ĐCH: Gói viện trợ mới 300 triệu USD cho Ukraine làm tăng nguy cơ Mỹ xung đột trực tiếp với Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoa Kỳ đang gửi thêm 300 triệu USD tới Ukraine để giúp Kyiv đáp ứng “các nhu cầu về quốc phòng và an ninh tối quan trọng”, theo tuyên bố ngày 03/05 của Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD).

Khoản viện trợ quân sự bổ sung mà Washington cung cấp cho Kyiv bao gồm đạn dược sử dụng trong Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), pháo Howitzer 155 mm, đạn cối, tên lửa TOW (phóng bằng ống, theo dõi quang học, dẫn đường bằng dây) và súng trường chống tăng Carl Gustaf, v.v..

DOD cho biết khoản viện trợ này đánh dấu lần rút vũ khí thứ 37 của chính quyền Biden từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc cho Ukraine kể từ tháng 08/2021.

Tổng viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine đến thời điểm hiện tại là khoảng 36 tỷ USD. Vào tháng trước, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa (ĐCH) đã bày tỏ lo ngại rằng viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine có nguy cơ làm leo thang chiến tranh.

Trong một bức thư ngày 20/04 gửi đến Tổng thống Biden, một nhóm gồm 19 nhà lập pháp đảng Cộng hòa nhấn mạnh rằng kể từ tháng 02/2022, Hoa Kỳ là nhà tài trợ chính cho nỗ lực phòng thủ của Ukraine, nhưng sự việc dường như “không có hồi kết" và giới chức "không có chiến lược rõ ràng để kết thúc cuộc chiến”.

Họ viết: “Một cuộc chiến ủy nhiệm với Nga ở Ukraine không phải là lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ và có nguy cơ leo thang vượt khỏi tầm kiểm soát. Với mỗi gói viện trợ mới và mọi loại vũ khí mới được cung cấp cho Ukraine, nguy cơ [Mỹ] xung đột trực tiếp với Nga sẽ tăng lên”.

Ukraine chuẩn bị cho cuộc phản công mùa xuân

Trong thông báo hôm thứ 4 (03/05), Lầu Năm Góc cho biết khoản viện trợ mới nhất sẽ giúp Ukraine “đẩy lùi cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ của Nga”. Lầu Năm Góc cũng cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác của họ để giúp Kyiv “đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp trước mắt” cũng như có được “hỗ trợ an ninh dài hạn”.

Gói viện trợ quân sự mới nhất này được đưa ra khi quân đội Ukraine đang hoàn tất công tác chuẩn bị cho cuộc phản công mùa xuân, nhằm chiếm lại vùng lãnh thổ bị Nga chiếm trước đó, bao gồm cả khu vực Crimea thuộc Biển Đen do Nga kiểm soát.

Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov của Ukraine nói với các phóng viên vào tuần trước rằng “công tác chuẩn bị sắp kết thúc”.

“Ngoài vũ khí và thiết bị quân sự, quân nhân của chúng tôi phải được đào tạo về cách sử dụng chúng”, ông Reznikov nói.

Ông này nói thêm rằng Kyiv đã nhận được các hệ thống tối tân từ Hoa Kỳ nhưng vẫn đang chờ đợi để có thể nhận được xe tăng Abrams.

Ông Biden từng thông báo vào tháng 1 rằng Hoa Kỳ sẽ gửi 31 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams tới Ukraine. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lưu ý có thể mất nhiều tháng để huấn luyện các binh sĩ cách sử dụng các hệ thống phức tạp này.

Ông Reznikov cho biết những chiếc Abrams, trị giá hàng triệu USD, có thể sẽ không được sử dụng trong cuộc phản công sắp tới, nhưng việc huấn luyện binh sĩ về cách sử dụng chúng đang được tiến hành.

“Chúng tôi đang nhận tất cả các thiết bị này miễn phí”, ông Reznikov nói với các phóng viên. Ông cho biết Hoa Kỳ hiện là nhà hảo tâm lớn nhất của Ukraine.

“Tôi sẽ phải làm phép tính. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã nhận được khoảng 80 tỷ USD viện trợ ... Nước đóng góp lớn nhất là Hoa Kỳ; tôi tính như sau: 50 tỷ USD [từ Hoa Kỳ] và 30 tỷ USD từ các quốc gia khác”, ông nói.

Nga cáo buộc Ukraine ám sát Tổng thống Putin

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã lên đến đỉnh điểm vào hôm thứ 3 vừa qua sau khi Nga cáo buộc Ukraine ám sát Tổng thống Vladimir Putin bằng cách tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào dinh thự của ông Putin tại Điện Kremlin.

Văn phòng báo chí của Tổng thống Nga cho biết trong một tuyên bố rằng họ coi vụ tấn công bằng máy bay không người lái này là "hành động khủng bố được lên kế hoạch trước và một nỗ lực nhằm vào mạng sống của Tổng thống Nga".

Trong cuộc họp báo hôm thứ 4 tại Helsinki, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã bác bỏ cáo buộc của Moscow.

“Chúng tôi không tấn công ông Putin hay Moscow. Chúng tôi chiến đấu trên lãnh thổ của chúng tôi. Chúng tôi đang bảo vệ các ngôi làng và thành phố của mình”, nhà lãnh đạo Ukraine nói.

Washington cũng bày tỏ sự hoài nghi đối với tuyên bố của Nga. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với tờ The Washington Post vào hôm thứ 4 như sau: “Tôi không thể xác thực chúng [thông tin] bằng bất kỳ cách nào” và chúng ta nên nghi ngờ các tuyên bố “đến từ Điện Kremlin”.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

ĐCH: Gói viện trợ mới 300 triệu USD cho Ukraine làm tăng nguy cơ Mỹ xung đột trực tiếp với Nga