Kiên quyết không thay đổi: Bắc Kinh tiếp tục vi phạm nghiêm trọng quy định của WTO

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo báo cáo mới đây của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), Bắc Kinh tiếp tục cố tình không tuân thủ các quy tắc, yêu cầu và tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Báo cáo thường niên thứ 20 của USTR được chuẩn bị theo Đạo luật Quan hệ Mỹ - Trung năm 2000. Báo cáo đánh giá Trung Quốc trong năm 2021 trong việc tuân thủ các yêu cầu của WTO, cũng như việc tuân thủ các cam kết song phương của Trung Quốc với Mỹ.

Đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai, cho biết trong một tuyên bố hôm 16/02: “Bất chấp những cam kết được đưa ra khi gia nhập WTO 20 năm trước, Trung Quốc đã không tuân theo các nguyên tắc định hướng thị trường mà dựa vào đó, WTO và các quy tắc của tổ chức được xây dựng nên”.

Báo cáo đưa ra một loạt dữ liệu ủng hộ luận điểm rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Bắc Kinh không chỉ ngẫu nhiên vi phạm các quy tắc và tiêu chuẩn của WTO, mà họ thực sự lạm dụng WTO. ĐCSTQ thường xuyên không tuân theo ngay cả những tiêu chuẩn tối thiểu nhất về luật công bằng. Các vi phạm của phía Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn, chứ không tốt hơn, theo thời gian.

Cam kết ban đầu

Báo cáo của USTR nêu rõ, tất cả các quốc gia gia nhập WTO đều có sự hiểu biết đầy đủ về những kỳ vọng được đưa ra trong Tuyên bố Marrakesh tháng 04/1994, đánh dấu sự kết thúc của các cuộc đàm phán Vòng Uruguay. Các thành viên của WTO đã khẳng định một cách rõ ràng rằng, bản chất và mục đích của WTO là thúc đẩy một thời đại hợp tác kinh tế mới, đặc trưng bởi một hệ thống thương mại đa phương công bằng và minh bạch.

Việc tuân thủ các quyết định và thỏa thuận của Vòng đàm phán Uruguay có nghĩa là các nước phải theo đuổi chính sách mở, định hướng thị trường. Các thành viên của WTO cần hiểu rằng cách tiếp cận độc đoán, do nhà nước thống trị, sử dụng các lệnh cấm vận nặng tay và ép buộc kinh tế là trái ngược với các cam kết mà họ đưa ra.

Báo cáo nêu rõ (pdf): “Không bên nào dự tính rằng thành viên nào đó của WTO lại theo đuổi các chính sách trọng thương thay vì các chính sách thúc đẩy một hệ thống thương mại đa phương công bằng và cởi mở hơn. Thay vào đó, mỗi thành viên WTO được mong đợi sẽ thực hiện chính sách mở, định hướng thị trường để đạt được nhiều thành tựu tốt hơn”.

Trung Quốc gia nhập WTO vào tháng 12/2001 với điều kiện rõ ràng là các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải theo đuổi cách tiếp cận thị trường tự do truyền thống. Về phần mình, các thành viên WTO khác đã hoan nghênh Trung Quốc khi họ cho rằng giới chức cộng sản sẽ loại bỏ việc thực thi chính sách trọng thương do nhà nước kiểm soát, và dần dần chuyển đổi sang hệ thống thị trường tự do. Do Trung Quốc nói rằng, họ cần có thời gian nhất định để thực hiện các mục tiêu này nên tư cách thành thành viên WTO của Trung Quốc có đi kèm với một số biện pháp nhất định, qua đó cho phép thực hiện các đánh giá thường xuyên về tiến bộ của Trung Quốc.

Bắc Kinh tiếp tục vi phạm nghiêm trọng quy định của WTO
Logo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại trụ sở chính ở Geneva hôm 21/09/2018. (Ảnh: Fabrice Coffrini / AFP qua Getty Images)

Kỳ vọng so với thực tế

Những người từng đặt nhiều hy vọng vào Trung Quốc trong những năm kể từ khi nước này gia nhập WTO có thể thấy nội dung của báo cáo là rất nghiêm túc.

Báo cáo có đoạn: “Trung Quốc có biểu hiện kém trong việc tuân thủ các quy định của WTO và các nguyên tắc căn bản - bao gồm không phân biệt đối xử, cởi mở, có đi có lại, công bằng và minh bạch - mà từ đó các hiệp định WTO được xây dựng nên. Trung Quốc thường xuyên nới lỏng các quy tắc để đạt được mục tiêu công nghiệp. Ngoài ra, điều gây lo ngại nghiêm trọng hơn đối với Mỹ và các thành viên WTO khác là Trung Quốc đã không đạt được tiến bộ đầy đủ trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường”.

