Châu Âu tăng cường an ninh năng lượng sau vụ nghi ngờ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nga có khả năng bị đổ lỗi đã phá hoại đường ống dẫn khí đốt của chính mình nhằm hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cao và phá hoại kinh tế châu Âu. Các công ty năng lượng và chính phủ châu Âu đang tăng cường củng cố các cơ sở hạ tầng năng lượng. Trong khi đó, các nhà quan sát vẫn đang chờ đợi vụ việc được điều tra.

Hai đường ống dẫn khí đốt từ Nga bị phá hoại?

Các công ty châu Âu đang tăng cường bảo đảm an ninh xung quanh các đường ống và giá năng lượng đang tăng trở lại do vụ nghi ngờ phá hoại hai đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga đã bộc lộ rõ tính dễ bị tổn thương của các cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu và khiến EU đưa ra cảnh báo về khả năng trả đũa.

Một số quan chức châu Âu và các chuyên gia năng lượng cho biết Nga có khả năng bị đổ lỗi cho bất kỳ vụ phá hoại nào — nước này trực tiếp hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cao hơn và sự lo lắng về kinh tế trên khắp châu Âu — mặc dù những người khác cảnh báo không nên đổ lỗi cho đến khi các nhà điều tra xác định được điều gì đã xảy ra.

Nga đã cắt giảm mạnh các chuyến hàng khí đốt tự nhiên đến châu Âu để trả đũa các lệnh trừng phạt mà phương Tây đưa ra sau cuộc xâm lược Ukraine. Hôm thứ 4 (28/09), tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã gia tăng áp lực, đe dọa trên Twitter rằng sẽ ngừng giao dịch với một công ty Ukraine kiểm soát một trong hai đường ống còn lại vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu.

Theo sau vụ có vẻ là phá hoại đối với các đường ống dẫn khí Nord Stream, bà Agata Loskot-Strachota, chuyên gia cao cấp về chính sách năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông ở Warsaw (Ba Lan), cho biết: “Điều đó có nghĩa là một sự leo thang nghiêm trọng và sự sẵn sàng leo thang”.

Các nhà địa chấn học cho biết các vụ nổ đã làm rung chuyển Biển Baltic trước khi các rò rỉ bất thường được phát hiện hôm thứ 3 (27/09) trên hai đường ống dẫn dưới nước chạy từ Nga đến Đức.

“Tất cả thông tin sẵn có đều cho thấy những rò rỉ đó là kết quả của một hành động có chủ ý”, Giám đốc chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell thay mặt cho 27 thành viên của khối cho biết trong một tuyên bố. "Bất kỳ sự cố ý nào làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu là hoàn toàn không thể chấp nhận được và sẽ được đáp trả bằng một phản ứng mạnh mẽ và thống nhất".

Ba vụ rò rỉ đã được báo cáo trên đường ống Nord Stream 1 và 2, vốn chứa đầy khí đốt tự nhiên nhưng không đã cung cấp nhiên liệu cho châu Âu kể từ khi Nga ngừng dòng chảy để gây áp lực kinh tế lên lục địa này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng những cáo buộc rằng Nga phá hoại đường ống của chính mình là "có thể đoán trước được và ngu ngốc".

Châu Âu tăng cường an ninh năng lượng sau vụ nghi ngờ phá hoại đường ống dẫn khí đốt
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin phát biểu trước báo chí về các vấn đề an ninh hiện tại liên quan đến đường ống dẫn khí Nord Stream và các hạn chế cấp thị thực cho công dân Nga ở Helsinki, Phần Lan vào ngày 28/09/2022. (Ảnh: ANTTI YRJONEN / Lehtikuva / AFP qua Getty Images)

Củng cố an ninh năng lượng

Tuy nhiên, khi lo ngại về sự gián đoạn gia tăng tiếp tục xuất hiện, các công ty năng lượng và chính phủ châu Âu cho biết hôm thứ 4 (28/09) rằng họ đã bắt đầu củng cố cơ sở hạ tầng năng lượng.

Theo đài truyền hình quốc gia NRK, công ty dầu khí nhà nước Na Uy Equinor cho biết họ đã nâng mức độ chuẩn bị sẵn sàng cho tất cả các cơ sở của mình. Xuất khẩu năng lượng của Na Uy đã tăng mạnh khi các nước châu Âu nỗ lực tìm các giải pháp thay thế cho nguồn cung cấp của Nga.

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre phát biểu trong cuộc họp báo tại Oslo: “Những gì đã xảy ra ở Biển Baltic là rất nghiêm trọng".

Trước khi vụ rò rỉ đường ống được phát hiện hôm thứ 3, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã giảm từ mức cao nhất mọi thời đại vào cuối tháng 8 do các quốc gia đã lấp đầy các cơ sở lưu trữ tới 87% trước mùa đông, thời điểm nhu cầu về nhiên liệu tăng cao nhằm để sưởi ấm các ngôi nhà và sản xuất điện.

Nhưng giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng vọt khoảng 14% kể từ khi việc đường ống bị vỡ làm dấy lên lo lắng về vấn đề an ninh năng lượng.

