Bị dư luận phản ứng, Eximbank bất ngờ điều chỉnh chính sách thu phí và cách tính lãi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau vụ nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu thành 8,8 tỷ đồng gây bão dư luận, Eximbank vừa có thay đổi trong chính sách thu phí đối với các tài khoản thẻ không sử dụng lâu ngày.

Ngày 20/3, Eximbank vừa có thông báo mới triển khai xuống hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch liên quan đến các khoản phí dịch vụ.

Cụ thể, đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng lâu không sử dụng, không phát sinh giao dịch và có số dư về 0 đồng, ngân hàng sẽ không ghi nợ phí SMS Banking, phí quản lý tài khoản.

Đồng thời, với những khách hàng muốn đóng tài khoản, cũng không phải thanh toán các khoản phí đã được ghi nợ trong thời gian qua mà sẽ được chi nhánh, phòng giao dịch chủ động xem xét xử lý, miễn phí.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Eximbank là ngân hàng đầu tiên thông báo thay đổi chính sách thu phí dịch vụ đối với tài khoản 0 đồng, tạm ngừng sử dụng trong thời gian dài. Hiện một số ngân hàng khác vẫn tiếp tục thu phí này.

Ngân hàng nhà nước yêu cầu Eximbank cử người trực tiếp trả lời báo chí

Thông cáo của Eximbank phát đi sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nêu ra những yêu cầu cụ thể cho Eximbank.

Cụ thể, trong văn bản, Ngân hàng Nhà nước cho biết ngay sau khi khách hàng P.H.A chia sẻ câu chuyện món nợ từ 8,5 triệu lên thành hơn 8,8 tỷ đồng sau 11 năm đã có hàng trăm tin, bài báo với mức độ lan truyền cao.

"Nhiều ý kiến bình luận đa chiều, gay gắt về vụ việc liên quan đến cách tính lãi của Eximbank; kêu gọi tẩy chay, không tiếp tục sử dụng các sản phẩm dịch vụ của Eximbank và thẻ tín dụng của các ngân hàng khác", văn bản Ngân hàng Nhà nước nêu.

"Để giải quyết kịp thời vấn đề dư luận quan tâm, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Eximbank phải bố trí lãnh đạo Eximbank trực tiếp trả lời hoặc thông tin với các cơ quan báo chí và dư luận xã hội về trách nhiệm, quyền hạn và phương hướng xử lý vụ việc với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của người dân.

Khẩn trương xác minh vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của khách hàng và ngân hàng", văn bản Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 13 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của về lãi suất cho vay: "Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau: a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả; c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn".

Căn cứ mức tính lãi suất nợ quá hạn trên, ngân hàng chỉ được phép tính lãi suất không vượt quá 150% mức lãi suất lúc hợp đồng thẻ tín dụng chuyển nợ quá hạn. Ví dụ, tính tròn trong 10 năm, mức lãi suất đối với hợp đồng thẻ tín dụng thời điểm năm 2013 của ngân hàng là 30%/năm thì lãi suất nợ quá hạn tối đa là 45%/năm (thực tế mức lãi suất thẻ tín dụng vào thời điểm năm 2013 của các ngân hàng thương mại thấp hơn hiện nay). Như vậy, ngoài khoản nợ gốc hơn 8,5 triệu đồng, mỗi năm lãi suất nợ quá hạn mà khách hàng phải trả là gần 3,85 triệu đồng; nếu nhân cho 10 năm thì lãi suất nợ quá hạn chỉ gần 38,5 triệu đồng. Như vậy, cả nợ gốc và lãi quá hạn được tính với mức cao nhất (45%) thì khoản nợ sau 10 năm cũng chỉ hơn 47 triệu đồng.

Theo quy định trên, các chuyên gia tài chính - ngân hàng chỉ ra nhiều điểm sai "tai hại" khiến Eximbank mất nhiều hơn được.

Trước đó, hàng loạt chủ thẻ, trong đó có chủ thẻ của Eximbank, đã phản ứng mạnh khi những tài khoản đã lâu khách hàng không sử dụng vẫn bị ngân hàng âm thầm trừ phí.

Đáng nói là không chỉ trừ hết số tiền khách hàng có trong tài khoản mà ngân hàng còn trừ âm phí.

Như trường hợp khách hàng H.T (Q.3, TP.HCM) trước đó mở tài khoản thanh toán tại Eximbank nhưng đã lâu không tiêu dùng. Trong tài khoản còn 500 nghìn đồng. Nhưng mới đây, người này đến ngân hàng mở tài khoản theo số điện thoại thì phát hiện tài khoản cũ âm 800 nghìn đồng.

Một trường hợp khác, anh P.Kiên (Hà Nội) ngày hôm qua cũng đã đến 2 ngân hàng quốc doanh để thực hiện hủy thẻ vì "lâu không dùng". Tuy nhiên, để hoàn thành các giao dịch hủy thẻ này, anh Kiên đã phải đóng phí 570 nghìn đồng nợ treo từ phí quản lý tài khoản, phí SMS,…

Tương tự, chị N.T.Hoa sau khi kiểm tra tình trạng 6 tài khoản thẻ đã lâu không sử dụng, chị Hoa "ngỡ ngàng" với khoản nợ ngân hàng hơn 2 triệu đồng.

Một người dùng thẻ khác cũng cho hay, tự dưng có khoản nợ tại ngân hàng. Theo vị khách hàng này, vấn đề nằm ở chỗ, ngân hàng "âm thầm" thu phí và không hề nhận được bất kỳ cuộc gọi hay tin nhắn nào thông báo về việc thu phí dù không sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Người này đề nghị, ngân hàng cần phải gửi thông báo bằng thư hoặc gọi điện xác minh những tài khoản không có giao dịch, thay vì im lặng để tính phí.

Thống kê gần đây nhất của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, Việt Nam có tổng số khoảng hơn 145 triệu thẻ vật lý đang lưu hành, gồm 113,07 triệu thẻ nội địa và 32,81 thẻ quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế là không ít người dù mở thẻ, thậm chí là mở nhiều thẻ nhưng lại không sử dụng. Đặc biệt, sau vụ nợ thẻ tín dụng Eximbank, "làn sóng" hủy thẻ, đóng tài khoản trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm.


Bị dư luận phản ứng, Eximbank bất ngờ điều chỉnh chính sách thu phí và cách tính lãi