Báo cáo nêu rõ, việc vi phạm các quy định của WTO gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành công nghiệp và thị trường ở Mỹ và các quốc gia thành viên WTO khác. Vừa không tuân thủ quy tắc, Bắc Kinh vừa lợi dụng các lợi ích của tư cách thành viên WTO, đặc biệt là quyền tiếp cận thị trường các quốc gia khác mà tư cách thành viên mang lại, để trở thành bên có giao dịch thương mại lớn nhất trong WTO.

Không theo đuổi cách tiếp cận thị trường tự do, Bắc Kinh và ĐCSTQ đã kiên trì can thiệp vào mọi hoạt động của các doanh nghiệp ở Trung Quốc, đồng thời hạn chế sự tiếp cận của các nhà cung cấp dịch vụ và các nhà sản xuất ngoại quốc vào thị trường Trung Quốc. Báo cáo nêu rõ, những người chơi được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​cách tiếp cận này là doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và một số tập đoàn được lựa chọn để trở thành những gã khổng lồ của Trung Quốc.

Mặc dù thừa nhận rằng Trung Quốc đã đạt được một số mục tiêu đặt ra trong hiệp định thương mại “giai đoạn một” được ký với Mỹ vào tháng 01/2020, báo cáo lưu ý rằng Trung Quốc đã không thực hiện một số điều khoản quan trọng hơn của thỏa thuận; đáng chú ý là việc sử dụng chất ractopamine ở lợn và gia súc. Ractopamine là một chất phụ gia trong thức ăn chăn nuôi. Thêm vào đó, Trung Quốc đã không đạt được cam kết về nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ trong giai đoạn 2020–2021; Trung Quốc đáng ra phải nhập khẩu thêm ít nhất 200 tỷ USD từ Mỹ so với giá trị nhập khẩu năm 2017.

Bắc Kinh thậm chí còn chưa từng cố gắng đáp ứng các nghĩa vụ của mình về tính minh bạch. Báo cáo nêu chi tiết cách thức mà Bắc Kinh từng đồng ý xuất bản một tạp chí chính thức của Bộ Thương mại (MOFCOM) vào năm 2006. Trong tạp chí này, giới chức Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đưa ra tất cả luật và quy định liên quan đến thương mại. Hiện nay, tạp chí MOFCOM chỉ là một hồ sơ không đầy đủ về các quy chế và chính sách của một số, không phải của tất cả, các cơ quan nhà nước liên quan đến thương mại.

Cổ phần vàng

Trong khi sự can thiệp của nhà nước Trung Quốc vào nền kinh tế đang diễn ra dưới nhiều hình thức, một biện pháp can thiệp phổ biến của chính quyền Bắc Kinh trong những năm gần là giành “cổ phần vàng” trong các công ty tư nhân của Trung Quốc. Chính quyền, thông qua quỹ đầu tư định hướng hoặc các công cụ khác do nhà nước kiểm soát, mua cổ phần của một công ty và đổi lại nhận được một ghế trong Hội đồng quản trị hoặc nhận được quyền phủ quyết. Điều này chắc chắn củng cố bàn tay quyền lực của Bắc Kinh, giúp Bắc Kinh giám sát trực tiếp hơn nữa đối với các quyết định và hoạt động của doanh nghiệp tư nhân.

Báo cáo nhấn mạnh rằng xu hướng này ngày càng tồi tệ hơn, chứ không phải tốt hơn, trong những năm kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO.

Trong báo cáo có đoạn: “Kể từ khi các nhà lãnh đạo mới lên nắm quyền ở Trung Quốc vào năm 2013, vai trò của nhà nước đối với nền kinh tế … ngày càng được tăng cường. Trong khi đó … những lo ngại mà Mỹ, các công ty ngoại quốc có hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, hoặc các công ty cạnh tranh với những doanh nghiệp Trung Quốc được ưu ái tại các thị trường bên ngoài Trung Quốc phải đối mặt cũng gia tăng tương tự”.

Theo phân tích trong báo cáo, không khó để tìm ra nguyên nhân của những xu hướng này. Một nguyên nhân là, bất chấp cam kết chuyển hẳn sang hướng thị trường tự do khi gia nhập WTO, Trung Quốc hoàn toàn không thay đổi cơ sở luật định - qua đó Bắc Kinh đảm bảo được sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế. Bản báo cáo nêu rõ hiến pháp Trung Quốc, cùng với các chỉ thị và biện pháp do Bắc Kinh ban hành, đã luôn cổ vũ một “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc”.

Báo cáo này cũng phê bình WTO về cơ chế giải quyết tranh chấp đã được chứng minh là không hiệu quả khi Mỹ và các thành viên khác kiến nghị về các hành vi vi phạm nghiêm trọng của Bắc Kinh.

Lê Minh

Theo The Epoch Times

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Kiên quyết không thay đổi: Bắc Kinh tiếp tục vi phạm nghiêm trọng quy định của WTO