Khảo sát: Tâm lý bi quan phổ biến tại thị trường chứng khoán Mỹ, lo ngại về ‘hạ cánh cứng’ gia tăng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tâm lý chung của các nhà đầu tư tại Mỹ đã suy giảm trong tháng 10, và ngày càng nhiều người chuyển sang nắm giữ tiền mặt. Trong khi đó, các chuyên gia cũng nêu ra mối lo ngại về cuộc chiến Israel - Hamas và căng thẳng trong giá dầu.

Theo cuộc khảo sát các nhà quản lý quỹ toàn cầu của Bank of America (BofA), các nhà đầu tư lại vừa chuyển sang tâm lý thị trường con gấu (giảm giá) khi ngày càng có nhiều người đổ xô sang nắm giữ tiền mặt và ngày càng có nhiều người tin rằng nền kinh tế Mỹ có khả năng "hạ cánh cứng" (việc hạ nhiệt nền kinh tế sẽ tạo ra khủng hoảng).

Cuộc khảo sát vào tháng 10 của BofA với 225 nhà quản lý quỹ, quản lý 664 tỷ USD, vào ngày 17/10, cho thấy tâm lý chung của nhà đầu tư đã suy giảm trong tháng 10.

“Tâm lý vẫn theo hướng giảm giá”, các nhà phân tích viết trong báo cáo, lưu ý rằng thước đo tâm lý rộng nhất của BofA — dựa trên vị thế tiền mặt, phân bổ vốn cổ phần và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế — đã giảm xuống 1,7 trong tháng 10 từ mức 2,2 trong tháng 9.

Các nhà đầu tư đã tăng mức nắm giữ tiền mặt của họ lên 5,3%, mức phân bổ tiền mặt cao nhất kể từ tháng 7, từ mức 4,9%.

Mặc dù việc hạ cánh mềm đối với nền kinh tế vẫn là kịch bản được cho là dễ xảy ra nhất, kỳ vọng của nhà đầu tư về việc hạ cánh cứng đã tăng 9% lên 30% trong tháng 10, từ mức 21% trong tháng 9.

Các nhà đầu tư cho biết "rủi ro ngoại biên" lớn nhất là lạm phát cao sẽ khiến các ngân hàng trung ương theo đuổi chính sách diều hâu (31%), tiếp theo là tình hình địa chính trị xấu đi (23%) và nền kinh tế suy thoái/hạ cánh cứng (21%).

Cuộc khảo sát diễn ra sau một số báo cáo cho thấy sức tiêu dùng dường như đang suy giảm, trong khi Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon gần đây đã cảnh báo rằng sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm cả cuộc chiến Israel - Hamas, đã mở ra "thời điểm nguy hiểm nhất" trong nhiều thập kỷ.

Khảo sát: Tâm lý thị trường con gấu phổ biến tại Mỹ, lo ngại về ‘hạ cánh cứng’ gia tăng
Ông Jamie Dimon, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, làm chứng trong Phiên điều trần của Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị Thượng viện về Giám sát hàng năm đối với các ngân hàng lớn nhất quốc gia, trên Đồi Capitol ở Washington, DC, Mỹ, vào ngày 22/9/2022. (Ảnh: SAUL LOEB/AFP qua Getty Images)

Tín hiệu tăng giá tốt nhất

Trước đó, chiến lược gia Michael Hartnett của BofA cho biết trong một ghi chú được Bloomberg trích dẫn rằng dấu hiệu tăng giá tốt nhất sẽ là suy thoái kinh tế và việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang, đây sẽ là tín hiệu để các nhà đầu tư “bán tiền mặt” và “kích hoạt các đợt tăng giá mới”, thúc đẩy một sự tăng điểm trên thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, doanh số bán lẻ đã tăng 0,7% so với tháng trước trong tháng 9, gần gấp đôi ước tính đồng thuận, theo dữ liệu trước đó do Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 17/10.

Ông Peter Tuz, chủ tịch của Chase Investment Counsel ở Charlottesville, Virginia, nói với Reuters: “Tin tốt là tin xấu, đó là chìa khóa”. “Con số doanh số bán lẻ rất vững chắc và có thể có tác dụng giữ tỷ lệ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn”.

Ông nói thêm: “Đó có lẽ là yếu tố lớn nhất tạo nên sự thay đổi của thị trường cổ phiếu ngày nay”.

Doanh số bán lẻ, được điều chỉnh theo mùa nhưng không điều chỉnh theo lạm phát, đã tăng 0,7% trong tháng 9 và mức tăng của tháng 8 đã được điều chỉnh tăng lên đạt mức tăng trưởng 0,8%.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đã chỉ ra rằng, khi điều chỉnh theo lạm phát, doanh số bán lẻ đã giảm 0,7% so với cùng kỳ trong tháng 9, đánh dấu mức giảm thứ 11 liên tiếp so với cùng kỳ năm trước.

