sự nghiệp kinh doanh, hai anh em đã có trong tay khối gia sản kếch xù. Hai anh em liền bàn nhau sẽ đem trả lại tài sản cho thầy Diệp đủ cả vốn lẫn lời.

Tuy nhiên, Diệp tú tài kiên quyết từ chối, anh nói: “Các trò chớ nên khách khí như vậy. Trước kia ta cũng rất nghèo, may nhờ cha của hai trò ưu ái ta mới có được như ngày hôm nay. Đây là giao tình của ta với phụ thân hai trò. Sau này đến lúc trăm tuổi, gặp lại phụ thân của hai trò ở nơi âm tào địa phủ, hai người chúng ta còn có thể ngậm cười nơi chín suối được”.

Vào dịp lễ Trung Thu năm ấy, Diệp Gia Lương uống rượu thưởng nguyệt, nằm say dưới cửa sổ. Trong lúc mơ màng, anh nhìn thấy Mã phú hào bước đến trước mặt cúi đầu cảm tạ mình và nói:

“Tuy rằng trước kia tiên sinh đã làm những việc không nên làm, nhưng hai đứa con của lão từ nhỏ đã dưỡng thành thói quen sống xa xỉ, dẫu có để lại gia sản cho chúng thì chúng cũng phung phí chẳng còn gì. May mà tiên sinh thay chúng quản lý gia sản ngần ấy năm. Trải qua gian khó lần này, hai đứa con trai của lão mới biết ăn năn hối hận, mới có thể cải tà quy chính, mới có được thành tựu như ngày hôm nay. Ấy là tiên sinh đã cẩn thận giữ gìn tài sản cho Mã gia, lại thành tựu cho hai con trai lão. Ân đức này, lão đã bẩm báo với các vị quan nơi âm phủ, âm phủ cũng đã chuẩn bị tấu thư gửi lên Thượng Đế. Tiên sinh sau này phúc đức còn dài, vậy nên lão đặc biệt đến đây báo tin cho tiên sinh được biết”.

Mã phú hào lại cảm tạ nhiều lần rồi mới rời đi.

Từ đó, Diệp Gia Lương làm gì cũng thuận buồm xuôi gió, kinh doanh luôn được như ý nguyện, hơn nữa số tài sản kiếm được còn lớn gấp nhiều lần so với số tài sản từng lấy của nhà họ Mã trước đây. Bốn đứa con nhà họ Diệp đều chăm chỉ học hành, sau này Diệp gia nổi tiếng là dòng dõi thư hương, là gia đình trâm anh có tiếng trong vùng.

(Theo “Dân gian ý hành”, “Đạo đức tùng thư chi thất”)

Minh Hạnh
Theo Đỗ Nhược - Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Phúc họa vô định, thảy đều dựa vào tâm