Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án Nga sáp nhập 4 tỉnh Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua dự thảo nghị quyết lên án 'cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp' và 'nỗ lực sáp nhập bất hợp pháp' của Nga hôm 12/10, đồng thời yêu cầu Nga 'đảo ngược ngay lập tức và vô điều kiện' các quyết định của mình.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án Nga sáp nhập 4 tỉnh Ukraine

Hôm thứ Tư (12/10) tại New York, 143 quốc gia thành viên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết gọi hành động của Moscow là bất hợp pháp, làm sâu sắc thêm sự cô lập quốc tế của Nga. 5 quốc gia bỏ phiếu chống, 35 quốc gia bỏ phiếu trắng, một số nước không tham gia bỏ phiếu.

35 quốc gia bỏ phiếu trắng, đa số là các quốc gia châu Phi, Ấn Độ, Pakistan và cả đối tác chiến lược của Nga là Trung Quốc.

5 nước bỏ phiếu chống gồm Nga, Belarus, Triều Tiên, Syria và Nicaragua.

Nghị quyết kêu gọi tất cả cơ quan của LHQ và quốc tế không công nhận bất kỳ thay đổi nào do Nga công bố về biên giới và yêu cầu Moscow "đảo ngược ngay lập tức và vô điều kiện" các quyết định của mình.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết trên Twitter rằng ông "biết ơn 143 quốc gia đã ủng hộ nghị quyết lịch sử của Đại hội đồng LHQ. Nỗ lực thôn tính của Nga là vô giá trị".

Tại Brussels, hơn 50 quốc gia phương Tây đã nhóm họp để cam kết tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, đặc biệt là vũ khí phòng không, sau các cuộc tấn công trả đũa nặng nề do Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh trong tuần này nhằm đáp trả vụ nổ cây cầu Crimea.

Cam kết viện trợ được các đồng minh Ukraine ủng hộ. Pháp thông báo sẽ chuyển giao các hệ thống radar và phòng không cho Ukraine trong những tuần tới. Anh cam kết viện trợ tên lửa phòng không và Canada cho biết sẽ cung cấp đạn pháo cùng các khí tài khác.

Tại cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine ở Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết các cuộc tấn công mới nhất cho thấy "sự tàn ác" của Nga kể từ khi xâm lược Ukraine vào ngày 24/2. Ít nhất 26 người thiệt mạng kể từ hôm thứ Hai (10/10) trong các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga trên khắp Ukraine.

"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng Ukraine được trang bị những vũ khí cần thiết để chiến đấu hiệu quả", ông Lloyd Austin cho biết.

Ukraine: Tăng cường viện trợ quân sự sẽ sớm chất dứt cuộc chiến

Kể từ khi Nga tấn công Ukraine hôm 10/10, Đức đã gửi lô đầu tiên trong tổng số 4 hệ thống phòng không IRIS-T SLM cho Kyiv, trong khi Washington cho biết họ sẽ đẩy nhanh tiến độ chuyển giao hệ thống phòng không NASAMS như đã hứa.

"Các vụ tấn công bằng tên lửa vào Kyiv và các thành phố khác cho thấy tầm quan trọng của năng lực phòng không đối với khả năng tự vệ của Ukraine", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht tuyên bố.

IRIS-T SLM là hệ thống phòng thủ đất đối không do tập đoàn công nghiệp quốc phòng Diehl Defense của Đức chế tạo, được trang bị bằng các loại tên lửa tầm ngắn. Với khả năng đánh chặn các loại tiêm kích, trực thăng, tên lửa hành trình, pháo phản lực, máy bay không người lái, tên lửa và bom phản radar, IRIS-T SLM có thể bắn hạ các loại phương tiện ở độ cao 20 km, tầm xa 40 km.

Ông Zelenskyy nói rằng việc tăng cường viện trợ sẽ củng cố cho cuộc phản công của Ukraine.

Ông Zelenskyy nói qua video tại một diễn đàn trong cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Washington: “Ukraine càng được hỗ trợ quân sự nhiều, thì chiến tranh với Nga sẽ sớm kết thúc".



BÀI CHỌN LỌC

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án Nga sáp nhập 4 tỉnh Ukraine