Ả Rập Xê Út cân nhắc từ bỏ đồng USD thay bằng nhân dân tệ khi bán dầu cho Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tờ The Wall Street Journal đưa tin, Ả Rập Xê Út đang xem xét kế hoạch chấp nhận đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thay vì USD để giải quyết việc bán dầu thô cho Bắc Kinh.

Ả Rập Xê Út này được cho là đang thảo luận tích cực với Trung Quốc để nhận một phần doanh số bán dầu của họ cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bằng đồng nhân dân tệ, thay đồng USD như truyền thống.

Ngoài ra, các quan chức cũng đang xem xét việc đưa các hợp đồng tương lai bằng đồng nhân dân tệ - nhân dân tệ hoá ngành dầu khí - vào mô hình định giá của Saudi Arabian Oil Co., còn được gọi là Aramco.

Theo nhiều nguồn tin, đề xuất này đã được xem xét trong vài năm, nhưng sự bất mãn của Ả Rập Xê Út về các cuộc đàm phán hạt nhân của Washington với Iran và việc Tòa Bạch Ốc từ chối hỗ trợ các hoạt động quân sự của nước này ở Yemen đã khiến các cuộc đàm phán về việc định giá dầu bằng đồng nhân dân tệ được mở rộng hơn. Họ cũng nói thêm rằng các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê Út đã rất ngạc nhiên trước việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan vào năm ngoái.

Một quan chức Ả Rập Xê Út quen thuộc với các cuộc đàm phán cho biết, “các động lực đã thay đổi đáng kể. Mối quan hệ của Mỹ với Ả Rập Xê Út đã thay đổi. Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và họ đang đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn. Trung Quốc đã và đang cung cấp mọi thứ mà quý vị có thể tưởng tượng cho Vương quốc”.

Một người đàn ông đi ngang qua một hầm chứa bị hư hỏng tại cơ sở dầu của Saudi Aramco ở thành phố Jeddah thuộc Biển Đỏ của Ả Rập Xê Út, hôm 24/11/2020. (Ảnh: Fayez Nureldine / AFP qua Getty Images)

Nếu được thông qua, chính sách này sẽ ảnh hưởng đến vị thế bá chủ của đồng bạc xanh trên thị trường năng lượng quốc tế và làm nổi bật quá trình chuyển đổi của quốc gia này sang các thị trường Á Châu. Nhưng nó cũng sẽ làm rung chuyển nền kinh tế Ả Rập Xê Út và ảnh hưởng đến đồng riyal, vốn giá trị được gắn với đồng USD. Các chuyên gia dự đoán thêm rằng nó sẽ đe dọa thu ngân sách của quốc gia Trung Đông này, trước đây thu ngân sách của Ả Rập Xê Út gắn liền với Ngân khố Hoa Kỳ.

Ngày nay, gần 80% giao dịch dầu thô toàn cầu được tính bằng USD. Kể từ năm 1970, Ả Rập Xê Út chủ yếu sử dụng USD để kinh doanh dầu mỏ, đổi lấy an ninh từ Hoa Kỳ. Từ năm 2021 đến nay, tổng thống Joe Biden và chính phủ của ông đã nhiều lần đề nghị Ả Rập Xê Út bơm thêm dầu để giúp kiềm chế giá năng lượng tăng cao nhưng đều bị quốc gia này từ chối.

Giá dầu thô Tây Texas Intermediate (WTI) và Brent giao sau đã giảm xuống khoảng 100 USD/thùng trong tuần qua; sự suy giảm này do thị trường kỳ vọng rằng Ả Rập Xê Út sẽ chấp nhận yêu cầu từ Mỹ, tăng nguồn cung bù đắp cho phần thiếu hụt từ Nga.

Đồng thời, động thái này sẽ làm tăng sự phổ biến của đồng nhân dân tệ trên thị trường xăng dầu toàn thế giới, vì họ mua khoảng 1/4 lượng dầu của mình từ Ả Rập Xê Út.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã theo đuổi mối quan hệ tốt đẹp hơn với Ả Rập Xê Út bằng cách cùng hợp tác chế tạo tên lửa đạn đạo và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng khác nhau của Thái tử Mohammed bin Salman.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ​​thăm Ả Rập Xê Út vào cuối năm nay.

Bắc Kinh đã nỗ lực nâng cao ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ trong thương mại toàn cầu thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường và số hóa đồng nhân dân tệ. Trong quý 3 năm ngoái, đồng nhân dân tệ đã tăng cường sự hiện diện trong dự trữ ngoại hối quốc tế lên 29% so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng giá trị gần 319 tỷ USD, theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Con số đó vẫn thấp hơn con số 7.081 ngàn tỷ USD và 2.452 ngàn tỷ euro.

Trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng nâng cao vị thế của đồng nhân dân tệ như một đồng tiền dự trữ quốc tế hàng đầu, các nhà đầu tư vẫn lo ngại về các biện pháp kiểm soát và hạn chế vốn và tiền tệ chặt chẽ của chính phủ và ngân hàng trung ương.

