Không chỉ hủy hoại hệ sinh thái sông Mê Kông, Trung Quốc còn vũ khí hóa các con đập để kiểm soát Đông Nam Á

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chuyên gia tin rằng trong nhiều thập kỷ qua, các con đập trên sông Mê Kông đã trở thành một thứ vũ khí của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), giúp họ thúc đẩy lợi ích ở Đông Nam Á, đồng thời gây tổn hại nặng nề và đe dọa hệ sinh thái và sinh kế của khu vực.

Một loạt các con đập khổng lồ của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Kông đã làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở hạ lưu sông vào mùa hè này.

Sông Mê Kông dài khoảng 2.900 dặm (khoảng 4.700 km), có thượng nguồn ở cao nguyên Tây Tạng. Vùng thượng lưu của nó, uốn lượn 1.300 dặm (hơn 2.000 km) qua phía tây nam Trung Quốc, được gọi là sông Lan Thương (Lancang). Ngoài Trung Quốc, sông Mê Kông còn chảy qua 5 quốc gia ở Đông Nam Á: Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Dòng sông khổng lồ là nguồn sống của hàng triệu người.

Ông Brian Eyler, nhà nghiên cứu cấp cao và giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết: “Các chỉ số khí hậu cho thấy hạn hán nghiêm trọng đang phát triển ở khu vực sông Mê Kông".

Ông Eyler cho biết, Trung Quốc “lấy nước từ sông trong mùa mưa và sau đó đưa trở lại vào mùa khô để sản xuất thủy điện". "Điều đó làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán đang diễn ra hiện nay”.

Ông Eyler đồng lãnh đạo dự án Giám sát Đập Mê Kông (MDM). Dự án này sử dụng viễn thám, hình ảnh vệ tinh và phân tích GIS, cùng với phương tiện truyền thông xã hội, để thông báo cho các cộng đồng và chính phủ dễ bị tổn thương ở Mê Kông về tác động của các đập thượng nguồn trên sông Mê Kông.

Hệ thống đập khổng lồ

Bằng cách tích trữ nước và sau đó xả nước một cách bất thường, các con đập của Trung Quốc đã làm thay đổi mực nước sông một cách nhân tạo. Khi mực nước ở hạ lưu dao động bất thường, nó sẽ ảnh hưởng lâu dài đến quá trình di cư của cá, nông nghiệp và thậm chí cả giao thông vận tải.

Chuyên gia thủy lợi người Đức gốc Trung Quốc Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), trong một bài báo đăng trên tạp chí trực tuyến Yibao Trung Quốc vào tháng 03/2021, đã bày tỏ những lo ngại tương tự. Hơn nữa, theo dữ liệu của ông Vương, tình hình thực sự có thể nghiêm trọng hơn những gì MDM đang chỉ ra.

MDM đang giám sát 11 đập trên sông Lan Thương. Nhưng ông Vương lưu ý rằng vào cuối năm 2020, con số đó thực sự đã lên 12: bao gồm cả nhà máy thủy điện Quả Đa, nằm trên sông Trát Khúc ở Tây Tạng do ĐCSTQ kiểm soát. Trát Khúc được coi là cội nguồn của sông Lan Thương. Còn có 8 con đập khác đang được lên kế hoạch hoặc đang được xây dựng.

85 con đập khác nằm rải rác trên hàng trăm nhánh của sông Lan Thương. Trong số đó, đập khổng lồ Nọa Trát Độ ở phía tây nam tỉnh Vân Nam có tổng dung tích hồ chứa là 23,703 tỷ mét khối, ông Vương cho biết trong bài báo.

Một phân tích của MDM có tựa đề "Giám sát đập Mê Kông trong một năm: Chúng ta đã học được gì?" nói rằng, đập Nọa Trát Độ và đập Tiểu Loan kết hợp nắm giữ hơn 50 phần trăm trữ lượng nước đang lưu chuyển của sông Mê Kông. Hai con đập lớn nhất của Trung Quốc trên sông Mê Kông đều thuộc sở hữu của công ty nhà nước Huaneng HydroLancang.

