Bình luận: Vụ kiện độc quyền của chính phủ Mỹ chống lại Amazon thật vô nghĩa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại sao người tiêu dùng bị bóc lột lại tiếp tục sử dụng Amazon nếu họ đang bị bóc lột trong khi lại đang có quá nhiều lựa chọn? Tại sao các nhà sản xuất tiếp tục đăng sản phẩm của họ trên trang web nếu họ không được hưởng lợi? Những điều này thật vô nghĩa.

Bài bình luận

Bạn có cảm giác rằng Amazon là một công ty hùng mạnh hơn bao giờ hết kể từ những đợt phong tỏa tại Mỹ không? Nhiều người có suy nghĩ như vậy và đây là lý do tại sao cuộc điều tra chống độc quyền của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đối với công ty này có thể sẽ gây được nhiều sự chú ý.

Nhiều người bạn của tôi hoàn toàn từ chối Amazon.Tôi hiểu điều đó và tôi hoàn toàn ủng hộ quyền tự do của người tiêu dùng ở đây. Nếu bạn không thích họ, đừng mua gì từ họ.

Tôi không kỹ tính như họ. Tôi nghiêng về phía kinh ngạc trước mức độ tuyệt vời của toàn bộ hệ thống đó. Tôi nhớ lại thời điểm nó khởi đầu là một cửa hàng bán sách lặt vặt và tôi luôn cổ vũ nó mỗi khi có bước tiến mới.

Tuy nhiên, tôi cũng rất thất vọng khi thấy công ty dường như đã hợp tác với chính phủ ngầm theo nhiều cách. Thỏa thuận với bưu điện của chính phủ để giảm giá cước khiến tôi cảm thấy thật tồi tệ, cũng như việc họ vận động hành lang để thu thuế ngoài tiểu bang. Amazon làm được điều này vì các trung tâm phân phối của nó đã mang lại cho nó lợi thế cạnh tranh so với các nhà bán lẻ trực tuyến khác.

[“Deep State” (nhà nước ngầm / chính phủ ngầm / thế lực ngầm) là thuật ngữ chỉ một tổ chức siêu quyền lực hoạt động ngầm và thao túng chính phủ Hoa Kỳ từ nhiều năm nay.]

Và tôi thậm chí còn không hài lòng hơn khi có cảm giác rằng nó dường như sử dụng các chiến thuật không phải lúc nào cũng phù hợp với các nguyên tắc cạnh tranh thị trường. Điều này đặc biệt đúng trong những năm gần đây.

Bình luận: Vụ kiện độc quyền của chính phủ Mỹ chống lại Amazon thật vô nghĩa
Một chiếc xe tải thùng có logo Amazon Prime chạy qua một khu phố ở Torrance, California, Mỹ, vào ngày 12/9/2023. (Ảnh: PATRICK T. FALLON/AFP qua Getty Images)

Chính chính phủ liên bang đã tạo ra vấn đề

Nguyên nhân chính là do chính phủ liên bang, với sự hợp tác của nhiều chính quyền bang.

Việc phong tỏa tại Mỹ giống như một khoản trợ cấp lớn cho Amazon. Vấn đề không chỉ là khả năng giao bất cứ thứ gì đến tận nhà khi bạn bị mắc kẹt bên trong. Hệ thống máy chủ của nó cũng bùng nổ do nhu cầu mới về các dịch vụ phát trực tuyến và hơn thế nữa - tất cả đều được thúc đẩy bởi các chính sách bắt người dân ngồi ở nhà.

Vì vậy, với nỗ lực mới của Ủy ban Thương mại Liên bang nhằm phạt họ vì vi phạm chống độc quyền, chính chính phủ đã khiến Amazon trở thành độc quyền giờ đây lại có ý định giải quyết vấn đề mà nó tạo ra. Thật thú vị!

Giống như cách Fed giải quyết lạm phát, cách FDA giải quyết các vấn đề sức khỏe, EPA giải quyết các vấn đề môi trường, FTC sẽ lại đóng vai trò là người bảo vệ tuyệt vời cho nền kinh tế thị trường cạnh tranh!

Chính sách của chính phủ đáng được xem xét kỹ hơn khi nói đến tập trung hóa doanh nghiệp. Toàn bộ hoạt động ứng phó với đại dịch là một khoản trợ cấp lớn cho tất cả các công ty hàng đầu và đặc biệt là Amazon. Không có gì ngạc nhiên khi tờ Washington Post thuộc sở hữu của Bezos lại thúc đẩy việc phong tỏa một cách điên cuồng đến vậy. Nó mang lại lợi nhuận cho chủ sở hữu và các nhà quảng cáo chính bao gồm cả dược phẩm.

