Bất động sản Trung Quốc liên tiếp đón tin xấu, chính quyền nói mọi việc vẫn đang được kiểm soát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm qua (19/10), bất động sản (BĐS) Trung Quốc đã chứng kiến ​​nhiều biến động kịch tính khi Evergrande (3333.HK) gác lại kế hoạch bán 51% cổ phần trong đơn vị Dịch vụ BĐS của tập đoàn này, Sinic chính thức tuyên bố vỡ nợ, và Kaisa một lần nữa bị hạ xếp hạng tín dụng, theo Reuters.

Reuters trích dẫn các nguồn tin thân cận cho hay, Evergrande đã bị buộc phải đình chỉ việc bán 51% cổ phần (6666.HK) trị giá 2,6 tỷ USD cho đối thủ Hopson Development (0754.HK) sau khi không giành được sự ủng hộ của chính quyền tỉnh Quảng Đông, cơ quan đang giám sát việc tái cơ cấu của tập đoàn này.

Trong khi chưa rõ tại sao chính quyền tỉnh Quảng Đông không chấp thuận giao dịch liên quan đến đơn vị Dịch vụ BĐS của Evergrande, một số chủ nợ quốc tế của Evergrande cũng đã phản đối thương vụ này.

Một nguồn tin khác nói với Reuters rằng, thỏa thuận sẽ bị trì hoãn trong khi chờ sự chấp thuận của cơ quan quản lý Trung Quốc. Người này cho biết thêm, thỏa thuận đã giành được sự chấp thuận đặc biệt của Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong.

Evergrande đang cố gắng huy động vốn để trả cho các bên cho vay và nhà cung ứng trong bối cảnh tập đoàn này sắp chính thức mất khả năng thanh toán đối với một trong những trái phiếu quốc tế. Hengda Real Estate, một đơn vị thuộc Evergrande, mới đây đã chuyển tiền để thanh toán một loại trái phiếu (onshore bond coupon) trị giá 121,8 triệu NDT (tương đương 19 triệu USD).

Vào hồi tuần trước, Reuters đã đưa tin về việc công ty Yuexiu Property (0123.HK) thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã rút khỏi thỏa thuận mua tòa nhà trụ sở của Evergrande tại Hong Kong trị giá 1,7 tỷ USD do lo lắng về tình hình tài chính tồi tệ của nhà phát triển BĐS Evergrande.

Cuộc khủng hoảng thanh khoản tại Evergrande đã làm chao đảo các thị trường toàn cầu. Trái phiếu lợi suất cao do các nhà phát triển BĐS Trung Quốc phát hành đã bị ảnh hưởng nặng nề mặc dù có một số dấu hiệu cho thấy thị trường đang bắt đầu phân hóa.

Một trái phiếu Evergrande đáo hạn vào ngày 23/3/2022 sẽ chính thức bị vỡ nợ nếu Evergrande không hoạt động tốt trở lại sau thời gian ân hạn 30 ngày đối với khoản thanh toán đã đáo hạn vào ngày 23/9.

Kaisa Group (1638.HK), công ty Trung Quốc đầu tiên vỡ nợ vào năm 2015, cho biết vào hôm thứ 2 (18/10) rằng họ đã thanh toán một trái phiếu đáo hạn vào ngày 16/10 và đang có kế hoạch chuyển tiền để chi trả cho một loại trái phiếu khác trị giá 35,85 triệu USD đáo hạn vào ngày 22/10.

Vào hôm thứ 3 (19/10), trái phiếu của Kaisa đã giảm tới 13 xu trên 1 đô la, tương đương gần 25%, sau khi Moody's hạ xếp hạng tín dụng của công ty này và cảnh báo mức tín dụng có thể bị hạ một lần nữa bởi nguy cơ Kaisa vỡ nợ.

Nhà phát triển BĐS nhỏ hơn là Sinic Holdings (2103.HK) đã trở thành doanh nghiệp mới nhất được S&P xếp hạng "vỡ nợ có chọn lọc (selective default)" sau khi doanh nghiệp này không thể thanh toán 246 triệu USD trái phiếu.

Trong vòng vài ngày qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vẫn tuyên bố: Tác động lan tỏa lên hệ thống ngân hàng đến từ các vấn đề nợ của Evergrande là có thể kiểm soát được và nền kinh tế Trung Quốc đang "hoạt động tốt".

Chi Anh

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Bất động sản Trung Quốc liên tiếp đón tin xấu, chính quyền nói mọi việc vẫn đang được kiểm soát