‘Ăn đêm khi đói’ và ‘nhịn đói đi ngủ’: Lựa chọn nào có hại hơn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào năm 2021, tạp chí Nature đã đăng tải một báo cáo từ nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Columbia (Hoa Kỳ), cho thấy rằng nhịn đói vào ban đêm có thể giúp kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, điều này không nhất định đúng với một số kiểu người.

1. Đi ngủ lúc đói có sao không? Nghiên cứu phát hiện nó có thể kéo dài tuổi thọ

Để giảm cân, một số người bỏ bữa tối và đi ngủ trong trạng thái đói, điều này có ảnh hưởng đến cơ thể không?

Vào năm 2021, tạp chí Nature đã đăng tải một báo cáo từ nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Columbia (Hoa Kỳ), cho thấy rằng nhịn đói vào ban đêm có thể giúp kéo dài tuổi thọ.

Nghiên cứu đã chọn ruồi giấm làm đối tượng nghiên cứu và thiết kế 4 mô hình ăn kiêng:

  • Ăn không giới hạn 24 tiếng;
  • Ăn không giới hạn trong 12 tiếng ban ngày;
  • Nhịn ăn 24 tiếng và ăn không giới hạn 24 tiếng;
  • Chế độ iTRF: ăn 4 tiếng, nhịn ăn 20 tiếng, tiếp đó ăn không giới hạn vào ngày hôm sau.

Người ta phát hiện ra rằng với mô hình iTRF, tuổi thọ của ruồi giấm đã kéo dài đáng kể, trong đó tuổi thọ của ruồi giấm cái tăng 18% và tuổi thọ của ruồi giấm đực tăng 13%. Hơn nữa, thời gian nhịn ăn 20 tiếng cũng rất quan trọng - chỉ những con ruồi nhịn ăn vào ban đêm và ăn vào buổi trưa mới có tuổi thọ cao hơn.

Vậy điều đó có nghĩa là những người không ăn đêm, không ăn tối và đi ngủ với cái bụng đói sẽ sống lâu hơn? Không phải vậy!

Cơ thể cần một nguồn năng lượng nhất định để duy trì các hoạt động thường ngày. Việc bỏ bữa liên tục có thể khiến cơ thể bị suy dinh dưỡng, dẫn đến bơ phờ, thể lực kém, suy nhược. Đối với những người mắc bệnh đặc biệt, bỏ bữa tối còn khiến tình trạng trầm trọng hơn.

Nói chung, chỉ có hai kiểu người có thể bỏ bữa tối:

  • Một là ăn nhiều hơn trước bữa tối. Nếu bữa trưa bạn ăn quá nhiều thịt cá, buffet, hoặc ăn nhiều đồ ăn vặt, bánh quy… vào buổi chiều cũng như ít vận động vào buổi tối, bạn có thể cân nhắc bỏ qua bữa tối.
  • Hai là cơ thể đã đến ngưỡng béo phì. Những người cần giảm cân và kiểm soát cân nặng nên thỉnh thoảng bỏ một hoặc hai bữa tối trong giai đoạn ban đầu.

Chuyên gia dinh dưỡng Wang Silu, phó chủ tịch Hiệp hội Nâng cao Sức khỏe và Dinh dưỡng Nội Mông, nhắc nhở rằng nếu thường xuyên bỏ bữa tối, bạn có thể cảm thấy đói vào nửa đêm và gây khó ngủ. Một khi không thể nhịn đói được, bạn rất dễ ăn khuya, không có lợi cho việc kiểm soát calo.

2. Ăn tối trước khi đi ngủ có ảnh hưởng gì đối với cơ thể?

Nếu bạn thường ăn không ngon vào bữa tối, hơn nữa, hấp thụ quá nhiều dầu mỡ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể.

- Gây bệnh đường tiêu hóa

Các tế bào niêm mạc dạ dày được làm mới sau mỗi 2-3 ngày và ban đêm là thời gian tốt nhất để nó sửa chữa.

Ăn nhiều vào buổi tối sẽ tạo gánh nặng cho đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến quá trình sửa chữa niêm mạc dạ dày, có thể gây viêm hang vị.

