Kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thoát hiểm, mặc dù năm 2020 có vẻ mạnh mẽ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đã vượt qua sự suy thoái kinh tế từ Covid-19 tốt hơn bất kỳ quốc gia lớn nào khác, và các nhà kinh tế đang dự đoán một đợt hồi phục lớn hơn trong năm nay. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này cũng cần phải giải quyết một loạt thách thức để đạt được quỹ đạo tăng trưởng bền vững hơn và phục hồi hoàn toàn sau khủng hoảng.

Nhiều người nhận thấy rủi ro nếu Covid-19 khó kiềm chế hoặc niềm tin của người tiêu dùng không được cải thiện.

Thị trường việc làm của Trung Quốc vẫn chưa ổn định. Chi tiêu tiêu dùng không theo kịp tốc độ phục hồi của sản lượng kinh tế. Vấn đề nợ công vốn đã rất nổi cộm kể từ trước đại dịch, thì nay sau 9 tháng đầu năm 2020 đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ, còn bong bóng tài sản trong chứng khoán và bất động sản vẫn tiếp tục tăng. Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) gặp khó khăn rất lớn để “cầm cương” được các gói kích thích kinh tế mà vẫn không làm ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng.

Nhưng hiện nay, sự bùng phát trở lại của các ca lây nhiễm Covid-19 ở một số nơi tại Trung Quốc đại lục, kết hợp với việc chậm triển khai vaccine, đang làm dấy lên những lo lắng về triển vọng phát triển kinh tế của nước này. Các nhà kinh tế cho biết, kế hoạch hạn chế đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2021 của Bắc Kinh, rơi vào ngày 12 tháng 2, có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến chi tiêu của người tiêu dùng.

Tất cả những yếu tố kể trên đều quan trọng bởi vì Trung Quốc là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế toàn cầu và là động lực rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn thế giới. Nếu hiệu suất của đại lục vào năm 2021 gây thất vọng thì sẽ kéo theo rất nhiều rất nhiều khu vực kinh tế bị ảnh hưởng, từ các thương hiệu xe hơi, các nhà sản xuất thiết bị cho đến nông dân trồng đậu tương, những nhà sản xuất lên kế hoạch hoạt động căn cứ vào nhu cầu từ Trung Quốc.

Nhìn chung, các nhà kinh tế vẫn bảo lưu dự báo rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 8% trong năm nay sau khi giữ được mức tăng trưởng dương 2,3% vào năm 2020. Nhưng nhiều người cũng nhìn thấy rủi ro, đặc biệt nếu Covid-19 tỏ ra khó kiềm chế hoặc niềm tin của người tiêu dùng không được cải thiện.

Theo các nhà kinh tế, một yếu tố vô cùng quan trọng cần được theo dõi sát sao là thị trường việc làm và ảnh hưởng của nó đối với chi tiêu. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị ở Trung Quốc phục hồi nhanh chóng sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 2 năm ngoái, nhiều nhà kinh tế cho rằng tỷ lệ hiện tại dao động ở mức là 5,2% - thấp hơn mức thiệt hại thực tế mà Covid-19 gây ra.

Khoảng cách thu nhập: Tăng trưởng thu nhập Trung Quốc tụt hậu khi nền kinh tế nói chung đang phục hồi Đỏ: Thu nhập khả dụng - Hồng: Lương lao động di cư - Ghi: GDP. (Nguồn: WSJ)
(Nguồn: WSJ)

Khoảng cách thu nhập: Tăng trưởng thu nhập Trung Quốc tụt hậu khi nền kinh tế nói chung đang phục hồi. Đỏ: Thu nhập khả dụng - Hồng: Lương lao động di cư - Ghi: GDP

Tại khu vực thành thị, nhiều người lao động vẫn duy trì các công việc bán thời gian với thu nhập thấp hơn nhiều so với trước đại dịch, nhưng ít nhất họ cũng đã giữ được công việc của mình. Những thành phần khác, bao gồm sinh viên tốt nghiệp đại học và những người bị mất việc làm do Covid-19, thì đang vật lộn tìm kiếm cơ hội việc làm với mức lương đủ trang trải cuộc sống. Tăng trưởng thu nhập vẫn yếu hơn nhiều so với mức trước đại dịch.

