Cổ phiếu Trung Quốc sẽ bị hủy niêm yết ồ ạt vì Mỹ tăng cường bảo vệ giới đầu tư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) kiên quyết rằng các công ty Trung Quốc sẽ chỉ được phép tiếp tục hoạt động trên thị trường Mỹ nếu họ tuân thủ đầy đủ các cuộc thanh tra kiểm toán của Mỹ.

Đã có thời, cổ phiếu Trung Quốc được hưởng một đặc quyền nhất định ở Mỹ. Đó là một hành lang tránh khỏi sự giám sát của Ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng (PCAOB) - điều mà tất cả các công ty ngoại quốc niêm yết tại Mỹ phải trải qua.

Thời kỳ ấy sẽ sớm chấm dứt. Sự thay đổi 180 độ này được cho là do Mỹ thực hiện Đạo luật về Trách nhiệm giải trình các công ty ngoại quốc (HFCAA).

Tính đến hôm 28/05, ít nhất 128 cổ phiếu Trung Quốc đã được liệt vào danh sách quyết định của SEC, bao gồm Weibo - nền tảng truyền thông xã hội giống Twitter, Baidu - công cụ tìm kiếm giống Google, Jingdong - nền tảng thương mại điện tử, Pinduoduo - nền tảng lấy nông nghiệp làm trung tâm, Bilibili - trang web chia sẻ video, NetEase - nhà cung cấp dịch vụ Internet, Ctrip.com - đại lý du lịch trực tuyến, Sinovac - công ty dược sinh học, Huaneng Power - công ty điện lực, Chalco - công ty nhôm đa ​​quốc gia, và nhiều lĩnh vực hàng đầu khác của Trung Quốc.

Theo HFCAA, nếu một công ty có tên trong danh sách quyết định trong 3 năm liên tiếp thì công ty đó sẽ chính thức bị hủy niêm yết sau năm thứ 3 (sớm nhất là vào năm 2024). Hơn nữa, khoảng thời gian 3 năm có thể sẽ được rút ngắn xuống còn 2 năm như được chỉ ra trong một bài báo của Wall Street Journal hôm 24/05.

HFCAA lần đầu tiên được đưa ra vào hôm 28/03/2019 bởi Thượng nghị sĩ Mỹ John Kennedy (Đảng Cộng Hòa - Louisiana), và sau đó được nhất trí bởi cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Cuối cùng, Tổng thống Donald Trump khi ấy đã ký thành luật vào hôm 18/12/2020.

Trước đây, Mỹ đã kiên nhẫn thúc giục các công ty Trung Quốc tuân thủ yêu cầu nộp bản tóm tắt kiểm toán. Kể từ khi dự luật được thông qua như một phần quyết tâm bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư Mỹ, tình hình đã thay đổi đáng kể. Trung Quốc đã phải vội vàng can thiệp vì lo ngại chứng khoán mà nước này kiểm soát sẽ bị hủy niêm yết ồ ạt tại Mỹ.

Cổ phiếu Trung Quốc sẽ bị hủy niêm yết ồ ạt vì Mỹ tăng cường bảo vệ giới đầu tư
Giám đốc điều hành công ty Changyou, ông Tao Wang, hôm 02/04/2009 tại New York. (Ảnh: Mario Tama / Getty Images)

Trung Quốc chịu tổn thất nặng nề nếu Mỹ cắt nguồn vốn nước ngoài

Khi mà thời điểm chứng khoán Trung Quốc chính thức bị hủy niêm yết đang đến gần, Bắc Kinh ngày càng trở nên lo lắng. Vào tháng 4, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) thông báo rằng họ sắp sửa đổi các quy định quản lý hồ sơ và bảo mật đối với các doanh nghiệp trong nước niêm yết ở ngoại quốc.

Hôm 24/05, CSRC đã đưa ra một tuyên bố khác, qua đó bày tỏ mong muốn liên lạc với Mỹ để “đáp ứng các yêu cầu pháp lý và quy định của cả hai bên”.

Tuy nhiên, phía Mỹ không quá lạc quan về một sự hòa giải. PCAOB cho biết vẫn còn quá sớm để suy đoán về một thỏa thuận cuối cùng với Trung Quốc.

