Giải cứu ngân hàng trong cơn thịnh nộ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đầu tiên là ngân hàng NordLB của Đức, sau đó là ngân hàng Banca Popolare di Bari của Ý. Những thất bại của hệ thống tài chính làm tăng thêm gánh nặng cho người nộp thuế...

Sau cuộc khủng hoảng tài chính, các nhà lãnh đạo chính trị của châu Âu đã đưa ra một bộ quy tắc phức tạp để khiến các chính phủ tương lai khó khăn hơn trong việc cứu trợ các ngân hàng. Hệ thống này đầy rẫy những lỗ hổng đến nỗi người ta tự hỏi mục đích của nó là gì.

600 tỷ euro giải cứu ngân hàng trong 1 thập kỷ qua - gánh nặng của người nộp thuế châu Âu

Hai sự kiện xảy ra trong hai tuần gần đây đã cho thấy những thất bại của hệ thống tài chính đang làm tăng gánh nặng trên vai người nộp thuế. Vào đầu tháng 12, Ủy ban châu Âu đã bật đèn xanh cho việc giải cứu NordLB, một ngân hàng tiết kiệm của Đức được sở hữu bởi chính quyền hai bang Lower Sachsen và Sachsen-Anhalt; ngành ngân hàng tiết kiệm Đức cũng góp sức vào kế hoạch bảo vệ này.

Sau đó, vào Chủ nhật, Ý dành 900 triệu euro (1 tỷ đô la) để tái cấp vốn cho Banca del Mezzogiorno-Mediocredito Centrale (MCC), một ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, để giải cứu ngân hàng cho vay cá nhân là Banca Popolare di Bari SCpa. Brussels vẫn chưa chính thức thông qua kế hoạch giải cứu này, nhưng Rome tin rằng họ sẽ sớm chấp thuận. Trong những năm gần đây, Ý đã giải cứu Banca Monte dei Paschi di Siena SpA và Banca Carige SpA. Năm 2015, hai bang Hamburg và Schleswig-Holstein của Đức đã giúp đỡ cho HSH Nordbank.

Tuy nhiên không phải lúc nào mọi việc cũng suôn sẻ. Theo Ủy ban châu Âu, từ tháng 10/2008 đến tháng 12/2012, các chính phủ Liên minh châu Âu đã chi gần 600 tỷ euro cho việc tái cấp vốn các ngân hàng và các biện pháp cứu trợ tài sản khác. Sự tức giận sau đó của các cử tri đã buộc các chính trị gia phải đồng ý về một bộ quy tắc duy nhất, đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt về việc khi nào thì chính phủ được phép giúp đỡ một định chế cho vay yếu kém. Trong văn bản pháp lý Chỉ thị về Phục hồi và Giải pháp Ngân hàng (Bank Recovery and Resolution Directive) quy định các chính phủ phải chia tổn thất cho các cổ đông, trái chủ và những người gửi tiền lớn (trong một số trường hợp) trước khi họ được phép rót tiền công.

Các chính trị gia vô hiệu hóa quy định về giải cứu, cho phá sản ngân hàng

Một số chính trị gia đã làm mọi thứ có thể để phá vỡ các quy tắc này. Ý miễn cưỡng phải gây tổn thất cho các trái chủ địa phương - thường là các nhà đầu tư cá nhân. Ở Đức, chính quyền địa phương không muốn để các ngân hàng của họ phá sản, do đó họ đã chi ra hàng tỷ euro. Vì vậy, trong khi các quy tắc mới vẫn đang hiện diện, các chính trị gia đã nghĩ ra rất nhiều sự miễn trừ khiến cho tinh thần của quy tắc này không còn giá trị nữa.

Lấy NordLB làm ví dụ. Ủy ban châu Âu lập luận rằng các chính phủ khu vực của Đức sẽ can thiệp với các điều kiện tương tự như một nhà đầu tư tư nhân, điều này sẽ đảm bảo không bóp méo sự cạnh tranh. Tuy nhiên, cuộc giải cứu, bao gồm khoản tiền mặt trị giá 2,8 tỷ euro và 800 triệu euro bảo lãnh, lại có vẻ hào phóng hơn nhiều so với những gì có sẵn trên thị trường.

Trong khi đó, chính phủ Ý cho biết MCC sẽ can thiệp vào Banca Popolare di Bari bên cạnh chương trình bảo lãnh tiền gửi quốc gia; và điều này chứng tỏ việc giải cứu đang được thực hiện trong điều kiện thị trường. Tuy nhiên, cơ chế này thực ra là chính quyền đã rót tiền giải cứu ngân hàng thương mại (NHTM) như người cho vay cuối cùng. Ngoài nó ra, thật khó để có một nhà đầu tư nào khác có thể giúp đỡ các ngân hàng như vậy.

Đây không phải để nói rằng các cải cách ngân hàng trong thập kỷ vừa qua là hoàn toàn vô ích. Từ năm 2014, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tiếp quản các cơ quan giám sát quốc gia với tư cách là giám sát viên chính của các ngân hàng lớn nhất khu vực đồng euro. (Thật không may, các tổ chức ít quan trọng hơn như Banca Popolare di Bari vẫn nằm dưới sự giám sát của địa phương). ECB cũng có những vấn đề của mình - đặc biệt là về mặt giao tiếp và tính minh bạch - nhưng nó thường là một cảnh sát cứng rắn hơn so với nhiều cơ quan quốc gia khác có chức năng tương tự.

Vấn đề lớn hơn là “liên minh ngân hàng” khu vực đồng euro vẫn còn bị phân mảnh. Cơ chế giải quyết thống nhất (SRB), một cơ quan trong liên minh ngân hàng, chịu trách nhiệm chấm dứt hoạt động của các ngân hàng yếu kém, có quyền hạn can thiệp rất cao. Kết quả là, các ngân hàng nhỏ và vừa được xử lý bằng cách sử dụng các quy định quốc gia chắp vá. Thêm vào đó là việc các chính trị gia khó lòng để cho các ngân hàng phá sản. Đây là lý do rủi ro ngân hàng lại chất thêm gánh nặng cho người nộp thuế.

Việc thực hiện những cải cách sau khủng hoảng không phải là quá muộn. Điều cần ưu tiên là làm sao để làm hài hòa các cơ chế giải quyết phá sản giữa các quốc gia - vốn có quá nhiều lỗ hổng nhằm thoát khỏi các quy tắc chung của khu vực. SRB không nên can thiệp vào trường hợp có vấn đề tại các ngân hàng lớn nhất. Cuối cùng, các chính trị gia nên hoàn thiện liên minh ngân hàng, tạo ra một chương trình bảo lãnh tiền gửi chung cho khu vực. Điều này đảm bảo rằng tất cả những người gửi tiền (lên tới 100.000 euro) sẽ phải đối mặt với những rủi ro tương tự nhau, và chấm dứt các chương trình quốc gia ngày càng đa dạng. Việc này khó có thể trở thành hiện thực trừ khi các chính trị gia và giám sát viên đồng ý rằng họ đã thực sự sẵn sàng để áp lỗ cho các nhà đầu tư và để một số ngân hàng phá sản.

Thanh Hương (biên dịch)

Theo Bloomberg

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Giải cứu ngân hàng trong cơn thịnh nộ