Dưới áp lực trừng phạt, tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc ngừng đầu tư vào Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh đã công khai phản đối các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga, đồng thời khẳng định sẽ duy trì trao đổi thương mại bình thường với Nga. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc gần đây đã khuyến cáo các công ty nhà nước thận trọng trong các hoạt động đầu tư vào Nga, do lo ngại Trung Quốc cũng có thể bị trừng phạt tương tự Nga.

Trích lời những người trong cuộc, Reuters đưa tin Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) gần đây đã đình chỉ kế hoạch đầu tư lên tới 500 triệu USD vào một nhà máy hóa dầu mới ở Nga.

Nhà máy mới này được đầu tư bởi Sibur, nhà sản xuất hóa dầu lớn nhất của Nga, và sẽ sao chép Tổ hợp Hóa chất Khí Amur trị giá 10 tỷ USD ở Đông Siberia. Amur là dự án do Sinopec sở hữu 40% và Sibur sở hữu 60%, Reuters cho biết.

Một nguồn tin quen thuộc với vấn đề nói với Reuters, Sinopec đã tạm dừng kế hoạch sau khi nhận ra rằng cổ đông thiểu số Sibur và thành viên hội đồng quản trị Gennady Timchenko của nhà máy mới đã bị Liên minh châu Âu và Anh trừng phạt vào tháng trước vì là thân cận lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong một động thái khác, Sinopec cũng đã đình chỉ các cuộc đàm phán về việc giúp tiếp thị khí đốt tự nhiên của nhà sản xuất khí đốt Novatek của Nga tại thị trường Trung Quốc. Sinopec “lo ngại rằng Sberbank, một trong những cổ đông của Novatek, nằm trong danh sách trừng phạt mới nhất của Mỹ”, cũng theo Reuters.

Áp lực trừng phạt khiến tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc Sinopec ngừng đầu tư vào Nga, giới chức Trung Quốc khuyến cáo các công ty nhà nước thận trọng trong các hoạt động đầu tư vào Nga do lo ngại Trung Quốc cũng có thể bị trừng phạt tương tự Nga
Nhà máy hóa dầu ZapSibNefteKhim ở ngoại ô Tobolsk, Nga, ngày 04/10/2018. (Ảnh: Andrey Borodulin / AFP qua Getty Images)

Chuyên gia: Nội bộ ĐCSTQ bị chia rẽ

Giáo sư Tạ Điền (Frank Tian Xie) từ Đại học Nam Carolina tại Aiken nói với The Epoch Times vào ngày 28/03 rằng việc Sinopec tạm dừng khoản đầu tư 500 triệu USD vào nhà máy hóa dầu của Nga là do những ý kiến ​​trái chiều trong ĐCSTQ.

Theo Giáo sư Tạ, các tiếng nói phản đối kế hoạch đầu tư này có thể đến từ phe chống Chủ tịch Tập Cận Bình; hoặc có thể phát sinh từ sự đối lập giữa Ủy ban trung ương của ĐCSTQ và Quốc vụ viện. Hai tổ chức này thường có quan điểm khác nhau về các vấn đề như kinh tế, mức độ kiểm soát của chính quyền, và các quy định thái quá mà ĐCSTQ áp đặt lên hoạt động kinh tế.

Ủy ban trung ương của ĐCSTQ và Hội đồng Nhà nước “có thể có quan điểm và suy nghĩ khác nhau về việc đầu tư vào dự án hóa dầu của Nga vì Hội đồng Nhà nước thường tập trung vào những tác động lên nền kinh tế Trung Quốc”, ông Tạ nói.

“Chính phủ Mỹ, các quan chức chính phủ, và ngay cả bản thân Tổng thống Biden đã nhiều lần cảnh báo rằng nếu ĐCSTQ ủng hộ sự xâm lược của Nga hoặc cung cấp thiết bị quân sự cho Nga, thì các lệnh trừng phạt chống lại Nga của Liên minh châu Âu và Mỹ sẽ mở rộng đối với ĐCSTQ”, ông nói thêm.

“Vì lý do này, ĐCSTQ đã ngừng đầu tư vào Nga. Hơn nữa, ĐCSTQ có thể không đánh giá cao triển vọng kinh tế của Nga”.

