Bắc Kinh ‘bật đèn xanh', người dân Trung Quốc tìm đến Hong Kong để gửi tiền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một hiện tượng thú vị đang phát triển mạnh, dường như được sự hậu thuẫn của chính quyền Trung Quốc. Cùng lúc đó, vai trò là trung tâm tài chính nước ngoài của Hong Kong đang suy yếu.

Do nền kinh tế Trung Quốc suy yếu và giá trị đồng CNY (nhân dân tệ) sụt giảm, người dân Trung Quốc đại lục ngày càng tích cực mở tài khoản ngân hàng ở Hong Kong để tìm kiếm lãi suất tốt hơn và đầu tư vào các sản phẩm tài chính ở khu vực này như một biện pháp phòng ngừa rủi ro.

Sau những hạn chế ngoại hối mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các cá nhân đã tích cực tham gia hoạt động “di chuyển theo kiểu kiến”, bao gồm việc lách qua các kênh chính thức bằng nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm cả trao đổi tiền không chính thức, để chuyển tiền vào Hong Kong. Những người trong cuộc tiết lộ rằng các kênh không chính thức này thường có sự chấp thuận ngầm từ các quan chức cấp cao của ĐCSTQ.

Nhà quản lý ngân hàng kỳ cựu Victor Ng Min-tak khẳng định rằng những dòng tiền chảy vào Hong Kong như thế sẽ không thể xảy ra nếu không có sự tham gia của ĐCSTQ ở một mức độ nào đó, đồng thời tuyên bố rằng các quan chức “bật đèn xanh” một cách có chọn lọc cho các giao dịch này.

Nhà phân tích kinh tế Law Ka-chung dự đoán sẽ xuất hiện những động thái thắt chặt kiểm soát tài chính ở Hong Kong, và vai trò trung tâm tài chính nước ngoài của Hong Kong sẽ suy yếu.

Khách hàng đại lục tìm đến thị trường tài chính Hong Kong

Đầu tháng 9, các phóng viên của The Epoch Times đã ghi nhận một lượng lớn du khách đại lục bên ngoài chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc ở Chungking Mansions, trên đường Nathan, Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui). Ngay cả trước khi ngân hàng mở cửa, mọi người đã xếp hàng, với các nhà môi giới bảo hiểm thay mặt khách hàng của họ xếp hàng.

Bắc Kinh ‘bật đèn xanh', người dân Trung Quốc tìm đến Hong Kong để gửi tiền
Người dân xếp hàng chờ mở tài khoản ngân hàng ở Hong Kong. (Ảnh: Kiri Choi/The Epoch Times)

Bà Zhu, một người đến sớm từ Tây An, giải thích rằng bà đến Hong Kong đặc biệt để mở một tài khoản với hy vọng gửi vào ngân hàng 100.000 HKD (đô la Hồng Kông) để được hưởng lãi suất cao hơn. Bà chọn chi nhánh đặc biệt này do chính sách ai đến trước được phục vụ trước. Bà lưu ý: “Có khoảng 40 người xếp hàng ở đây mỗi ngày”.

Bà Zhu công khai tuyên bố rằng do lãi suất ảm đạm ở các ngân hàng đại lục và sự mất giá của đồng CNY, bà đang tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư tài chính của mình. Các quy định hiện hành giới hạn mỗi công dân Trung Quốc được phép có hạn ngạch ngoại hối 50.000 USD mỗi năm và 20.000 CNY tiền mặt để đi lại. Bà nói: “Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, đã đến lúc phải thực hiện các biện pháp chủ động”.

Ông Kwok, một du khách thường xuyên đến Hong Kong, cũng xếp hàng cùng gia đình và nói rằng các chính sách bảo hiểm hiện tại của ông ở Hong Kong đã tạo điều kiện thuận lợi cho ông khi mở tài khoản ngân hàng ở đó. “Do nền kinh tế bất ổn, tôi đang tạm dừng các khoản đầu tư khác và gửi tiền của mình vào một ngân hàng Hong Kong”, ông nói.

