Goldman Sachs mua nợ xấu bất động sản của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Goldman Sachs đang đầu tư vào các khoản nợ bất động sản của Trung Quốc, ngay cả khi khoản nợ đó hiện là một trong những khoản nợ có chất lượng tệ nhất toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng nợ và rủi ro vỡ nợ leo thang đe dọa China Evergrande Group, China Properties Group, và Sinic Holdings đang tạo ra những vấn đề to lớn cho lĩnh vực bất động sản (BĐS) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng gã khổng lồ đầu tư của Hoa Kỳ, Goldman Sachs, lại tin rằng thị trường đang đánh giá quá cao rủi ro lây lan, trong khi những rủi ro này đang tạo ra nhiều cơ hội.

Ông Angus Bell, một thành viên của nhóm quản lý danh mục đầu tư của Goldman, tiết lộ rằng tổ chức tài chính này đã thêm vào một “lượng rủi ro khiêm tốn” thông qua trái phiếu có lợi suất cao do các nhà phát triển BĐS của Trung Quốc phát hành và có mệnh giá bằng USD. Goldman Sachs cũng đã rót tiền đầu tư vào trái phiếu nội tệ của chính quyền Trung Quốc, chủ yếu là do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), đang cung cấp thanh khoản cho các nền kinh tế địa phương trong bối cảnh suy thoái.

Ông Bell nói với Bloomberg: “Cuối cùng, lĩnh vực BĐS là động lực chính cho sự tăng trưởng của Trung Quốc trong hai thập kỷ qua. Không có khả năng chính quyền Trung Quốc sẽ để các nhà phát triển BĐS thất bại vì như thế sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng. Mức độ căng thẳng (tài chính) mà thị trường đang định giá có vẻ vượt quá xa so với thực tế".

Ông lưu ý rằng các nhà hoạch định chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ phải đảm bảo các điều kiện thanh khoản dồi dào trong toàn bộ nền kinh tế sau đại dịch. Điều này sẽ là liều thuốc hồi sinh cho thị trường BĐS Trung Quốc; vốn phụ thuộc rất lớn vào chính sách tiền tệ nới lỏng và vốn vay từ khu vực ngân hàng.

Các nhà đầu tư đang quan sát màn hình sự biến động của thị trường chứng khoán tại một công ty chứng khoán ở Trung Quốc. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Dù lạc quan, Goldman Sachs cũng thừa nhận rằng việc đầu tư vào các khoản nợ BĐS ở Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là “không thể đầu tư".

Ông Timothy Moe, trưởng chiến lược gia cổ phần Châu Á - Thái Bình Dương của Goldman, cho biết vào tháng 10 rằng: “Chúng tôi sẽ phản bác khá mạnh mẽ tuyên bố rằng Trung Quốc là nơi 'không thể đầu tư".

Không chỉ một mình Goldman Sachs kêu gọi đầu tư và đã thực sự rót tiền đầu tư vào Trung Quốc trong giai đoạn rủi ro này; quỹ đầu tư lớn nhất thế giới BlackRock cũng có lời kêu gọi đầu tư vào Trung Quốc vài tháng trước trong bối cảnh rủi ro tài chính, kinh tế tại nền kinh tế này đang trở nên tệ nhất trong hai thập kỷ qua. Đặc biệt đây là giai đoạn ĐCSTQ trực tiếp xâm lấn vào khu vực kinh tế tư nhân qua chiến lược quốc hữu hóa hoặc giám sát quản trị.

Bất động sản của Trung Quốc suy giảm

Các nhà kinh tế nói rằng thị trường nhà ở, vốn đã hỗ trợ cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ, đã kết thúc. Điều này có thể gây ra những hậu quả lâu dài cho nền kinh tế rộng lớn hơn.

Theo các nhà phân tích, trong khi Bắc Kinh đang cố gắng giảm đòn bẩy để giảm bớt rủi ro nợ trên thị trường BĐS, thì mức nợ tăng cao có thể đè nặng lên Trung Quốc trong nhiều năm tới, theo các nhà phân tích.

Mặc dù những rắc rối của Evergrande dường như đã giảm bớt khi nó tiếp tục gom nhiều tiền mặt hơn để trang trải các khoản thanh toán của mình, nhưng các nhà quan sát trong ngành đang chỉ ra rằng ngày càng có nhiều nhà phát triển BĐS khác phải chịu đựng khó khăn tương tự về nợ.