Giá khí đốt tự nhiên cao gấp gần 3 lần so với trước khi Nga xâm lược Ukraine. Một cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến tranh gây ra đang đe dọa sẽ có phân bổ năng lượng, đóng cửa kinh doanh và suy thoái kinh tế ở châu Âu. Khả năng vượt qua mùa đông của lục địa sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi độ lạnh của thời tiết và việc liệu họ có thể tìm được nguồn cung cấp để bù đắp cho những gì đã mất từ ​​Nga hay không.

Một nguồn thu nhập chính khác của Nga - dầu mỏ - đã giảm giá mạnh so với mức đỉnh của tháng 6 là hơn 120 USD / thùng. Hôm thứ 4, giá dầu thô Brent giao sau ở mức 87,40 USD / thùng, tăng hơn 5% kể từ thứ 2.

Mức độ hư hại của đường ống, cùng với những phân rẽ chính trị, làm dấy lên những nghi ngờ nghiêm trọng về tương lai của dự án Nord Stream, vốn được khởi động để Nga có thể cung cấp khí đốt trực tiếp cho Đức. Dự án đã bị phương Tây chỉ trích nặng nề vì nó chỉ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào nhập khẩu khí đốt của Nga.

Các điều tra và đánh giá

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, ông Kristoffer Böttzauw, cho biết hôm thứ 4 rằng, không rõ khi nào sẽ là an toàn cho các nhà điều tra để kiểm tra các đường ống bị hư hỏng, mà theo ông được làm bằng thép dày 12 cm (5 inch) phủ bê tông. Các đường ống nằm dưới đáy biển sâu từ 70 đến 90 mét (230 feet và 295 feet).

Cơ quan an ninh nội địa của Thụy Điển hôm thứ 4 cho biết họ đang điều tra các vụ vỡ đường ống và không thể loại trừ “có một thế lực nước ngoài đứng đằng sau vụ việc”.

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau đã đề cập trực tiếp hơn, gợi ý hôm thứ 3 rằng những rò rỉ có thể là một phần trong chiến dịch của Nga nhằm gây áp lực lên phương Tây vì đã hỗ trợ Ukraine.

Châu Âu tăng cường an ninh năng lượng sau vụ nghi ngờ phá hoại đường ống dẫn khí đốt
Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau xuất hiện trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Annalena Baerbock (giấu mặt) vào ngày 24/05/2022 tại Berlin, Đức. (Ảnh: Filip Singer - Pool / Getty Images)

Ông Rau nói trong cuộc thảo luận tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington: “Các vụ nổ diễn ra rất gần lãnh hải Đan Mạch, nhưng không phải bên trong khu vực đó, bởi vì điều đó có nghĩa là lãnh thổ của NATO".

Ông nói: “Điều này có thể có nghĩa là ai đó đang cố gắng đe dọa các quốc gia ở Biển Baltic".

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên lịch họp khẩn vào chiều thứ 6 (30/09) theo yêu cầu của Nga để thảo luận về vụ nghi ngờ phá hoại đường ống. Trong khi đó, cơ quan an ninh của Nga, FSB, cho biết họ đã mở một cuộc điều tra hình sự về một "hành động khủng bố quốc tế" sau vụ nổ.

Ngay cả khi đang hướng chú ý về phía Nga, ông Anders Puck Nielsen, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Hoạt động Hàng hải tại Trường Đại học Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch, cho rằng thật khó để xác định ai là người chịu trách nhiệm, và cũng rất khó để ngăn chặn những vụ việc tương tự.

“Chúng ta có đường ống, chúng ta có cáp thông tin liên lạc như internet. Chúng ta có những đường dây điện chạy dưới đáy biển. Tất cả những điều này đều dễ bị tổn thương và xã hội của chúng ta rất phụ thuộc vào nó. Và rất, rất khó để theo dõi những gì đang diễn ra và ngăn chặn một vụ phá hoại", ông nói với Associated Press.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Olaf Scholz từ chối đáp lại các bài báo trên truyền thông rằng CIA đã cảnh báo Đức vào đầu mùa hè này rằng các đường ống dẫn có thể bị tấn công. Người phát ngôn Steffen Hebestreit nói với các phóng viên: “Nhưng hãy để tôi nói rằng theo phát hiện của chúng tôi, không có bằng chứng nào cho thấy có nguyên nhân tự nhiên gây ra sự sụt giảm áp suất trong đường ống".

Ông Simone Tagliapietra, một chuyên gia về chính sách năng lượng tại tổ chức tư vấn Bruegel, cho biết lời đe dọa mới nhất của Nga về việc làm gián đoạn khí đốt tự nhiên chảy qua Ukraine không có nhiều tác động như nước này có thể mong đợi.

Ông Tagliapietra cho biết: “Các thông báo của họ hiện đang có tác động thấp hơn đến giá cả, vì cả thị trường và chính phủ đều đã nội bộ hóa và chuẩn bị cho việc gián đoạn hoàn toàn khí đốt của Nga sang châu Âu”.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Châu Âu tăng cường an ninh năng lượng sau vụ nghi ngờ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream