Cựu Thủ tướng Anh Liz Truss bảo vệ bản thân, cho rằng chính quyền của bà đã trở thành vật tế thần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bà Liz Truss cho rằng mình đã không được trao cơ hội áp dụng các chính sách. Cựu Thủ tướng tỏ ra vẫn tin tưởng vào đường lối của mình. Những tuyên bố của bà đã nhận được những phản ứng khác nhau.

Cựu Thủ tướng Anh Liz Truss đã đổ lỗi cho “hệ thống kinh tế rất hùng mạnh” vì đã không thực hiện được tầm nhìn kinh tế tăng trưởng cao, thuế thấp trong thời gian ngắn cầm quyền.

Bà Truss buộc phải từ chức Thủ tướng vào tháng 10 chỉ sau 49 ngày ở Phố Downing, khi thị trường tài chính rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng công bố gói cắt giảm thuế trị giá 45 tỷ GBP (bảng Anh) (54 tỷ USD) trong “gói ngân sách nhỏ” của ông, thứ sẽ được tài trợ bằng khoản vay của chính phủ thay vì các khoản cắt giảm chi tiêu.

Trong những bình luận chi tiết đầu tiên kể từ khi rời vị trí, bà Truss viết: “Tôi không khẳng định mình vô tội đối với những gì đã xảy ra, nhưng về cơ bản, tôi đã không được một hệ thống kinh tế rất hùng mạnh trao cơ hội một cách thực tế để áp dụng các chính sách của tôi, cùng với việc thiếu sự hỗ trợ chính trị”.

Trong một bài báo dài 4.000 từ cho The Sunday Telegraph, bà Truss cho biết bà đã không đánh giá đủ cao sức mạnh của sự phản kháng mà bà sẽ phải đối mặt với các kế hoạch của mình và phàn nàn rằng chính phủ của bà đã trở thành “vật tế thần” cho các vấn đề kinh tế tồn tại từ lâu.

Bà ấy viết: “Tôi đã cho rằng khi bước vào Phố Downing, mệnh lệnh của tôi sẽ được tôn trọng và chấp nhận. Tôi đã sai hoàn toàn. Trong khi tôi đã đoán trước về những phản kháng đối với chương trình của mình từ hệ thống, tôi đã đánh giá thấp mức độ của nó".

“Tương tự như vậy, tôi đã đánh giá thấp sự phản kháng bên trong đảng nghị viện Bảo thủ đối với việc chuyển sang một nền kinh tế có thuế thấp hơn, ít quy định hơn”.

Cựu Thủ tướng Anh Liz Truss bảo vệ bản thân, cho rằng chính quyền của bà đã trở thành vật tế thần
Thủ tướng Vương quốc Anh Liz Truss và Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng thăm Berkeley Modular, ở Northfleet, Anh, vào ngày 23/09/2022. (Ảnh: Dylan Martinez/WPA Pool/Getty Images)

Vật tế thần

Cựu Thủ tướng nói rằng bà tin rằng trong trung hạn, các chính sách của bà sẽ thúc đẩy tăng trưởng và do đó giảm nợ.

Nhưng bà ấy nói rằng bà đã không được cảnh báo về những rủi ro đối với thị trường trái phiếu từ các khoản đầu tư dựa trên trách nhiệm pháp lý (LDIs) - thứ được các quỹ hưu trí mua rất nhiều - khiến Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp để ngăn chặn chúng sụp đổ khi chi phí vay của chính phủ tăng vọt.

“Chỉ đến bây giờ tôi mới có thể đánh giá đúng mức về một mồi lửa nguy hiểm mà chúng tôi đã đối mặt đối với LDI", bà nói. “Thật đáng tiếc, chính phủ đã trở thành vật tế thần hữu ích cho những vấn đề đã phát sinh trong nhiều tháng”.

Bà ấy nói rằng sau khi nhìn lại, bà ấy có thể sẽ hành động khác đi, nhưng bà ấy đã phải đấu tranh chống lại “quan điểm bản năng của Kho bạc” và “hệ sinh thái kinh tế chính thống rộng lớn hơn”.

Bà ấy nói rằng bà ấy "vô cùng băn khoăn" khi phải sa thải ông Kwarteng, nhưng tin rằng bà ấy không còn lựa chọn nào khác.

“Tại thời điểm đó, rõ ràng là chương trình chính sách không thể tồn tại và ưu tiên của tôi phải là tránh một cuộc sụp đổ nghiêm trọng cho Vương quốc Anh”, bà nói.