Trong báo cáo ổn định tài chính 6 tháng mới nhất (pdf) được công bố hôm 08/11, Cục Dự trữ Liên bang đã cảnh báo rằng, những khó khăn tài chính của Trung Quốc có khả năng lan sang Hoa Kỳ. Từ việc Tập đoàn Evergrande làm chao đảo thị trường quốc tế đến việc các nhà phát triển trong nước không thể trả nợ, Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ lo ngại quy mô nền kinh tế, hệ thống tài chính, và các liên kết thương mại quốc tế có thể góp phần gây ra các vấn đề cơ bản trên Sàn giao dịch chứng khoán New York.

Fed cho biết: “Căng thẳng trong lĩnh vực BĐS của Trung Quốc có thể gây căng thẳng cho hệ thống tài chính Trung Quốc và có thể lan sang Hoa Kỳ".

Cổ phiếu của nhà phát triển BĐS Trung Quốc Kaisa Group Holdings phải tạm dừng niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong hôm 05/11. Sau đó, có thông tin rằng doanh nghiệp BĐS này đã không thể thanh toán một khoản nợ. Reuters cũng đưa tin hôm 08/11 rằng Kaisa đang tìm kiếm hỗ trợ tài chính để trả các khoản nợ nhân viên và nhà cung cấp của họ.

Những diễn biến này đã dẫn đến việc sụt giảm lợi suất trái phiếu BĐS. Công ty Country Garden và China Vanke, hai trong số các nhà phát triển BĐS lớn nhất trong nước, đã chứng kiến ​​mức giảm kỷ lục về lợi suất trái phiếu. Trái phiếu rủi ro thấp do Shimao phát hành cũng giảm.

Ông Viktor Szabo, một nhà quản lý danh mục đầu tư thị trường mới nổi có trụ sở tại Luân Đôn tại Abrdn, nói với tờ Newswire: “Vấn đề là khó khăn đang trở nên có tính hệ thống. Vấn đề lớn là chúng tôi không biết kế hoạch cuối cùng của (Bắc Kinh) là gì… và trong bao lâu bạn có thể giữ quan điểm rằng Trung Quốc có thể xử lý các vấn đề đó?”

Wall Street lạc quan và đổ tiền vào Trung Quốc

Nhiều công ty trên phố Wall đã trở nên lạc quan với Trung Quốc vào năm 2021, bất chấp vô số thách thức đang đeo bám nền kinh tế cũng như chiến lược can thiệp, kiểm soát ngày một sâu rộng của ĐCSTQ vào thị trường và trong mọi công ty lớn nhỏ.

Kể từ tháng 06/2020, công ty quản lý đầu tư BlackRock đã bán các tài sản tài chính phát hành ở Trung Quốc cho các nhà đầu tư. Kết quả là, công ty này đã thiết lập được sự hiện diện đáng kể tại thị trường Trung Quốc, trở thành nhà quản lý tài sản nước ngoài đầu tiên kiểm soát một doanh nghiệp thuộc sở hữu hoàn toàn trong ngành quỹ tương hỗ trị giá 3,6 ngàn tỷ USD của quốc gia này. BlackRock cũng đã thành lập một quỹ cổ phần Trung Quốc đã tạo ra hơn 1 tỷ USD từ khoảng 111.000 nhà đầu tư.

Laurence Fink, chủ tịch và giám đốc điều hành của BlackRock, người mà nhiều nhà tài trợ đảng Dân chủ đã báo cáo rằng sẽ trở thành sự lựa chọn của Biden cho vị trí Bộ trưởng ngân khố. (Ảnh: FABRICE COFFRINI/AFP via Getty Images)
Chủ tịch và Giám đốc điều hành của BlackRock: Larry D. Fink. (Ảnh: FABRICE COFFRINI/AFP qua Getty Images)

Giám đốc điều hành công ty quản lý quỹ JP Morgan Asset & Wealth Management, Mary Erdoes, nói với những người tham dự tại Hội nghị Alpha của CNBC vào tháng 10 rằng “Trung Quốc đã chào bán”, tạo ra cơ hội đầu tư vào một nền kinh tế với tầng lớp trung lưu rộng lớn.

Ông Herald van der Linde, người đứng đầu chiến lược cổ phần khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại HSBC, cũng đồng quan điểm này, nhấn mạnh các cơ hội và cổ phiếu đang được định giá “ở mức hợp lý".

Ông Van der Linde cho biết trong một ghi chú, “các nhà đầu tư đang quá lạc quan về chứng khoán Trung Quốc. Đúng vậy, Trung Quốc đang phải vật lộn với tăng trưởng và đồng USD mạnh lên không phải là tin tốt cho các thị trường chứng khoán của Trung Quốc. Nhưng điều đó giờ đây đã nổi tiếng và được phản ánh vào giá. Ngay cả những cổ phiếu blue-chip tốt, hiện đang giao dịch ở mức định giá hấp dẫn".

