Bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm": Tranh cãi vì sự khác biệt các “thước đo”?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của tác giả Tòng Văn Hân được trao giải B tại cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ (không có giải A) đang gây nên nhiều tranh luận, bình phẩm cả trong giới văn nghệ và bạn đọc.

Hôm 9/4, Báo Văn Nghệ trao giải cuộc thi thơ 2019 – 2020. Kết quả cuộc thi không có giải A, chỉ có 2 giải B, 4 giải C và 6 giải khuyến khích. Hai giải B cao nhất được trao cho hai tác giả Tòng Văn Hân (Điện Biên) và Nguyễn Văn Song (Hưng Yên).

Giải B của tác giả Tòng Văn Hân là chùm ba bài thơ: "Mẹ tôi chửi kẻ trộm", "Làm rể""Nhà dưới nhà trên". Trong đó, bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” nhận được nhiều bình phẩm trái chiều.

Nhiều nhà thơ, độc giả chê bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”

Có người cho rằng việc trao giải cho “bài thơ dở nhất nước” của ban tổ chức giải thơ đã “giết chết nền thơ” của nước nhà.

Trên trang cá nhân, nhà thơ Trần Mạnh Hảo cho rằng Ban Giám khảo cuộc thi đã trao giải cho “bài thơ dở nhất nước”. Ông cho rằng, bài “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” thuộc trường phái “tân con cóc” phi thơ, vớ vẩn, dễ dãi, dông dài và lưu manh. Ông không chấp nhận thể loại thơ “hậu hiện đại” xoá nhoà ranh giới thơ và văn xuôi một cách dễ dãi và nhảm nhí như vậy.

Còn nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng ý tưởng “phúc đức tại mẫu” trong bài “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” rất được. Người mẹ có tấm lòng rộng lớn thì người con sẽ gặp nhiều báo đáp may mắn. Tuy nhiên, ông cho rằng tác giả Tòng Văn Hân viết quá vụng về nên phơi bày sự ngây ngô.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói thêm tác giả không có lỗi khi nỗ lực dự thi và đột ngột được giải cao. Đây là trách nhiệm của người cầm cân nảy mực trong Ban chung khảo. Việc động viên tác giả Tòng Văn Hân là cần thiết nhưng không thể khích lệ theo kiểu ban phát giải thưởng một cách chủ quan, dễ dãi. Đó là sự xem thường độc giả và xem thường thi ca.

Ban Tổ chức vẫn khẳng định bài thơ hay nhất cuộc thi

Về phía Ban Tổ chức giải thơ, Ban Giám khảo vẫn bảo vệ quan điểm trao giải cho tác giả Tòng Văn Hân với bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Trưởng Ban Giám khảo chung cuộc của giải thơ cho rằng, bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” là bài thơ hay bởi tinh thần nhân văn, độ lượng của nó.

“Lý thường, khi chửi kẻ trộm, người ta sẽ nguyền rủa kẻ trộm gặp những tai ương, đây “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” lại mong cho kẻ trộm đủ ăn, giàu có, tử tế lên để không phải đi ăn trộm nữa. Tư tưởng đó nhân văn vô cùng, tâm hồn rất cao thượng, độ lượng. Lấy ân báo oán thì oán giảm đi, lấy oán báo oán thì oán chồng chất. Đấy là đạo lý rất hay của dân tộc mình”, nhà thơ Hữu Thỉnh giải thích nguyên nhân khiến ông và các thành viên khác của Ban Giám khảo chấm giải B cho tác phẩm này.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng bài thơ có cách viết mộc, thật thà, đúng là cách nghĩ cách nói của đồng bào dân tộc. Mặc dù vậy, bài thơ không có gì về nghệ thuật, không vần điệu, ngôn ngữ không đặc biệt. “Đó là bài thơ hay! Nhưng không toàn bích, nếu toàn bích nó đã giải nhất rồi”, ông chia sẻ trên báo Dân Trí.

Cuộc thi thơ do báo Văn Nghệ tổ chức thu hút hơn 3.500 tác giả với hàng vạn tác phẩm dự thi, kéo dài hơn dự kiến 6 tháng nhưng không tìm được “trạng nguyên”. Theo Ban Tổ chức, điều này “đã phần nào phản ánh đúng tình hình sáng tác thơ hiện nay”.

Tác giả Tòng Văn Hân là người dân tộc Thái. Ông là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở tỉnh Điện Biên.

Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ Online, tác giả Tòng Văn Hân nói đến những điều làm nên tinh thần của bài thơ: đó là tính nhân văn và tính cộng đồng của người Thái.

Người Thái có quan niệm con người có rất nhiều hồn vía gắn với từng chi tiết trên cơ thể như: chân tay, mắt mũi… Miệng cũng có hồn vía, nên người ta không nói những từ tục tĩu bởi nói tục sẽ làm cho hồn vía miệng của mình bị ô uế.

Nếu chửi kẻ trộm thì hồn vía miệng của người chửi sẽ càng bị ô uế, khiến cho bản thân người chửi làm ăn không nên, hoặc bị đau ốm, nuôi nấng con cái không khoẻ mạnh. Nên dù có mất gà, mất lợn người ta cũng không chửi như “văn hóa chửi” của người Kinh.

Nếu có trộm cắp, người Thái thường giải quyết ổn thoả theo kiểu “đóng cửa bảo nhau”, luôn giữ bí mật cho người trót ăn trộm, để họ không bị xấu hổ trước bản làng. Không chỉ vậy, người ta cũng nhắc nhở người ăn trộm hãy chịu khó làm ăn, đừng bao giờ làm chuyện như thế nữa, vì kể cả người không nhìn thấy thì ông trời sẽ thấy hành động xấu của mình…

Nhà văn Khuất Quang Thuỵ - Tổng biên tập báo Văn Nghệ, Trưởng Ban Tổ chức giải thơ chia sẻ với báo chí rằng, ông ủng hộ và tôn trọng tất cả quyết định của hội đồng chung khảo gồm những nhà thơ, nhà văn uy tín như: nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đức Mậu.

Theo nhà văn Khuất Quang Thuỵ, Ban Tổ chức rất trong sáng, không khuất tất, còn văn chương với những lời khen chê, bình luận trái chiều là chuyện bình thường.

Mẹ tôi chửi kẻ trộm

(Tòng Văn Hân)

Những lần gà nhà tôi bị mất

Mẹ tôi chửi:

Cái đứa trộm gà ơi

Ta cầu mong cho ngươi

Nuôi được gà đầy đàn

Lứa này tiếp lứa khác

Có nhiều gà nhất bản

Có nhiều gà nhất mường!

Những lần lợn con nhà tôi bị mất

Mẹ tôi chửi:

Đứa nào trộm lợn nhà tôi

Thì hãy có nhiều lợn

Đàn tiếp đàn núc ních

Lứa tiếp lứa không ngừng

Bán được nhiều tiền nhé!

Từ thuở bé đến giờ

Hễ nhà mình mất gà mất lợn

Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế

Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả

Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa.

Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường

Nhan sắc không bằng đám bạn

Khéo léo không bằng người ta

Thế mà có hẳn bốn nhà

Muốn được tôi làm con dâu của họ.

Minh Nguyệt (tổng hợp)


Bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm": Tranh cãi vì sự khác biệt các “thước đo”?