Bình luận: Những sự ngược đời trong vụ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ kiện Amazon

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cảm xúc của Chủ tịch FTC đã thế chỗ cho sự phán xét lý tính. Đối với bồi thẩm đoàn, những lập luận chống lại Amazon của bà Chủ tịch gần như là một lời khen ngợi dành cho công ty này.

Mời quý độc giả đọc phần 1: Bình luận: Mổ xẻ vụ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ kiện Amazon.

Bài bình luận

Để giảm lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất vào năm 2022. Việc tăng lãi suất đó nhằm mục đích làm giảm thu nhập ròng của chủ sở hữu nhà máy và bất động sản, cũng như khả năng tiêu tiền của họ. Do đó, nó là một loại thuế. Bằng cách lấy tiền ra khỏi hoạt động tạo ra của cải vào thời điểm nhu cầu đang tăng lên, thuế sẽ có tác động ngược lại: Nó gây ra lạm phát.

Đối mặt với một hiện tượng tự nhiên - giá cả tăng trên toàn thế giới do nguồn cung trên toàn thế giới giảm (từ việc đóng cửa các nhà máy trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19) - Fed khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn bằng cách tăng gấp đôi lãi suất. Việc giảm nguồn cung tiền của một quốc gia sẽ làm giảm lạm phát, nhưng việc giảm nguồn cung hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia, thứ đi cùng với việc lãi suất tăng gấp đôi, sẽ khiến giá cả thực tế tăng lên.

Thêm vào đó, việc chính phủ trao cho người dân 2,5 nghìn tỷ USD trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 (mà không yêu cầu hoàn trả) chắc chắn gây ra lạm phát. Định nghĩa của lạm phát: in tiền để bổ sung vào nguồn cung tiền. Là công dân của một nền dân chủ bảo vệ tự do kinh tế, tại sao người Mỹ lại cho phép chính phủ của họ can thiệp vào nền kinh tế?

‘Lần này mọi chuyện là khác'

Những người cấp tiến sợ dân chủ; nghĩa là khi công dân đưa ra những quyết định nào đó. Những người cấp tiến lo sợ một nền kinh tế không được kiểm soát, đó là lý do tại sao Amazon phải bị chia nhỏ; ngôn luận không được kiểm soát, đó là lý do tại sao những phát ngôn bị tẩy chay tại các trường đại học Mỹ; và bỏ phiếu không được kiểm soát, đó là lý do tại sao các khu vực bỏ phiếu bị thao túng để đưa ra kết quả cụ thể nào đó.

Đó là lý do tại sao bà Lina Khan [Chủ tịch FTC - Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ], một người cấp tiến, đang tấn công Amazon. Bà tin rằng không có gì có thể học được từ lịch sử—rằng lý thuyết kinh tế trường tồn, tỷ suất lợi nhuận, các thị trường hiệu quả (luật tiền tệ mà người dân Babylon đã hiểu vào năm 1.000 trước Công nguyên) không áp dụng cho nền tảng mua sắm bán lẻ trực tuyến hiện tại của Amazon. Bà Khan tin rằng Ủy ban Thương mại Liên bang phải vào cuộc trước khi Amazon chiếm lĩnh thị trường của mình.

Bà Khan tin rằng “lần này mọi chuyện là khác”. Đối với bà Khan, đó là lý do tại sao lý thuyết kinh tế từ “trường phái Chicago” không áp dụng được, rằng Amazon, với 40% thị trường, phải bị ngăn chặn trong việc chiếm lĩnh 100% và phá hủy thị trường của chính nó.

Làm sao bà Khan có thể kiện Amazon vì vấn đề độc quyền khi không hề có sự tổn hại gì đối với giá tiêu dùng hoặc chất lượng sản phẩm, sự đa dạng, dịch vụ và sự đổi mới cũng như khả năng tiếp cận thị trường? Amazon nhận được lợi ích từ các đối thủ cạnh tranh sử dụng nền tảng của mình, nhưng đó không phải là vấn đề độc quyền. Những đối thủ cạnh tranh có thể sử dụng nền tảng khác. Bà Khan nói rằng không có nền tảng nào khác. Ông Bezos cho rằng ngoài Target và Walmart ngày nay, trong 20 năm nữa, sẽ có rất nhiều nền tảng khác.