Nhà đàm phán thương mại từng làm việc trong chính phủ Trump, ông Clete Willems, nói với Wall Street Journal hôm 26/05: “Trừ khi Trung Quốc linh hoạt hơn những gì họ đang làm cho đến nay, việc hủy niêm yết một số hoặc tất cả các công ty của họ là điều không thể tránh khỏi”.

Nhà kinh tế cấp cao kiêm người đứng đầu Diễn đàn CFO Trung Quốc, Deng Zhidong, nói với một phương tiện truyền thông Trung Quốc rằng hầu hết các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ là những doanh nghiệp công nghệ không thể đáp ứng các điều kiện niêm yết tại Trung Quốc do thua lỗ lớn về đầu tư và tài chính; vì vậy họ cần có được các khoản đầu tư từ thị trường chứng khoán toàn cầu.

Do đó, nếu một công ty như vậy không niêm yết tại Mỹ thì đến khả năng huy động vốn của công ty đó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ đó kìm hãm sự tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp, nhà kinh tế Deng cho biết, theo hãng tin Sina hôm 08/05.

Đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), việc cổ phiếu Trung Quốc bị hủy niêm yết ồ ạt khỏi Mỹ sẽ là một tổn thất đáng kể.

Xu Yuan, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Tài chính Kỹ thuật số thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết trong một bài viết đăng trên Caixin hôm 30/03 rằng chứng khoán Trung Quốc là "sợi dây liên kết giữ cho quan hệ Trung - Mỹ ở trạng thái chiến đấu nhưng không tan vỡ" và cũng là viên gạch liên kết giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài.

Nhà nghiên cứu Xu thừa nhận rằng trong mô hình quan hệ kinh tế Trung - Tây hiện nay, tầng lớp trung lưu và hạ lưu phương Tây là nạn nhân, trong khi giới tinh hoa ở phố Wall và Thung lũng Silicon là bên hưởng lợi lớn. Đó là lý do tại sao các ngân hàng đầu tư và luật sư phục vụ chứng khoán Trung Quốc, cũng như các công ty công nghệ thường hợp tác chặt chẽ với chứng khoán Trung Quốc. Họ đã trở thành một “lực lượng ngoài thể chế” đáng tin cậy để duy trì mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.

Nhưng nếu chứng khoán Trung Quốc bị hủy niêm yết khỏi Mỹ, thì mối liên kết quan trọng này giữa Trung Quốc và phương Tây sẽ bị cắt đứt và nền kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm, nhà nghiên cứu Xu đánh giá.

Các doanh nghiệp niêm yết của Trung Quốc đã qua mặt Cơ quan giám sát của Mỹ trong nhiều thập kỷ

Việc niêm yết gian lận trên các sàn giao dịch của Mỹ đã khiến nhiều nhà đầu tư chịu thiệt hại hàng trăm tỷ USD trong thập kỷ qua.

Thượng nghị sĩ Mỹ John Neely Kennedy nói với FOX Business vào tháng 12/2020 như sau: “Chính sách hiện tại cho phép các công ty Trung Quốc không phải áp dụng các quy tắc mà doanh nghiệp Mỹ phải tuân theo; điều này thật là độc hại ... Nó khiến các gia đình và công nhân Mỹ gặp rủi ro bằng cách gây nguy hiểm cho khoản tiết kiệm đại học và hưu trí của họ”.

Trở lại năm 2002, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Sarbanes-Oxley. Đạo luật này yêu cầu công ty kiểm toán của các công ty phát hành chứng khoán đại chúng ở Mỹ phải được PCAOB kiểm tra.

Tuy nhiên, Bắc Kinh này đã phớt lờ Đạo luật Sarbanes-Oxley và cản trở PCAOB kiểm tra các công ty Trung Quốc, dẫn đến việc một số doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện hành vi gian lận và lừa dối một cách lộ liễu đối với các cổ phiếu niêm yết của họ.

