Giá trị của vàng trong một loạt các cuộc khủng hoảng tại nhiều quốc gia

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong các cuộc khủng hoảng, vàng đã trở thành phương tiện giao dịch và lưu trữ tài sản quan trọng, với tính ổn định đáng quý khi thị trường đầy rẫy biến động. Điều này được thể hiện qua một loạt các ví dụ lịch sử.

Mọi người đều biết rằng vàng là một khoản đầu tư giá trị. Trong nhiều năm, các nhà đầu tư đã mua vàng trong thời kỳ khủng hoảng để bảo vệ tài sản của họ khỏi những biến động của thị trường và những tổn thất tài chính lớn.

Một trong những đặc điểm hấp dẫn nhất của vàng là khả năng độc đáo trong việc duy trì giá trị ngay cả khi thị trường lao dốc.

Khi mà sự biến động dường như đang gia tăng trên thị trường hiện nay, các nhà đầu tư đang tìm kiếm các khoản đầu tư ổn định hơn. Vàng và các kim loại quý khác nổi tiếng về việc duy trì sự ổn định đáng quý trong thời kỳ thị trường biến động cao.

Mua vàng trong thời kỳ khủng hoảng và chiến tranh không phải là một thông lệ mới có. Danh tiếng của vàng như một tài sản trú ẩn có thể được quan sát thấy trong nhiều thập kỷ trước đây.

Bài viết này sẽ xem xét môi trường giao dịch vàng và giá trị tài chính của kim loại quý này trong suốt lịch sử.

Giá trị của vàng được thể hiện qua các cuộc khủng hoảng tại các quốc gia
Quả cầu thế giới và những đồng xu. (Ảnh: gopixa/Shutterstock)

Công cụ chứng khoán về vàng

Các nhà giao dịch và nhà đầu tư có kinh nghiệm thích đổ xô vào vàng khi thị trường chứng khoán cho thấy sự bất ổn. Các nhà đầu tư vàng phải phân tích hành vi giá và theo dõi các hoạt động thị trường và lãi suất. 2 sản phẩm chứng khoán về vàng là GLTR và GLD.

ETFS Physical Precious Metals Basket Shares (GLTR) là các sản phẩm giao dịch hoán đổi cho phép các nhà đầu tư theo dõi hoạt động của vàng trên thị trường.

SPDR Gold Shares (GLD) cho thấy giá vàng đã tăng đều đặn trong 18 tháng qua. Hiện tại, cổ phiếu vàng SPDR cho thấy động lượng trung hạn có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn động lượng dài hạn, được biểu thị bằng sự phân kỳ của đường trung bình động 50 ngày và 200 ngày.

Vai trò trong khủng hoảng

Vàng không chỉ là một khoản đầu tư giá trị. Trong suốt lịch sử, mọi người đã sử dụng vàng khi đi lánh nạn trong thời kỳ khủng hoảng, sử dụng nó để có được lộ trình an toàn qua biên giới và thậm chí để cứu trợ toàn bộ quốc gia.

Chúng ta có thể thấy giá trị lịch sử và xã hội của vàng trên khắp thế giới. Dưới đây là một số ví dụ nổi tiếng về cách các quốc gia dựa vào vàng trong thời kỳ khủng hoảng và chiến tranh để tìm đường lánh nạn và tự do kinh tế.

Vàng và người Việt Nam

Nhiều người Việt Nam bắt đầu chạy trốn khỏi miền nam của đất nước vào năm 1976 sau chiến tranh.

Người dân trốn khỏi đất nước bằng cách chiếm chỗ trên những con tàu lớn do những kẻ buôn lậu điều khiển. Và để ra đi, họ cần vàng để có chỗ trên tàu. Thường thì họ phải trả 10-12 lạng vàng 24 kara cho mỗi người lớn, trong khi trẻ em phải trả 1 lạng. (Lạng là đơn vị đo tương đương 50 gram, hay 1.75 ounce)

Phần lớn người Việt sử dụng vàng miếng Kim Thành, và số tiền thanh toán này bao gồm hai thỏi lớn nhưng mỏng và một thỏi nhỏ.