Không phải tất cả nhà đầu tư ở phố Wall đều đồng ý.

Ông Chamath Palihapitiya, người sáng lập Social Capital và Giám đốc điều hành tại Delivering Alpha, nghĩ rằng “trò chơi đã kết thúc” với Trung Quốc. Ông kêu gọi các nhà đầu tư thận trọng và hoài nghi về việc các công ty quản lý tài sản đặt cược lớn vào Trung Quốc.

Ông Palihapitiya nói: “Có hàng trăm tỷ USD vốn ngoại quốc, bạn có thể thu phí và có thể tạo ra lợi nhuận. Nhưng tôi nghĩ những gì bạn thấy là giai đoạn cuối của trò chơi".

Theo dữ liệu của Financial Times, việc nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc trên toàn cầu đã tăng lên vào năm 2021. Bất chấp các cuộc đàn áp về kinh tế tư nhân, sự thiếu minh bạch trong quản trị và thị trường, sự biến động lớn trên thị trường chứng khoán, và cuộc khủng hoảng nợ của thị trường BĐS, các nhà đầu tư quốc tế đã đổ vào Trung Quốc hơn 120 tỷ USD vào năm 2021, đạt mức nắm giữ cao nhất là 1,1 ngàn tỷ USD.

Theo các nhà quan sát thị trường, đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc là một trong những yếu tố hỗ trợ cho các nhà đầu tư thu mua tài sản của Trung Quốc. Đồng CNY đã mạnh lên so với USD vào năm 2021, tăng khoảng 2% tính đến thời điểm hiện tại.

Có lý do để lạc quan về Trung Quốc?

Vào tháng 9, Goldman Sachs đã cắt giảm các dự báo về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2021. Tập đoàn ngân hàng khổng lồ ở phố Wall hiện dự báo rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này sẽ tăng 7.8% vào năm 2021 so với năm 2020, giảm so với dự đoán 8,2% trước đó.

Công ty dịch vụ tài chính Nomura cũng đã cắt giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống còn 7,7% vào năm 2021, giảm so với mức 8,2% mà họ đã dự đoán trước đó. Morgan Stanley đã giảm triển vọng từ 8,2% xuống 7,9%, trong khi JPMorgan Chase giảm dự báo GDP từ 8,7% xuống 8,3%.

Fitch lạc quan hơn một chút, giảm kỳ vọng tốc độ tăng trưởng từ 8,4% xuống 8,1%.

Tất cả họ đều có chung lý do cho sự thay đổi: BĐS giảm tốc, các rào cản năng lượng ngày càng gia tăng và khủng hoảng chuỗi cung ứng.

Trưởng nhóm Kinh tế Trung Quốc Ting Lu cho biết trong một ghi chú vào tháng 9 như sau: “Chúng tôi tin rằng việc kỳ vọng Trung Quốc duy trì tăng trưởng cao và ổn định là không thực tế khi Bắc Kinh gây ra những cú sốc đáng kể cho cả hai bên cung và cầu".

Ngân hàng Commerzbank đang đặt tốc độ tăng trưởng 8% đối với GDP của Trung Quốc vào năm 2021.

Hao Zhou, chuyên gia kinh tế cao cấp của thị trường mới nổi tại Commerzbank, nói trong một báo cáo triển vọng: “Đòn bẩy vẫn là một hạn chế. Các nhà hoạch định chính sách sẽ chú ý đến mức nợ khi chúng ta thấy chính sách tiền tệ của Trung Quốc được bình thường hóa hơn nữa. Rủi ro tín dụng có thể xuất hiện đối với một số lĩnh vực trong quá trình này, với tiềm năng cho các sự kiện tín dụng hoặc vỡ nợ tín dụng".

Lạm phát là một mối quan tâm ngày càng tăng đối với Bắc Kinh. Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS), tỷ lệ lạm phát hàng năm đã tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng là 1,5% vào tháng 10, cao hơn gấp đôi so với con số hồi tháng 9. Giá sản xuất tăng với tỷ lệ hàng năm là 13,5% trong tháng 10, tăng so với mức tăng 10,7% của tháng 9. Cả hai con số đều đứng đầu ước tính thị trường.

Đức Duy

Theo The EpochTimes



BÀI CHỌN LỌC

Goldman Sachs mua nợ xấu bất động sản của Trung Quốc