Cổ phiếu Trung Quốc sẽ bị hủy niêm yết ồ ạt vì Mỹ tăng cường bảo vệ giới đầu tư
Ông Richard Qiangdong Liu - người sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của JD.com - nói chuyện với các nhân viên khi JD.com phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn giao dịch Nasdaq hôm 22/05/2014 tại New York. (Ảnh: Andrew Burton / Getty Images)

Hôm 02/03/2011, Muddy Waters Research đã cung cấp “bằng chứng không thể chối cãi”, cáo buộc China MediaExpress Holdings (NASDAQ: CCME) - nhà điều hành quảng cáo truyền hình ở miền Nam Trung Quốc - đã ngụy tạo dữ liệu tài chính để đáp ứng các tiêu chuẩn IPO và thổi phồng vốn của công ty lên hàng trăm triệu USD.

Hôm 26/04/2011, Citron Research đã chất vấn Longtop Financial's (NYSE: LFT) - nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tài chính tích hợp của Trung Quốc - về vấn đề gian lận tài chính. Bốn tháng sau, hôm 31/08/2011, Longtop Financial tuyên bố giải thể.

Tháng 10/2013, Muddy Waters Research đã trình bày chi tiết về một "vụ gian lận lớn" của NQ Mobile (NYSE: NQ) - công ty bảo mật Internet của Trung Quốc - bao gồm việc làm sai lệch ít nhất 72% doanh thu và phóng đại thị phần. Muddy tuyên bố rằng thị phần của NQ Mobile chỉ là 1,5 % thay vì 55% như công ty đã báo cáo. Năm 2018, NQ Mobile (NYSE: NQ) được đổi tên thành Link Motion (NYSE: LKM). Hôm 09/01/2019, NYSE đã chính thức hủy niêm yết Link Motion (NYSE: LKM). (NYSE là Sàn Giao dịch Chứng khoán New York).

Năm 2013, PCAOB đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với cơ quan kiểm toán của Trung Quốc. Theo biên bản này, PCAOB được cấp quyền truy cập vào thông tin kiểm toán của cơ quan có thẩm quyền Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Tuy nhiên, người phát ngôn của CSRC cho biết, Trung Quốc sẽ chỉ cho phép Mỹ tiếp cận hồ sơ kế toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ “trong giới hạn nhất định”.

Cái gọi là “giới hạn nhất định” này có thể cho phép ĐCSTQ sử dụng “an ninh quốc gia” và “bí mật nhà nước” làm lý do để cấm việc tiếp cận hồ sơ kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Điều đó có nghĩa là PCAOB thực sự vẫn không thể quản lý các doanh nghiệp Trung Quốc và các công ty kế toán Trung Quốc kiểm toán chúng, theo một bài bình luận được đăng trên United Daily News có trụ sở tại Đài Loan hôm 02/12/2020.

Trong phiên tòa năm 2016, ĐCSTQ đã giao ra một bản kiểm toán đã bị sửa chữa một phần, đồng thời cấm PCAOB tiếp cận hồ sơ của những gã khổng lồ Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ, bao gồm Alibaba.

Vào tháng 12/2021, PCAOB nhận thấy rằng việc dành thời gian và nguồn lực đáng kể để làm việc với phía Trung Quốc là vô ích. PCAOB cũng nhận ra rằng “thật không may, từ khi ký MOU vào năm 2013, sự hợp tác từ phía Trung Quốc là không đầy đủ để PCAOB tiếp cận kịp thời các tài liệu và lời khai cần thiết để thực hiện sứ mệnh của chúng tôi - sứ mệnh đó là phù hợp với các nguyên tắc cốt lõi đã xác định”.

Do đó, Mỹ quyết tâm hủy niêm yết các cổ phiếu Trung Quốc bị nghi ngờ gian lận.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Jenny Li làm việc tại The Epoch Times từ năm 2010. Bà thường đưa tin về chính trị, kinh tế, nhân quyền và quan hệ Mỹ - Trung. Bà đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn sâu rộng các học giả, nhà kinh tế, luật sư và nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc ở Trung Quốc và nước ngoài.

Lê Minh

Theo The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Cổ phiếu Trung Quốc sẽ bị hủy niêm yết ồ ạt vì Mỹ tăng cường bảo vệ giới đầu tư