Hệ vi sinh vật đường ruột (Phần 2): Các bệnh liên quan và biện pháp phòng tránh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong loạt bài “Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột”, chúng tôi sẽ chia sẻ những phát hiện mới nhất trong lĩnh vực này của y tế, làm thay đổi cách tiếp cận với bệnh tật, đưa ra các chiến lược mới để chữa và ngăn ngừa bệnh tật.

Vi sinh vật đường ruột không chỉ đơn giản là giúp về tiêu hóa, nó còn quan trọng và ý nghĩa hơn nhiều. Các lợi khuẩn sống trong ruột kết giúp chúng ta tiêu hóa thức ăn và biến đổi chất dinh dưỡng thành các chất chuyển hóa có ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Virus, nấm, vi khuẩn sống bên trong cơ thể cũng như trên bề mặt (da, niêm mạc) có vai trò rất thiết yếu đối với các chức năng của cơ thể. Ví dụ, vi khuẩn trong miệng giúp chúng ta tạo ra oxit nitric, đảm bảo sự lưu thông trơn tru của máu, phòng bệnh tim mạch.

Cộng đồng vi sinh vật này, hay còn gọi là Hệ vi sinh vật đường ruột của cơ thể, còn ít được biết tới, nhưng chỉ với những gì biết được, đã có thể nói rằng đó là chìa khóa để ngăn ngừa và chữa trị nhiều bệnh. Không nơi nào khác trong cơ thể mà hệ sự sống vi mô này lại quan trọng hơn ở ruột.

Các chất chuyển hóa thường là các phân tử nhỏ được tạo ra qua quá trình trao đổi chất. Quá trình đó được thực hiện bởi tế bào hoặc vi khuẩn của chúng ta. Một Nghiên cứu đánh giá trên tạp chí Nature Reviews: Gastroenterology & Hepatology ghi nhận rằng, ngoài nhiều khía cạnh khác, thì “các chất chuyển hóa của vi sinh vật ảnh hưởng đến sự thành thục miễn dịch, cân bằng nội mô miễn dịch, chuyển hóa năng lượng vật chủ và duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc”.

Cũng lại một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Nature cho biết: “Một số vi khuẩn tạo ra chất dẫn truyền thần kinh có hoạt tính sinh học”. Vi khuẩn trong ruột cũng đóng góp các axit amin, chất béo và đường có liên quan tới các quá trình như tiêu hóa và tuần hoàn. Các chất chuyển hóa cũng tham gia vào tổng hợp hormone.

Hệ vi sinh vật đường ruột của chúng ta là một môi trường năng động với hàng nghìn tỷ vi khuẩn liên tục tương tác với hệ tiêu hoá của chúng ta và tương tác lẫn nhau. Vi khuẩn có tuổi thọ ngắn nhưng chúng lại thích nghi và tăng sinh nhanh chóng, có thể cải thiện đáng kể sức khỏe của con người—hoặc ngược lại là gây hại theo những cách mà các nhà nghiên cứu chưa thể hiểu hết được.

Hứa hẹn biện pháp điều trị mới

Trong y học hiện đại, Hệ vi sinh vật của người là một thách thức, mà nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đang kỳ vọng tìm ra những lời giải thích—và có lẽ cả những liệu pháp—cho các bệnh tự miễn đang gia tăng. Khi cơ thể con người ngày càng quay lại tự tấn công chính mình, nhu cầu về các phương pháp điều trị, chữa lành mới càng trở nên cấp thiết hơn.

Thành phần và sự thay đổi của hệ vi sinh vật đường ruột đã được liên kết tới các bệnh từ đường tiêu hóa, viêm và tình trạng chuyển hóa cho đến các bệnh về thần kinh, tim mạch và hô hấp.

Vi khuẩn trên cơ thể chúng ta cũng có tác động đáng kể đến các vi khuẩn gây bệnh khác. Thực tế, hiện tượng mỗi hệ vi sinh vật có phản ứng khác nhau khi bị virus gây bệnh tấn công là một ví dụ. Điều này có thể giúp giải thích tại sao trong các gia đình, có thành viên thì mắc bệnh, ví dụ như COVID-19 và cúm, trong khi những người khác thì không.

Đối với các bác sĩ và nhà nghiên cứu, đó là một câu đố phức tạp nhưng đầy hứa hẹn.

Trong hội nghị gần đây về Hệ vi sinh vật tại Malibu,Tiến sĩ Neil Stollman, chủ tịch khoa tiêu hóa tại Trung tâm Y tế Alta Bates Summit nói: “Tất nhiên, chúng tôi quan tâm đến các Quần xã vi sinh vật, bởi vì chúng tôi tin tưởng một cách đầy hy vọng rằng bằng cách thay đổi hoặc can thiệp vào một quần xã vi sinh vật chúng ta có thể tăng cường sức khỏe, và đó là một vấn đề cốt lõi”.

Có lẽ hầu hết các phương pháp điều trị có tính chọn lọc dựa trên những phức hợp hệ vi sinh vật riêng biệt vẫn còn cần phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ nữa mới có được. Tuy nhiên, bức tranh về vai trò của hệ vi sinh vật đối với bệnh tật đã ít mờ mịt hơn nhiều so với một thập kỷ trước.

