Đặt vào chỗ chết để tìm ra đường sống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tự cổ đến nay ai không chết? Nhân sinh muôn vẻ: nửa sống nửa chết, trăm chết một sống, vừa sinh ra là bắt đầu chết, tham sống sợ chết, sống rồi cũng phải chết. Vào lúc sinh tử tồn vong, có thể đặt vào chỗ chết để tìm ra con đường sống chăng?

Giới thiệu: Thầy thuốc Đông Y Ôn Tần Dung nhiều năm đắm mình trong Đông y, hàng ngày tiếp xúc với những bệnh nhân muôn hình muôn vẻ đến chữa bệnh, ngoài việc chữa bệnh, bà còn phân tích từ nông cạn đến thâm sâu cho bệnh nhân, tìm ra cốt lõi của nguồn bệnh.

Sách “Bát diện đương phong - Tuyệt xứ phùng sinh” là trước tác thứ 8 của bà, thu lục 37 câu chuyện sinh động trong quá trình chữa bệnh, thắp lên một ngọn đèn trí huệ sáng suốt cho thế nhân đang đau đớn trong bệnh tật và thống khổ trong biển khổ cuộc đời.

Bác sĩ Ôn Tần Dung hiện là Giám đốc Phòng khám Đông y Minh Huệ ở thành phố Đài Trung, Đài Loan.

Cô giáo xinh đẹp với căn bệnh lạ

Một nữ sĩ 43 tuổi, là giáo viên tiểu học ở miền Nam Đài Loan, lấy được một người chồng tốt quan tâm chăm sóc, sinh được một con gái xinh xắn, cuộc sống không thiếu thốn gì. Mẹ chồng coi cô như con đẻ. Cuộc sống mỹ mãn như vậy, sao cô lại mắc chứng bệnh trầm cảm?

Cô đã dùng thuốc Tây trị liệu, hai năm gần đây bệnh tình càng ngày càng nặng. Thế là chồng cô đưa đi khám. Cô giáo vào phòng khám, trông bước chân nhẹ nhàng, dáng vẻ thanh tú, xinh đẹp, da dẻ mịn màng, mặt không có tàn nhang, không nếp nhăn, chỉ có đôi mắt là đờ đẫn vô định. Xem hồ sơ khám sức khỏe thấy tư liệu rõ ràng, đều tốt cả, không thấy có chỗ nào là biểu hiện của bệnh thần kinh?

Cô giáo cung kính lễ độ, nói năng nhu hòa, thanh âm êm dịu dễ nghe, làm người ta có cảm tình. Là hồng nhan bạc mệnh chăng?

Cô nói mấy câu rồi đưa ra hai tờ giấy A4 đầy chữ, viết về các chứng trạng làm cô mệt mỏi, từ đầu tới chân, chỗ nào cũng có bệnh, xem mà thấy đau đầu mệt não!

Cô từ nhỏ sống hạnh phúc trong một gia đình êm ấm, được mẹ cha thương yêu, không bị tổn thương gì cả, cũng không phát sinh bệnh tình gì lớn, học hành cũng thuận lợi hanh thông. Vậy tại sao lại trầm cảm? Sự tình gì đã dẫn đến bệnh này?

Thật là ‘Nhất vấn tam bất tri’ (thành ngữ chỉ sự việc từ lúc bắt đầu, phát triển, kết quả đều không biết rõ). Như đám bèo trôi dạt không gốc rễ, chữa trị thế nào đây? Vẫn còn may, có thể dùng châm cứu.

Châm cứu trị bệnh

Trấn kinh an thần, mất ngủ, châm các huyệt Bách Hội, Thần Đình, Ấn Đường. Can khí uất kết, đờm rãi khò khè, châm huyệt Hợp Cốc thấu đến Lao Cung, huyệt Thái Xung thấu sang Dũng Tuyền, kích thích nhẹ. Can (gan) uất khí trệ, tỳ vị bất hòa, nuốt không trôi, đại tiện không thoải mái, châm huyệt Trung Quản, Túc Tam Lý, Công Tôn. Tâm tình u uất, tâm tỳ trống không, lo sợ, châm Đản Trung, Nội Quan, Gian Sứ, Túc Tam Lý.

Tâm huyết khuy hư, cần bổ khí huyết, châm Túc Tam Lý, Tam Âm Giao. Cổ đau mỏi, dễ cảm mạo, châm huyệt Phong Trì, Khúc Trì, Hợp Cốc. Toàn thân đau mỏi, châm huyệt Hợp Cốc, Thái Xung. Váng đầu, đứng không vững, bước đi vô lực, châm huyệt Bách Hội, Khí Hải, Quan Nguyên, Âm Lăng Tuyền.

Châm cứu. (Ảnh minh họa: Antoni Shkraba/Pexels)

Châm cứu xong, mặt cô giáo trở lên hồng nhuận, thấy nhẹ bẫng cả người, nhưng về tới nhà thì bệnh vẫn như cũ. Sau đó, chứng trầm cảm lại thêm chứng sợ hãi, cả hai chứng bệnh giáp công, làm cho cô giáo ngoài việc đến trường ra thì không dám đi đâu nữa.

Sau một tháng, cô giáo mới quay lại khám, lần này cô đưa ra ba trang tả lại bệnh tình, nội dung có thêm phần chứng sợ hãi. Tôi dạy cô ấn huyệt Thần Môn, Hợp Cốc, Nội Quan nhưng không thấy tác dụng.

