Cô gái sống sót trong chính sách một con của Trung Quốc hiện đang cứu những thai nhi ở Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một bé gái trong số hàng trăm triệu thai nhi, trẻ sơ sinh đã bị giết chết hoặc bỏ rơi trong thời kỳ chính sách một con của Trung Quốc, một đạo luật được thi hành từ năm 1980 đến 2016. May mắn thay, một người phụ nữ tốt bụng ở Hoa Kỳ đã nhận nuôi cô bé khi cô bé mới chập chững biết đi. Biết ơn vì mẹ ruột đã chọn sự sống cho cô, hiện tại cô cống hiến hết mình để bảo vệ sự sống, ủng hộ sự thay đổi để bảo vệ những đứa trẻ chưa chào đời.

Chị Shaoannah sinh ra ở khu tự trị Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc và lớn lên ở Minnesota, Mỹ sau khi được nhận nuôi. Hiện nay, chị sống ngay bên ngoài thủ đô Washington, và làm việc với tư cách là điều phối viên khu vực thủ đô của Tổ chức Sinh viên vì Cuộc sống Hoa Kỳ (SFLA) ở khu vực đô thị Washington.

Trao đổi với The Epoch Times, chị Shaohannah nói rằng chị bị bỏ trong một cái thùng nhỏ ở thành phố Bắc Hải của tỉnh Quảng Tây khi chị mới được vài tháng tuổi.

Chị nói: “Tôi đã biết về chính sách một con của Trung Quốc từ khi tôi nhận thức được. Áp lực mà họ gây ra cho người dân là chỉ được có một con, và đặc biệt là trong một xã hội trọng nam khinh nữ, phải có con trai. Tôi biết rằng mình là một trong số rất nhiều bé gái bị bỏ rơi và về cơ bản là bị bỏ mặc cho đến chết vì chính sách này”.

Shaohannah được sinh ra và bị bỏ rơi ở khu tự trị Quảng Tây, miền nam Trung Quốc (Ảnh: Shaohannah Faith)

Trong nỗ lực phối hợp để cứu những thai nhi, chị Shaohannah đã tích cực tham gia vào những cuộc biểu tình toàn quốc của SFLA vào tháng 3 chống lại việc kinh doanh các loại thuốc phá thai.

Dana Stancavage, chuyên gia báo chí và biên tập viên trực tuyến của SFLA, đồng thời là bạn và người cố vấn của chị Shaohannah, cho biết: “Đây là một loại thuốc nguy hiểm có thể mua không cần kê đơn. Nó ảnh hưởng đến cộng đồng, khiến phụ nữ có khả năng vô sinh cao hơn bốn lần, đáng tiếc là số người chết vì sử dụng những viên thuốc này đang gia tăng… chúng chắc chắn không nên có ở nhà thuốc địa phương của bạn”.

Bị bỏ mặc đến chết

Chị Shaohannah đã luôn cám cảnh về câu chuyện của mình và tự hỏi cuộc đời của chị có thể sẽ như thế nào, nhưng chị cũng không hề oán giận cha mẹ ruột của mình.

Chị nói: “Tôi hiểu ở một đất nước như Trung Quốc, có quá nhiều áp lực từ chính phủ. Sự lựa chọn mà họ buộc phải thực hiện có lẽ không phải là sự mong muốn mà họ dành cho tôi. Nhưng tôi rất biết ơn vì họ đã chọn nơi mà tôi có thể được cứu và sống sót”.

“Mẹ ruột đã tặng tôi món quà sự sống để tôi có thể tiếp tục sống cho đến hôm nay. Tôi sẽ không có bất cứ thứ gì mà tôi đang có nếu không có sự lựa chọn đó của mẹ ruột tôi, điều tôi chắc chắn là quyết định của mẹ không hề dễ dàng”.

Chị Shaohannah là điều phối viên khu vực thủ đô của Tổ chức Sinh viên vì Cuộc sống Hoa Kỳ (SFLA) ở khu vực đô thị Washington.(Ảnh: Shaohannah Faith)

Mẹ nuôi của chị Shaohannah là bà Sheila khi đó còn độc thân nhưng muốn có con, bà đã bắt đầu quá trình nhận con nuôi ở nước ngoài thông qua Minnesota Children’s Home Society. Trung Quốc là sự lựa chọn ưu tiên vì bà Sheila đã từng học nghiên cứu ở đây và có cảm tình với người Trung Quốc.

Bà đã gặp Shaohannah ở trại trẻ mồ côi, lúc đó cô bé mới chỉ hơn một tuổi.

Theo những gì chị Shaohannah biết thì gia đình ruột của chị vẫn ở Trung Quốc, nhưng chị vẫn chưa thể liên hệ với họ thông qua việc xét nghiệm di truyền. Tuy nhiên, chị đã từng gặp những người cũng bị bỏ rơi trong chính sách một con của Trung Quốc. Nhiều cô gái như chị đã bị bỏ rơi vì gia đình họ cần con trai.

Từ đứa trẻ bị bỏ rơi trở thành người ủng hộ sự sống

Khi chị Shaohannah lên trung học rồi đại học, chị ngày càng muốn trở thành một nhà hoạt động. Chị dự định học chuyên ngành khoa học chính trị và làm việc trong Đại hội đồng Maryland trước khi chuyển sang làm công việc toàn thời gian với tư cách là nhà hoạt động ủng hộ sự sống cho SFLA.

