Chủ doanh nghiệp trong nước kêu gọi chính quyền Trung Quốc nới lỏng biện pháp chống dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính sách zero-Covid khiến Trung Quốc tiến hành phong tỏa các thành phố công nghiệp. Nhiều công ty bị ảnh hưởng nặng nề. Tương lai của nền công nghiệp Trung Quốc sẽ rất ảm đạm nếu nước này tiếp tục áp dụng phong tỏa trên phạm vi toàn quốc.

Khi mà chiến tranh Nga - Ukraine đang ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm và năng lượng của thế giới, chính sách zero-COVID của Trung Quốc trước sự hoành hành dữ dội của biến thể Omicron đang tiếp tục đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các quan chức Trung Quốc thông báo tính đến ngày 15/03, Omicron đã lan đến 28 tỉnh ở Trung Quốc. Ít nhất 385 thành phố đã ghi nhận các ca nhiễm. Hậu quả là, nhiều thành phố đã bị đóng cửa hoặc đóng cửa một phần để tuân thủ chính sách zero-COVID.

Chính sách phong tỏa của Trung Quốc hủy hoại các ngành công nghiệp

Đông Hoản (Dongguan), một thành phố công nghiệp quan trọng ở đồng bằng sông Châu Giang, thuộc tỉnh ven biển Quảng Đông, đã áp dụng lệnh phong tỏa 7 ngày từ ngày 14/03. Các nhà máy, xí nghiệp và khu công nghiệp bị hạn chế hoạt động kinh doanh và vận chuyển hàng hóa. Giao thông công cộng bị tạm dừng, giao thông không thiết yếu bị cấm và việc đi lại không cần thiết ra khỏi thành phố cũng bị cấm.

Ông Wang, chủ sở hữu một công ty dệt ở Đông Hoản nói với The Epoch Times rằng việc phong tỏa đã gây gián đoạn hoàn toàn đối với công tác hậu cần sản xuất. Ông nói: “Ngay cả dịch vụ chuyển phát nhanh cũng bị tạm dừng, tất cả đều bị gián đoạn".

Bà Peng, chủ một công ty phụ kiện khuôn và phần cứng ở Đông Hoản cho biết: “Chúng tôi chỉ có thể cố gắng không nhận đơn đặt hàng và đợi dịch giảm bớt”.

Trước khi lệnh phong tỏa được áp dụng vào ngày 14/03, một lá thư chung của 10 chủ doanh nghiệp đã được đăng trên mạng nhằm kêu gọi dỡ bỏ một phần các biện pháp chống dịch để cứu ngành dệt kim ở Dalang, “Thị trấn áo len của Trung Quốc”, thuộc thành phố Đông Hoản.

Theo bức thư, việc phong tỏa tại địa phương đã bắt đầu vào tháng 12/2021, và việc kinh doanh đã bị ảnh hưởng nặng nề và mất nhiều khách hàng.

Vào ngày 13/03, hai trung tâm sản xuất lớn đã thực hiện phong tỏa: Trường Xuân, một thị trấn với ngành công nghiệp ô tô; và Thâm Quyến, một trung tâm công nghệ và tài chính. Hệ quả, các nhà sản xuất ô tô Volkswagen và Toyota, cùng hơn 60 công ty Đài Loan ở Thâm Quyến, bao gồm cả Foxconn, đã phải ngừng sản xuất.

Trung Quốc đề cao chính sách "zero-COVID động" như một biện pháp ngăn chặn dịch ở nhiều thành phố, cùng với việc xét nghiệm axit nucleic trên toàn quốc.

Chủ doanh nghiệp trong nước kêu gọi chính quyền Trung Quốc nới lỏng biện pháp chống dịch
Người dân xếp hàng dài để được làm xét nghiệm Covid ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào ngày 03/08/2021. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Ông Li, một người lái xe tải cho một nhà máy sản xuất đồ nội thất ở Thâm Quyến, nói với The Epoch Times hôm 16/03 rằng mọi hoạt động đã bị tạm dừng. Hàng ngày, dòng người chờ đợi để lấy mẫu xét nghiệm axit nucleic kéo dài hơn một dặm ở Thâm Quyến.

Ông cho biết: “Nhà máy của chúng tôi đã ngừng hoạt động từ ngày 13… Tôi có một xe tải chở hàng chưa được giao… có rất ít xe trên đường".

Ông Tan, một nhân viên của một nhà máy điện tử ở Thâm Quyến, cũng nói với The Epoch Times rằng các nhà máy đã đóng cửa và hàng không thể được giao. Ông nói: “Khách hàng đang thúc giục chúng tôi giao hàng; tình hình đã ảnh hưởng đến việc giao hàng của chúng tôi cho cả khách hàng trong và ngoài nước".

Tất cả những người Trung Quốc đồng ý trả lời phỏng vấn đều được đặt bí danh để tránh sự trả thù của chế độ.

Chính sách chống dịch của Trung Quốc đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu

Nhà kinh tế William Yu tại tổ chức UCLA Anderson Forecast nói với The Epoch Times: "Là nhà cung cấp chính của nhiều mặt hàng như điện tử, truyền thông, máy tính, đồ nội thất, từ nguyên liệu thô đến sản phẩm cuối cùng, biện pháp phong tỏa cứng rắn của Trung Quốc với chính sách zero-COVID chắc chắn sẽ đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Ông nói: “Nguồn cung bị gián đoạn sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa và do đó làm gia tăng lạm phát toàn cầu".

Quy mô ảnh hưởng sẽ tùy thuộc vào mức độ lây lan của dịch bệnh và số lượng các tỉnh thành phố áp dụng các biện pháp phong tỏa.

Bộ Thương mại Mỹ báo cáo rằng: “Trong quý II/2020, GDP thực của Mỹ đã giảm 31,4%”.

Ông Yu đánh giá, tương lai của các nhà máy và hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ rất ảm đạm nếu Trung Quốc áp dụng phong tỏa trên toàn quốc.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chủ doanh nghiệp trong nước kêu gọi chính quyền Trung Quốc nới lỏng biện pháp chống dịch