Bình luận: Những sự ngược đời trong vụ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ kiện Amazon
Một chiếc xe tải thùng có logo Amazon Prime chạy qua một khu phố ở Torrance, California, Mỹ, vào ngày 12/9/2023. (Ảnh: PATRICK T. FALLON/AFP qua Getty Images)

Làm sao bà Khan có thể kiện Amazon về việc liên kết [mua bán và sáp nhập] theo chiều dọc khi đó là những gì các công ty vẫn làm? Nếu ông Henry Ford vẫn còn sống, Ford Motors sẽ không giống như hầu hết các nhà máy, không có nguồn cung khi họ mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19. Ông Ford sở hữu các nhà máy cung cấp phụ tùng cho ông. Và ông ấy sở hữu lao động. Là một kẻ phân biệt chủng tộc cực đoan, ông Ford cố tình thuê công nhân da đen, sau đó trả cho họ mức lương gấp ba lần thị trường. Tại sao? Bởi vì ông biết công nhân của mình sẽ rất biết ơn và họ sẽ không bao giờ đình công, không bao giờ ngừng sản xuất.

McDonald’s là một ví dụ khác về liên kết [mua bán và sáp nhập] theo chiều dọc. Nó sở hữu các trang trại cung cấp nguyên liệu, nhượng quyền kinh doanh các địa điểm để tránh xung đột lao động và sở hữu bất động sản của các địa điểm.

Mục đích của Đạo luật Ủy ban Thương mại Liên bang (2014) là đảm bảo một thị trường mở và thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ. Đây chính là ý nghĩa của FTC và luật chống độc quyền: kiểm soát thị trường, sử dụng quy trình chính trị (hoạt động chính trị) để kiểm soát nền kinh tế. Đó là lý do bà Lina Khan làm việc cho FTC: Bà ấy muốn kiểm soát.

Nhưng việc kiểm soát các điều kiện cạnh tranh không phải là điều mà trường phái kinh tế Chicago, các ông Friedman, Hayek, Coase nghĩ đến. Những nhà kinh tế học đó nghĩ về kết quả chứ không phải quá trình. Không phải phúc lợi mơ hồ cho người tiêu dùng mà là giá cả cụ thể.

Việc kiểm soát thị trường, cấu trúc, quy trình của thị trường, không phải là việc của bất kỳ ai. Là một hiện tượng thị trường vĩ đại, mạng mua sắm trực tuyến Amazon của ông Bezos giống như một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời: một thứ vượt quá tầm hiểu biết của ngay cả người tạo ra nó. Bởi vì bà Lina Khan không thể tưởng tượng được điều gì sẽ thay thế Amazon - trí tuệ nhân tạo, công nghệ in laser 3-D - bà nghĩ mình phải chia nhỏ Amazon.

Bà viết trên The Yale Journal vào năm 2017: “Amazon đã thiết lập sự thống trị như một nền tảng trực tuyến nhờ hai yếu tố trong chiến lược kinh doanh của mình: sẵn sàng chịu lỗ và đầu tư mạnh mẽ trong khi chịu thiệt hại về lợi nhuận và thực hiện liên kết [mua bán và sáp nhập] trên nhiều hoạt động kinh doanh. Những khía cạnh này trong chiến lược của nó có ý nghĩa đáng kể một cách độc lập và có mối liên kết chặt chẽ với nhau - thực ra, một cách mà nó có thể mở rộng sang nhiều lĩnh vực là thông qua từ bỏ lợi nhuận. Chiến lược này – theo đuổi thị phần bằng cách hy sinh lợi nhuận ngắn hạn – thách thức giả định của trường phái Chicago về các chủ thể trên thị trường lý tính tìm kiếm lợi nhuận”.

Amazon chắc chắn không thách thức giả định của trường phái Chicago về các chủ thể thị trường lý tính tìm kiếm lợi nhuận. Amazon không phát minh ra kế hoạch kinh doanh dài hạn.