“Đó là chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2009”, nhà phân tích thị trường Charlie Bilello cho biết trong một bài đăng trên X (trước đây gọi là Twitter).

Nhà kinh tế học Peter Schiff cho biết trong một bài đăng trên X rằng lạm phát chứ không phải tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn là yếu tố đang thúc đẩy doanh số bán lẻ cao hơn "vì người tiêu dùng trả nhiều tiền hơn để mua ít hơn".

Ông viết: “Mức tăng này cũng cung cấp thêm bằng chứng cho thấy Fed đã thua trong cuộc chiến chống lạm phát”.

Mặc dù một số người coi dữ liệu bán lẻ là bằng chứng cho thấy lo ngại về sức mạnh tiêu dùng suy yếu đang bị phóng đại, dữ liệu gần đây cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đã giảm trong khi có một số lượng kỷ lục người Mỹ nói rằng giá cả cao đang làm xói mòn mức sống của họ.

Cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng mới nhất của Đại học Michigan cho thấy niềm tin của người tiêu dùng nói chung đã giảm 7% trong tháng 10, sau hai tháng tương đối ít thay đổi.

Bà Joanne Hsu, giám đốc Khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan, cho biết: “Đánh giá về tài chính cá nhân giảm khoảng 15%, chủ yếu là do lo ngại về lạm phát gia tăng đáng kể và điều kiện kinh doanh dự kiến ​​trong một năm giảm khoảng 19%”.

Cuộc khảo sát của Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát trong tương lai đã tăng vào tháng 10 và người sáng lập Báo cáo Bear Traps, ông Larry McDonald, đã cảnh báo về hậu quả kinh tế từ cuộc chiến Israel - Hamas.

Ông cảnh báo rằng chiến tranh là "cực kỳ có tính lạm phát" và dự đoán rằng, do nhiều năm đầu tư không đủ vào sản xuất dầu thô, giá dầu có thể tăng vọt lên tới 250 USD/thùng trong vòng 3 đến 5 năm tới.

Những lo ngại về giá dầu

Giá dầu tăng cao vào ngày 17/10 trước chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Joe Biden, chuyến đi được đánh giá là có liên quan đến việc dàn xếp sự hỗ trợ cho Israel trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Hamas và cố gắng ngăn chặn sự leo thang trong khu vực.

Khảo sát: Tâm lý thị trường con gấu phổ biến tại Mỹ, lo ngại về ‘hạ cánh cứng’ gia tăng
Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức một cuộc họp báo trong chuyến thăm tới Israel, vào ngày 18/10/2023, tại Tel Aviv, Israel trong bối cảnh các cuộc giao tranh đang diễn ra giữa Israel và nhóm Hamas của Palestine ở Dải Gaza. (Ảnh: BRENDAN SMIALOWSKI/AFP qua Getty Images)

Giá dầu thô Brent và WTI tương lai tăng vào ngày 17/10 lần lượt là 0,74 USD và 0,69 USD lên 90,39 USD (Brent) và 87,35 USD (WTI) một thùng.

Tuần trước, giá dầu tăng vọt khi các nhà đầu tư đón nhận tin tức về vụ tấn công khủng bố của Hamas vào ngày 7/10 nhằm vào miền nam Israel khiến hơn 1.400 người, chủ yếu là dân thường thiệt mạng.

Các thành viên nhóm pháp y Israel cho biết ở một số cộng đồng, khoảng 80% nạn nhân - bao gồm cả trẻ em - có dấu hiệu bị tra tấn.

Quân đội Israel đã dội bom các vị trí của Hamas ở Gaza để chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ. Người ta lo ngại rằng cuộc xung đột có thể lan rộng hơn khắp Trung Đông, một khu vực sản xuất dầu lớn, đẩy giá dầu thô lên cao.

Tuần trước, giá dầu Brent đạt mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 2, kết thúc tuần tăng 7,5%.

OPEC+, bao gồm các nước OPEC và các đồng minh trong đó có Nga, đã giảm sản lượng dầu thô kể từ năm ngoái trong một động thái mà họ coi là hành động phòng ngừa nhằm duy trì sự ổn định giá cả trên thị trường dầu mỏ.

Chính quyền Biden đang tìm mọi cách để tăng nguồn cung dầu cho thị trường nhằm giảm bớt phần nào tình trạng lạm phát cao, một phần lớn trong đó bao gồm giá năng lượng tăng cao. Nó bao gồm việc cầu xin Ảrập Xêút bơm thêm dầu thô, một nỗ lực cho đến nay vẫn không thành công.

Tuy nhiên, với việc mức tiêu thụ dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục vào cuối năm nay, Giám đốc điều hành của Saudi Aramco của Ảrập Xêút cho biết vào ngày 17/10 rằng công ty có thể tăng sản lượng nếu cần để ổn định thị trường.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Khảo sát: Tâm lý bi quan phổ biến tại thị trường chứng khoán Mỹ, lo ngại về ‘hạ cánh cứng’ gia tăng