Không chỉ hủy hoại hệ sinh thái sông Mê Kông, Trung Quốc còn vũ khí hóa các con đập để kiểm soát Đông Nam Á
Một chiếc bẫy đánh cá bằng tre nằm trên bờ sông Mê Kông bị hạn hán, bên cạnh những chiếc thuyền đánh cá ở làng Thatkhao, vùng lân cận Viêng Chăn, Lào, vào ngày 27/03/2010. (Ảnh: Hong Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Nhiều năm tranh cãi

Gần 15 năm trước, vào năm 2010, các quốc gia thành viên của Ủy hội sông Mê Kông - Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia - đã kháng cáo lên Bắc Kinh về sự suy giảm mực nước sông Mê Kông, nói rằng các con đập trên sông Lan Thương đã gây ra tình trạng hạn hán ở hạ lưu.

Đáp lại, Bắc Kinh nhấn mạnh rằng dòng chảy trung bình hàng năm ở cửa sông Lan Thương chỉ chiếm 13,5% lưu lượng tại cửa sông Mê Kông và các con đập “không có tác động nào” đối với vùng hạ lưu của sông.

Tại thời điểm đó, các chuyên gia và học giả đã đặt dấu hỏi về tuyên bố chính thức trên.

Trong một bài báo năm 2010 được xuất bản bởi nhóm môi trường China Dialogue Trust có trụ sở tại London, Giáo sư Tần Huy (Qin Hui) của Đại học Thanh Hoa đã lưu ý rằng hầu hết các đoạn sông ở lối ra của sông Lan Thương có lưu lượng lớn hơn nhiều so với 14%. Ông lấy ví dụ đoạn sông Luang Prabang, nơi lưu lượng nước chiếm trung bình khoảng 2/3 lượng nước của sông.

Ông Vương Duy Lạc đồng ý với ý kiến trên và lưu ý rằng nguồn nước chính của sông Lan Thương là tuyết tan từ núi và nước ngầm trên lãnh thổ Trung Quốc, nơi cung cấp nhiều nước ngay cả trong mùa khô. Sông Mê Kông chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn (sông Lan Thương) khi không có mưa trong mùa khô.

Ở trạng thái tự nhiên, dòng nước từ Trung Quốc đến Chiang Sheng ở Thái Lan có tốc độ dòng chảy trung bình là 689 mét khối/giây trong mùa khô, chiếm một nửa hoặc thậm chí hai phần ba tốc độ dòng chảy của sông Mê Kông vào mùa khô, ông Vương nói.

Ngăn phù sa, phá hoại môi trường sinh thái

Sông Lan Thương mang tuyết và đất từ sông băng vào sông Mê Kông. Với nguồn nước giàu chất dinh dưỡng và trầm tích lắng đọng trong mùa mưa, lưu vực sông Mê Kông đã trở thành ngư trường nội địa và vựa lúa quan trọng nhất thế giới.

Tuy nhiên, các đập thủy điện do Trung Quốc xây dựng đã chặn phần lớn lượng phù sa đó, dẫn đến suy thoái sinh thái ở sông Mê Kông và đồng bằng sông Cửu Long.

Xâm nhập mặn ngày càng tăng ở ĐBSCL đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất lúa gạo ở Thái Lan và Việt Nam, cả hai nơi đều có sản lượng và lượng xuất khẩu gạo cao.

Reuters đưa tin vào tháng 12/2022 rằng “vào năm 2020, chỉ khoảng một phần ba lượng đất từ dòng sông sẽ đến được vùng đồng bằng ngập lũ của Việt Nam và với tốc độ suy giảm hiện tại, chưa đến năm triệu tấn trầm tích sẽ đến vùng đồng bằng mỗi năm vào năm 2040”.

Đánh bắt thủy sản, một nguồn thực phẩm quan trọng cho các quốc gia ven sông Mê Kông, cũng đang đối mặt với những thách thức. Ví dụ, ở hồ Tonle Sap của Campuchia, khu vực đánh bắt thủy sản nội địa lớn thứ tư thế giới, hàng trăm loài cá di cư từ hồ lên thượng nguồn để sinh sản đã bị chặn lại và một số loài đang trên bờ vực tuyệt chủng.

Theo dữ liệu vệ tinh của công ty viễn thám thủy sinh EOMAP có trụ sở tại Đức, độ đục trung bình của đập Nọa Trát Độ năm 2012 thấp hơn 98% so với cùng địa điểm trước khi đập được xây dựng vào năm 2004.

Phớt lờ thông lệ quốc tế

Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa công bố bất kỳ dữ liệu thủy văn nào về hoạt động bồi lắng ở các đập thượng nguồn.