Một nhà môi giới bảo hiểm địa phương chia sẻ rằng do môi trường đầu tư đầy thách thức ở Trung Quốc đại lục, lượng khách hàng đại lục mua bảo hiểm và các sản phẩm tài chính khác ở Hong Kong đã tăng vọt. Hoạt động kinh doanh của công ty bà không chỉ phục hồi sau đại dịch mà còn vượt qua mức trước đại dịch.

Bắc Kinh đang ‘bật đèn xanh'

Phát biểu trên chương trình “Những cuộc đối thoại quý giá”, nhà phân tích kinh tế Law Ka-chung nói rằng ĐCSTQ đang thận trọng cho phép người dân đại lục mở tài khoản ở Hong Kong thông qua các ngân hàng nhà nước. Ông lưu ý: “Hong Kong thuộc chủ quyền của Trung Quốc và dòng vốn được kiểm soát có thể được quản lý theo góc nhìn của ĐCSTQ”.

Ông Law suy đoán rằng ĐCSTQ sẽ không cho phép dòng vốn ồ ạt chảy sang Hong Kong. “Nhiều người mở tài khoản là nhà đầu tư cá nhân; khối lượng không đủ đáng kể để gây lo ngại”, ông nói. Ông nói thêm rằng các khoản nhỏ tiền gửi vào tài khoản lãi suất cao hoặc đầu tư vào các sản phẩm tài chính địa phương có thể gián tiếp củng cố thị trường CNY ở Hong Kong.

Bắc Kinh ‘bật đèn xanh', người dân Trung Quốc tìm đến Hong Kong để gửi tiền
Nhà phân tích kinh tế Law Ka-chung (Ảnh: Jiayi/The Epoch Times)

Trong khi chính phủ Trung Quốc có vẻ nương tay trong việc cho phép mở tài khoản cá nhân, ông Law lại cảnh báo rằng tài khoản doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn.

Nhà quản lý ngân hàng kỳ cựu Victor Ng Ming Tak, cũng xuất hiện trên chương trình “Những cuộc đối thoại quý giá”, tuyên bố rằng công dân đại lục xếp hàng để mở tài khoản ở Hong Kong chỉ đơn thuần là hành động vì lợi ích cá nhân của họ. Họ đang dựa vào khuôn khổ “Một quốc gia, hai chế độ” của ĐCSTQ và tìm cách di chuyển càng nhiều vốn càng tốt khi cơ hội vẫn còn mở.

Ông Ng nhận xét: “Sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với Hong Kong chưa đầy đủ và có thể mất thêm 3-5 năm nữa để thắt chặt, mang lại thời gian ân hạn để người dân đa dạng hóa tài sản của mình”.

Ông Ng nói thêm rằng ĐCSTQ hiện dường như đang “bật đèn xanh” trong khi hoạt động này vốn bị hạn chế. Ông kết luận: “Tuy nhiên, nếu hoàn cảnh thay đổi, ĐCSTQ có thể dễ dàng giảm số lần mở tài khoản hàng ngày xuống còn 150 và yêu cầu việc giải thích, cung cấp thêm một nguồn thu nhập khác cho các quan chức”.

Các kênh chuyển tiền ngầm được quan chức hậu thuẫn

Ông Leung (hoá danh), một cư dân nước ngoài có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính ở Hong Kong, đã xác nhận việc người đại lục sử dụng phổ biến các sàn giao dịch ngầm để chuyển tiền. Ông trích dẫn các trường hợp trong đó các kênh này được sử dụng để lách giới hạn ngoại hối 50.000 USD hàng năm của Trung Quốc nhằm gửi học phí cho trẻ em ra nước ngoài hoặc đầu tư ra nước ngoài.

Một trường hợp liên quan đến một người bạn đã thanh lý tài sản trị giá 11 triệu CNY. Bằng cách sử dụng một sàn giao dịch ngầm, số tiền đầu tiên được gửi đến một tài khoản ở Hong Kong đã được thiết lập trước và sau đó được chuyển đến quốc gia nơi các con ông đang theo học.

Một người bạn khác thuê một nhà môi giới bảo hiểm có mối quan hệ với cả Hong Kong và Trung Quốc đại lục. Mua bảo hiểm như một công cụ chuyển giao tài sản, những người môi giới này đôi khi cộng tác với các sàn giao dịch tiền ngầm để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở tài khoản và chuyển đổi tiền tệ.