Trong khi một số người Việt sử dụng vàng Kim Thành thì một số khác lại không tích trữ của cải bằng vàng. Đối với những người không có vàng miếng để đi lánh nạn, họ phải chuyển đổi tài sản hiện tại của mình.

Do đó, hệ thống ngân hàng tael (lạng) ở Sài Gòn đã ra đời vào những năm 1970, cho phép những người tị nạn chuyển đổi đồ đạc và tài sản của họ thành vàng.

Ngoài vàng miếng, nhiều người Việt còn giữ nhẫn vàng và đồ trang sức trên người như một loại tiền khẩn cấp. Giai đoạn lịch sử này phản ánh giá trị thực của vàng khi nó giúp những người dân rời bỏ quê nhà để đến một cuộc sống mới ở nước ngoài bằng cách sử dụng một loại tiền tệ được chấp nhận rộng rãi.

Hàn Quốc huy động vàng

Cuối năm 1997, Hàn Quốc bắt đầu trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế. Với một khoản nợ nước ngoài quá lớn, chính phủ Hàn Quốc đã kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế cung cấp một gói cứu trợ trị giá hàng tỷ USD.

Thật không may, lời kêu gọi này đã mang lại cho Hàn Quốc gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử, tạo ra một sự xấu hổ cho quốc gia và để lại một dấu ấn tiêu cực đối với danh tiếng của Hàn Quốc.

Chính phủ quyết định bắt đầu huy động một chiến dịch thu gom vàng để khôi phục thanh danh của đất nước. Mục tiêu là giúp thanh toán các khoản nợ quốc tế của đất nước và xây dựng lại nền kinh tế.

Chiến dịch khuyến khích người dân Hàn Quốc bán vàng với giá thấp hơn giá trị thị trường để thể hiện tình yêu đối với đất nước của họ và cùng nhau giúp Hàn Quốc thoát khỏi cảnh nợ nần.

Số vàng bán ra của người dân được nấu chảy và biến thành vàng thỏi để chính phủ bán ra thị trường quốc tế.

Chiến dịch là một thành công của lòng yêu nước khi công dân Hàn Quốc xếp hàng tại Ngân hàng Trung ương để bán tài sản vàng của họ. Những tài sản này bao gồm từ nhẫn cưới đến đồng hồ vàng và cúc áo.

Công dân thuộc mọi tầng lớp xã hội đã tham gia chiến dịch, trong đó có cầu thủ bóng chày nổi tiếng Lee Chong-bum. Cầu thủ bóng chày người Hàn Quốc đã bán 31 ounce vàng từ các danh hiệu và huy chương cho ngân hàng.

Từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1998, chiến dịch thu gom vàng yêu nước của Hàn Quốc đã thu được số vàng trị giá 2,13 tỷ USD (khoảng 227 tấn). Vàng đến từ 23% hộ gia đình Hàn Quốc.

Động thái cực kỳ thành công này của chính phủ và người dân Hàn Quốc đã cho phép nước này trả nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế trước thời hạn ba năm.

Vàng trong khủng hoảng tại Argentina

Nhắc đến suy thoái kinh tế, Argentina là trường hợp quá quen thuộc. Từ năm 1989 đến 1990, đất nước trải qua siêu lạm phát. Sau đó, chỉ một thập kỷ sau, quốc gia này phải hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2001–02, trong đó giá trị của đồng peso đã giảm 75%.

Giống như bất kỳ nhà đầu tư thông thái nào sẽ làm, nhiều người Argentina đã chuyển sang sử dụng vàng để đối phó với nền kinh tế biến động liên tục. Kể từ khi chính phủ áp đặt nhiều hạn chế ngân hàng, kiểm soát vốn và đóng băng tài khoản ngân hàng, nhiều người dân bắt đầu mua vàng.

Tài sản bằng vàng của họ có nhiều dạng, bao gồm đồng xu vàng của Chile, đồng xu vàng của Anh và đồng Krugerrand của Nam Phi.