Các đập của Trung Quốc thường ngăn hoặc xả nước mà không báo trước, gây hại cho các quốc gia ở hạ nguồn. Vào những thời điểm khác nhau, ĐCSTQ đã đồng ý thông báo cho năm quốc gia ở hạ nguồn về hoạt động của các con đập ở thượng nguồn, nhưng những người chỉ trích nói rằng họ hoàn toàn kém tích cực trong việc làm này.

Vào ngày 31/12/2020, Nhà máy thủy điện Cảnh Hồng đã cắt nước ở thượng nguồn trong sáu ngày trước khi thông báo cho các quốc gia ở hạ lưu rằng việc hạn chế sử dụng nước sẽ được áp dụng trong 20 ngày. Nhưng lúc đó mực nước sông Mê Kông đã xuống hơn 1m.

“Việc hạn chế nước đột ngột của Cảnh Hồng bắt đầu từ ngày 31/12 đã khiến mực nước sông đột ngột giảm 1 mét ở hạ lưu dài 380 km tại Chiang Saen vào ngày 3-4/1. Dữ liệu của LMC và MRC xác nhận điều này, nhưng tính đến ngày 4/1, Trung Quốc không đưa ra thông báo nào về sự thay đổi đột ngột và bất thường, điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình đánh bắt cá và nông nghiệp ở hạ lưu”, một bản cập nhật của MDM cho biết.

Năm 1995, các quốc gia ven sông Mê Kông thành lập Ủy hội sông Mê Kông, nhưng Trung Quốc, một quốc gia quan trọng ở thượng nguồn, đã từ chối tham gia.

Chuyên gia về Trung Quốc Thạch Sơn (Shi Shan) làm việc tại Mỹ nói với The Epoch Times vào ngày 08/08 rằng, chính phủ Trung Quốc khó có thể tham gia Ủy hội sông Mê Kông và Bắc Kinh chưa bao giờ công nhận một tổ chức tư vấn và cơ quan giám sát nào như vậy.

“ĐCSTQ không ký kết hầu hết mọi luật sông ngòi của Liên Hợp Quốc hoặc quốc tế, chẳng hạn như Luật nguồn nước quốc tế, bởi vì [ĐCSTQ] tin rằng tất cả các luật về nguồn nước như vậy sẽ áp đặt các hạn chế ở thượng nguồn và [họ] không muốn bị hạn chế trong việc làm bất cứ điều gì họ muốn”, ông Thạch nói.

Không chỉ hủy hoại hệ sinh thái sông Mê Kông, Trung Quốc còn vũ khí hóa các con đập để kiểm soát Đông Nam Á
Một phần của tuyến đường sắt đầu tiên nối Trung Quốc với Lào, một phần quan trọng trong dự án 'Vành đai và Con đường' của Bắc Kinh băng qua sông Mê Kông, ở Luang Prabang, Lào, vào ngày 08/02/2020. (Ảnh: Aidan Jones/AFP qua Getty Images)

Con bài thương lượng chính trị

Ông Vương Duy Lạc cảnh báo rằng các con đập đã trở thành vũ khí chiến lược cho phép ĐCSTQ kiểm soát Đông Nam Á. Đối với Bắc Kinh, việc kiểm soát các con đập ở thượng nguồn là một con bài thương lượng chính trị quan trọng, cho phép Trung Quốc gây ảnh hưởng đến các nước Đông Nam Á.

Tháng 03/2016, lượng nước sông Mê Kông giảm; Ruộng lúa Việt Nam khô hạn trầm trọng, nước biển tràn về. Tờ The Diplomat đưa tin, Bắc Kinh đã thực hiện một bước chưa từng có là xả nước "để phục vụ việc sử dụng khẩn cấp" cho các quốc gia ở hạ nguồn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) cho biết trong một cuộc họp báo: “Hiển nhiên là bạn bè nên giúp đỡ lẫn nhau khi cần giúp đỡ”.

Sự giúp đỡ của Bắc Kinh đã được chứng minh là có động cơ ngầm. Một tuần sau, cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo tổ chức Hợp tác Lan Thương - Mê Kông, do Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Lý Khắc Cường chủ trì, được tổ chức tại Tam Á, trên đảo Hải Nam nhiệt đới phía nam Trung Quốc.

