IMF dự đoán Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu trong năm 2023

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo IMF dự đoán, mức đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 của Trung Quốc và Ấn Độ vượt trội hơn hẳn của Mỹ và khu vực đồng EUR cộng lại. Tăng trưởng toàn cầu được dự đoán sẽ suy giảm, cùng với sự sụt giảm của lạm phát. Trong khi đó, Anh Quốc được dự đoán là nền kinh tế tiên tiến duy nhất trải qua một năm suy giảm kinh tế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán rằng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ đóng góp một nửa tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, so với mức đóng góp chỉ 1/10 của Mỹ và khu vực đồng EUR cộng lại.

Nền kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm nay, giảm từ mức 6,8% vào năm 2022, trước khi phục hồi lên 6,8% vào năm 2024, theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố ngày 31/01.

Tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng từ mức 3,2% năm 2022 lên 5,2% trong năm nay. Tuy nhiên, sự tăng trưởng có thể chỉ mạnh mẽ trong ngắn hạn, vì IMF dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ giảm xuống mức tăng trưởng 4,5% vào năm 2024.

“Ấn Độ vẫn là một điểm sáng. Cùng với Trung Quốc, nó sẽ chiếm một nửa mức tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, so với chỉ 1/10 của Mỹ và khu vực đồng EUR cộng lại”, nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF cho biết trên blog của IMF.

Theo dự báo của IMF, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1,4% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo trước đó là 2,0%, trong khi tăng trưởng ở khu vực đồng EUR dự kiến sẽ chạm đáy ở mức 0,7% vào năm 2023.

Tăng trưởng toàn cầu được dự đoán sẽ giảm xuống 2,9% trong năm nay, sau đó tăng trở lại mức 3,1% vào năm 2024. IMF cho biết lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống mức 6,6% trong năm nay, mặc dù vẫn ở trên mức trước đại dịch.

Ông Gourinchas cho biết: “Lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm trong năm nay, nhưng ngay cả đến năm 2024, lạm phát lõi và trung bình hàng năm dự kiến vẫn sẽ cao hơn mức trước đại dịch ở hơn 80% quốc gia”.

Năm quốc gia lớn trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan - tăng trưởng 4,3% trong năm nay. Nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,8%, với sự hỗ trợ chính sách tài chính và tiền tệ được duy trì.

Ông Gourinchas cho biết: “Tăng trưởng kinh tế đã chứng tỏ khả năng bền vững đáng ngạc nhiên trong quý III năm ngoái, với thị trường lao động vững chắc, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư kinh doanh mạnh mẽ cũng như khả năng thích ứng tốt hơn mong đợi đối với cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu”.

“Ở những nơi khác, việc Trung Quốc đột ngột mở cửa trở lại mở đường cho sự phục hồi nhanh chóng trong hoạt động [kinh tế]. Và các điều kiện tài chính toàn cầu đã được cải thiện khi áp lực lạm phát bắt đầu giảm bớt”.

IMF dự đoán Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu trong năm 2023
Một khách hàng (phải) mua trái cây tại một chợ địa phương ở Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, vào ngày 23/01/2023. (Ảnh: HECTOR RETAMAL / AFP qua Getty Images)

Ông nói thêm: “Điều này và sự suy yếu của đồng USD từ mức cao nhất trong tháng 11 đã mang lại một số sự cải thiện khiêm tốn cho các nước đang phát triển và mới nổi”.

Nền kinh tế Anh Quốc suy giảm

IMF cho biết tăng trưởng kinh tế ở Vương quốc Anh có thể sẽ giảm 0,6% trong năm nay, khiến nước này trở thành nền kinh tế tiên tiến duy nhất dự kiến sẽ trải qua một năm suy giảm kinh tế.

IMF cho biết: “Với lạm phát ở mức khoảng 10% trở lên ở một số quốc gia thuộc khu vực đồng EUR và Vương quốc Anh, ngân sách hộ gia đình vẫn bị kéo căng”.

“Tốc độ tăng lãi suất nhanh chóng của Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu đang thắt chặt các điều kiện tài chính và làm giảm nhu cầu trong lĩnh vực nhà ở và hơn thế nữa”, IMF tuyên bố.

Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Jeremy Hunt tuần trước đã loại trừ khả năng cắt giảm thuế “đáng kể” trong ngân sách tiếp theo khi ông đặt ưu tiên hàng đầu cho việc giảm lạm phát.

IMF dự đoán Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu trong năm 2023
Thủ tướng Anh Rishi Sunak mua kẹo với Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt khi đến thăm Accrington Market Hall, vào ngày 19/01/2023 tại Accrington, Vương quốc Anh. (Ảnh: Christopher Furlong/Getty Images)

Trong một bài phát biểu tại trụ sở chính của Bloomberg ở London vào ngày 27/01, ông Hunt nói rằng giảm lạm phát là “cách bền vững duy nhất để khôi phục sự hài hòa trong công nghiệp” ở Anh khi ông đề xuất rằng việc cắt giảm thuế sẽ phải chờ đợi.

Ông nói: “Đảng của tôi hiểu rõ hơn những người khác về tầm quan trọng của mức thuế thấp trong việc tạo ra các động lực và củng cố tinh thần hứng khởi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".

“Một góc nhìn khác của đảng Bảo thủ là việc các cá nhân và doanh nghiệp chấp nhận rủi ro [để đầu tư kinh doanh] chỉ có thể xảy ra khi chính phủ mang lại sự ổn định về kinh tế và tài chính. Vì vậy, việc cắt giảm thuế tốt nhất hiện nay là cắt giảm lạm phát”.

Nói chuyện với BBC sau bài phát biểu, Bộ trưởng nói rằng sẽ khó có thể có chỗ cho bất kỳ khoản cắt giảm thuế "đáng kể" nào trong ngân sách tiếp theo, thứ sẽ được công bố vào tháng Ba.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

IMF dự đoán Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu trong năm 2023