Cuộc chiến vô nghĩa về trần nợ Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giải pháp cho vấn đề trần nợ không phải là những tranh cãi vô nghĩa về ngân sách. Nước Mỹ cần thay đổi thái độ tiếp cận. Thậm chí, nước Mỹ có thể dừng đáp ứng các nghĩa vụ nợ và chấp nhận xếp hạng tín dụng bị hạ thấp, từ đó khiến chính quyền liên bang phải tự đứng vững trên đôi chân của chính mình.

Nhà văn Francois Rabaleis nói: “Nợ nần và dối trá thường trộn lẫn với nhau".

Đó là sự thật vào thời điểm 500 năm trước khi ông Rabaleis nói điều đó. Nhưng nó đúng hơn bao giờ hết tại thời điểm hiện nay. Mọi người che giấu các khoản nợ của họ bởi vì chúng tiết lộ ra rất nhiều sự ngu ngốc, hoang phí và tính toán sai lầm. Chắc chắn, điều đó đúng trong lĩnh vực tài chính cá nhân.

Nó thậm chí còn đúng hơn trong lĩnh vực tài chính của chính phủ.

Một cuộc tranh luận vô nghĩa

Vì lý do đó, sẽ hoàn toàn dễ hiểu và hợp lý nếu bạn bỏ qua cuộc tranh luận tương đối vô nghĩa về trần nợ hiện đang khiến Washington tập trung toàn bộ sức lực. Tất cả chúng ta đều hiểu vấn đề. Mục tiêu của đảng Dân chủ là khiến Quốc hội chấp thuận gia tăng chi tiêu vốn đã ngoài tầm kiểm soát. Mục tiêu của đảng Cộng hòa là cho phép tăng nợ trong khi làm ra vẻ tìm kiếm một thỏa hiệp tiết kiệm hơn.

Cuộc chiến vô nghĩa về trần nợ Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay khi ông trao bản sao bài phát biểu của mình cho Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, trước khi ông đọc bài diễn văn Thông điệp Liên bang trước phiên họp chung của Quốc hội, vào ngày 07/02/2023 tại Phòng Hạ viện của Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: Jacquelyn Martin-Pool/Getty Images)

Phần còn lại không có gì khác ngoài cuộc chiến ngôn từ. Tất cả các “cắt giảm” được đề xuất và thực hiện không thực sự là cắt giảm mà là giảm tốc độ tăng đã được xác định trước. Tất cả các khoản tiết kiệm đều chỉ là các dự báo và chúng có thể dễ dàng bị đảo ngược khi đến thời điểm. Và ngay cả những điều đó cũng bị Đảng Dân chủ chỉ trích là tàn nhẫn và không cần thiết. Sau đó, những người Cộng hòa sợ hãi và phản đối rằng họ không thực sự cắt giảm bất cứ thứ gì, một điều nhìn chung là đúng.

Tất cả họ đều tỏ ra đang thực hiện các phép tính toán và lập ngân sách, trong khung thời gian 10 năm. Họ tung ra những con số mà không người bình thường nào có thể hiểu được trong khi buộc tội nhau là vô trách nhiệm và nhẫn tâm.

Điều này tiếp tục cho đến khi một thỏa thuận được thực hiện. Nếu một thỏa thuận không được thực hiện, chính phủ sẽ đóng cửa. Trên thực tế, không thực sự là vậy. Chính phủ vẫn sẽ thực thi các quy định, trả lương cho các quan chức và thu thuế. Những thứ bị đóng cửa là những thứ duy nhất bạn thực sự quan tâm: công viên quốc gia, Smithsonian [phức hợp bảo tàng, giáo dục, nghiên cứu], văn phòng hộ chiếu và kiểm soát không lưu. Một phương án cắt giảm "hay ho" khác là cắt giảm nhân sự tới mức tối thiểu trong Cơ quan An toàn Giao thông vận tải. Điều này sẽ khiến các hàng người xếp hàng dài lê thê tại các sân bay, và khiến mọi người bị lỡ chuyến bay.