Ngoài ra, nhiều người Argentina còn sở hữu nhiều món đồ bằng vàng khác, bao gồm cả đồ trang sức. Là một quốc gia quen thuộc với những biến động cực đoan của thị trường, người dân Argentina dựa vào vàng để có nguồn tiền khẩn cấp và bảo toàn tài sản.

Điều này cho thấy sự ổn định đáng quý của kim loại quý, ngay cả trong các cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Vàng và lạm phát tại Venezuela

Venezuela là một quốc gia Nam Mỹ khác đã quá quen thuộc với các cuộc khủng hoảng kinh tế. Đất nước trải qua siêu lạm phát và đồng tiền sụp đổ cùng với tình trạng bất ổn xã hội và những rắc rối khác. Kết quả là, chính phủ về cơ bản đã thay thế tiền giấy bằng vàng.

Người Venezuela sử dụng vàng cho hầu hết mọi thứ, kể cả trao đổi và thanh toán hàng hóa. Trong nhiều trường hợp, người dân sử dụng vàng để thanh toán trực tiếp cho thực phẩm.

Từ các đại lý ở quận El Silencio đến các quốc gia lân cận như Columbia, người Venezuela chi trả cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày bằng các tài sản bằng vàng của họ. Ngay cả các đại lý bất động sản cũng đang nhận thanh toán bằng vàng.

Người Venezuela dựa vào vàng trong thời kỳ khủng hoảng để duy trì cuộc sống với nền kinh tế suy sụp và không có dấu hiệu phục hồi. Đối với người Venezuela, vàng tiếp tục là phương tiện sinh tồn.

Giá trị của vàng được thể hiện qua các cuộc khủng hoảng tại các quốc gia
Một công nhân đánh bóng các thỏi vàng tại Nhà máy tinh chế ABC ở Sydney, Úc, vào ngày 05/08/2020. (Ảnh: DAVID GRAY/AFP qua Getty Images)

Vàng để mua thực phẩm tại Zimbabwe

Zimbabwe chia sẻ khó khăn kinh tế với nhiều quốc gia đã đề cập trước đó với việc trải qua thời kỳ siêu lạm phát. Tuy nhiên, đối với người dân Zimbabwe, khó khăn tài chính của họ chủ yếu là do gian lận bầu cử, tham nhũng của chính phủ, chế độ độc tài và sự sụp đổ kinh tế.

Do in quá nhiều tiền vào năm 2007, nền kinh tế của đất nước đã gặp phải tình trạng siêu lạm phát nghiêm trọng. Kết quả là tỷ lệ lạm phát hàng năm của Zimbabwe tăng lên 231 triệu %, trong khi giá trị của đồng đô la Zimbabwe giảm 99,9%.

Với mức siêu lạm phát cao mang tính lịch sử, nhiều người dân Zimbabwe phải vật lộn để có được nhu yếu phẩm. Cuối cùng, quốc gia này đã áp dụng một hệ thống trao đổi hàng hóa đặc biệt, dẫn đến việc nhiều nhà cung cấp thực phẩm chỉ chấp nhận vàng.

Zimbabwe giàu tài nguyên vàng; tuy nhiên, hầu hết mọi người đã phải trông cậy vào hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp.

Do các khó khăn kinh tế khác nhau của đất nước, Zimbabwe đã trở thành quốc gia đầu tiên trong thế kỷ 21 trải qua siêu lạm phát. Giờ đây, với một chính phủ bị bãi bỏ, đất nước này đang chuẩn bị cho một đợt siêu lạm phát khác.

Tuy nhiên, những người có vàng sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng sắp xảy ra hơn những người khác, cho thấy sự ổn định độc đáo của các kim loại quý.

Vàng, bạc và các kim loại quý khác nổi tiếng trong lịch sử là mang lại sự ổn định đáng quý. Từ việc giúp cả một quốc gia thoát khỏi cảnh nợ nần tới việc là một phương tiện để mua lương thực, vàng tiếp tục đóng một vai trò quan trọng ở cả thị trường quốc gia và quốc tế.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Giá trị của vàng trong một loạt các cuộc khủng hoảng tại nhiều quốc gia