Không chỉ hủy hoại hệ sinh thái sông Mê Kông, Trung Quốc còn vũ khí hóa các con đập để kiểm soát Đông Nam Á
(Từ trái sang) Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-O-Cha, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Phó Tổng thống Myanmar Mint Swe cầm tay nhau trong cuộc họp lần thứ hai của các nhà lãnh đạo tổ chức Hợp tác Mê Kông - Lan Thương tại Cung điện Hòa bình ở Phnom Penh, Campuchia, vào ngày 10/01/2018. (Ảnh: Tang Chhin Sothy / AFP qua Getty Images)

Theo một tuyên bố chính thức, sau khi nhận được nước “khẩn cấp” từ ĐCSTQ, năm quốc gia “khát nước” ở đông nam hạ lưu đã ký thỏa thuận Lan Thương - Mê Kông, để “xây dựng một cộng đồng vì tương lai hòa bình và thịnh vượng chung giữa các quốc gia Lan Thương - Mê Kông”.

Hợp tác Lan Thương - Mê Kông là một phần trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ, sáng kiến này sử dụng các khoản đầu tư, khoản vay và cơ sở hạ tầng để mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Ông Thạch Sơn nói rằng kể từ giai đoạn đầu của Hợp tác Mê Kông - Lan Thương do Bắc Kinh lãnh đạo, ĐCSTQ đã nhắm mục tiêu tới Đông Nam Á, cung cấp cho các quốc gia ngoan ngoãn các khoản tài trợ, đầu tư và thêm thông tin về việc ngăn và xả nước từ các đập thượng nguồn, trong khi từ chối cung cấp những điều đó cho các quốc gia không hợp tác.

“Đòn bẩy chính trị này rõ ràng đã ảnh hưởng đến một số nước Đông Nam Á”, ông Thạch nói.

Căn cứ hải quân Ream: Chỗ đứng của Trung Quốc ở Biển Đông

Theo ông Thạch, một ví dụ nổi bật của chiến thuật cưỡng chế này là việc Campuchia chào đón một bến cảng quân sự do ĐCSTQ tái xây dựng trên lãnh thổ của mình.

Từ năm 2010 đến 2017, Căn cứ Hải quân Ream, gần Biển Đông và Eo biển Malacca, là nơi huấn luyện chung và tập trận hải quân giữa quân đội Campuchia và Mỹ.

Tuy nhiên, vào năm 2017, Campuchia đã đình chỉ Angkor Sentinel, cuộc tập trận chung thường niên giữa Quân đội Mỹ và Quân đội Hoàng gia Campuchia.

Vào năm 2019, Bộ Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu Campuchia giải thích lý do tại sao họ đột ngột từ chối đề nghị sửa chữa căn cứ hải quân của Mỹ, vụ việc làm dấy lên nghi ngờ rằng Campuchia có kế hoạch tiếp đón quân đội Trung Quốc.

Cùng năm đó, The Wall Street Journal tiết lộ rằng Trung Quốc và Campuchia đã ký một thỏa thuận bí mật cho phép các lực lượng ĐCSTQ sử dụng Căn cứ Hải quân Ream trong 30 năm.

Việc tái phát triển Căn cứ Hải quân Ream do Trung Quốc tài trợ bao gồm việc nạo vét bến cảng để cho phép các tàu quân sự lớn hơn cập cảng ở đó. Vào tháng 07/2023, nhà cung cấp thông tin tình báo địa không gian BlackSky đã công bố hình ảnh cho thấy căn cứ gần như đã hoàn thành.

Ông Craig Singleton, Phó giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Tổ chức Phòng thủ Dân chủ, cho biết trong một thông cáo báo chí của BlackSky: “Tốc độ phát triển tại căn cứ Ream khiến người ta khó có thể phủ nhận sự tăng tốc cố ý đằng sau các sáng kiến đặt căn cứ ở nước ngoài của Trung Quốc". Ông Singleton lưu ý rằng, bến cảng đủ lớn để hỗ trợ hàng không mẫu hạm Type 003 Fujian mới dài 300 mét.

“Thật không may, bến cảng có thể sẽ là [một phần của] một tuyến đường biển thiết yếu để ĐCSTQ giành được chỗ đứng ở Biển Đông và thậm chí cho phép quân đội ĐCSTQ kiểm soát và kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”, ông Thạch nói với The Epoch Times.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Không chỉ hủy hoại hệ sinh thái sông Mê Kông, Trung Quốc còn vũ khí hóa các con đập để kiểm soát Đông Nam Á