Bình luận: Vụ kiện độc quyền của chính phủ Mỹ chống lại Amazon thật vô nghĩa
Người sáng lập Amazon Jeff Bezos đến dự cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson tại dinh thự ngoại giao Vương quốc Anh vào ngày 20/9/2021 ở Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Michael M. Santiago/Getty Images)

Lời cáo buộc độc quyền vô nghĩa

Trong thời điểm điên rồ này, chính phủ Mỹ đang nhắm mục tiêu tới Amazon với cáo buộc về độc quyền. FTC cùng với 17 tiểu bang đã kiện Amazon vào thứ 3 (26/9). Họ nói rằng công ty là một nhà độc quyền “đã nắm quyền kiểm soát phần lớn nền kinh tế bán lẻ trực tuyến”. Chính phủ cáo buộc rằng họ đã làm được điều này bằng cách khóa trái những người bán hàng đang nỗ lực bán sản phẩm của mình trong khi bắt họ phải trả mức phí ngày càng cao và chấp nhận các thay đổi về quy tắc.

Đây không phải là một lời cáo buộc dễ chứng minh. Đúng là Amazon tạo ra doanh thu hàng năm hơn 538 tỷ USD. Con số này nhiều hơn bất kỳ công ty đại chúng nào khác trên thế giới ngoại trừ Walmart. Mạng lưới phân phối của nó bao gồm máy bay, xe tải và gần 1.300 cơ sở phân phối chỉ riêng ở Mỹ. Đây là một công ty lớn.

Ngay cả như thế, Amazon chiếm chưa đến 1/3 tổng doanh số thương mại điện tử ở Mỹ trong 4 quý vừa qua. Đó không phải là nhà độc quyền nếu thị trường liên quan ở đây là bán hàng kỹ thuật số. Nếu thị trường chỉ có sách điện tử thì đó lại là vấn đề khác. Và điều này nói lên một vấn đề lớn. Thị trường có liên quan ở đây là gì? Amazon bán gần như mọi thứ và cạnh tranh với hầu hết mọi người. Không có thước đo nào có thể khẳng định công ty là nhà độc tài về giá cả. Nó cạnh tranh như mọi người khác.

Thật vậy, Amazon hoạt động với tỷ suất lợi nhuận cực kỳ thấp, giống như những công ty khác, đặc biệt là trong thời kỳ lạm phát.

Chính phủ phải chứng minh một số hình thức bóc lột thông qua một số công thức kinh tế. Họ phải chứng minh một số tác hại đối với người tiêu dùng, các đối thủ cạnh tranh khác và xã hội nói chung. Điều này có thể dễ dàng cách đây một thế kỷ với Standard Oil (mặc dù ngay cả điều đó vẫn còn bị tranh cãi) nhưng hiện tại thì không dễ dàng như vậy.

Tại sao người tiêu dùng bị bóc lột lại tiếp tục sử dụng Amazon nếu họ đang bị bóc lột và có quá nhiều lựa chọn? Tại sao các nhà sản xuất tiếp tục đăng sản phẩm của họ trên trang web nếu họ không được hưởng lợi? Những điều này thật vô nghĩa.

Hơn nữa, chính sách chống độc quyền nói chung luôn vấp phải nhiều vấn đề Nếu bạn tính phí quá ít, đó là bán phá giá. Nếu bạn tính phí quá nhiều, đó là sự chặt chém. Nếu bạn định giá ngang bằng, đó là sự thông đồng. Không có cách nào để giành chiến thắng trong trò chơi này. Thêm vào đó, chống độc quyền về cơ bản dựa vào một thời điểm nhất định. Nhưng thế giới thực không hoạt động theo cách đó: thị trường là một quá trình tiến về phía trước và phá hủy hoàn toàn quá khứ.

Đây là lý do tại sao vụ kiện chống lại Microsoft nhiều năm trước lại trở nên ngớ ngẩn đến vậy. FTC và Bộ Tư pháp bị ám ảnh về trình duyệt mà công ty tặng miễn phí. Chỉ vài năm sau khi vụ việc được giải quyết, trình duyệt của Microsoft đã mất đi sự thống trị thị trường và thậm chí hệ điều hành của hãng cũng mất đi sức mạnh độc quyền. Toàn bộ vụ án là một sự lãng phí cho tất cả các bên.

Chính phủ mãi mãi điều tiết và kiểm soát quá khứ trong khi thị trường mãi mãi xây dựng tương lai.

