Giải tỏa áp lực bằng tập trung hóa DNNN: Bước lùi của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xuất hiện như một biện pháp giải tỏa áp lực trong nội bộ và từ bên ngoài, việc tập trung hóa các doanh nghiệp nhà nước sẽ chỉ đẩy mạnh quá trình tự hủy diệt của Trung Quốc. Thực tế thì các doanh nghiệp nhà nước này kém hiệu quả đến nỗi các chính sách ưu đãi của chính phủ cũng không thể bù đắp cho sự yếu kém của chúng.

Việc hợp nhất các doanh nghiệp nhà nước của Bắc Kinh đang tăng tốc trong giai đoạn cuối. Các chuyên gia nói rằng đây là một bước lùi và rằng các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ kém hiệu quả sẽ chỉ làm tăng thêm sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc.

Ngày 31/10, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước thuộc Quốc vụ viện (SASAC) đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng tái cơ cấu với 20 doanh nghiệp lớn, bao gồm Tổng công ty Ngũ cốc, Dầu và Thực phẩm Quốc gia Trung Quốc (COFCO) và Tập đoàn Thép Baowu Trung Quốc. Các doanh nghiệp trung ương nói trên cuối cùng sẽ được hợp nhất thành 11 tập đoàn, theo cơ quan truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Tân Hoa Xã.

Một động thái tương tự cũng diễn ra vào ngày 12/07, khi 23 doanh nghiệp trung ương được hợp nhất thành 13 nhóm dự án bao gồm công nghệ kỹ thuật số, thiết bị năng lượng, dịch vụ chuỗi cung ứng và các lĩnh vực khác, chiếm khoảng 1/4 số doanh nghiệp được SASAC giám sát.

Ông Li Yanming, một chuyên gia về Trung Quốc và nhà bình luận các vấn đề thời sự đang làm việc tại Mỹ, nói với The Epoch Times rằng những nỗ lực của ĐCSTQ sẽ không đạt được gì khác ngoài việc đẩy mạnh quá trình tự hủy diệt. Ông cho rằng tình trạng độc quyền sẽ hướng Trung Quốc vào con đường tự hủy diệt, bởi vì các doanh nghiệp nhà nước lớn như vậy thường ngập tràn tham nhũng và hạn chế.

Doanh nghiệp trung ương, hoặc doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban trung ương, là doanh nghiệp nhà nước trong đó Hội đồng Nhà nước hoặc SASAC đóng vai trò của một nhà tài chính. Hiện cả nước có khoảng 98 doanh nghiệp trung ương do SASAC quản lý, bao gồm hầu hết các thành phần kinh tế.

Giải tỏa áp lực bằng tập trung hóa DNNN: Bước lùi của Trung Quốc
Một nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đang lấy mẫu ngoáy họng cho xét nghiệm axit nucleic để phát hiện COVID-19 tại một địa điểm xét nghiệm hàng loạt sau khi các ca bệnh mới được phát hiện trong khu vực, vào ngày 06/04/2022 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)

Những vấn đề thúc đẩy hợp nhất

Theo ông Li, việc ĐCSTQ đẩy nhanh sự hợp nhất của các doanh nghiệp trung ương là một biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế nội bộ và áp lực quốc tế bên ngoài để duy trì khả năng tồn tại.

Trung Quốc đã bị tê liệt bởi các vấn đề kinh tế nghiêm trọng do chính sách chống virus “zero-COVID động” được áp dụng kéo dài.

Thị trường bất động sản là một trong những thị trường bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Một số lượng lớn các nhà phát triển bất động sản đã phải hứng chịu áp lực to lớn từ việc vỡ nợ sau sự phá sản của Tập đoàn Evergrande, một công ty tiên phong trong lĩnh vực này. Hơn nữa, hàng triệu tòa nhà được bán trước bị các chủ đầu tư bỏ dở khiến người mua nhà dừng các khoản thanh toán thế chấp, làm trầm trọng thêm rủi ro tài chính và ngân hàng.

Lĩnh vực bất động sản và các ngành liên quan của nó từng chiếm khoảng một phần ba GDP của Trung Quốc.

Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với sự di cư của các nhà đầu tư nước ngoài do các chính sách đàn áp. Ví dụ, SoftBank của Nhật Bản đã bán một phần ba cổ phần của mình trong công ty thương mại điện tử Alibaba trong năm nay, và cổ đông lớn của công ty công nghệ Tencent là Naspers, một tập đoàn đa phương tiện của Nam Phi, đã cắt giảm đáng kể cổ phần của mình tại Tencent.

Ở các nước phương Tây, thái độ của Mỹ đối với ĐCSTQ đã có sự thay đổi lớn nhất trong gần nửa thế kỷ dưới thời Tổng thống Trump. Thế giới tự do, do Mỹ lãnh đạo, đã bắt đầu tách mình ra khỏi Trung Quốc và công kích chế độ ĐCSTQ vốn ngày càng độc tài.

Vào ngày 12/10, một lệnh cấm chip mới của Mỹ có hiệu lực, quy định rằng các con chip cao cấp có kích thước dưới 14 nanomet hoàn toàn không được cung cấp cho các công ty Trung Quốc, và các chuyên gia Mỹ trong lĩnh vực này không còn được phép hỗ trợ các công ty Trung Quốc phát triển hoặc sản xuất chip cao cấp. Tương lai gần như là sự tuyệt vọng đối với các công ty bán dẫn Trung Quốc.

Tuy nhiên, ĐCSTQ sẽ không ngừng thúc đẩy các kế hoạch phát triển nhanh chóng của mình trong nỗ lực giảm bớt các tai ương về kinh tế và chính trị, thậm chí đạt được tham vọng mở rộng toàn cầu của mình, ông Li nói.

Mục đích của việc thúc đẩy hợp nhất các doanh nghiệp trung ương là nhằm tập trung nguồn lực vào các doanh nghiệp có lợi thế và các ngành công nghiệp chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi trong toàn chuỗi công nghiệp, và ganh đua với các doanh nghiệp quốc tế hàng đầu, theo tuyên bố của Tân Hoa xã ngày 18/07.

Mặt khác, ông Li tin rằng việc hợp nhất các doanh nghiệp trung ương có thể được coi là sự cải tổ lợi ích của ông Tập và một cuộc thanh trừng quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và tài chính. Các doanh nghiệp nhà nước và một số doanh nghiệp lớn với cái danh là doanh nghiệp tư nhân từ lâu đã bị chi phối bởi lợi ích nhóm của gia đình các cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.

Kể từ khi ông Tập nắm quyền kiểm soát quyền lực hàng đầu của ĐCSTQ vào năm 2012, ông đã thực hiện một loạt các cuộc thanh trừng bằng cách sử dụng “nòng súng” (hệ thống quân sự), “nòng bút” (hệ thống tuyên truyền) cùng với hệ thống chính trị và luật pháp nhưng không có bất kỳ động thái nào đối với “túi tiền”(hệ thống tài chính) cho đến khi thị trường chứng khoán sụp đổ ở Thượng Hải và Thâm Quyến từ tháng 6 đến tháng 7 năm 2015. Ông Tập sau đó đã tìm cách siết chặt hệ thống tài chính và các doanh nghiệp trung ương, ông Li nói.

Giải tỏa áp lực bằng tập trung hóa DNNN: Bước lùi của Trung Quốc
Khói bốc lên từ xỉ thép tại nhà máy Gang thép Trùng Khánh vào ngày 01/03/2007 ở Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: China Phots / Getty Images)

Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp trung ương

Ngoài việc hợp nhất, ít nhất 26 tập đoàn trong số 47 doanh nghiệp trung ương đã trải qua cái gọi là tái tổ chức chiến lược và thành lập nhiều doanh nghiệp siêu lớn, chẳng hạn như Tập đoàn Ansteel, China Sinochem Holdings, Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc, Tập đoàn thép Baowu và Tập đoàn vận tải biển Trung Quốc, theo Tân Hoa xã ngày 18/07.

Chính phủ Trung Quốc báo cáo rằng các dự án này có thể là sự hợp nhất theo chiều ngang của các doanh nghiệp tương tự nhau, sự hợp nhất theo chiều dọc của chuỗi công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn giữa các doanh nghiệp trung ương, sự điều chỉnh của các đơn vị kinh doanh tương tự nhau trong các doanh nghiệp trung ương, hoặc sự sáp nhập các doanh nghiệp trung ương lớn với doanh nghiệp địa phương. Các phương pháp hợp nhất cụ thể là sự tổng hợp của các phương thức như tổ chức lại, trao đổi tài sản, chuyển nhượng tự do hoặc hợp tác cổ phần và liên minh chiến lược.

Trong khi đó, các nhà chức trách cũng đã thành lập mười doanh nghiệp trung ương mới bao gồm Tập đoàn Tài nguyên Sinomine, Tập đoàn Mạng vệ tinh Trung Quốc, Tập đoàn Thiết bị Điện Trung Quốc, Tập đoàn Logistics Trung Quốc và Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc.