SFLA tổ chức các cuộc biểu tình tại Tòa án Tối cao Hoa Kỳ và gần đây đã tổ chức một ngày vận động hành lang ở Washington cho Đạo luật Bảo vệ Thai nhi. Họ hỗ trợ hàng ngày trong khuôn viên trường đại học để các thành viên SFLA có thể giao tiếp trực tiếp với các sinh viên ủng hộ phá thai và chia sẻ thông tin, chẳng hạn như chương trình Standing With You trong khuôn viên trường, là một hướng dẫn trên toàn quốc để kết nối những người phụ nữ với các nguồn lực hỗ trợ mang thai và nhận con nuôi.

Vào tháng 7/2022, khi Hội đồng D.C. đang tìm cách thông qua luật để bảo vệ những người đã hỗ trợ phá thai và bảo vệ bất kỳ ai tham gia vào việc đó, chị Shaoannah đã đại diện thay mặt cho SFLA và hỏi: “Một đứa trẻ như tôi đáng giá bao nhiêu?”

Chị Shaohannah tại một trong những cuộc mít tinh của SFLA ở Toà án Tối cao Hoa Kỳ. (Ảnh: Shaohannah Faith)

Chị Shaohannah dẫn chứng một ví dụ về một sinh viên đã thay đổi quan điểm về việc phá thai sau một cuộc trò chuyện với SFLA.

Chị nói rằng: “Tôi đã tổ chức trưng bày ở Đại học Mount St.Mary, hai cô gái quan tâm đến buổi trưng bày đã tiếp cận chúng tôi. Chúng tôi hỏi xem họ nghĩ rằng khi nào nhân quyền của con người bắt đầu, và sau khi nhìn vào các mô hình bào thai mô phỏng cho nhân quyền đối với trẻ chưa sinh, họ đã đồng ý rằng phá thai là không hợp pháp. Chúng tôi rất vui khi thấy các cô gái trẻ nhận ra rằng phong trào ủng hộ sự sống ở đây để cung cấp các nguồn lực hỗ trợ và bảo vệ sự sống”.

Trong trường hợp gây tranh cãi là phụ nữ mang thai do bị cưỡng hiếp, chị Shaohannah cũng có lập trường của riêng mình.

Chị nói: “Chúng tôi không phân định giấy khai sinh của ai đó dựa vào việc họ được sinh ra như thế nào. Cưỡng hiếp thật tồi tệ, đó là điều tồi tệ nhất đối với người khác, nhưng sẽ không phù hợp khi quay lại và thực hiện một hành vi bạo lực khác đối với người vô tội. Nếu chúng ta không phân biệt đối xử và hạ thấp giá trị của một đứa trẻ sinh ra từ một vụ cưỡng hiếp, thì chúng ta cũng không nên làm điều tương tự với một đứa trẻ chưa sinh”.

‘Được sống chính là món quà’

Chị Shaohannah cho biết chị đã nhiều lần bị bắt nạt vì niềm tin ủng hộ sự sống nhưng chị luôn nhớ rằng mục tiêu của SFLA là thúc đẩy cuộc trò chuyện và chia sẻ thông tin chính xác về mặt khoa học về sự sống của con người trước khi sinh. Chị tin vào những gì mình đang làm.

Chị nói:“Tôi thích được làm những gì tôi đam mê. Tôi rất hạnh phúc vì tôi có một đội nhóm tuyệt vời, đó là những con người đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau…nhưng chúng tôi có thể hợp nhất tất cả bởi phá thai sẽ kết thúc một sinh mệnh, và chúng ta cần hành động để biến nó thành việc không được chấp nhận trong xã hội”.

Chính sách một con của Trung Quốc đã chính thức được kết thúc vào năm 2016. Theo chị Shaohannah, Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố đã “ngăn chặn hoặc chấm dứt” 300 triệu ca sinh, một con số mà chị thấy thật kinh khủng vì nó “không bao giờ đúng về mặt đạo đức trong bất kỳ trường hợp nào khi chấm dứt cuộc sống của con người”.

Chị nói tiếp: “Đó là văn hoá chết chóc. Họ đã hạ thấp giá trị của sinh mệnh con người khi còn trong bụng mẹ, và điều đó đang xảy ra tại đây. Không có điều gì mới. Đối với tôi, đó là lý do để giành lại sự sống cho các thai nhi, là đứng lên để chống lại văn hoá giết chóc… làm người ta vô cảm và mất nhân tính”.

“[Roe v. Wade] (Roe kiện Wade là một quyết định năm 1973 mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, trong đó Tòa án phán quyết rằng Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền tự do của một phụ nữ mang thai được chọn phá thai mà không bị chính phủ hạn chế quá đáng) là rào cản mà chúng tôi đã vượt qua để biến việc phá thai không chỉ là bất hợp pháp mà còn khiến nó trở thành điều không tưởng. Chúng tôi có áp phích, bản thiết kế… chúng tôi muốn phụ nữ cảm thấy được hỗ trợ vì phụ nữ không cần phá thai để thành công; họ không cần phá thai để được bình đẳng. Họ có thể có sự nghiệp, ước mơ và con cái của họ nữa. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta cần hỗ trợ họ”.

(Ảnh: Shaohannah Faith)

Công việc tiếp theo của chị Shaohannah là ủng hộ luật Hoa Kỳ để bảo vệ sự sống cho các thai nhi. Chị cũng chuẩn bị các tài liệu để phản đối các loại thuốc phá thai trong chuyến đi xung quanh các trường đại học ở Maryland và Washington vào mùa xuân.

Chị nói: “Thông điệp mà tôi muốn truyền tải là sự sống là một món quà. Đó là món quà mà tôi đã nhận được để có cơ hội tiếp tục đấu tranh cho nó, để thấy nó được trân trọng hơn thời kỳ mà tôi sinh ra”.

Theo Louise Chambers - The Epoch Times

Du Du biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cô gái sống sót trong chính sách một con của Trung Quốc hiện đang cứu những thai nhi ở Mỹ