Kim loại độc hại gây ra hàng triệu ca tử vong và làm suy giảm chỉ số thông minh ở trẻ em

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2019, ước tính có khoảng 5,5 triệu người trưởng thành trên toàn thế giới chết vì bệnh tim và trẻ em dưới 5 tuổi mất tổng cộng 765 triệu điểm IQ do tiếp xúc với chì. Đây là kết quả của một nghiên cứu mô hình mới được công bố trên tạp chí The Lancet Planetary Health.

Bằng chứng cho thấy rằng việc tiếp xúc với các kim loại như chì cản trở chức năng nội bào của con người, dẫn đến căng thẳng oxy hóa và viêm mãn tính, có thể làm tăng huyết áp, cholesterol cao và những thay đổi về khả năng co bóp của tim. Điều này khiến các cá nhân có nguy cơ mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ, phì đại thất trái, suy tim và bệnh động mạch ngoại biên.

Nguy cơ tương đối tử vong do bệnh tim mạch do phơi nhiễm chì. (Được phép của The Lancet Planetary Health)
Nguy cơ tương đối tử vong do bệnh tim mạch do phơi nhiễm chì. (Được phép của The Lancet Planetary Health)

Ngoài việc giảm chỉ số IQ, việc tiếp xúc với chì còn cản trở sự phát triển trí não ở trẻ em. Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy điều này có thể dẫn đến những thay đổi hành vi tiêu cực như giảm khả năng tập trung, gia tăng hành vi chống đối xã hội và khó khăn trong học tập. Một nghiên cứu năm 2023 phát hiện ra rằng, tác động của việc tiếp xúc với chì từ khi còn trẻ đến tuổi trưởng thành gắn liền với thành tích kém hơn trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn sau này.

Mất IQ do tiếp xúc với chì trong thời thơ ấu. (Được phép của The Lancet Planetary Health)
Mất IQ do tiếp xúc với chì trong thời thơ ấu. (Được phép của The Lancet Planetary Health)

Bjorn Larsen, tác giả nghiên cứu, nhà kinh tế môi trường đồng thời là nhà tư vấn của Ngân hàng Thế giới, nói với The Epoch Times: “Ước tính của chúng tôi rằng 5,5 triệu người chết vào năm 2019 do phơi nhiễm chì là một bất ngờ lớn. Lý do khiến chúng tôi ước tính tỷ lệ tử vong cao hơn là vì chúng tôi đã đưa vào một loạt tác động của chì đối với hệ thống tim mạch, vốn là yếu tố không được đưa vào nghiên cứu Global Burden Disease (GBD) năm 2019".

Ước tính này cao hơn sáu lần so với những gì nghiên cứu GBD tìm thấy mặc dù nó dựa trên cùng một dữ liệu, ông Larsen nói. Nghiên cứu GBD về tác động của chì đối với bệnh tim chỉ đo lường dựa trên tác động của nó đối với huyết áp.

Theo ông Larsen, nghiên cứu mới đã xem xét một số cách khác mà chì ảnh hưởng đến tim, chẳng hạn như tình trạng xơ cứng động mạch có thể dẫn đến đột quỵ. Ông nói: “Không có mức độ an toàn khi tiếp xúc với chì”.

Chi phí toàn cầu, suy giảm IQ và ô nhiễm không khí

Kết quả nghiên cứu đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về hậu quả lâu dài của ngộ độc chì và cách nó gây ra mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng trên toàn thế giới, đồng tác giả nghiên cứu và Trưởng nhóm Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới về Quản lý Ô nhiễm và Kinh tế Tuần hoàn Ernesto Sánchez-Triana nói với The Epoch Times.

Mức độ suy giảm IQ tổng thể không phân bổ đều trên toàn cầu. Nghiên cứu tiết lộ rằng hơn 95% trường hợp mất IQ xảy ra ở các nước đang phát triển - cao hơn gần 80% so với ước tính trước đây.

Bằng chứng cho thấy dân số ở các nước thu nhập thấp và trung bình cũng chịu một tỷ lệ đáng kể về gánh nặng chi phí và sức khỏe do phơi nhiễm chì, với nồng độ chì trong máu ở các nước thu nhập thấp cao hơn nhiều lần so với các nước thu nhập cao.

Các nhà nghiên cứu ước tính thiệt hại kinh tế do phơi nhiễm chì ở mức 6 nghìn tỷ USD vào năm 2019, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.

