Đề xuất 'trả tiền để được làm việc' bị chỉ trích mạnh mẽ tại Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một chuyên gia CNTT tại Trung Quốc đã đề xuất trên mạng xã hội rằng sinh viên mới tốt nghiệp có thể trả tiền để làm việc cho các công ty. Điều này được cho là sẽ giải quyết 2 vấn đề: nạn thất nghiệp trong thanh niên và khó khăn của các công ty vừa và nhỏ, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang suy giảm. Biện pháp này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ, và giới chuyên gia cho rằng nó phản ánh quan niệm sai lầm về việc làm.

Sinh viên mới tốt nghiệp trả tiền để làm việc?

Một chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) nổi tiếng ở Trung Quốc gần đây đã gợi ý trên mạng xã hội rằng những người xin việc có thể trả tiền cho người sử dụng lao động để có việc làm. Biện pháp này được cho là sẽ giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc.

Đề xuất này đã thu hút sự chú ý và chỉ trích đáng kể. Các phương pháp tương tự vẫn đang tồn tại trong ngành CNTT của Trung Quốc. Sinh viên tốt nghiệp trong ngành vẫn trả tiền cho công ty để được thực tập, và điều này không được ghi lại trong sổ sách công ty.

Chuyên gia CNTT, người có tên “Diade Technology”, đăng trên Weibo vào ngày 29/05: “Nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2022 đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn: một là hơn 10 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học cần tìm việc làm; hai là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải vật lộn để tồn tại. Tôi vừa nghĩ ra một cách để giải quyết hai vấn đề này, nó thực sự rất đơn giản: chỉ cần khiến sinh viên đại học trả tiền cho công ty để làm việc. Sinh viên tốt nghiệp có thể được đào tạo từ các nhà tuyển dụng, điều này rất xứng đáng với số tiền họ trả cho các công ty. Bằng cách này, các công ty có thể có được tiền mặt để hỗ trợ hoạt động của họ, và sinh viên đại học cũng có việc làm. Một hòn đá, ném được hai con chim”.

Đề xuất này ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của dư luận. Một bài đăng trên mạng xã hội có nội dung rằng, “Điều đó còn tàn nhẫn hơn những gì mà một người sử dụng lao động tồi tệ nhất có thể làm”. Một cư dân mạng khác đã đặt câu hỏi trong một bài đăng: “Vậy tôi lấy đâu ra tiền để trả cho sếp hàng tháng để tôi có thể tiếp tục làm việc? Từ cha mẹ tôi?”.

Bài đăng gốc của “Diade Technology” (đề xuất ban đầu) sau đó đã bị chặn nhưng ảnh chụp màn hình của nó đã được đăng lại và tiếp tục lan truyền trên Internet.

Kinh tế suy giảm, sinh viên tốt nghiệp khó tìm được việc làm

Năm nay, gần 10,8 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp từ các trường đại học Trung Quốc vào tháng 7 trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm do các đợt phong tỏa hàng loạt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) — con số này cao hơn 1,67 triệu so với năm 2021, và lập một kỷ lục mới. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp được công bố chính thức đối với thanh niên Trung Quốc, từ 16 đến 24 tuổi, đang tăng lên, cũng đạt mức cao kỷ lục trong năm nay là 18,2% vào tháng 4. Con số này cao gấp đôi so với các nước Âu Mỹ. Nó cũng cao hơn 46% so với Đài Loan. Con số này không bao gồm sinh viên đại học sẽ tốt nghiệp vào tháng 7 tới.

Trước tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ dưới chính sách “zero-COVID” của ĐCSTQ, sinh viên đại học dự kiến ​​sẽ đặc biệt khó tìm được việc làm trong năm nay.

Đề xuất trả tiền để được làm việc bị chỉ trích mạnh mẽ tại Trung Quốc
Sinh viên Trung Quốc và quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc trong lễ tốt nghiệp, ngày 30/06/2020, ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)

Thực tập phải trả tiền: Thông lệ trong ngành CNTT

Cuộc thảo luận sôi nổi về gợi ý “trả tiền để làm việc” cũng đã mở rộng sang các thỏa thuận thực tập không chính thức trong ngành CNTT.

