Có thể dùng thuốc để loại bỏ mảng bám động mạch hay không? Nếu có thì nên dùng thuốc gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong điều trị lâm sàng, một số người có thể giảm kích thước mảng bám thông qua kiểm soát chế độ ăn uống và tăng cường tập thể dục. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy rất hiếm và hầu hết mọi người đều cần đến sự trợ giúp của thuốc để loại bỏ một phần mảng bám.

1. Mảng bám trong động mạch không phải là “rác”

Nhiều người cho rằng mảng bám trong động mạch là rác trong máu, giống như ống nước tích tụ cặn bẩn sau thời gian dài sử dụng. Nếu cặn có thể hòa tan được thì mảng bám cũng cần phải bị loại bỏ.

Nhưng thực ra, thành phần của mảng bám động mạch không phải là “rác”, mà là sự tích tụ cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL-C) trong máu đi vào nội mạc động mạch và bị đại thực bào nhấn chìm tạo thành tế bào bọt. Cholesterol là chất dinh dưỡng trong cơ thể người, không phải rác thải vô dụng, chỉ là đặt nhầm chỗ mà thôi.

Vấn đề là một khi các tế bào bọt hình thành, chúng không thể di chuyển được nữa và phát triển vững chắc trong niêm mạc động mạch, khiến việc loại bỏ mảng bám mà không phá hủy niêm mạc động mạch là điều không thể.

2. Mối liên quan giữa nồng độ LDL-C và mảng bám

LDL-C là "nguyên liệu thô" chính tạo nên mảng bám động mạch, nhưng người ta phát hiện ra rằng chỉ cần giảm mức LDL-C có thể ngăn nó xâm nhập vào nội mạc động mạch.

Các nghiên cứu liên quan đã xác nhận rằng khi mức LDL-C được kiểm soát dưới 2,0mmol/L, LDL-C sẽ ngừng xâm nhập vào nội mạc động mạch; nếu có thể kiểm soát được dưới 1,8mmol/L, các LDL-C đã đi vào nội mạc động mạch sẽ chảy ngược vào máu và được vận chuyển trở lại gan để phân hủy.

Tuy nhiên, chỉ có LDL-C chưa bị nuốt chửng mới chảy ngược trở lại, còn LDL-C đã có sẵn trong tế bào bọt thì không có cách nào chuyển ra ngoài. Vì vậy, một khi mảng bám đã hình thành thì không thể loại bỏ được.

3. Mảng bám không thể loại bỏ được nhưng có thể đảo ngược

Trong điều trị lâm sàng, một số người có thể giảm kích thước mảng bám thông qua kiểm soát chế độ ăn uống và tăng cường tập thể dục. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy rất hiếm và hầu hết mọi người đều cần đến sự trợ giúp của thuốc để loại bỏ một phần mảng bám.

Hiện nay rõ ràng rằng statin có thể đảo ngược các mảng bám. Kiểm soát LDL-C dưới 1,8mmol/L, tốt nhất là khoảng 1,4mmol/L, và sử dụng liên tục trong 2 đến 4 năm có thể làm giảm mức độ thu hẹp của động mạch.

Tuy nhiên, chỉ những mảng mềm mật độ thấp có mới có tác dụng đảo ngược rõ ràng, nếu là những mảng cứng mật độ cao thì tác dụng đảo ngược sẽ rất hạn chế.

4. Việc đảo ngược mảng bám đòi hỏi “cách tiếp cận đa hướng”

Nếu muốn đẩy lùi mảng bám, trước tiên bạn cần cải thiện thói quen sinh hoạt, ăn chế độ ăn ít chất béo, ít đường, ít muối, đồng thời tăng cường vận động trong khả năng của mình.

Nếu việc sử dụng statin không thể đạt được mục tiêu loại bỏ LDL-C thì cần sử dụng kết hợp các thuốc ức chế hấp thu cholesterol và các chất ức chế PCSK9.

Đồng thời, bạn nên bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu, kiểm soát huyết áp và lượng đường trong máu để giảm tổn thương đến nội mạc động mạch, ngăn chặn LDL-C từ vùng bị tổn thương xâm nhập vào nội mạc động mạch và tiếp tục hình thành mảng bám.

Tóm lại, cho đến nay chưa có loại thuốc nào có thể loại bỏ hoàn toàn mảng bám động mạch, nếu ai đó cho rằng một loại thuốc nào đó có thể loại bỏ rác thải trong mạch máu và loại bỏ mảng bám thì đó hẳn là chiêu trò quảng cáo.

Tuân thủ lối sống lành mạnh, sử dụng phương pháp điều trị dựa trên statin với sự hướng dẫn của bác sĩ và kiên trì dùng thuốc lâu dài là những cách chính xác để đảo ngược mảng bám. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về thuốc, vui lòng tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc dược sĩ.

Theo Wang He - Aboluowang
Bảo Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Có thể dùng thuốc để loại bỏ mảng bám động mạch hay không? Nếu có thì nên dùng thuốc gì?