Tình trạng kể trên đã khiến nhiều người tiêu dùng Trung Quốc phải thắt chặt chi tiêu, đó là lý do tại sao doanh số bán lẻ ở đại lục giảm 3,9% trong năm ngoái.

Ông Houze Song, một nhà nghiên cứu tại Viện Paulson tại Chicago, cho biết: “Cho đến thời điểm này, nhân tố số 1 khiến tiêu dùng bị hạn chế là sự hoạt động kém hiệu quả của thị trường lao động”.

Cô Sun Yin, 30 tuổi, ở Thượng Hải, đã phải tìm việc mới sau khi ông chủ cũ của cô, một công ty hàng không của Mỹ, có kế hoạch sa thải hàng nghìn người trên toàn cầu. Cô cho biết: “Tôi đã không có bất kỳ cơ hội phỏng vấn nào trong suốt ba tháng đầu tiên”. Cô đã thất nghiệp từ tháng 10 năm ngoái cho đến cuối tháng 1 năm nay, sau đó cô đành chấp nhận làm nhân viên bán hàng - một vị trí thay thế cho một nhân viên khác nghỉ sinh - đây là một công việc ngắn hạn với mức lương thấp hơn so với công việc của cô ở công ty trước.

Cô nói: “Tìm kiếm việc làm giống như đi qua một đường hầm dài vô tận, mặc dù tôi liên tục hạ thấp yêu cầu của mình”. Cô cũng phải dừng việc đi ăn ngoài và cắt giảm chi tiêu cho quần áo.

(Nguồn: WSJ)
(Nguồn: WSJ)

Tiết kiệm nhiều hơn:

  • Đồ thị xanh: Tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình vẫn ở mức cao
  • Đồ thị đỏ: Trong khi tỷ lệ thất nghiệp chính thức trở lại mức trước đại dịch

Cũng như nhiều quốc gia khác, các ngành dịch vụ của Trung Quốc có triển vọng việc làm yếu nhất, các nhà hàng và khách sạn phải sa thải rất nhiều nhân viên lâu năm của họ.

Điều này gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến gần 290 triệu lao động nhập cư của Trung Quốc, chiếm 37% tổng số lao động. Khoảng một nửa trong số họ làm việc trong lĩnh vực dịch vụ. Năm ngoái, có đến 5 triệu người lao động nhập cư ở Trung Quốc đã mất việc làm.

Trong khi đó, số lượng sinh viên đại học chuẩn bị tốt nghiệp trong năm nay ở Trung Quốc cũng đạt con số kỷ lục là 8,7 triệu sinh viên. Wan Ziqing, 21 tuổi, là sinh viên năm cuối của ngành thiết kế môi trường tại Đại học Đồng Tế, Thượng Hải, cho biết cô vẫn trắng tay sau nhiều tháng tìm kiếm việc làm: “Tất cả các đơn xin việc của tôi cứ như gửi đến chốn hư không vậy”.

Một yếu tố quan trọng khác cần theo dõi là cách Trung Quốc quản lý các gói kích thích của mình. Hiện các nhà máy đã hoạt động rầm rộ và các cửa hàng cũng đã mở cửa trở lại, các nhà chức trách đang đề cập đến việc kiềm chế tín dụng và cảnh báo những rủi ro liên quan đến mức nợ tăng nhanh. Tuy vậy, các đợt bùng phát dịch gần đây có thể khiến ngân hàng trung ương thận trọng hơn và chưa áp dụng các biện pháp thắt chặt để ngăn chặn sự bùng nổ về dòng tiền - một yếu tố nếu không quản lý chặt chẽ sẽ gây ra nhiều tác dụng khôn lường đối với nền kinh tế.

Công ty môi giới Trung Quốc Huatai Securities cho biết các đợt bùng phát dịch cục bộ có thể khiến tỷ lệ tăng trưởng kinh tế giảm 3% trong quý đầu tiên. Một số nhà kinh tế dự đoán Bắc Kinh có thể sẽ phải trải qua một giai đoạn tăng trưởng chậm lại do nhu cầu kiềm chế nợ. Ông Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities Hong Kong, cho biết Trung Quốc khó có thể đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay vì rủi ro tín dụng hiện đang là vấn đề nóng cần ưu tiên giải quyết trước nhất.

Đức Duy

Theo WSJ

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thoát hiểm, mặc dù năm 2020 có vẻ mạnh mẽ