Đảng Cộng hòa đang làm gì?

Cuộc chiến vô nghĩa về trần nợ Mỹ
Lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell (Cộng hòa - Kentucky), Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hòa - California) và Tổng thống Joe Biden gặp gỡ các nhà lập pháp khác tại Phòng Bầu dục của Tòa Bạch Ốc vào ngày 09/05/2023 tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Nhóm Cộng hòa không bao giờ đề xuất được một ngân sách cân bằng. Điều này thực sự có thể xảy ra nếu họ thực sự quan tâm. Họ có thể lần lượt loại bỏ từ cơ quan này tới cơ quan khác, ban hành các đợt cắt giảm ngân sách khổng lồ và bán một phần trong nguồn đất đai rộng lớn của chính phủ liên bang.

Vấn đề là có nhiều cách để cân đối ngân sách. Loại bỏ một nửa hoặc nhiều hơn các cơ quan liên bang sẽ là một khởi đầu tuyệt vời. Nhưng, tất nhiên, hoàn toàn không có ai nói về phương án như thế ở Washington bởi vì làm như vậy không mang lại lợi ích chính trị cho bất kỳ ai.

Vậy kế hoạch của đảng Cộng hòa hiện nay là gì? Ông David Stockman (cựu Dân biểu) đã phân tích nó:

“Trọng tâm của kế hoạch là tiết kiệm được 3,2 nghìn tỷ USD trong 10 năm bằng cách cắt giảm các khoản phân bổ tùy ý cho năm tài chính 2024 xuống 9,2 phần trăm so với mức hiện tại của năm, và sau đó giới hạn tốc độ tăng trưởng trong tương lai ở mức 1 phần trăm mỗi năm".

“Để chắc chắn, trong khi uốn lưỡi theo tình huống, Chủ tịch Hạ viện [Kevin] McCarthy đã nói … rằng không có gì phải lo lắng đối với việc cắt giảm và giới hạn chi tiêu tùy ý của GOP. Mức giảm 9,2 phần trăm chỉ khiến các khoản phân bổ trở lại mức của năm tài chính 2022 - thực tế là xóa đi bữa tiệc chi tiêu đã được đưa vào trò lừa bịp Phân bổ ngân sách Omnibus vào mùa đông năm ngoái".

Theo quan điểm của ông Stockman, mục tiêu của đảng Cộng hòa là bỏ qua vấn đề trong năm nay và tiếp tục mọi việc vào năm sau, dựa trên thói quen của người dân Mỹ trong việc quên đi mọi thứ đã xảy ra trong quá khứ và chỉ tập trung vào những diễn biến kịch tính của thời điểm hiện tại. Chứng mất trí nhớ của người Mỹ phục vụ rất tốt cho cả hai phe.

Ông Stockman cũng nhắc nhở chúng ta rằng chỉ hai năm trước, một thỏa thuận ngân sách khác đã được thông qua nhưng đã hoàn toàn bị lãng quên.

“Đổi lại việc tăng trần nợ, chi tiêu quốc phòng và phi quốc phòng được phân bổ bị giới hạn ở mức 8,45 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới [thông tin trong thỏa thuận ngân sách cũ]”, ông nói. “Mức thực tế hóa ra là 10,60 nghìn tỷ USD. Điều đó có nghĩa là, những kẻ giả mạo này đã đi lệch mục tiêu của họ là 2,15 nghìn tỷ USD hay 25% trong khoảng thời gian đó!”

Và theo cách này, theo thời gian, tỷ lệ nợ trên GDP sẽ hướng tới 150%. Chúng ta chỉ mới vượt mốc 100% cách đây 10 năm, trong khi 50 năm trước, mức này chỉ là 30%. Và chỉ riêng tiền lãi của khoản nợ đã lên tới 1 nghìn tỷ USD mỗi năm, đó là điều sẽ xảy ra khi bạn để điều không tưởng về lãi suất bằng không diễn ra. Số tiền này tương đương với toàn bộ ngân sách liên bang khi ông Ronald Reagan bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai.

