Có nên ăn chuối hoặc uống sữa lúc đói hay không? 4 loại thực phẩm không nên ăn khi đói bụng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn có thể từng nghe ai đó nói: “Không được ăn chuối hay uống sữa khi bụng đói”. Người ta cho rằng các thực phẩm này được hấp thụ khi bụng đói có thể ảnh hưởng đến dạ dày, đường ruột và dễ sinh bệnh. Vậy điều này đúng hay không?

Ăn chuối và uống sữa khi đói

1. Ăn chuối khi bụng đói sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?

Thực tế, nếu thận khỏe mạnh, thì bạn có thể ăn chuối khi bụng đói. Chuối ăn vào cần phải trải qua quá trình tiêu hóa và hấp thụ phức tạp. Lúc này, các nguyên tố vi lượng như magie và kali mới được cơ thể hấp thụ và sử dụng.

Người có chức năng thận bình thường có thể duy trì cân bằng động, cho phép bài tiết kali và magie qua nước tiểu, không ảnh hưởng đến sức khỏe của tim và thận.

Đành rằng ăn chuối khi bụng đói sẽ không gây tiêu chảy, nhưng chất xơ trong chuối không tốt bằng quả lê, khả năng nhuận tràng không mạnh, đặc biệt chuối sống có chứa axit tannic, ăn nhiều có thể gây táo bón.

2. Cơ thể sẽ ra sao khi bạn uống sữa lúc đói?

Đối với một số người, uống sữa khi đói có thể gây tiêu chảy. Nhất là những người có cơ địa không dung nạp lactose, họ dễ bị tiêu chảy kể cả khi uống sữa lúc bình thường.

Tình trạng tiêu chảy xuất hiện do cơ thể thiếu men lactase, không thể phân hủy được đường lactose trong sữa.

Ngược lại, người có chức năng tiêu hóa bình thường, không có vấn đề liên quan đến dung nạp đường lactose vẫn có thể uống sữa khi bụng đói.

Đối với một số người, uống sữa khi đói có thể gây tiêu chảy.
Đối với một số người, uống sữa khi đói có thể gây tiêu chảy. (Unsplash)

Những thực phẩm không được ăn khi bụng đói là gì?

1. Thực phẩm nhiều đường

Ăn quá nhiều đồ ngọt khi bụng đói có thể kích thích dạ dày tiết ra một lượng lớn axit dịch vị. Do trong dạ dày không có thức ăn để trung hòa nên sẽ gây trào ngược axit, gây khó chịu cho dạ dày.

Đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường, ăn thực phẩm nhiều đường khi bụng đói có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột ngột.

2. Đồ uống có cồn

Rượu được hấp thụ dễ dàng ở dạ dày và chuyển hóa ở gan.

Uống rượu khi bụng đói có thể tăng tốc độ hấp thụ rượu, không chỉ dễ say hơn mà còn kích thích niêm mạc dạ dày, đồng thời sẽ làm tổn thương gan trầm trọng.

3. Thức ăn quá dầu mỡ

Tránh tiêu thụ đồ ăn quá nhiều dầu mỡ khi bụng đói như thịt ba chỉ hoặc cá… Bởi chúng sẽ khiến cơ thể phân giải chất đạm để cung cấp nhiều năng lượng hơn, từ đó gây lãng phí chất đạm.

4. Thực phẩm kích thích

Thực phẩm cay, lạnh hoặc chua đều có tính kích thích cao, không nên ăn khi bụng đói, nếu không sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày và đường ruột, dẫn đến đau dạ dày, tiêu chảy.

Không ăn bao lâu được coi là nhịn đói?

Dung tích dạ dày tương đối lớn, đạt 50-100ml khi nhịn ăn. Sau khi ăn no, dung tích của dạ dày có thể đạt tới 1600ml. Thức ăn càng chậm ra khỏi dạ dày thì bạn càng thấy no lâu hơn.

Thức ăn đặc và lớn, thức ăn chứa protein và chất xơ thường tiêu hóa tương đối chậm.

Từ quan điểm y học, nhịn ăn đề cập đến việc bạn không ăn bất cứ thứ gì trong hơn 8 tiếng, nhưng không vượt quá 16 tiếng.

Thực phẩm cay, lạnh hoặc chua đều có tính kích thích cao, không nên ăn khi bụng đói. (Unsplash)
Thực phẩm cay, lạnh hoặc chua đều có tính kích thích cao, không nên ăn khi bụng đói. (Unsplash)

Ai nên chú ý đến thứ tự ăn uống?

1. Người không dung nạp đường lactose

Người không dung nạp đường lactose dễ bị tiêu chảy sau khi uống sữa lúc đói.

Những người này nên ăn thực phẩm tinh bột trước, vừa giúp dạ dày lưu trữ thức ăn lâu hơn, vừa có thể pha loãng sữa đã uống, đồng thời cung cấp đủ năng lượng cho đường tiêu hóa, giảm cảm giác khó chịu sau khi uống sữa.

2. Người dạ dày kém

Người dạ dày kém không nên tiêu thụ thức ăn chứa quá nhiều amylase khi bụng đói, nếu không sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày.

3. Những người dễ bị tiêu chảy

Những người dễ bị tiêu chảy không nên tiêu thụ các loại thực phẩm thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa trước bữa ăn, để tránh làm nặng thêm tình trạng và ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể.

Khả năng chịu đựng của mỗi người đối với thực phẩm là khác nhau, bạn có thể căn cứ vào tình huống của bản thân để điều chỉnh các loại đồ ăn nên tiêu thụ lúc đói hay trước bữa ăn.

Nói chung, những người có sức khỏe bình thường, khả năng tiêu hóa tốt thì không nhất định cần tuân theo trình tự ăn uống.

Ngoài ra, bạn không nên ăn những thực phẩm có thể gây kích ứng đường tiêu hóa khi bụng đói, chẳng hạn như thực phẩm chứa quá nhiều axit oxalic và tannin, quá nhiều dầu mỡ.

Theo Aboluowang.com
Hoàng Tuấn biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Có nên ăn chuối hoặc uống sữa lúc đói hay không? 4 loại thực phẩm không nên ăn khi đói bụng