Quy mô của các doanh nghiệp trung ương được tổ chức lại là khổng lồ đến đáng kinh ngạc. Ví dụ, vào năm 2016, việc tái cơ cấu Tập đoàn vận tải biển Trung Quốc và China Overseas Holdings bao gồm 8 công ty niêm yết, 118.000 nhân viên và tổng tài sản 610 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 84,4 tỷ USD), một thương vụ được mô tả là phức tạp nhất trong lịch sử thị trường vốn và trong đó, cả hai bên tham gia đã lên kế hoạch trong ít nhất sáu tháng. Đây chỉ là một trường hợp trong số 50 tập đoàn doanh nghiệp trung ương được hợp nhất, theo báo cáo của hãng truyền thông tài chính Trung Quốc Yicai vào ngày 18/02/2016.

Ông Weng Jieming, Phó giám đốc SASAC cho biết trong một cuộc họp ngày 01/09 rằng nhiều doanh nghiệp hơn sẽ hình thành một mô hình mới “một doanh nghiệp cho một ngành và một ngành một doanh nghiệp”, có nghĩa là mỗi ngành nên được độc quyền bởi một doanh nghiệp trung ương do ĐCSTQ kiểm soát, và mỗi doanh nghiệp trung ương như vậy chỉ nên tập trung vào một ngành.

Sự yếu kém của doanh nghiệp trung ương

ĐCSTQ đã áp đặt một nền kinh tế kế hoạch kể từ khi nắm quyền vào năm 1949 và thực hiện chính sách “cải cách và mở cửa” vào cuối những năm 1970 để đổi mới chính mình.

Ông Zhang Weiying, giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, đã chỉ ra trong một bài báo đăng trên tờ Ifeng Financial có trụ sở tại Hong Kong vào ngày 14/02/2014, rằng các vấn đề với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của ĐCSTQ đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Zhang nói rằng nếu chính phủ cấp cho các DNNN nhiều đặc quyền hơn, chẳng hạn như thuế, tín dụng, đất đai, cấp phép và các đối xử ưu đãi khác, nhiều hơn so với các doanh nghiệp tư nhân, nếu các DNNN có thể nhận được trợ cấp của chính phủ trong trường hợp hoạt động thua lỗ, và nếu các nhà lãnh đạo DNNN có vị trí chính thức trong ĐCSTQ, sẽ không có một môi trường cạnh tranh bình đẳng. Nếu môi trường cạnh tranh là không công bằng, các DNNN có thể vượt qua các doanh nghiệp tư nhân về mọi mặt mặc dù chúng hoạt động yếu kém, và thị trường sẽ không thể hoạt động được.

Ông nói thêm rằng thực tiễn ở Trung Quốc chứng minh rằng các DNNN chỉ có thể tồn tại dưới sự bảo vệ của chính quyền vì chúng hoạt động kém hiệu quả đến mức các đặc quyền cũng không đủ bù đắp cho sự yếu kém của chúng. Vì vậy, nhiều chính quyền địa phương đã phải tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước của chính họ trong những năm 1990.

Nhưng khu vực tư nhân không thể tiếp cận được phần lớn những ngành công nghiệp sinh lợi của nhà nước, ông Zhang nói.

Ngay cả khi các doanh nghiệp tư nhân bị loại bỏ ở Trung Quốc, vẫn không thể có sự cạnh tranh bình đẳng trong một nền kinh tế chỉ có các doanh nghiệp nhà nước. “Lý do là các DNNN khác nhau thuộc sở hữu của các cấp và chính quyền địa phương khác nhau, và không thể có cấp chính quyền nào đối xử bình đẳng với DNNN của mình và các DNNN khác. Kết quả là mỗi DNNN được hưởng các đặc quyền trong khu vực hành chính của mình và bị phân biệt đối xử ở những nơi khác”, ông Zhang nói.

Ông Zhang nói thêm: “Dù chính quyền trung ương có mạnh đến đâu, cũng không có cách nào giải quyết được vấn đề này".

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Shawn Lin & Lynn Xu - The Epoch Times

Tác giả Shawn Lin là một Hoa kiều sống ở New Zealand. Ông đã viết bài cho The Epoch Times từ năm 2009, với các chủ đề liên quan đến Trung Quốc.



BÀI CHỌN LỌC

Giải tỏa áp lực bằng tập trung hóa DNNN: Bước lùi của Trung Quốc