Ước tính này đặt mức độ phơi nhiễm chì ở đầu danh sách các yếu tố rủi ro đối với sức khỏe môi trường, và ngang bằng với ô nhiễm không khí ở dạng hạt vật chất (PM2.5). Theo ông Sánchez-Triana, nó là hỗn hợp của các hạt rắn nhỏ và giọt chất lỏng tạo thành từ hàng trăm loại hóa chất khác nhau được tìm thấy trong không khí dưới dạng bụi, chất bẩn, bồ hóng hoặc khói.

Ông cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy phơi nhiễm chì có thể là yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch quan trọng thứ ba trước bệnh tăng huyết áp, nguy cơ ăn kiêng, hút thuốc lá và cholesterol cao.

Tiếp xúc với chì và bệnh tật

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: “Bất kỳ mức độ phơi nhiễm nào đối với chì cũng đều gây hại cho sức khoẻ”.

Các chất độc thần kinh phát ra từ kim loại độc hại được tìm thấy ở khắp mọi nơi và trong các vật dụng hàng ngày, từ gốm sứ, phân bón đất, pin và các sản phẩm làm đẹp cho đến ống cấp nước, đồ chơi trẻ em, thậm chí cả thực phẩm và gia vị.

Chì là kim loại xuất hiện tự nhiên, nhưng các quy trình công nghiệp khiến chúng ta không thể tránh khỏi sự tiếp xúc với chúng. Nó ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ thể.

Chì có thể xâm nhập vào máu và lưu thông đến não, gan, thận và xương, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe về lâu dài, đôi khi là vĩnh viễn. Ngoài bệnh tim mạch, người lớn còn có nguy cơ bị huyết áp cao và tổn thương thận.

Phơi nhiễm trong thời kỳ mang thai ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển, có khả năng gây sẩy thai, thai chết lưu, sinh non và nhẹ cân. Trẻ nhỏ đặc biệt có nguy cơ bị ảnh hưởng độc hại của chì và có thể bị tổn thương không thể phục hồi đối với bộ não và hệ thần kinh đang phát triển của chúng.

Có giải pháp nào không?

"Phơi nhiễm chì (và nói chung là ô nhiễm hóa chất) là một trong những thách thức rõ ràng của thế kỷ 21. Nó ảnh hưởng đến mọi người và mọi thứ”, ông Sánchez-Triana cảnh báo. Theo ông, đây có thể là một vấn đề còn thách thức hơn cả biến đổi khí hậu.

Ông nói thêm: "Khi chúng ta lo lắng về biến đổi khí hậu, chúng ta lo lắng về một số loại khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm khí hậu. Tuy nhiên, khi chúng ta lo lắng về ô nhiễm hóa chất, mức độ nghiêm trọng nằm ở hàng chục nghìn hóa chất có khả năng gây hại”.

Đó là lý do tại sao Ngân hàng Thế giới đang tiến hành phân tích nghiên cứu tác động của các chất độc khác như cadmium, nitơ, amiăng, các hạt mịn và siêu mịn với lưu huỳnh và các loại hóa chất khác.

Đối với ông Larsen, ưu tiên hàng đầu và quan trọng nhất là thể chế hóa việc đo nồng độ chì trong máu định kỳ trên toàn Hoa Kỳ ở cả trẻ em và người lớn.

"Điều này phải đi kèm với việc xác định toàn diện các nguồn phơi nhiễm chì, đặc biệt là ở những vị trí và khu vực có nồng độ chì trong máu tăng cao", ông nói.

Ông Larsen cho biết, các nguồn phát sinh chì rất khác nhau giữa các quốc gia và tỷ lệ đóng góp của mỗi nguồn vào nồng độ chì trong máu cần được hiểu rõ hơn, để từ đó phát triển những cách hiệu quả nhằm giảm thiểu những mối nguy hiểm chết người của nó.

Theo Mary Gillis - The Epoch Times
Bảo Vy biên dịch

Mary Elizabeth Gillis là phóng viên sức khỏe và chuyên gia về tim phổi với hơn một thập kỷ kinh nghiệm. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ về sinh lý học ứng dụng, cô lấy bằng thạc sĩ khoa học về báo chí tại Đại học Columbia.



BÀI CHỌN LỌC

Kim loại độc hại gây ra hàng triệu ca tử vong và làm suy giảm chỉ số thông minh ở trẻ em