Ông Leung nhấn mạnh rằng những hoạt động này cần được sự giới thiệu và thường được thực hiện bởi những cá nhân đáng tin cậy – một số thậm chí còn được cho là được các quan chức cấp cao của ĐCSTQ hậu thuẫn. Các giao dịch có thể thay đổi khác nhau tùy thuộc vào môi trường pháp lý, với việc tăng phí và giảm giao dịch được thực hiện khi việc tuân thủ được thắt chặt.

Ông Ng nhấn mạnh rằng sự tham gia của các quan chức ĐCSTQ vào các hoạt động tài chính bí mật này gần như là điều hiển nhiên. “Các hoạt động phức tạp hơn nhiều so với vẻ ngoài của chúng. Chúng được cơ cấu để tạo điều kiện cho các quan chức ở các cấp hành chính khác nhau”, ông nói.

Nhà phân tích kinh tế Law Ka-chung lưu ý rằng mặc dù các giao dịch như vậy ngày càng bị giám sát chặt chẽ và tốn kém hơn nhưng chúng không phải là không thể thực hiện được. Ông đề cập rằng các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã bắt đầu chuyển tài sản sang Hong Kong từ đầu năm 2013, với hoạt động cao điểm là từ năm 2015 đến năm 2017.

Tuy nhiên, ông Law tin rằng môi trường pháp lý hiện hành khiến việc chuyển những khoản tiền lớn liên quan đến tham nhũng nghiêm trọng là không thể.

‘Tài sản thường được chuyển sang nước thứ ba càng sớm càng tốt’

Ông Leung, người quen thuộc với những cư dân đại lục mong muốn chuyển tài sản ra nước ngoài, cho biết hầu hết đều tìm cách tích trữ USD và mua hợp đồng bảo hiểm ở Hong Kong. Những cá nhân này thường cho rằng chất lượng không khí kém, an toàn thực phẩm và môi trường kinh tế và chính trị không thuận lợi là động cơ để di dời tài sản hoặc khiến chính họ muốn rời đi.

Ông Leung nhận xét: “Đại dịch và các chính sách trong nước nghiêm ngặt chỉ khiến nhiều người phải cân nhắc việc rời khỏi Trung Quốc một cách cấp bách hơn”.

Ông nhấn mạnh những quy định phức tạp và đầy thách thức mà người đại lục phải đối mặt trong việc chuyển nhượng tài sản. Mặc dù các chính sách của Trung Quốc về mặt kỹ thuật cho phép chuyển khoản một lần, nhưng hầu hết quá trình xác minh trên thực tế là không thể thực hiện được.

“Ví dụ, ngay cả việc chứng minh quyền sở hữu tiền trong tài khoản ngân hàng cũng có thể là một nhiệm vụ khó khăn, vì nhiều ngân hàng hiện đang hạn chế giới hạn chuyển tiền ở mức 50.000 USD hàng năm. Người dân thất vọng vì họ không thể tự do sử dụng số tiền mình kiếm được”, ông Leung nói.

Bất chấp sức hấp dẫn của Hong Kong như một trung tâm trung chuyển tài chính, ông Leung cảnh báo rằng thuộc địa cũ của Anh không còn mang lại sự an toàn như trước đây. Ông khuyên: “Tài sản thường được chuyển sang nước thứ ba càng sớm càng tốt”. Trong khi việc chuyển tiền thông qua các sàn giao dịch tiền ngầm gia tăng tính thanh khoản, thì việc chuyển tiền dựa trên bảo hiểm lại yêu cầu thời gian chuẩn bị lâu hơn trước khi các khoản vay có thể được thực hiện dựa trên chúng.

Ông Leung cũng cảnh báo về việc bị gắn nhãn cảnh báo có thể dẫn đến việc đóng tài khoản. “Nếu bạn chuyển tiền ra ngay khi chúng vào tài khoản Hong Kong của bạn, điều đó có thể gây nghi ngờ. Việc duy trì số dư danh nghĩa và một hồ sơ trong sạch là điều nên làm”, ông nói thêm.

