Giáo sư Harvard bị kết tội vì che giấu quan hệ với ĐCS Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 21/12, Giáo sư Đại học Harvard Charles Lieber đã bị bồi thẩm đoàn kết tội vì che giấu việc tham gia vào "Kế hoạch Ngàn Nhân tài" của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cung cấp lời khai sai sự thật.

Một tòa án liên bang ở Boston, Mỹ đã dành 5 ngày để nghe lời khai từ cả bên công tố và bên bào chữa trong vụ án Lieber. Hôm 21/12, bồi thẩm đoàn đưa ra tuyên bố sau khi cân nhắc trong khoảng 2 giờ 45 phút rằng, ông Charles Lieber đều có tội trong các cáo buộc khai man thuế, cung cấp báo cáo sai sự thật và không khai báo tài khoản ở ngân hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Lieber không nhận tội trước những cáo buộc này.

Ông Charles Lieber (62 tuổi), là cựu Chủ tịch Khoa Hóa học của Đại học Harvard và là một nhà khoa học nano nổi tiếng thế giới. Công tố viên tuyên bố rằng, Lieber đã đồng ý trở thành "nhà khoa học chiến lược" của Đại học Công nghệ Vũ Hán, Trung Quốc trong quá trình tranh cử giải Nobel vào năm 2011, đồng thời tham gia vào "Kế hoạch Ngàn Nhân tài” của ĐCSTQ.

Công tố viên cho biết, Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lợi dụng "Kế hoạch Ngàn Nhân tài”, để chiêu mộ các nhà nghiên cứu nước ngoài chia sẻ kiến ​​thức với họ. Công tố viên nói rằng, bản thân việc tham gia dự án này không phạm tội, nhưng việc ông Lieber che giấu và nói dối Mỹ là vi phạm pháp luật.

Ông Lieber, người đang mắc bệnh ung thư, tỏ ra vô cảm khi nghe phán quyết của bồi thẩm đoàn. Luật sư bào chữa của ông là Marc Mukasey nói sau phán quyết rằng: "Chúng tôi tôn trọng phán quyết và sẽ tiếp tục chiến đấu".

Công tố viên chỉ ra rằng, trong cuộc điều tra của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Viện Y tế Quốc gia (NIH), ông Lieber đã phủ nhận việc tham gia "Kế hoạch Ngàn Nhân tài” của ĐCSTQ, nhằm bảo vệ sự nghiệp và danh tiếng cá nhân.

Công tố viên cho biết, ông Lieber còn che giấu thu nhập của mình từ "Kế hoạch Ngàn Nhân tài”, bao gồm thu nhập hàng tháng 50.000 USD từ Đại học Công nghệ Vũ Hán, cũng như chi phí sinh hoạt lên tới 158.000 USD, và khoản trợ cấp nghiên cứu trị giá 15 triệu USD.

Công tố viên nói rằng, để trao đổi, ông Lieber đã đồng ý thay mặt trường đại học Trung Quốc (tức Đại học Công nghệ Vũ Hán) xuất bản các bài báo, tổ chức hội thảo quốc tế và nộp đơn xin cấp bằng sáng chế.

Ông Lieber bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ buộc tội và bắt giữ vào tháng 1/2020.

Sau khi bị bắt, ông Lieber nói với FBI rằng, khi Đại học Công nghệ Vũ Hán liên lạc với ông, ông "còn trẻ nên hồ đồ" và tin rằng việc hợp tác sẽ giúp ông nâng cao sự công nhận.

Ông Lieber cho biết ông nhận được từ 50.000 đến 100.000 USD tiền mặt từ Trung Quốc, có lần 200.000 bất ngờ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của ông.

Công tố viên nói rằng, Đại học Công nghệ Vũ Hán đã trả cho ông Lieber số tiền 50.000 USD hàng tháng cộng với 150.000 USD chi phí sinh hoạt theo hình thức một nửa tiền mặt và một nửa gửi ngân hàng. Ông Lieber có một tài khoản ngân hàng Trung Quốc để nhận số tiền này.

Công tố viên cho biết, ông Lieber đã không báo cáo thu nhập đến từ Trung Quốc trên tờ khai thuế thu nhập năm 2013 và 2014. Đồng thời ông cũng không báo cáo tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc cho Hoa Kỳ trong hai năm này.

Vụ án Lieber là một trong những vụ án nổi tiếng nhất của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trong việc chống lại "Kế hoạch Ngàn Nhân tài” của ĐCSTQ.

Năm 2018, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khởi xướng phong trào ngăn chặn các hoạt động gián điệp kinh tế của ĐCSTQ đối với Mỹ. Do đó, việc ĐCSTQ chiêu mộ nhân tài và học giả ở Mỹ thông qua "Kế hoạch Ngàn Nhân tài” đã trở thành mục tiêu kiểm duyệt trọng điểm của Mỹ.

Sau khi chính quyền Biden lên nắm quyền, Bộ Tư pháp cho biết sẽ tiếp tục các hành động chống gián điệp kinh tế dựa trên cách làm của người tiền nhiệm.

Minh Anh

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Giáo sư Harvard bị kết tội vì che giấu quan hệ với ĐCS Trung Quốc