Meta mở rộng lệnh cấm đối với quân đội Myanmar sau vụ kiện trị giá 150 tỷ USD

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 11/12, Meta thông báo rằng họ sẽ mở rộng lệnh cấm đối với các thành viên của quân đội Myanmar, còn được gọi là Tatmadaw. Sự việc này xảy ra sau khi những người tị nạn Rohingya nộp hai vụ kiện tập thể chống lại Meta ở Mỹ và Anh với số tiền khoảng 150 tỷ USD.

Theo ZDnet, Meta cho biết công ty sẽ "xóa các Trang, Nhóm và tài khoản đại diện cho các doanh nghiệp do quân đội Myanmar kiểm soát”. Trước đó, hồi đầu năm nay, công ty đã đưa ra tuyên bố tương tự khi quân đội nước này tổ chức một cuộc đảo chính và loại bỏ nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ, bà Aung San Suu Kyi.

Viện dẫn một thông báo của Meta, Rafael Frankel, giám đốc chính sách của Meta tại APAC-Emerging Countries cho biết: "Điều này được xây dựng dựa trên lệnh cấm hiện tại của chúng tôi đối với các thực thể này quảng cáo trên Facebook, đã được công bố vào tháng 2 và các hành động áp đặt khác nhau mà chúng tôi đã thực hiện kể từ đó".

Ông nói thêm: "Chúng tôi thực hiện hành động mới nhất này dựa trên tài liệu rộng rãi của cộng đồng quốc tế về vai trò trực tiếp của các doanh nghiệp này trong việc tài trợ cho các vụ bạo lực và vi phạm nhân quyền đang diễn ra của Tatmadaw ở Myanmar”.

Meta không cho biết động thái này khác với động thái hồi tháng 2 như thế nào và nhiều người trên mạng chỉ trích đây là một mưu đồ của công ty nhằm làm chệch hướng những lời chỉ trích đến từ vụ kiện hàng tỷ USD.

Frankel lưu ý rằng động thái này được thực hiện dựa trên các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ, EU và các chính phủ khác đưa ra. Frankel cũng nói thêm rằng Tatmadaw "có những lợi ích thương mại sâu rộng mà không phải lúc nào cũng có thể xác định rõ ràng”.

Theo Frankel, lệnh cấm của Meta đang dựa trên báo cáo năm 2019 về Myanmar của Ủy ban điều tra của Liên hợp quốc.

Facebook từ lâu đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội và chỉ trích vì đã không làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn các tướng lĩnh trong quân đội Myanmar sử dụng nền tảng này để kích động và tổ chức bạo lực chống lại nhóm sắc tộc Rohingya.

Vào khoảng năm 2013, các tướng lĩnh nước này bắt đầu sử dụng các trang Facebook của họ để khơi dậy lòng căm thù đối với nhóm chủng tộc thiểu số Rohingya ở trong nước hòng biện minh cho việc hãm hiếp, tra tấn, lạm dụng và giết hại hàng nghìn người.

Các đơn kiện tại Mỹ từ nhóm người Rohingya tị nạn trong tuần này minh họa cách thuật toán của Facebook thường khuyến khích các nhóm cực đoan và nội dung bạo lực cho dân thường Myanmar, cực đoan hóa đất nước một cách hiệu quả và truyền bá tư tưởng ủng hộ đối với nạn diệt chủng đang diễn ra.

Đơn kiện cho biết: "Cốt lõi của khiếu nại này là nhận thức rằng Facebook sẵn sàng đánh đổi mạng sống của người Rohingya để thâm nhập thị trường tốt hơn ở một quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á".

Quân đội Myanmar đã xua đuổi một cách thô bạo hàng triệu người Rohingya rời khỏi đất nước đến một số quốc gia láng giềng, bao gồm cả Bangladesh, nơi hầu hết vẫn đang sống trong các trại tị nạn tồi tàn.

Facebook cuối cùng đã cấm các tướng lĩnh Myanmar sử dụng nền tảng này và thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của nước này đã làm những việc khác để truyền bá thông tin sai lệch về người Rohingya vào năm 2018, nhưng những người tị nạn cho rằng hành động này là quá muộn.

Kể từ đó, quân đội Myanmar đã mở rộng chiến dịch bạo lực không chỉ đối với người Rohingya, tổ chức một cuộc đảo chính vào đầu năm nay và gây ra bạo lực không kiềm chế đối với bất kỳ ai sống ở nước này.

Kể từ tháng 2, quân đội Myanmar đã bắt giữ và giết hàng nghìn người, châm ngòi cho một cuộc nổi dậy lan rộng khắp đất nước.

Trước đó vào tháng 4, Facebook đã mở rộng lệnh cấm đối với các bài đăng của quân đội Myanmar, cam kết loại bỏ bất kỳ lời khen ngợi nào đối với hành động bạo lực của quân đội đối với người dân nước này.

Mới đây, nhân Ngày Nhân quyền Thế giới, Canada và Anh đã cùng với Mỹ áp đặt một loạt các biện pháp mới nhất nhằm ngăn chặn chính quyền quân sự ở Myanmar ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu vì đã thực hiện cuộc đảo chính ngày 1/2 đối với chính phủ được bầu cử dân chủ và cuộc đàn áp bạo lực đối với phe đối lập sau đó.

Văn Thiện

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Meta mở rộng lệnh cấm đối với quân đội Myanmar sau vụ kiện trị giá 150 tỷ USD