Áp lực trừng phạt khiến tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc Sinopec ngừng đầu tư vào Nga, giới chức Trung Quốc khuyến cáo các công ty nhà nước thận trọng trong các hoạt động đầu tư vào Nga do lo ngại Trung Quốc cũng có thể bị trừng phạt tương tự Nga
Một người đàn ông đang làm việc tại công ty dầu khí quốc doanh của Trung Quốc Sinopec, Thượng Hải, ngày 22/03/2018. (Ảnh: Johannes Eisele / AFP / Getty Images)

Các học giả trong ĐCSTQ kêu gọi Bắc Kinh cắt đứt quan hệ với Putin

Vào ngày 25/03, trang web China-U.S. Impression đã đăng một bài bình luận có tiêu đề: “Trung Quốc cần đóng một vai trò tích cực hơn trong việc mang lại hòa bình giữa Nga và Ukraine”. Tác giả bài bình luận, bà Su Xiaoling, là cựu Tổng biên tập của cổng thông tin Influence China và là nhà nghiên cứu đặc biệt tại Hiệp hội Nghiên cứu Cải cách và Phát triển Bắc Kinh.

Bà Su nói rằng hoàn toàn không thể biện minh cho việc Nga xâm lược Ukraine và tiến hành một cuộc chiến khiến một lượng lớn dân thường thiệt mạng.

Trong lịch sử, người Trung Quốc chưa bao giờ coi người Ukraine là kẻ thù. Trung Quốc coi Ukraine là một quốc gia thương mại quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ quân sự. Tàu sân bay “Liêu Ninh” của Trung Quốc được mua từ Ukraine và ban đầu được đặt tên là Varyag. Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu lớn ngô và lúa mạch của Ukraine, bà Su viết.

Ngược lại, “trong chiều dài lịch sử quan hệ Trung - Nga, Trung Quốc đã phải hứng chịu [sự hiếu chiến] của Nga. Một thực tế rõ ràng là chúng ta đã mất một phần lớn lãnh thổ của mình”, bà cho biết.

Ngay cả trong thời hiện đại, giữa Trung Quốc và Nga cũng thường xuyên xảy ra xung đột. “Nga áp bức Trung Quốc, vẫn chiếm đóng lãnh thổ Trung Quốc, và đã có lúc gần như hủy diệt Trung Quốc bằng bom nguyên tử”.

Trước khi xuất hiện bài bình luận của bà Su, một bài báo khác của một học giả trong ĐCSTQ cũng đã tạo nên nhiều cuộc thảo luận sôi nổi. Bài báo “Kết cục có thể xảy ra của Chiến tranh Nga - Ukraine và sự lựa chọn của Trung Quốc” được viết bởi ông Hu Wei, Phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công của Văn phòng Tham tán của Quốc vụ viện và Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chính sách Công Thượng Hải.

Ông Hu viết rằng cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ giúp Mỹ lấy lại vị thế lãnh đạo của mình trong phương Tây. Phương Tây sẽ đoàn kết hơn, và sức mạnh của phương Tây sẽ tăng lên đáng kể.

Nếu Trung Quốc - ông viết khi đề cập đến ĐCSTQ - không tích cực hành động để điều chỉnh lập trường của mình, thì nước này sẽ bị Mỹ và phương Tây tăng cường trừng phạt.

Trung Quốc không thể bị ràng buộc với Putin. Nước này cần phải cắt đứt quan hệ với Nga càng sớm càng tốt, chọn cách đứng cùng bên với xu hướng chủ đạo của thế giới, ông Hu viết.

Giáo sư Tạ Điền tin rằng những tiếng nói này từ các học giả trong hệ thống ĐCSTQ cho thấy cuộc đấu đá nội bộ đang diễn ra trong đảng. Ông nói, phe thân Nga đang chịu áp lực mạnh mẽ từ phe đối lập.

“Trong quá khứ, Trung Quốc thực sự đã phải gánh chịu rất nhiều thiệt hại gây ra bởi Nga”. “ĐCSTQ cũng đã trao cho Nga một vùng lãnh thổ rộng lớn. Vì vậy, trong hoàn cảnh này, một số nhận xét như vậy của những người Trung Quốc chống Nga sẽ thực sự khiến phe thân Nga cảm thấy rất khó chịu. Và tình hình hiện tại cho thấy phe thân Nga sẽ phải nhượng bộ”, ông Tạ nói.

Chi Anh

Theo The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Dưới áp lực trừng phạt, tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc ngừng đầu tư vào Nga