Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng: Kê biên tài sản hàng nghìn tỷ đồng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong vụ án buôn lậu hơn 200 triệu lít xăng, nhà chức trách đã thu giữ, kê biên nhiều loại tài sản của các bị can như: hàng trăm tỷ đồng tiền mặt, bất động sản, ô tô, xe bồn, tàu biển…

Trong kết luận điều tra vụ buôn lậu hơn 200 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã chuyển hồ sơ đề nghị VKSND cùng cấp truy tố 74 bị can về các tội buôn lậu, nhận hối lộ.

Theo kết quả điều tra, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty Phan Lê Hoàng Anh), Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty Đại Dương Hải Phòng) và đồng phạm đã vận chuyển 48 chuyến hàng với tổng cộng hơn 200 triệu lít xăng lậu, trị giá hơn 2.800 tỷ đồng. Trong đó, 196 triệu lít xăng đã được tiêu thụ, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.

Nhà chức trách cáo buộc Hữu, Viễn và Phạm Hùng Cường (quê ở Hải Phòng, đang bị truy nã) là 3 người cầm đầu đường dây buôn lậu xăng. Trong đó, ông Hữu là người thu lợi nhiều nhất với 105 tỷ đồng.

Trong quá trình tố tụng, nhà chức trách đã kê biên hàng trăm loại tài sản có tổng trị giá ước tính hàng nghìn tỷ đồng của các bị can, gồm: tiền mặt, bất động sản, ô tô, tàu biển...

Cụ thể, nhà chức trách đã tạm giữ 4 tàu biển Nhật Minh là các phương tiện vận chuyển xăng lậu.

Khám xét nơi ở và công ty do Phan Thanh Hữu làm giám đốc, nhà chức trách tạm giữ 100 tỷ đồng, 123.000 USD, kê biên 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất ở TP. HCM và Sóc Trăng của Hữu và vợ, phong tỏa 5 tài khoản ngân hàng.

Phan Lê Hoàng Anh (con gái của Hữu, người đứng ra giao dịch tiền mua bán xăng) bị kê biên 2 bất động sản ở TP. HCM, 4 thẻ ngân hàng, cùng nhiều điện thoại, xe máy....

Đối với Nguyễn Hữu Tứ (một trong những đầu mối chính tiêu thụ xăng của Hữu – bị cho là thu lợi khoảng 44 tỷ đồng), nhà chức trách tạm giữ hơn một tỷ đồng tiền mặt, 5 sổ tiết kiệm trị giá 50 tỷ đồng, phong toả 20 tài khoản ngân hàng, kê biên 3 tàu biển, 4 ô tô và nhiều bất động sản ở TP. HCM, Đồng Tháp…

Đối với Đào Ngọc Viễn (chuyên cung cấp tàu biển trọng tải lớn vận chuyển xăng lậu), nhà chức trách đã tạm giữ 5 tỷ đồng tiền mặt, kê biên 2 tàu thủy: Pacific Ocean (trọng tải 3.000 tấn) và Western Sea (5.000 tấn), phong tỏa một tài khoản ngân hàng.

Bị can Phạm Hùng Cường bị phong tỏa 6 tài khoản ngân hàng.

Ngoài những bị can trên, nhà chức trách còn thu giữ, kê biên nhiều loại tài sản của các bị can khác gồm: hàng chục bất động sản, xe bồn, tàu biển; phong tỏa tài khoản ngân hàng của nhiều chủ cây xăng tại các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, TP. HCM.

Là nhánh thứ hai tiêu thụ xăng lậu của Hữu (sau Tứ), vợ chồng Trần Thị Thu Vân và Lê Thanh Tú (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vân Trúc) bị kê biên 4 tàu chở xăng cùng 14 thửa đất ở Bình Dương và TP. HCM. Theo kết quả điều tra, vợ chồng Vân và Tú thu lợi bất chính khoảng 20 tỷ đồng.

Bị can Ngô Văn Thụy (cựu Đội trưởng Đội 3 thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) bị đề nghị truy tố tội “nhận hối lộ với số tiền hơn 830 triệu đồng. Trong quá trình tố tụng, nhà chức trách đã thu giữ hơn 100.000 USD, 158 triệu đồng tiền mặt, khúc sừng nghi là sừng tê giác và một khẩu súng ngắn.

Truy nã Phạm Hùng Cường – cầm đầu đường dây buôn lậu xăng

Liên quan đến vụ án, nhà chức trách đã ra quyết định truy nã đối với bị can hiện đang bỏ trốn là Phạm Hùng Cường (56 tuổi, ngụ tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng).

Theo nhà chức trách, hành vi của Cường đã phạm vào tội “Buôn lậu”, theo Khoản 4, Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với vai trò cầm đầu.

Nhà chức trách cho hay, ngoài vai trò liên hệ với đầu mối tại Singapore để mua xăng, Cường cùng các bị can trong vụ án góp vốn với Phan Thanh Hữu để mua xăng lậu từ Singapore, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Sau khi tiêu thụ xăng xong, Hữu tính toán tiền lợi nhuận, tiền cước vận chuyển và thông báo cho Phạm Hùng Cường biết.

Sau đó, Hữu chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền vào các tài khoản của Cường với tổng số tiền 281 tỷ đồng.

Ngoài ra, vào khoảng giữa năm 2020, Cường cùng 3 bị can góp vốn mua 2 con tàu với số tiền 19,3 tỷ đồng, đổi tên thành tàu Khánh Hòa 01, 03; sau đó đưa tàu neo đậu tại cảng Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) để vận chuyển xăng lậu. Sau khi thuê tàu Pacific Ocean của Viễn chở xăng từ Singapore về tới Việt Nam, xăng sẽ được giao qua hai tàu này. Từ đây, xăng được chở đi tiêu thụ tại Khánh Hoà và các tỉnh Nam Trung Bộ.

Trần Duy

Việt Nam Xã hội

Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng: Kê biên tài sản hàng nghìn tỷ đồng