Trục chống lại USD

Dù thế nào đi nữa, động thái này của Ả Rập Xê Út là một trong các nỗ lực thu hẹp mức độ đô la hóa nền kinh tế toàn cầu; các quốc gia - đối thủ chính trị, kinh tế của Mỹ - rất chờ đợi kết cục này.

Kể từ khi sáp nhập Crimea, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giảm lượng nắm giữ bằng USD của quốc gia và mua thêm vàng và các loại ngoại tệ khác. Moscow cũng đã tham gia vào các thỏa thuận hoán đổi song phương, coi đồng rúp là phương thức thanh toán chính tại các cảng biển trong nước và thiết lập một sự thay thế cho SWIFT được gọi là Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS).

Ông Putin đã tìm đến đối tác Trung Quốc để phát triển nỗ lực từ bỏ đồng bạc xanh, với việc hai quốc gia về cơ bản thiết lập một thỏa thuận phi USD hóa vào năm 2018 và cải thiện hợp tác kinh tế.

Bất chấp việc Moscow khởi xướng chiến dịch, Bắc Kinh đã mô phỏng chiến lược này khi tự đánh giá những thách thức khi đối mặt với các hình phạt tài chính của Hoa Kỳ. Bắc Kinh cũng vận hành một hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS), một hệ thống thanh toán quốc tế mà Trung Quốc tạo ra để thay thế cho SWIFT, vốn đang phát triển ổn định trong khu vực. Hệ thống đã thu hút 30 tổ chức tài chính Nhật Bản, 31 ngân hàng từ Phi Châu và hàng chục ngân hàng Nga. Năm ngoái, việc sử dụng CIPS đã tăng 75% so với năm 2020.

Nhưng các nhà phân tích đồng tình rằng thế giới vẫn chưa hết hứng thú với sự thúc đẩy này, vì đồng nhân dân tệ chỉ chiếm ít hơn 3% thanh toán quốc tế. Đồng rúp chỉ đại diện cho 0,27% giao dịch toàn cầu.

Nga và Trung Quốc có thể tìm thấy một đối tác khác trong cuộc chiến thay thế đồng USD này: Ấn Độ.

Mặc dù giới lãnh đạo Ấn Độ đã kiềm chế không áp dụng chiến lược loại bỏ USD khỏi nền kinh tế một cách triệt để, chính phủ và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để giao dịch với các quốc gia bị áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của phương Tây.

Moscow và New Delhi đã có một thỏa thuận trao đổi đồng rupee của Ấn và rúp của Nga trong các hợp đồng mua bán vũ khí với Nga. Mục đích là nhằm vượt qua các lệnh trừng phạt do Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc họp báo chung trước Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok hôm 04/09/2019. (Ảnh: Mikhail Metzel / AFP qua Getty Images)

Ấn Độ cũng đang nghĩ đến việc mua dầu thô, phân bón và các mặt hàng khác của Nga với tỷ lệ chiết khấu lớn (giá rẻ hơn rất nhiều so với mặt bằng giá trên thị trường) thông qua giao dịch đồng rupee-rúp. Ấn Độ hiện là nước tiêu thụ và nhập cảng dầu lớn thứ ba thế giới.

Thủ tướng Narendra Modi không lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine và Ấn Độ đã chọn không tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Một quan chức cao cấp của chính phủ nói với Reuters: “Nga đang giảm mạnh giá mạnh dầu và các mặt hàng khác. Chúng tôi sẽ rất vui khi nhận được điều đó. Chúng tôi có một số vấn đề như bảo hiểm tàu ​​chở dầu và hỗn hợp dầu cần được giải quyết. Một khi chúng tôi có được điều đó, chúng tôi sẽ nhận những ưu đãi giảm giá”.

Vũ khí hủy diệt tài chính?

Khi Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác sử dụng cái gọi là vũ khí hủy diệt tài chính, nhiều chuyên gia thị trường và nhà kinh tế đang cảnh báo về sự sụt giảm có hại cho đồng USD.

Tháng trước, Goldman Sachs cho rằng việc khai thác đồng USD cho các mục tiêu chính sách đối ngoại có thể buộc các quốc gia khác từ bỏ đồng tiền dự trữ quốc tế hàng đầu. Và như vậy, sẽ làm suy yếu quyền lực của USD.

Tổ chức tài chính viết: “Sử dụng quá tay những quyền lực này có thể buộc các bên khác cố gắng thay thế các giao dịch đồng USD bằng loại tiền tệ khác, như Nga đã làm ở một mức độ nào đó sau các lệnh trừng phạt trước đó”.

Ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, đã lặp lại những suy nghĩ này khi ông lưu ý trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV rằng chúng ta cần nhận thức được “những hậu quả không mong muốn”.

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ả Rập Xê Út cân nhắc từ bỏ đồng USD thay bằng nhân dân tệ khi bán dầu cho Trung Quốc