Doanh nghiệp Trung Quốc mất dự án sân bay Philippines vào tay các công ty châu Âu và Hàn Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dự án Sân bay Quốc tế Sangley Point của Philippines đã được trao cho tập thể các công ty Hàn Quốc, châu Âu và Philippines. Trước đó, các doanh nghiệp tới từ Trung Quốc và Philippines đã giành được dự án này vào năm 2019, nhưng thỏa thuận đã bị hủy bỏ do hai doanh nghiệp trên không nộp đủ giấy tờ hậu tuyển.

Dự án sân bay Philippines vào tay công ty châu Âu và Hàn Quốc

Một tập thể gồm có các công ty Hàn Quốc và châu Âu đã được trao một dự án sân bay trị giá 11 tỷ USD ở Philippines mà trước đó đã được dành cho một công ty nhà nước Trung Quốc.

Chính quyền tỉnh Cavite đã trao hợp đồng phát triển Sân bay Quốc tế Sangley Point (SPIA) cho một tập thể đa quốc gia bao gồm các công ty từ Philippines, Hàn Quốc và châu Âu vào hôm 14/09.

Nhóm này bao gồm các công ty địa phương Cavitex Holdings, House of Investments và MacroAsia Corporation - thuộc sở hữu của nhà tài phiệt người Philippines Lucio Tan - cũng như Samsung C&T Construction của Hàn Quốc, Sân bay Munich của Đức và Ove Arup & Partners Hong Kong Ltd (thuộc tập đoàn Arup có trụ sở chính ở Anh Quốc).

Trong một tuyên bố chung , tập thể các công ty cho biết dự án SPIA “ban đầu sẽ đóng vai trò là một giải pháp thay thế cho Sân bay Quốc tế Ninoy Aquino” và để đáp ứng “nhu cầu vận tải hàng không gia tăng dự kiến ​​trong vòng 30 [đến] 40 năm tới”.

Doanh nghiệp Trung Quốc mất dự án sân bay Philippines vào tay các công ty châu Âu và Hàn Quốc
Người dân đeo khẩu trang chờ đón du khách tại khu vực đến của Sân bay Quốc tế Ninoy Aquino vào ngày 10/03/2020 ở Manila, Philippines. (Ảnh: Ezra Acayan / Getty Images)

“Sân bay Quốc tế Sangley Point được hình dung như một sân bay hai đường băng với sức chứa 80 triệu hành khách mỗi năm, có thể mở rộng lên bốn đường băng để đón tới 130 triệu hành khách mỗi năm”.

Dự án cũng bao gồm việc xây dựng một con đường liên kết dài 4 km (2,5 dặm), cung cấp kết nối đường sắt, cũng như các cơ sở hỗ trợ hàng không và hậu cần được tích hợp đầy đủ.

Theo thông cáo chung, sự phát triển của dự án SPIA dự kiến ​​sẽ tạo ra 50.000 việc làm và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế của Philippines.

Trung Quốc đánh mất thỏa thuận SPIA

MacroAsia ban đầu hợp tác với Công ty TNHH Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC). Họ đã giành được dự án SPIA trị giá 10 tỷ USD vào tháng 12/2019, nhưng thỏa thuận sau đó đã bị chấm dứt vào năm ngoái do họ không nộp các thủ tục giấy tờ hậu tuyển.

Theo hãng tin địa phương Rappler đưa tin, điều này diễn ra bất chấp việc các công ty được cung cấp bốn lần gia hạn để nộp các tài liệu được yêu cầu.

Thống đốc Cavite Juanito Victor nói trên Facebook hôm 26/01/2021: "Mặc dù nó hủy bỏ các cuộc đàm phán, dự án sẽ khởi động lại và hy vọng sẽ có một cuộc đàm phán tiến triển với một đối tác đủ điều kiện hơn vào tháng 10/2021".

Các công ty con của CCCC nằm trong số các công ty Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen vào năm 2020 vì đã giúp Trung Quốc “xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông”.

Trước đó vào tháng 7, Philippines đã hủy đơn xin vay vốn với Trung Quốc sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “rút lui khỏi” 3 thỏa thuận đường sắt mà họ đã ký với cựu Tổng thống Rodrigo Duterte.

Các dự án bao gồm Dự án Bicol Đường sắt Quốc gia Philippines (PNR Bicol) trị giá 142 tỷ PHP (đồng peso Philippines) (khoảng 2,5 tỷ USD), dự án Đường sắt Mindanao trị giá 83 tỷ PHP (khoảng 1,47 tỷ USD), và dự án Đường sắt Subic-Clark trị giá 51 tỷ PHP (khoảng 906 triệu USD).

Cát Duyên

Theo Aldgra Fredly - The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Doanh nghiệp Trung Quốc mất dự án sân bay Philippines vào tay các công ty châu Âu và Hàn Quốc