Vi khuẩn và bệnh tật

Một bài đánh giá năm 2019 về Vi sinh vật đã khảo sát một số nghiên cứu chuyên xem xét cách mà hệ sinh thái của quần xã vi sinh vật trên người biến đổi thế nào khi chúng ta già đi. Nghiên cứu này tìm cách ghi lại phương thức hệ vi sinh vật biến đổi để đáp ứng với thói quen, chế độ ăn uống, thể dục và bệnh tật. Kết luận thu được đơn giản là, sự cân bằng lành mạnh của các loại vi sinh vật cho phép cơ thể tiến hành các chức năng trao đổi chất và miễn dịch nhắm tới ngăn ngừa sự phát triển của bệnh tật.

Nếu sự cân bằng lành mạnh đó bị mất đi, nó có thể rất giống như khi một hệ sinh thái mất đi quá nhiều loài thực vật, động vật quan trọng và đối mặt với sự sụp đổ, hoặc không thể đối phó với một loài xâm lấn gây tàn phá. Khi điều này xảy ra với hệ vi sinh vật, nó được gọi là “loạn khuẩn”.

Theo một bài báo năm 2021 trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Châu Âu, loạn khuẩn liên quan tới các bệnh, từ các bệnh của đường tiêu hóa đến rối loạn chuyển hóa và thần kinh. Nghiên cứu cũng liên kết hệ vi sinh vật đường ruột với bệnh tim mạch, hen suyễn, dị ứng, chàm và gan nhiễm mỡ không do rượu.

Bệnh tật gây ra loạn khuẩn hay là loạn khuẩn gây ra bệnh tật, thì còn cần phải kiểm tra kỹ hơn. Số lượng các rối loạn có thể xảy ra cũng là một lĩnh vực đang ngày càng được nghiên cứu nhiều hơn.

Vi khuẩn và Virus

“Vi khuẩn hội sinh hiệu chỉnh ngưỡng kích hoạt miễn dịch bẩm sinh chống virus” là tiêu đề của một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Miễn dịch vào năm 2012. Nói cách khác, những vi khuẩn này giúp hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi sự nhân lên của virus, bệnh nặng, và tử vong. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc mất đi vi khuẩn hội sinh có liên quan đến mức độ nặng và tử vong do bệnh cúm; việc sử dụng men vi sinh (probiotics) để điều trị là có lợi cho viêm dạ dày ruột cũng như nhiễm trùng đường hô hấp do virus.

Thậm chí gần đây hơn, mối quan hệ giữa vi khuẩn và COVID-19 đã minh họa cho tiềm năng của vi khuẩn mang tới miễn dịch có thể bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm virus.

Tiến sĩ Sabine Hazan, một nhà nghiên cứu và bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, trong hội nghị gần đây về Hệ vi sinh vật tại Malibu đã giải thích rằng những phát hiện từ nghiên cứu của cô cho thấy hàm lượng cao của Bifidobacteria dường như tạo ra một yếu tố bảo vệ chống lại COVID-19.

Nghiên cứu “Hiện tượng thiếu hụt vi khuẩn của COVID-19” do cô dẫn đầu đã xem xét phản ứng khác nhau với COVID-19 của các gia đình có tiếp xúc gần và kết luận rằng hàm lượng Bifidobacterium thấp có liên quan đến nhiễm virus. Có một điều còn chưa được rõ là: vì các đối tượng từ trước đã có lượng Bifidobacterium thấp khiến họ nhạy cảm với COVID-19 hay lượng vi khuẩn thấp là do lây nhiễm virus.

Vì virus được biết là có thể xâm nhập vào một quần xã sinh vật đã mất cân bằng (loạn khuẩn), Hazan giả định rằng mức độ phổ biến của các quần xã vi sinh vật mất cân bằng ở Mỹ có thể giải thích lý do tại sao COVID-19 lại tấn công mạnh mẽ như vậy ở quốc gia này.

“Có thể đó là do vi khuẩn bị mất đi khiến chúng ta dễ bị nhiễm COVID. Chúng ta đã mất đi vi khuẩn bifidobacteria và chúng ta cần bổ sung lại,” cô ấy nói. “Hệ vi sinh kể ra câu chuyện. Đó là pháp y của y học.”

Một nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí Cell gợi ý rằng các nghiên cứu trong tương lai có thể xác định loại vi khuẩn hội sinh nào có thể được sử dụng trong điều trị để tăng cường khả năng kháng virus tự nhiên. Các nhà nghiên cứu hình dung một tương lai nơi hệ vi sinh vật được sử dụng không chỉ như một công cụ chẩn đoán mà còn là công cụ can thiệp để đạt được các hiệu ứng sinh lý mong muốn.