Một bài thơ cũ về độc quyền

Hãy xem lại bài thơ cũ có tên “Chiếc máy làm bánh mì đáng kinh ngạc” được viết vào năm 1966. Tôi hy vọng bạn có cơ hội đọc nó. Nó chỉ mất một vài phút. Đó là câu chuyện về một người đàn ông đã phát minh ra chiếc máy làm bánh mì cho cả thế giới với giá rất rẻ. Nó đã thành công và công ty của anh ấy đã bán được rất nhiều hàng, nhưng xã hội và chính phủ đã quay lưng lại với ông ấy. Cái kết đặc biệt gây sốc:

“Năm năm tù”, sau đó thẩm phán nói “Bạn thật may mắn vì nó không tệ hơn. Những kẻ làm giàu phi đạo được phải được dạy rằng Xã hội là trên hết!”

Bây giờ, bánh mì được chính phủ nướng. Và đúng như dự đoán, Mọi thứ đều được kiểm soát tốt: Công chúng được bảo vệ tốt.

Đúng vậy, mỗi ổ bánh có giá một USD. Nhưng các nhà lãnh đạo của chúng ta đã làm hết sức mình. Giá bán là nửa xu. (Thuế trả phần còn lại!) [Kết thúc phần trích dẫn bài thơ]

Hãy nhớ rằng điều này đã xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ và ngày nay bánh mì một USD có vẻ khá hợp lý. Trớ trêu thay, Chicago hiện đang nói về việc thành lập các cửa hàng tạp hóa do nhà nước quản lý vì rất nhiều cửa hàng thuộc khu vực tư nhân đã rời khỏi thành phố. Có vẻ như người Mỹ đang đi theo cùng một quỹ đạo với bài thơ.

Bình luận: Vụ kiện độc quyền của chính phủ Mỹ chống lại Amazon thật vô nghĩa
Một người phụ nữ đi ngang qua cửa hàng tạp hóa Amazon Go tại trụ sở công ty Amazon vào ngày 16/6/2017 tại Seattle, Washington, Mỹ. (Ảnh: David Ryder/Getty Images)

Vụ kiện chống lại Amazon này sẽ bị mắc kẹt trong các cuộc điều tra pháp lý trong nhiều năm, trong thời gian đó công ty sẽ dành nguồn lực để chống lại các công kích hơn là phục vụ khách hàng. Thật khó để thấy đó là một điều tốt.

Liệu có điều gì tốt đẹp đến từ nỗ lực này của FTC không? Rất nghi ngờ. Liệu có chuyện gì xấu xảy ra không? Thị trường dường như không nghĩ như vậy. Giá cổ phiếu AMZN không biến động nhiều sau tin tức này.

Giấc mơ xa vời

Trong khi đó, Mỹ rất cần khôi phục một nền kinh tế cạnh tranh. Và doanh nghiệp nhỏ chắc chắn cần được bồi thường sau thời gian phong tỏa. Đây là lý do tại sao họ cần được giảm thuế trên quy mô lớn, được hưởng các ưu đãi pháp lý và sự tự do. Họ hoàn toàn bị nghiền nát sau ba năm địa ngục. Một thị trường tự do sẽ là một sự thay đổi đáng hoan nghênh.

Amazon có thể lớn hơn nhiều so với quy mô của nó trong một thị trường tự do thực sự. Một thị trường cạnh tranh thực sự chính là câu trả lời. Điều đó không đòi hỏi FTC phải hành động, và các doanh nghiệp tự do của Mỹ cần được giải phóng.

Bạn đã bao giờ khởi sự một công việc kinh doanh chưa? Vấn đề đau đầu đầu tiên bạn gặp phải là việc tuân thủ luật thuế và quy định. Có rất nhiều rào cản, và tất cả dường như được thiết kế để làm mất tinh thần và làm nản lòng các doanh nhân. Chúng cản trở việc kinh doanh và độc quyền lợi nhuận thương mại cho một số ít người có đặc quyền.

Nếu chính phủ thực sự quan tâm đến việc khôi phục cạnh tranh, họ sẽ giải quyết vấn đề này chứ không phải trừng phạt những công ty cố gắng phát triển lớn mạnh bằng cách phục vụ công chúng, như Amazon đã làm.

Con đường phía trước không phải thông qua các biện pháp can thiệp nhiều hơn của chính phủ mà là việc cắt giảm sự can thiệp, để Mỹ có thể có một sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp ở Mỹ. Thật đáng buồn, giấc mơ này dường như càng xa vời hơn bao giờ hết.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Vụ kiện độc quyền của chính phủ Mỹ chống lại Amazon thật vô nghĩa