Ông cũng lưu ý về sự thận trọng ngày càng tăng trên toàn cầu đối với người đại lục đang tìm cách mở tài khoản ở nước ngoài. Ông Leung kết luận: “Trước những khó khăn ngày càng gia tăng ở châu Âu và châu Mỹ, việc mở tài khoản ở Hong Kong có thể vẫn là lựa chọn khả thi nhất”.

Trung tâm trung chuyển tài chính: Hiện tại và tương lai

Ông Ng, nhà quản lý ngân hàng kỳ cựu, làm sáng tỏ lý do tại sao người đại lục e ngại về việc chuyển tài sản sang Hong Kong, đặc biệt là sau khi Luật An ninh Quốc gia được ban hành. Ông lưu ý: “Trước khi có luật, Hong Kong được coi là kênh an toàn để chuyển tiền quốc tế”.

Bắc Kinh ‘bật đèn xanh', người dân Trung Quốc tìm đến Hong Kong để gửi tiền
Nhà quản lý ngân hàng kỳ cựu Victor Ng Ming Tak (Ảnh: TM Chan/The Epoch Times)

Giải thích về động lực của việc sử dụng Hong Kong làm trung tâm chuyển tiếp, ông Ng nói rằng để chuyển tiền sang các quốc gia khác để đầu tư bất động sản hoặc vì lý do khác, người ta phải vượt qua các quy trình đánh giá Hiểu biết về khách hàng (KYC) nghiêm ngặt, thứ là bắt buộc theo quy định chống rửa tiền.

“Những đánh giá này xem xét kỹ lưỡng nguồn tiền và bất kỳ sự bất thường nào đều có thể dẫn đến một cuộc điều tra. Đây là lý do tại sao một số người chọn cách ‘làm sạch’ tiền trước tiên bằng cách mua các sản phẩm tài chính ở Hong Kong”, ông giải thích thêm.

Ông Ng cũng thảo luận về chiến thuật để chuyển số tiền lớn. Đối với số tiền hàng triệu hoặc hàng chục triệu, kỹ thuật “di chuyển theo kiểu kiến” được sử dụng, trong đó tiền được chuyển đến Hong Kong theo nhiều đợt khác nhau. Đối với số tiền lớn hơn nữa, các kênh thương mại, như thành lập công ty thương mại, sẽ được sử dụng.

Ông chỉ ra: “Mặc dù công dân Hong Kong có thể mở tài khoản cá nhân một cách dễ dàng, nhưng tài khoản doanh nghiệp lại được kiểm tra chặt chẽ hơn do lo ngại về việc tạo điều kiện cho các hoạt động bất hợp pháp, đặc biệt là ở các quốc gia như Nga và Triều Tiên”.

Ông Ng nhấn mạnh rằng mặc dù có 300-400 nghìn người rời khỏi Hong Kong nhưng lãnh thổ này vẫn chứng kiến dòng vốn 300-400 tỷ CNY đổ vào. Ông cho rằng điều này là do các quốc gia như Nga và Triều Tiên tham gia trao đổi tiền tệ và người đại lục chuyển đổi đồng CNY của họ sang HKD và sau đó sang USD.

Về những hạn chế trong tương lai, nhà phân tích kinh tế, ông Law, dự đoán về việc thắt chặt kiểm soát tài chính ở Hong Kong. Ông nói: “Mối quan tâm hiện tại của chính phủ Hong Kong trong việc phát triển tiền kỹ thuật số là dấu hiệu cho thấy xu hướng này”.

Ông Law cho biết thêm rằng mặc dù các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân vẫn chưa gặp phải rào cản đáng kể, nhưng ông biết các trường hợp cấp công ty đang bị rà soát chặt chẽ đối với các giao dịch chuyển tiền thậm chí có giá trị khiêm tốn là năm con số. “Vai trò trung tâm tài chính ‘nước ngoài’ của Hong Kong đang suy giảm. Trong tương lai, việc chuyển tiền ra khỏi lãnh thổ có thể ngày càng khó khăn hơn”, ông cảnh báo.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh ‘bật đèn xanh', người dân Trung Quốc tìm đến Hong Kong để gửi tiền