Khám phá Khu lăng mộ ‘cỏ không thể mọc, chim không dám đậu’ ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một khu lăng mộ của 9 triều vua Tây Hạ được bố trí chính xác theo mô hình chòm sao Bắc Đẩu, 253 ngôi mộ bồi táng được sắp xếp theo bố cục chiêm tinh; trường tồn với thời gian và ‘cỏ không thể mọc, chim không dám đậu'. 

Vương triều Tây Hạ (1038 - 1227) do tộc người Đảng Hạng ở Tây Bắc Trung Quốc sáng lập, chỉ tồn tại 189 năm với 10 đời hoàng đế trị vì. Nhà nước Tây Hạ có nền chính trị hoàn thiện, luật pháp nghiêm minh, còn sở hữu hệ thống chữ viết độc đáo, từng sánh ngang với nhà Tống, nhà Liêu.

Năm 1226, quân Nguyên đã tấn công Tây Hạ và chiếm đóng lãnh thổ chỉ trong 4 tháng. Vương triều Tây Hạ đã bị tiêu vong. Tuy nhiên khu lăng mộ các vị vua Tây Hạ trải qua bao mưa nắng, thăng trầm lịch sử, vẫn đứng vững với thời gian, và còn được mệnh danh là "Kim tự tháp phương Đông".

Lăng mộ hoàng gia Tây Hạ nằm trước ngọn núi Hạ Lan, cách Ngân Xuyên khoảng 30km. Đây là công trình này trải dài khoảng 5km từ Đông sang Tây, 10km từ Bắc xuống Nam, diện tích khoảng 53km vuông. Quả thât là một khu lăng mộ rộng lớn hiếm thấy ở Trung Quốc.

Ấn tượng là 9 lăng mộ vua Tây Hạ được bố trí chính xác theo mô hình chòm sao Bắc Đẩu, 253 ngôi mộ bồi táng được sắp xếp theo bố cục chiêm tinh. Với trình độ khoa học công nghệ thế kỷ 11, vì sao người Tây Hạ làm được điều này là câu hỏi đến nay các chuyên gia vẫn chưa tìm ra câu trả lời.

Các nhà khảo cổ đã tiến hành khảo sát, tìm thấy rất nhiều các tác phẩm điêu khắc độc đáo, đặc biệt, các đồng tiền cổ, cùng rất nhiều loại đồ đồng, đồ gốm… Điều khiến các nhà khảo cổ kinh ngạc là có rất nhiều tượng đá, tượng đất hình dáng độc đáo.

Bức tượng với hình dáng độc đáo, đặc biệt của văn hoá Tây Hạ. (Ảnh: Wikipedia CC BY SA 3.0)

Là một đất nước Phật giáo, xem trọng Nho học và Hán học, kiến trúc lăng mộ Tây Hạ cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những văn hóa trên. Các tòa tháp chính trong lăng đều được xây theo lối kiến trúc tháp bát giác, mang đậm dấu ấn phong thủy phương Đông.

Ngoài ra, tất cả lầu tháp và lầu cổng trong lăng đều do các tháp Phật to nhỏ tạo thành. Tương xứng với tháp lăng bên trong, hình thành một quần thể kiến trúc mang nét đặc sắc dân tộc sâu đậm. Thiết kế lấy đài lăng có hình tháp nhiều mái hiên cao to hùng vĩ làm trung tâm, xung quanh là quần thể các tháp Phật cao thấp, đan xen nhau. Từ đó làm cho lăng viên đầy khí thế hùng tráng của Đạo Phật, làm nổi bật nét đặc sắc kiến trúc độc đáo của lăng vua Tây Hạ.

Tuy nhiên, kỳ lạ là 9 lăng mộ vua Tây Hạ vẫn vẹn nguyên, không hề hấn gì trước những tác động của thời gian khoảng gần 1.000 năm qua.

Đi sâu vào tìm hiểu các nhà khoa học khám phá ra rằng công trình được xây dựng bằng đất nện, cũng chính là sở trường của người Tây Hạ. Về cơ bản, đất sẽ được nén chặt lại để hình thành các bức tường hoặc nền nhà. Kỹ thuật xây dựng này giúp cho các công trình có thể đứng vững hàng nghìn năm, Vạn Lý Trường Thành từ thời nhà Tần cũng được xây bằng phương pháp này.

Đặc biệt đất nện của người Tây Hạ được thêm sợi gai và hạt gạo khi trộn để thêm phần chắc chắn. Thành tựu kỹ thuật đất nện Tây Hạ đạt đến đỉnh cao trong việc xây dựng lăng mộ hoàng gia. Những lăng mộ này được ghi nhận là "cỏ không bao giờ mọc, chim không bao giờ đậu".

Theo cuốn Tây Hạ Sử, những vị vua Đại Hạ không muốn cỏ dại mọc trên mộ để giữ được vẻ uy nghi bề thế cũng như tránh việc cỏ cắm sâu rễ xuống đất gây ảnh hưởng đến độ chắc chắn của công trình.

Để làm được điều này, những người thợ đã sử dụng 2 phương pháp: Thứ nhất, cho hoàng thổ vào nồi lớn hấp chín để tiêu diệt hạt giống cỏ bên trong; thứ hai, khử trùng hoàng thổ, cho thêm dầu mè rồi xào ở trên bếp, điều này khiến các loại cây không thể nảy mầm.

Xung quanh lăng mộ cũng có nhiều loài chim hoang dã như quạ, chim sẻ, … nhưng tuyệt nhiên chúng không bao giờ đậu vào những lăng mộ. Nhà khảo cổ tin rằng chính kết cấu hình sao Bắc Đẩu của với nhiều lăng mộ xuất hiện dày đặc đã khiến những con chim cảm thấy bức bối, có cảm giác sợ hãi và không muốn đậu lại.

Trong khi đó các nhà sử học lại cho rằng những người thợ xây đã thêm một loại chất độc nào đó vào đất đai khiến loài chim tránh xa. Tuy nhiên cũng có người cho rằng loài chim ở khu vực này cũng biết kính nể vong linh của các vị vua.

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Khám phá Khu lăng mộ ‘cỏ không thể mọc, chim không dám đậu’ ở Trung Quốc