Đại hội Đảng 20 tác động xấu đến đồng CNY và TTCK Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đồng CNY và TTCK Trung Quốc đã có phản ứng tiêu cực đối với Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ. Triển vọng kinh tế Trung Quốc trở nên u ám khi ông Tập sẽ không nới lỏng chính sách COVID, khả năng xâm lược Đài Loan tăng cao và chính quyền sẽ tập trung nhiều hơn vào an ninh thay vì kinh tế. Không những thế, quyền lực tại đất nước này đã tập trung vào một người duy nhất.

Việc cải tổ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và bài phát biểu của ông Tập trước Đại hội Đảng lần thứ 20 ở Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư hoảng sợ, làm trầm trọng thêm vấn đề của một nền kinh tế đang gặp khó khăn mà không có cách nào để xoa dịu trước mắt.

Vào ngày 24/10, các thị trường đã phản ứng với phiên bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ. Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán 2,5 tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc tại Hong Kong, dẫn đến khoản tổn thất lớn nhất kể từ năm 2008. Đồng thời, đồng CNY (nhân dân tệ) chạm mức thấp nhất trong 14 năm, phá vỡ mức 7,3 CNY đổi 1 USD. Chỉ số thị trường chứng khoán (TTCK) Hang Seng của Hong Kong giảm hơn 6%, trong khi tại Mỹ, chỉ số Rồng Vàng của các công ty Trung Quốc niêm yết trên Nasdaq giảm 14% và mất 93 tỷ USD giá trị. Cả chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Component đều mất khoảng 2%, trong khi China CSI 300 giảm 2,93%.

Các công ty Internet đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đang phải đối mặt với các cuộc tấn công từ cả hai bên bờ Thái Bình Dương. Cuộc đàn áp của ông Tập đã khiến lĩnh vực này thiệt hại 1,5 nghìn tỷ USD và lệnh cấm chip của Mỹ có thể khiến thiệt hại còn tăng hơn nữa.

Triển vọng kinh tế u ám

Trong bài phát biểu của ông Tập tại Đại hội Đảng, không có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ nới lỏng chính sách zero-COVID, thứ đang cản trở tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Một ngày sau khi kết thúc hội nghị, 28 thành phố đã bị phong tỏa ở nhiều mức độ khác nhau. Những vụ phong tỏa này đã ảnh hưởng đến 207,7 triệu người, chiếm 8,5% GDP của đất nước.

Đại hội đảng 20 tác động tiêu cực đến đồng CNY và TTCK Trung Quốc
Người dân nói chuyện với những người bị nhốt trong vụ phong tỏa COVID-19 ở quận Tĩnh An của Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 27/05/2022. (Ảnh: Hector Retamal / AFP qua Getty Images)

Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Tập đã nhắc lại các mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và một cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại vào năm 2035, và dẫn đầu thế giới “về sức mạnh tổng hợp của quốc gia và ảnh hưởng quốc tế” vào năm 2049. Phản ứng của thị trường cho thấy rằng các nhà đầu tư nhận thức được sự mâu thuẫn giữa các mục tiêu đã nêu của ông Tập và các chính sách của ông. Một cuộc xâm lược Đài Loan dường như cũng có nhiều khả năng xảy ra hơn khi ông Tập đã công khai tuyên bố rằng Trung Quốc có quyền sử dụng vũ lực để sáp nhập quốc đảo này. Một cuộc chiến tranh sẽ đặt dấu chấm hết cho một nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn.

Nợ công khổng lồ, các hạn chế COVID-19, và nhiều cuộc đàn áp khác nhau như cuộc đàn áp đối với lĩnh vực công nghệ, đã đặt ra câu hỏi về khả năng đạt được các mục tiêu này. Nhưng sau những thay đổi mới đây trong chính phủ, các nhà đầu tư đang phản ứng như thể họ tin rằng các mục tiêu của ông Tập là không thể đạt được.

