'Vành đai và Con đường' ở Tây bán cầu giúp Trung Quốc bám rễ chắc chắn vào sân sau của Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

25 trong số 31 quốc gia ở châu Mỹ đã đàm phán hoặc đồng ý nhận hỗ trợ từ các công ty và nhà đầu tư được Bắc Kinh hậu thuẫn.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã quá tập trung vào các mối lo ngại về an ninh toàn cầu đến nỗi họ không chú ý đến việc đầu tư vào các dự án kinh tế và quân sự cần thiết ở sân sau của mình.

Nhưng Trung Quốc thì không. Với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc đã trở thành nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của Nam Mỹ, tăng tổng giá trị thương mại từ 18 tỷ USD năm 2002 lên 450 tỷ USD vào năm 2022.

25 trong số 31 quốc gia Trung và Nam Mỹ đã đàm phán về việc nhận các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc, và 22 nước trong số đó, gần đây nhất là Honduras, đã chính thức ký kết tham gia BRI.

Các công ty Trung Quốc, do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sở hữu hoặc trợ cấp, đang vận hành các mỏ khoáng sản ở Mexico, Argentina, Peru và Venezuela, các lưới điện ở Peru và Chile, các hệ thống không dây 5G ở Costa Rica, Bolivia, Brazil và Mexico — 80% thiết bị viễn thông của Mexico được cung cấp bởi các công ty Trung Quốc, các cơ sở phóng vào không gian và theo dõi vệ tinh ở Argentina, và đại sứ quán lớn nhất thế giới ở Bahamas.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ước tính giá trị thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc với các quốc gia Mỹ Latinh ở các dự án biển, không gian, viễn thông, khoáng sản quan trọng và năng lượng sẽ sánh ngang với giữa Hoa Kỳ với các quốc gia đó vào năm 2035. Mối quan hệ quân sự của Trung Quốc với Venezuela, Cuba, Peru và Chile – hiện bao gồm các chuyến thăm cảng của các tàu chiến và các cố vấn kỹ thuật Trung Quốc – sẽ phát triển thành các thỏa thuận về căn cứ quân sự trong vòng một thập kỷ tới.

Trung Quốc có kế hoạch xây mới hoặc cải thiện 40 cảng trên khắp 16 quốc gia Mỹ Latinh và Caribe mà không bị hạn chế đối với việc sử dụng cho mục đích quân sự, bao gồm ở cả hai đầu của Kênh đào Panama, nơi các công ty do ĐCSTQ hậu thuẫn chào thầu Panama để làm việc trên con kênh do Mỹ xây dựng.

Mùa thu tới, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Peru để kỷ niệm việc hoàn thành “một 'siêu cảng' trị giá 3,6 tỷ USD do Trung Quốc tài trợ, do công nhân Trung Quốc xây dựng và sẽ do một công ty được ĐCSTQ hậu thuẫn sở hữu và vận hành”, Dân biểu Mike Rogers (Cộng hòa - Alabama) - Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ - cho biết.

Ông nói trong phiên điều trần ngày 12/3 tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện về các thách thức an ninh quốc gia ở Tây bán cầu: “Nó sẽ được sử dụng để vận chuyển đồng, lithi và các nguyên vật liệu quan trọng khác từ Nam Mỹ đến Trung Quốc nhằm tiếp tục hiện đại hóa quân đội của họ [Trung Quốc]”.

Ông Rogers gọi đây là “nỗ lực mới nhất trong loạt nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay thế ảnh hưởng của Mỹ và gây dựng dấu ấn chiến lược ở sân sau của chúng ta [Mỹ]”.

Bẫy nợ và gián điệp của ĐCSTQ

Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam Hoa Kỳ, Tướng Laura Richardson, cho biết sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc là con dao hai lưỡi đối với các quốc gia nhận tài chính và các hỗ trợ khác từ ĐCSTQ.

“Thế giới đang ở một thời điểm có tính bước ngoặt”, bà nói tại phiên điều trần hôm 12/3. “Các đối tác của chúng ta ở Tây bán cầu, những bên mà chúng ta gắn bó thông qua thương mại, các giá trị chung, truyền thống dân chủ và quan hệ họ hàng thân thuộc, ngày càng bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp và ép buộc từ [Trung Quốc].

Bà nói thêm: “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa [PRC] đã lợi dụng lòng tin của các nền dân chủ ở bán cầu này, sử dụng lòng tin đó để đánh cắp bí mật quốc gia, các sở hữu trí tuệ và các nghiên cứu liên quan đến học thuật, nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe”.

“Phạm vi và quy mô của các hoạt động gián điệp này là lớn chưa từng có. Thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc có mục đích thu gom quyền lực và ảnh hưởng trong khi gây thiệt hại cho các nền dân chủ trên thế giới”, bà nói.

Bà Richardson cho hay mặc dù đúng là Trung và Nam Mỹ chưa nhận được sự quan tâm của Hoa Kỳ về kinh tế và an ninh quốc gia như các khu vực khác, điều đó đang thay đổi.

Bà nói: “Tôi đã học được một điều rằng sự hiện diện của chúng ta thực sự quan trọng”. Bà lưu ý rằng sau gần 20 năm “nhận được chưa đến 50%” ngân sách để phục vụ các nhu cầu hợp tác an ninh ở Tây bán cầu, Bộ Tư lệnh miền Nam Hoa Kỳ đã được cấp đầy đủ ngân sách và được tài trợ bổ sung theo như ngân sách quốc phòng năm tài chính 2024

BRI ở Tây bán cầu giúp Trung Quốc bám rễ chắc chắn vào sân sau của Mỹ
(Từ trái sang phải) Tổng thống Costa Rica Rodrigo Chaves Robles, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng thống Uruguay Luis Lacalle Pou tham dự phiên họp toàn thể của buổi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo Đối tác Kinh tế Thịnh vượng của châu Mỹ, tại Phòng phía Đông của Nhà Trắng, ở Washington, ngày 3/11/2023. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Bà Richardson cho biết dù khoản tài trợ bổ sung “rất, rất hữu ích nhưng chúng ta không thể đáp ứng các yêu cầu chỉ với một năm tài trợ bổ sung, và tôi có thể nói rằng sự hiện diện của chúng ta [Mỹ] thực sự quan trọng”, và Bộ Tư lệnh miền Nam Hoa Kỳ cần phải được tiếp tục tài trợ đầy đủ trong ngân sách quốc phòng năm 2025.

Bà nói thêm rằng nhờ nguồn tài trợ bổ sung, Hoa Kỳ đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự và ứng phó khẩn cấp chung với Chile, Argentina và Paraguay thay vì chỉ thực hiện một chuyến thăm mỗi năm.

Theo The Epoch Times

Chi Anh biên dịch

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

'Vành đai và Con đường' ở Tây bán cầu giúp Trung Quốc bám rễ chắc chắn vào sân sau của Mỹ