Do việc tìm kiếm việc làm đang ngày càng khó khăn, ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học trong những năm gần đây đã phải trả tiền cho các công ty CNTT lớn để được thực tập. Họ hy vọng rằng việc “thực tập” tại một công ty nổi tiếng sẽ giúp họ tìm được một công việc trong ngành vào tương lai hoặc được nhận vào các trường cao học ở phương Tây.

Nhiều cư dân mạng tiết lộ trên mạng xã hội rằng hoạt động này đã tạo ra một thị trường mới. Giá thực tập từ xa là khoảng 7.000 CNY (nhân dân tệ) đến 20.000 CNY (900 - 3.000 USD) mỗi tháng, trong khi thực tập trực tiếp có giá 20.000 CNY đến 35.000 CNY (3.000 - 5.250 USD) mỗi tháng. Các đợt thực tập thường kéo dài chỉ một tháng. Giá sẽ cao hơn cho thời gian lâu hơn. Những người trả tiền để có được loại hình thực tập này không được các công ty coi là thực tập sinh chính thức và không nằm trong sổ sách.

Cư dân mạng có tên là Bruce cho biết trong một bài đăng rằng có những nhà môi giới thu tiền để dàn xếp các công việc thực tập như vậy giữa sinh viên tốt nghiệp đại học và các công ty CNTT, những bên muốn kiếm thêm tiền từ các “thực tập sinh”.

“Họ hiểu rất rõ suy nghĩ của sinh viên:“ Bạn đến từ một trường đại học vô danh. Nếu bạn không trả tiền, làm sao bạn có thể nhận được một suất thực tập trong một công ty lớn?".

Các cư dân mạng khác cảnh báo rằng những “công việc thực tập trả tiền” như vậy sẽ không được công nhận khi đi xin việc thực sự. Họ tin rằng các bên môi giới chỉ đang lừa tiền của những sinh viên đang rất khao khát tìm được việc làm.

Đề xuất trả tiền để được làm việc bị chỉ trích mạnh mẽ tại Trung Quốc
Sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp từ các trường đại học của Anh chưa có việc làm tham dự Hội chợ nghề nghiệp LSE Bắc Kinh, ngày 03/09/2012. Họ đang tìm kiếm công việc từ các công ty nước ngoài tại Bắc Kinh. (Ảnh: MARK RALSTON / AFP / Getty Images)

Ý kiến của chuyên gia

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng có thể có những vấn đề pháp lý liên quan.

Ông Liao Chenglin, người hướng dẫn tiến sĩ tại Trường Kinh tế và Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Trùng Khánh và là thành viên của Hiệp hội Tiếp thị Trung Quốc, nói với truyền thông Trung Quốc đại lục vào ngày 06/06 rằng gợi ý này thể hiện một quan niệm sai lầm về việc làm.

“Cái gọi là ‘trả tiền cho người sử dụng lao động để làm việc’ là một trò chơi chữ, công việc là công việc, các trách nhiệm và quyền lợi là rất rõ ràng. [Gợi ý] và biện pháp đó, về cơ bản là mọi người đang trả tiền cho các công ty để mua một loại đào tạo kỹ năng, hoàn toàn không được coi là việc làm”, ông nói.

Luật sư He Tongyu, tới từ Công ty Luật Chongqing Lejun, cho biết khi một người sử dụng lao động và một cá nhân ký hợp đồng lao động để thiết lập mối quan hệ lao động, nếu người sử dụng lao động không trả lương cho nhân viên mà thay vào đó họ tính tiền của người lao động cho vị trí đó, thì đó là sự phá luật.

“Tuy nhiên, nếu hai bên thống nhất các điều khoản thông qua một hợp đồng, thì nó không phải là sự vi phạm pháp luật. Tất nhiên, người lao động sẽ không ký những thỏa thuận không có lợi cho mình. Nếu không ai muốn làm điều đó, thì sẽ không có thị trường cho việc đó, và điều đó sẽ không được thực hiện”, ông nói.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đề xuất 'trả tiền để được làm việc' bị chỉ trích mạnh mẽ tại Trung Quốc