Nền kinh tế dường như ít được ông Tập ưu tiên hơn, điều này khiến cho việc đạt được các mục tiêu 2035 và 2049 càng ít có khả năng xảy ra hơn. Thông điệp của ông Tập cho thấy rằng ông đang chuyển trọng tâm từ kinh tế sang an ninh. Trên thực tế, từ “an ninh” đã xuất hiện 91 lần trong bài phát biểu của ông trước đại hội ĐCSTQ. Ông cũng muốn nâng cao vai trò của ĐCSTQ trong xã hội Trung Quốc và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế. Tất cả những điều này đều không làm tăng niềm tin của nhà đầu tư về khả năng sớm phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.

Thâm hụt ngân sách của Trung Quốc đã lên tới gần 1 nghìn tỷ USD trong quý 03/2022, con số này cao gấp ba lần so với cùng thời điểm năm ngoái. Chi tiêu tiêu dùng giảm và doanh thu bán bất động sản giảm 28,3% đang khiến GDP giảm. Những khoản sụt giảm này, cùng với việc cắt giảm thuế nhằm kích thích nền kinh tế, đã làm doanh thu của chính phủ giảm 6,6% kể từ năm ngoái.

Hầu hết các nhà phân tích dự đoán ĐCSTQ sẽ tiếp tục thắt chặt sự kìm kẹp đối với nền kinh tế, với các hạn chế chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực công nghệ và mở rộng phong tỏa COVID. Đối mặt với rủi ro gia tăng, các nhà đầu tư sẽ yêu cầu lợi nhuận lớn hơn từ các khoản đầu tư của Trung Quốc, và với các chính sách hiện tại, có vẻ như các khoản lợi nhuận đó sẽ không trở thành hiện thực. Cho đến nay trong năm nay, các nhà đầu tư đã bán bớt 16 tỷ USD chứng chỉ lưu kí Mỹ (chứng chỉ đại diện cho cổ phần của công ty nước ngoài) của các công ty Trung Quốc.

Quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối

Khi ông Tập kiểm soát nhiều vị trí cao nhất trong chính phủ Trung Quốc và đưa nhiều đồng minh vào bộ chính trị, nên không ai có thể nói với ông ấy rằng các chính sách của ông ấy mang tính phá hoại. Không cần phải chịu trách nhiệm giải trình và không phải lo lắng về việc bị luận tội hoặc bị từ chối nhiệm kỳ thứ tư, ông Tập có quyền tự do làm những gì mình muốn.

Đại hội đảng 20 tác động tiêu cực đến đồng CNY và TTCK Trung Quốc
Các thành viên của Ủy ban Thường vụ mới của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng với Lý Cường, Triệu Lạc Tế, Vương Hỗ Ninh, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường và Lý Hy đến để chụp ảnh nhóm tại cuộc gặp với các nhà báo Trung Quốc và nước ngoài tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 23/10/2022 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)

Ông Tập đang quên một bài học kinh nghiệm của ông Đặng Tiểu Bình. Dưới thời Mao, quyền lực tập trung vào một người đàn ông duy nhất, người đã đưa ra các chính sách kinh tế thảm khốc khiến hàng chục triệu người chết đói và hàng trăm triệu người phải chịu cảnh đói nghèo. Khi ông Đặng lên nắm quyền, ông bắt đầu bãi bỏ quy định trong nền kinh tế, dẫn đến tăng trưởng kinh tế chưa từng có và mức sống trung bình được cải thiện. Giờ đây, quyền lực đã trở lại trong tay một người đàn ông duy nhất, người đang đưa đất nước trở lại thời kỳ kiểm soát chặt chẽ hơn của chính phủ. Ông Tập đang thay thế Tư tưởng Mao Trạch Đông bằng Tư tưởng Tập Cận Bình.

Ông Tập hiện là “nòng cốt của Đảng” và nắm quyền tuyệt đối đối với kinh tế và người dân. Và như người ta đã nói, quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa một cách tuyệt đối.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Antonio Graceffo - The Epoch Times

Tiến sĩ Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện đang theo học ngành quốc phòng tại Đại học Quân đội Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc)



BÀI CHỌN LỌC

Đại hội Đảng 20 tác động xấu đến đồng CNY và TTCK Trung Quốc