Ít nhất thì, các đảng viên Cộng hòa nên yêu cầu chính phủ quay trở lại áp dụng mức ngân sách năm 2020, ngay trước khi cơn điên cuồng chi tiêu càn quét Washington và nước Mỹ quyết định hủy bỏ Tuyên ngôn Nhân quyền. Ngân sách đã tăng 33% kể từ đó, nhưng tổng sản phẩm quốc nội chỉ tăng 21,6%.

Cuộc chiến vô nghĩa về trần nợ Mỹ
Biểu đồ: Chi tiêu của chính phủ liên bang. Cột bên trái: tỷ USD. (Dữ liệu: Dữ liệu kinh tế Cục Dự trữ liên bang [FRED], St. Louis Fed; Ảnh: Jeffrey A. Tucker)

Giải pháp thực sự

Nhà văn Rabelais đã đúng: Nợ nần và dối trá đi đôi với nhau. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực tài chính công. Quan điểm thực sự hợp lý duy nhất về vấn đề trần nợ tình cờ được ông Donald Trump thốt ra chương trình Town Hall của CNN (một chương trình khiến hãng này bẽ mặt). Ông Trump nói rằng chính phủ Mỹ nên từ chối trả nợ. Ông Trump có thể không hiểu rõ điều ông ấy nói, nhưng tôi mừng vì ông ấy đã nói điều đó.

Đó chẳng phải sẽ là một thảm họa đối với xếp hạng tín dụng của Mỹ sao? Có thể, nhưng đó có thể là một điều tốt. Nó hoàn toàn sẽ buộc chính phủ liên bang phải sống bằng chính khả năng của mình. Trong bất cứ trường hợp nào, người Mỹ cần thay đổi điều gì đó.

Có một vấn đề mang tính cơ bản hơn nhiều so với cuộc tranh luận "ảo diệu" về ngân sách này. Điều chúng ta thực sự cần là một sự thay đổi hoàn toàn trong văn hóa của Mỹ liên quan đến mối quan hệ giữa xã hội và chính phủ. Tôi sẽ kết thúc bài viết bằng một suy nghĩ sâu sắc của tác giả Albert Jay Nock từ năm 1925:

“Không thể làm gì được về vấn đề rượu, vấn đề trang trại, vấn đề sở hữu công cộng và các vấn đề xã hội khác đang ảnh hưởng đến chúng ta. Tôi nói, không thể làm gì được; nghĩa là, không có gì ngoại trừ một thứ sẽ không bao giờ được thừa nhận là cần thiết, đó là sự kỷ luật tự áp đặt của cả một dân tộc nhằm đạt được một đặc tính hoàn toàn mới. Chúng ta đã cố gắng trong hy vọng có thể sống chỉ bằng các cơ chế, cơ chế của sư phạm, của chính trị, của công nghiệp và thương mại; và khi chúng ta nhận thấy điều đó là không thể thực hiện được và chúng ta đang làm cho nó trở thành một mớ hỗn độn, thay vì thay đổi thái độ, chúng ta lại dùng trí thông minh của mình để nghĩ ra một sự thay đổi trong cơ chế, rồi một thay đổi khác, rồi một thay đổi khác. …Bằng chứng khẳng định rõ ràng rằng cuộc sống của một quốc gia không phụ thuộc chủ yếu vào sự phong phú của những thứ mà quốc gia đó sở hữu; rằng chính tinh thần và cách cư xử của người dân, chứ không phải sự đa dạng phức tạp của các cơ chế xã hội của nó, mới quyết định chất lượng của nền văn minh của nó”.

Cả một dân tộc tìm cách thay đổi thái độ - đó là giải pháp. Trừ khi điều đó xảy ra, tất cả những thứ khác chỉ là màn kịch và việc chậm chạm chìm vào tình trạng trì trệ đầy nợ nần.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc chiến vô nghĩa về trần nợ Mỹ