Vi khuẩn và Sức khỏe

Trong khi các nhà nghiên cứu hướng tới một tương lai hy vọng, với rất nhiều những khả năng, tất nhiên, họ cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc tìm ra nguyên nhân tại sao hệ vi sinh vật lại trở nên mất cân bằng. Nhiều nhà nghiên cứu đang đặt ra câu hỏi rằng chúng ta có những bài học nào để có thể ngăn ngừa bệnh tật ngay từ lúc ban đầu.

Giờ đây, chúng ta đã biết rằng hệ vi sinh vật bắt đầu hình thành ngay trong lúc sinh nở, trẻ sơ sinh nhận được vi khuẩn từ người mẹ để giúp ngăn chặn các vi khuẩn có hại xâm nhập vào hệ vi sinh vật của trẻ. Trong quá trình trưởng thành lên, chúng ta sẽ thu nhận vi khuẩn theo hai cách: theo chiều dọc (từ cha mẹ) hoặc theo chiều ngang (từ môi trường, bao gồm cả thực phẩm).

Mặc dù nghiên cứu mới chỉ là sơ bộ, nhưng sự hình thành theo chiều dọc, hệ vi sinh vật của chúng ta có khả năng bắt đầu ngay từ trong bụng mẹ. Nói cách khác, chúng ta nhận được một số vi khuẩn từ mẹ trước khi được sinh ra. Một số nghiên cứu cho thấy chúng ta cũng thu nhận các vi khuẩn khác khi đi qua ống âm đạo khi sinh nở, mặc dù những phát hiện gần đây còn gây tranh cãi. Sự gần gũi của chúng ta với người mẹ, cũng như việc cho con bú, cũng trao truyền vi khuẩn.

Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ sinh mổ hoặc tiếp xúc với kháng sinh sớm có nhiều khả năng dễ mắc các bệnh viêm nhiễm và béo phì, điều này có khả năng liên quan đến loạn khuẩn. Mặc dù vẫn còn chưa thật sự chắc chắn, nhưng biện pháp “Gieo vi khuẩn giữa mẹ và con để cải thiện sức khỏe trẻ sơ sinh được sinh mổ” (Vaginal Seeding) là một chiến lược có thể ngay lập tức phục hồi hệ vi sinh vật của em bé về tình trạng sinh thái bình thường.

Trong quy trình đơn giản này, một miếng gạc vô trùng được đưa vào âm đạo của người mẹ trước khi mổ lấy thai, sau đó dùng gạc lau lên toàn bộ mặt và cơ thể của trẻ sơ sinh, cố gắng tái tạo sự tiếp xúc với vi khuẩn như trong một ca sinh qua đường âm đạo.

Đã có một số tranh cãi liên quan đến quy trình này vì người mẹ có thể mang vi khuẩn gây bệnh hoặc thậm chí là virus như COVID-19. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) coi dịch tiết âm đạo là một tác nhân “sinh học”, phải tuân theo các quy định mới về thuốc.

Các nghiên cứu đang được tiến hành để xác định xem đây có phải là một chiến lược y tế công cộng hiệu quả để cải thiện sức khỏe hay không. Nó có khả năng mở ra cơ hội cho “liệu pháp sinh học sống”, một sản phẩm hiến tặng tiêu chuẩn hóa dành cho những đứa trẻ có mẹ bị nhiễm trùng hoặc bệnh tật.

Bifidobacterium là một trong những vi khuẩn đầu tiên định cư tại đường tiêu hóa và được cho là có nhiều tác dụng tăng cường sức khỏe. Sự đa dạng của vi khuẩn nhanh chóng mở rộng trong năm đầu của trẻ, chậm lại khi trẻ 3 tuổi và khi trẻ được 5 tuổi thì đã trở nên giống với người lớn hơn.

Tuy nhiên, hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ ít đa dạng và khác biệt đáng kể so với hệ vi sinh vật đường ruột của người lớn khỏe mạnh. Trong khi lớn lên, chúng ta bắt đầu thu nhận vi khuẩn theo chiều ngang từ các nguồn môi trường như thực phẩm, người khác và động vật.

Nếu sự tiếp xúc với vi khuẩn và các vi sinh vật khác giúp xây dựng nên hệ vi sinh vật của chúng ta, thì cũng chính sự phơi nhiễm với môi trường đó giúp định hình nó bằng cách tiêu diệt một số dòng vi sinh vật này và khiến những dòng khác sinh sôi.

Bởi vì chúng ta còn hiểu rất ít về hệ vi sinh vật, nên thật khó để biết chính xác sự cân bằng lành mạnh của vi khuẩn là như thế nào. Các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu xem liệu có một hệ vi sinh vật làm tiêu chuẩn vàng hay thậm chí là một hệ vi sinh vật “bình thường” hay không.

Theo The Epoch Times

Quân Dương biên dịch

Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột (Phần 1): Cân nhắc kỹ trước khi dùng thuốc kháng sinh và kháng khuẩn

Amy Denney là phóng viên sức khỏe của The Epoch Times. Amy có bằng thạc sĩ về các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã giành được một số giải thưởng về điều tra và sức khỏe.



BÀI CHỌN LỌC

Hệ vi sinh vật đường ruột (Phần 2): Các bệnh liên quan và biện pháp phòng tránh