Cả ông Henry Ford, người đã dành từng xu mà bản thân sở hữu trong nhiều năm, để trả tiền cho những kỹ sư giỏi nhất của đất nước nhằm khám phá ra cách chế tạo động cơ với các pít-tông ở một bên cũng không phải là người phát minh ra kế hoạch kinh doanh dài hạn. Các kỹ sư cho biết công nghệ đó là không thể. Ông Ford nói: “Tôi đang trả tiền cho bạn; Tôi đang đưa cho bạn tất cả tiền của tôi; tiếp tục làm việc; Tôi không quan tâm phải mất bao lâu”. Cuối cùng, khi các kỹ sư tìm ra cách và kết hợp điều đó với một phát minh vĩ đại khác của Ford, dây chuyền lắp ráp chuyển động, Ford đã bắt đầu có được sự độc quyền. Nếu bà Khan sống vào thời kỳ đó, bà ấy hẳn sẽ ngăn chặn con đường đi của Ford Motors.

Bà Khan viết trên The Yale Journal: “Đáng chú ý giống như việc Amazon không quan tâm đến việc tạo ra lợi nhuận là việc các nhà đầu tư sẵn sàng ủng hộ công ty”.

Bà Khan có tin rằng các nhà đầu tư Mỹ ngu ngốc không? Bà ấy còn là sinh viên khi viết cho The Yale Journal còn hiện bà ấy là một quan chức chính phủ. Bà ấy có tin rằng mình thông minh hơn những nhà công nghiệp sáng tạo mà bà ấy đang cố gắng kiểm soát không?

Bà Khan trích dẫn bức thư đầu tiên của ông Bezos gửi các cổ đông: “Chúng tôi tin rằng thước đo cơ bản cho sự thành công của chúng tôi sẽ là giá trị cổ đông mà chúng tôi tạo ra trong dài hạn. … Chúng tôi đã đầu tư và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để mở rộng và tận dụng tối đa cơ sở khách hàng, thương hiệu và cơ sở hạ tầng của mình khi chúng tôi tiến tới thiết lập một nhượng quyền thương mại lâu dài”.

Đối với bà Khan, lá thư đó là phát súng cảnh báo: “Kẻ thù! Chuẩn bị tấn công!” Liệu bà Khan có ý định tấn công bất cứ công ty nào viết bức thư như vậy không?

Còn ông Andrew Carnegie thì sao? Cái nhìn sâu sắc về kinh doanh của ông là “không bao giờ ngừng sản xuất”. Đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế suy thoái, vì đó là lúc bạn giành được thị phần, khi đối thủ cạnh tranh của bạn không thể giữ vững. Điều tốt là ông Carnegie đã không viết thư cho các cổ đông của mình, bởi vì một số người “có ý định tốt" có thể đã ngăn cản ông mua lại hầu hết các nhà máy thép của quốc gia. Sự giàu có của ông Carnegie không đến từ việc bán giá rẻ hơn đối thủ cạnh tranh hay từ việc cản trở công đoàn.

Bà Lina Khan sẽ thua kiện vì những lập luận của chính mình. Đối với bồi thẩm đoàn, chúng gần như là một lời khen ngợi dành cho Amazon.

Bà viết: “Cách Amazon tận dụng sự thống trị của mình với tư cách là một nhà bán lẻ trực tuyến để liên kết theo chiều dọc đối với hoạt động giao hàng mang tính chỉ dẫn về một số mặt. Đầu tiên, đây là một ví dụ điển hình về cách công ty có thể sử dụng sự thống trị của mình trong một lĩnh vực để tạo lợi thế cho một ngành kinh doanh riêng biệt. Chắc chắn rằng, động thái này về bản chất không phải là phản cạnh tranh. Tuy nhiên, điều khiến người ta lo ngại trong trường hợp của Amazon là Amazon đạt được những lợi thế liên ngành này một phần nhờ vào khả năng thương lượng của mình. Bởi vì Amazon có thể yêu cầu FedEx và UPS giảm giá mạnh nên những người bán khác phải đối mặt với việc tăng giá từ các công ty này - điều này khiến Amazon có khả năng thu hút họ làm khách hàng cho hoạt động kinh doanh mới của mình. Bằng cách bỏ qua các yếu tố cấu trúc như khả năng thương lượng, học thuyết chống độc quyền hiện đại không đối phó được mối đe dọa này đối với các thị trường cạnh tranh”.

