Các nhà thiên văn học vừa phát hiện một vụ nổ khổng lồ trong không gian

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kính viễn vọng không gian Swift của NASA, được thiết kế đặc biệt để phát hiện những vụ nổ mạnh nhất được biết đến trong vũ trụ - được gọi là vụ nổ tia gamma. Và gần đây, vào ngày 9/10, các nhà thiên văn học đã quan sát thấy một vụ nổ cực mạnh như vậy. 

Và các nhà khoa học nói rằng chúng được sinh ra trong các sự kiện được gọi là siêu tân tinh, sự bùng nổ và sụp đổ của các ngôi sao khổng lồ.

Để trở thành một siêu tân tinh, ngôi sao phải khá lớn - ít nhất là gấp 8 lần kích thước của Mặt trời. Nhưng để một siêu tân tinh tạo ra những vụ nổ tia gamma thuộc loại mạnh nhất, ngôi sao phải có kích thước gấp 30 đến 40 lần kích thước của Mặt trời.

Hiện tại, các nhà thiên văn chưa bao giờ nhìn thấy một vụ nổ tia gamma trong vùng lân cận thiên hà của chúng ta. Đó là bởi vì bản thân các vụ nổ sao không quá phổ biến. Một ngôi sao trong hệ Ngân Hà của chúng ta sẽ trở thành siêu tân tinh khoảng một thế kỷ một lần. Nhưng một ngôi sao khổng lồ, loại cần thiết để tạo ra một vụ nổ tia gamma cực kỳ sáng và kéo dài khoảng vài phút, chỉ phát nổ khoảng một triệu năm một lần trong một thiên hà cỡ trung bình như của chúng ta.

Tuy nhiên, do trong vũ trụ sâu thẳm có hàng trăm tỷ thiên hà nằm chứa đầy các ngôi sao, nên các nhà khoa học vẫn thường xuyên phát hiện ra các vụ nổ tia gamma. Nhưng sự kiện mạnh mẽ như trong phát hiện này hiếm gặp đến mức khoảng một thập kỷ, chúng ta mới quan sát thấy một lần.

Yvette Cendes, một nhà thiên văn học và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian, nói với Mashable: “Điều này cực kỳ, cực kỳ hiếm gặp”.

Bạn không cần phải lo lắng liệu vụ nổ kinh hoàng xảy có ảnh hưởng đến Trái đất hay không, bởi vì nó xảy ra trong một thiên hà cách chúng ta tới 2 tỷ năm ánh sáng. Ở một khoảng cách như vậy, năng lượng của nó đã mất mát rất nhiều khi truyền đi trong không gian để đến với Trái đất, nên nó không còn khả năng gây nguy hiểm cho chúng ta.

Mặc dù vậy, năng lượng truyền từ vụ nổ vẫn đủ lớn đến mức các vệ tinh của chúng ta có thể dễ dàng phát hiện ra nó.

Cendes giải thích: “Nó tương đương với việc có được hàng ghế đầu tại một buổi trình diễn pháo hoa”.

vụ nổ tia gamma,
Mô tả của một nghệ sĩ về vụ nổ tia gamma. (Ảnh: NASA / ESA /. M. Kornmesser)

Bởi vì những vụ nổ tia gamma này thường xảy ra cách chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng, nên các công cụ để phát hiện những tín hiệu này cực kỳ nhạy cảm. Đây cũng là một lý do khác khiến vụ nổ rất mạnh và sáng này gây cho chúng ta cảm tưởng nó xảy ra ở tương đối "gần".

"Nó giống như hướng kính viễn vọng vào mặt trời", Cendes giải thích. "Nó làm bão hòa các máy dò”. NASA lưu ý rằng vụ nổ "nằm trong số những sự kiện phát sáng mạnh nhất từng được biết đến".

Bạn có thể tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với ngôi sao sau một vụ nổ nghiêm trọng như vậy. Nó có khả năng sẽ suy sụp thành một lỗ đen. Theo NASA: “Hầu hết các lỗ đen hình thành từ tàn tích của một ngôi sao lớn chết trong một vụ nổ siêu tân tinh”.

vũ trụ, vụ nổ trong vũ trụ
Kính viễn vọng Swift của NASA đã chụp được ánh sáng rực rỡ của vụ nổ tia gamma cực mạnh trong khoảng một giờ kể từ khi phát hiện ra nó. (Ảnh: NASA / Swift / A. Beardmore)

Lỗ đen là những vật thể vũ trụ vô cùng kỳ lạ, nơi vật chất bị nén chặt thành một vùng vật chất cực kỳ đậm đặc. Điều này khiến cho nó có lực hấp dẫn rất mạnh, thậm chí ánh sáng không thể thoát ra được.

Các nhà thiên văn học như Cendes hiện đang tiếp tục theo dõi hậu quả của vụ nổ tia gamma khổng lồ mới bằng cách sử dụng kính thiên văn mạnh mẽ, như kính thiên văn vô tuyến Submillimeter Array trên đỉnh Mauna Kea, ở Hawaii.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà thiên văn học vừa phát hiện một vụ nổ khổng lồ trong không gian