“Tôi vẫn tin rằng việc tìm cách đưa ra kế hoạch chính sách ban đầu mà dựa trên đó, tôi đã đấu tranh trong cuộc bầu cử lãnh đạo, là điều đúng đắn nên làm, nhưng các lực lượng chống lại nó quá lớn”.

Việc cần làm trước

Tầm nhìn kinh tế của bà Truss vẫn nhận được sự ủng hộ đáng kể trong đảng Bảo thủ. Nhóm Tăng trưởng Bảo thủ mới thành lập tại Hạ viện, được ủng hộ bởi khoảng 50 Dân biểu Bảo thủ, đã thúc ép Thủ tướng Rishi Sunak và Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt giảm thuế để kích thích tăng trưởng.

Nhưng Bộ trưởng Kinh doanh Grant Shapps đã cảnh báo về nỗ lực của bà Truss nhằm thúc đẩy cắt giảm thuế trước khi kiểm soát lạm phát.

Ông Shapps nói với chương trình Sophy Ridge on Sunday của Sky News: “Trước tiên, bạn phải giải quyết các vấn đề cơ bản. Bạn phải giảm lạm phát, vốn là khoản cắt giảm thuế lớn nhất mà bất kỳ ai có thể có".

“Tôi nhận thấy bà ấy nói rằng họ chưa chuẩn bị cơ sở cho những thay đổi lớn về thuế này. Những gì bạn phải làm là giải quyết các vấn đề cơ cấu lớn trước, giải quyết lạm phát trước, xử lý nợ, sau đó mới hướng tới cắt giảm thuế”.

Ông Shapps cho biết ông “hoàn toàn” đồng ý với “bản năng muốn có một nền kinh tế thuế thấp hơn” của bà Truss. Nhưng ông ấy nói thêm: “Chúng ta cũng biết rằng nếu bạn làm điều đó trước khi xử lý lạm phát và xử lý nợ thì cuối cùng bạn sẽ gặp khó khăn. Bạn không thể có được sự tăng trưởng từ hư không".

“Rishi Sunak đã tới, ông ấy đã loại bỏ khoản đó vì thị trường không thích những gì đang diễn ra tại thời điểm đó. Vì vậy, chúng ta đã trở lại vị trí nên có của chúng ta".

Phản ứng

Các nhà lập pháp bảo thủ bị chia rẽ về việc bà Truss bảo vệ chính mình.

Ông Lord Barwell, người từng là chánh văn phòng trong chính phủ của cựu Thủ tướng Theresa May, đã viết trên Twitter rằng bà Truss bị hạ bệ vì “chỉ trong vài tuần, bạn đã đánh mất niềm tin của thị trường tài chính, cử tri và các Dân biểu của chính bạn”.

Nhưng Sir Jake Berry, cựu Chủ tịch Đảng Bảo thủ, nói với chương trình Sunday With Laura Kuenssberg của BBC One: “Tôi vẫn đồng ý với chẩn đoán của bà Liz về căn bệnh mà đất nước đang phải đối mặt và tôi nghĩ bà ấy chấp nhận trong câu chuyện này rằng đơn thuốc mà chúng tôi đã viết - thứ mà tôi phải chịu một phần lỗi - đã không được bàn giao đúng cách.

“Nhưng tôi nghĩ quan điểm của bà ấy là chúng ta cần giảm thuế, chúng ta cần tạo ra một nền kinh tế phát triển, đó là điều mọi người muốn”.

Đảng Lao động đối lập đã chế nhạo tuyên bố của bà Truss rằng bà đã bị hạ bệ bởi một hệ thống kinh tế cánh tả.

Bộ trưởng Kinh doanh bóng tối của đảng Lao động (người được phe đối lập bầu ra để giám sát lĩnh vực kinh doanh) Jonathan Reynolds nói với Sky News: “Liệu có bao giờ có một thành viên đảng Bảo thủ sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành động của chính họ không?"

“Bà Liz Truss đã phải từ chức vì các chính sách của bà ấy không mạch lạc và không bền vững và ý tưởng rằng bà ấy đã bị hạ bệ bởi một hệ thống kinh tế cánh tả - bà ấy đã bị hạ bệ bởi nền kinh tế đơn giản”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cựu Thủ tướng Anh Liz Truss bảo vệ bản thân, cho rằng chính quyền của bà đã trở thành vật tế thần