- Mất cân bằng chuyển hóa dinh dưỡng

Bữa tối thường nhiều chất béo, nhiều protein và nhiều carbohydrate, có thể ảnh hưởng đến tính cân bằng trong việc hấp thụ dinh dưỡng, đẩy nhanh quá trình mất canxi và tiêu hao vitamin B.

- Mạch máu mỏng và giòn hơn

Ban tối ăn quá nhiều, calo không tiêu hao hết sẽ tích trữ trong cơ thể, tăng gánh nặng cho đảo tụy, gây rối loạn nội tiết, từ đó tiềm ẩn nguy cơ xơ cứng động mạch.

- Béo phì

Tỷ lệ trao đổi chất sẽ giảm vào ban đêm, khả năng tiêu hóa calo sẽ yếu đi và lượng calo dư thừa sẽ được chuyển thành chất béo và lưu trữ trong cơ thể, tạo ra mỡ thừa.

Thường xuyên để bụng đói khi đi ngủ không tốt cho sức khỏe, nhưng ăn khuya lại có hại, bạn nên làm gì? Thực ra, ăn khuya không phải là không thể, nhưng cần chú ý 2 điểm:

  • Trước hết, tốt nhất nên ăn trước thời điểm đi ngủ khoảng hai tiếng. Nếu bạn có thói quen đi ngủ lúc 12 giờ đêm (và hay đói vào lúc 11 giờ đêm), thì hãy ăn đồ ăn nhẹ vào lúc 10 giờ đêm. Bằng cách này, thức ăn sẽ được tiêu hóa một cách cơ bản.
  • Thứ hai, đồ ăn nhẹ ít béo, ít calo, dinh dưỡng cao, dễ tiêu hóa, không tạo ra gánh nặng cho dạ dày, nên chọn các loại trái cây, sữa chua, sữa nóng, cháo ngũ cốc, v.v. cho bữa ăn nhẹ vào đêm khuya.

Ngoài ra, bác sĩ trưởng He Qing, phó trưởng nhóm dinh dưỡng của Hiệp hội dinh dưỡng đường ruột và đường tiêu hóa Quảng Đông cho biết, bệnh nhân xơ gan thích hợp ăn tối.

Vì đối với những bệnh nhân như vậy, việc bổ sung bữa ăn vào buổi tối có thể giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng và cung cấp nguyên liệu cho quá trình sửa chữa tế bào gan. Nên ăn các loại thực phẩm giàu carbohydrate, hoặc tăng cường hợp lý các loại thực phẩm như protein và vitamin, điều này càng có lợi cho quá trình hồi phục bệnh.

3. Nhịn ăn mù quáng rất có hại, nên ăn như thế nào?

Hạn chế khẩu phần ăn là tốt, nhưng cứ khăng khăng bỏ bữa một cách mù quáng có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và các hậu quả khác... Bạn nên ăn gì?

- Phương pháp nhịn ăn 5:2

Một tuần có 5 ngày ăn uống bình thường, hai ngày không liên tiếp còn lại là những ngày nhịn ăn, lượng thức ăn giảm xuống còn 25% ~ 30%. Vào những ngày kiêng ăn nhẹ, nên ăn một ít rau xanh, cháo kê, rau củ xay nhuyễn, rau luộc.

- Nhịn ăn gián đoạn trong ngày

Mỗi ngày dành ra 16 tiếng không ăn, 8 tiếng còn lại ăn uống bình thường, chẳng hạn như không ăn từ 6 giờ tối đến 10 giờ sáng hôm sau, ăn uống bình thường trong suốt thời gian còn lại.

Cần lưu ý rằng những nhóm người sau đây không nên hấp tấp áp dụng chế độ nhịn ăn nhẹ, bao gồm: phụ nữ mang thai, bệnh nhân trầm cảm, bệnh nhân ung thư tiến triển, người đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển, người quá gầy và suy dinh dưỡng.

Từ quan điểm sức khỏe, không nên ăn khuya hoặc nhịn ăn một cách mù quáng. Thay vì vướng vào việc ăn hay không, tốt hơn hết bạn nên ăn uống lành mạnh, hợp lý và tuân theo quy luật sinh lý để đảm bảo hoạt động bình thường của nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể.

Theo Song Yun từ Aboluowang
Bảo Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

‘Ăn đêm khi đói’ và ‘nhịn đói đi ngủ’: Lựa chọn nào có hại hơn?