Hai tháng sau, cô giáo mới lại tới khám. Cô nói khi châm cứu làm tinh thần tốt lên, nhưng khi về tới nhà thì lại đâu vào đó. Mọi người không biết làm thế nào?

Tây y chỉ còn cách tăng thêm liều lượng thuốc, cô giáo uống thuốc xong thấy người ủ rũ, dường như không thể đi làm.

Mãi tới 7 tháng sau, cô giáo mới quay lại, cứ ngắt quãng như vậy, 10 tháng ba lần châm cứu, trị bệnh sao đây?

Chẳng còn cách gì, do chồng cô bận quá, không thể thường đưa cô đi khám, lúc này người chồng vẫn ân cần như xưa, không kêu ca phàn nàn, nhưng gương mặt tiều tụy cũng xuất hiện nhiều nếp nhăn tiều tụy do u sầu.

Tình trạng hiện giờ, cô giáo chỉ có thể miễn cưỡng lên lớp một tuần một ngày, hoặc hai ngày rưỡi, những buổi khác thì thuê người dạy thay. Lương giáo viên chi gần hết cho việc dạy thay này. Vì nếu cứ xin nghỉ suốt thì sẽ bị khiển trách, sợ mất thể diện thanh danh. Nhưng lại không cam tâm bỏ việc vì sợ mất nhu nhập, nên đành làm vậy, được đến đâu hay đến đó.

Vì chồng còn phải đi làm, cô giáo phải tự lái xe nửa tiếng tới trường, nỗi sợ hãi đeo bám suốt đường đi, mỗi lần đi về là một khảo nghiệm gian nan. Tôi tặng cho cô một bông hoa sen thủy tinh có nạm chữ “Pháp Luân Đại Pháp Hảo”, bảo cô treo trong xe, sẽ mang tới phúc báo, đồng thời cổ vũ cô nhất định phải chiến thắng nỗi sợ hãi.

Sau đó, cũng phải đến 7 tháng không tới khám, nhưng cô giáo vẫn thường gọi điện tới kêu khổ. Lần này trông thấy cô giáo gầy đi rất nhiều, vẫn trầm cảm, vẫn sợ hãi, Ôi! tại sao Mặt Trời vẫn đều đặn mọc ở đằng Đông lặn ở đằng Tây? Chẳng để ý gì đến nỗi cô đơn của cô?

Lần đi khám này, sau đó là 4 năm không gặp, vì người cha yêu dấu của cô qua đời, cô buồn thương sầu khổ không muốn ra khỏi cửa, ủ rũ như tàu lá héo, người chồng bận rộn nhưng cũng đành phải đưa đón cô đến trường.

Thật không dễ dàng, cô trải qua hai năm vật vã trong đau khổ, rồi cũng ra khỏi được nỗi ám ảnh mất cha. Nhưng quả là Tạo hóa trêu ngươi, người chồng mà cô thường ngày ỷ lại dựa dẫm, không có triệu chứng, không dấu hiệu cảnh báo, bỗng nhiên nhồi máu cơ tim, xuôi tay hết mệnh, thật như sét giữa trời quang. Cô giáo như lửa tàn trước gió! Tính mệnh cô lúc này như sợi chỉ mành, mong manh chực đứt, sao có thể qua nổi sự tàn khốc này trong đoạn đời còn lại?

Lúc này, cô giáo tuổi đã ngoài 50, khó có thể cầm cự đến lúc về hưu, an hưởng tuổi già. Có lẽ căn nhà trống vắng càng làm cô giáo thêm u uất, sợ hãi. Ngôi trường mà cô giáo từng muốn thoát ra không được thì nay lại trở thành nơi cho cô nương náu qua ngày.

Sau khi chồng mất, cô giáo ra khỏi nhà là phải tự lái xe, nỗi sợ hãi luôn nằm trong ngực, mỗi ngày đều như thế, bệnh trầm cảm cộng thêm chứng sợ hãi đè nén. Lần này, cô giáo lại phải nhờ bạn đưa đến phòng khám.

Cô giáo ngồi xuống ghế, câu đầu tiên là: ‘Nhờ thầy thuốc xem xem, tôi còn có thể tiếp tục dạy học không?’

Tôi khám một lượt tình trạng của cô giáo, để cổ vũ nên tôi nói một cách chắc chắn: ‘Được, nhất định là được, sức khỏe này có thể tiếp tục công tác, nhưng chị cần kiên cường lên một chút. Ông Trời đặt chị vào chỗ chết để tìm ra đường sống đó! Tất cả cần phải dựa vào mình, cần kiên cường.’

Cô giáo nghe xong mắt sáng lên, châm cứu xong, rất vui vẻ về nhà, như vừa được thoát thai hoán cốt.

Như vậy đấy, chứng sợ hãi đeo bám suốt 11 năm, do những người thân yêu nhất, chăm sóc cô giáo chu đáo nhất lần lượt qua đời, khiến một cô giáo có tuổi vô cùng yếu nhược từ cận kề cửa tử đã sống khỏe lại, giống như tỉnh dậy sau cơn mê, phục hồi lại linh hồn của mình.

(Trích từ “Bát diện đương phong - Tuyệt xứ phùng sinh” của Ôn Tần Dung / Nhà xuất bản Bác Đại, Đài Loan)

Ôn Tần Dung - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đặt vào chỗ chết để tìm ra đường sống