Làm thế nào mà điều này lại không phải là hoạt động kinh doanh bình thường?

Bình luận: Những sự ngược đời trong vụ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ kiện Amazon
Một cửa hàng bán lẻ Amazon Go được nhìn thấy tại trụ sở chính của Amazon.com Inc. vào ngày 14/11/2022 tại Seattle, Washington, Mỹ. (Ảnh: David Ryder/Getty Images)

Nếu bà Khan thắng kiện

Điều gì sẽ xảy ra nếu bà Khan thắng kiện? Bộ Tư pháp (DOJ) sẽ tìm đâu ra hàng triệu nhân sự để đầu tiên tiêu diệt, sau đó xây dựng lại Amazon? Thêm vào đó, tại sao bà Khan lại muốn phá dỡ điều vốn là lý tưởng của phe cánh tả: tập trung hóa các hoạt động của một quốc gia - liên kết theo chiều ngang và chiều dọc?

Nếu bà Khan thắng kiện, bà sẽ cần một nhóm các nhà kinh tế học đạt giải Nobel (tất cả đều ủng hộ thị trường tự do) để viết lý thuyết mới nhằm thay thế những gì mà Tòa án Tối cao hiện tại và trong quá khứ đã chấp nhận: giả thiết thị trường hiệu quả, rằng giá thị trường phản ánh tất cả thông tin sẵn có. Bà Khan, bà đang lãng phí thời gian của tòa án.

Tệ hơn nữa, động cơ của bà không phù hợp với các giá trị Mỹ.

Bà Khan viết: “Điều quan trọng là quyết định xem chúng ta muốn quản lý thị trường nền tảng trực tuyến thông qua cạnh tranh hay muốn chấp nhận rằng chúng vốn có tính độc quyền hoặc thiểu quyền và thay vào đó điều chỉnh chúng”. “Nếu chúng ta áp dụng cách tiếp cận đầu tiên, chúng ta nên cải cách luật chống độc quyền để ngăn chặn sự thống trị này xuất hiện hoặc để hạn chế phạm vi của nó. Nếu chúng ta áp dụng cách tiếp cận thứ hai, chúng ta nên áp dụng các quy định để tận dụng các lợi thế kinh tế theo quy mô này đồng thời vô hiệu hóa khả năng lợi dụng sự thống trị của công ty”.

Vô hiệu hóa [từ gốc là neuter, còn có nghĩa là chỉ những danh từ không ám chỉ nam hay nữ] kẻ thù, một công ty Mỹ? Nghe có vẻ nữ quyền.

Nếu bà Khan thắng thì sao? Liệu bà ấy có kỳ vọng sẽ không có hậu quả gì không, rằng Phố Wall sẽ nằm im, rằng Amazon sẽ không phản đối mọi động thái của DOJ? Hay những người dân Mỹ, buộc phải sống qua thời kỳ hỗn loạn, sẽ không có phản ứng gì vì họ sẽ cổ vũ cho bà ấy?

Cảm xúc của bà Khan đã thay thế sự phán xét lý tính của bà. Những quy luật vượt thời gian về tiền bạc, kinh doanh và kinh tế, bị hạn chế trong ngắn hạn, sẽ trở lại trong dài hạn - với sự giận dữ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Ông David Parker là một nhà đầu tư, tác giả, nghệ sĩ nhạc jazz và nhà giáo dục làm việc tại San Francisco. Các cuốn sách của ông, “Thu nhập và sự giàu có” và “Người bảo thủ ở San Francisco”, mổ xẻ các chủ đề quan trọng trong chính phủ, lịch sử và kinh tế, cung cấp một góc nhìn lịch sử rất cần thiết. Bài viết của ông đã xuất hiện trên The Economist và The Financial Times.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Những sự ngược đời trong vụ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ kiện Amazon