Lạm phát phủ bóng đen lên các nền kinh tế hàng đầu thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới, đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nhức nhối, trong đó có lạm phát ở mức cao kỷ lục và tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden ở mức thấp kỷ lục. Lạm phát và ‘bóng ma’ về việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed mang đến tác động kép cho nền kinh tế Trung Quốc: Lạm phát cao đi cùng kinh tế đình trệ. Giá xuất xưởng của Trung Quốc tăng đột biến khiến lạm phát giá bán buôn của Nhật vào tháng 10 đạt mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Trong khi đó, khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro cũng phải đối mặt với mức lạm phát tăng nhanh nhất kể từ khi đồng tiền này được đưa vào sử dụng từ cuối thế kỷ 20.

Giá cả ở Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1990

Lạm phát tháng 10 tại Mỹ đã tăng ở mức báo động. Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ ngày 24/11 cho thấy chỉ số Chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 5,0% so với 1 năm trước, đạt mức chưa từng thấy kể từ năm 1990.

Trong khi đó, chỉ số lạm phát PCE cốt lõi - loại trừ danh mục thực phẩm và năng lượng, và là thước đo lạm phát ưa thích của Fed để điều chỉnh chính sách tiền tệ - đã tăng 4,1% so với 1 năm trước, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1991.

Giá nhập khẩu tháng 10 tại Mỹ tăng 10,7% so với 1 năm trước, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong một bản tóm tắt ngày 16/11.

Giá nhập khẩu nhiên liệu tăng mạnh, tăng 8,6% so với tháng 9 và tăng vọt 86,7% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 10.

Giá xuất khẩu cũng tăng mạnh, tăng 1,5% so với tháng 9 và tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng lớn nhất trong 12 tháng từ năm 1983.

Chỉ số giá xuất - nhập khẩu phản ánh xu hướng lạm phát trong các giao dịch quốc tế. Chỉ số này cung cấp cái nhìn sâu sắc và rộng lớn hơn về chủ đề lạm phát.

lạm phát đang phủ bóng đen lên các nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, và EU
Các container vận chuyển hàng hóa tại Cảng Los Angeles ở San Pedro, California, vào ngày 15/10/2021. (Ảnh: Patrick Fallon / AFP qua Getty Images)

Giá cả tăng vọt đã trở thành chủ đề bàn luận chính trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang nỗ lực phục hồi. Đây cũng là ‘nỗi đau’ của Tổng thống Joe Biden, người đang bị mất tín nhiệm trầm trọng. Theo cuộc thăm dò NPR / Marist mới nhất, xếp hạng tín nhiệm của ông Biden ở mức 42%, mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức, với lạm phát là mối quan tâm hàng đầu của những người trả lời khảo sát.

Ông Steven Rattner, một cố vấn kinh tế dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, gần đây đã đưa ra cảnh báo về lạm phát. Ông cho rằng chương trình ‘Xây dựng lại tốt hơn’ của Tổng thống đương nhiệm Biden có thể làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát.

Thượng nghị sĩ John Boozman (Đảng Cộng hòa, bang Arkansans) nêu quan điểm: “Lạm phát đang ở mức cao nhất trong 30 năm, nhưng chính quyền Biden và Đảng Dân chủ lại bỏ qua tất cả dấu hiệu cảnh báo và rót thêm hàng nghìn tỷ USD vào các chương trình của chính phủ. Nền kinh tế nước Mỹ và các gia đình Mỹ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi chương trình thuế và chi tiêu liều lĩnh ấy. ‘Xây dựng lại tốt hơn’ sẽ làm cho lạm phát tồi tệ hơn".

Trong khi đó, các quan chức trong chính quyền Biden cho rằng các gói chi tiêu của Tổng thống sẽ có tác dụng đẩy lùi lạm phát. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã nói với các phóng viên tại một cuộc họp ngắn gần đây rằng “các nhà kinh tế trong hội đồng” đồng ý rằng dự luật cơ sở hạ tầng của Tổng thống Biden và chương trình ‘Xây dựng lại tốt hơn’ “sẽ giảm bớt áp lực lạm phát trong dài hạn”.

Trung Quốc đối mặt với lạm phát đình trệ

Lạm phát và ‘bóng ma’ về việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed mang đến tác động kép đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Dữ liệu chính thức của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy giá xuất xưởng (factory-gate price) của Trung Quốc, hay chính là giá mà người bán buôn phải trả để lấy hàng từ các nhà máy, trong tháng 10 đã tăng 13,5% so với một năm trước. Đây là mức tăng nhanh nhất của chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc kể từ năm 1996. Chỉ số này theo dõi giá hàng hóa tại cửa nhà máy và không bao gồm chi phí vận chuyển hoặc hậu cần, vốn cũng đang tăng nhanh, theo The Epoch Times.

Con số đáng báo động này là kết quả của việc các nguyên nhiên liệu đầu vào đều đang tăng giá, bao gồm cả giá than, dầu, thép, và điện. Lạm phát sản xuất tại Trung Quốc đã trở nên trầm trọng hơn dự tính do cuộc khủng hoảng năng lượng ở nước này trong vài tháng qua. Vào tháng 10, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chỉ đạo cho các công ty khai thác tăng sản lượng than và giảm giá bán để giảm chi phí năng lượng.

Ở Trung Quốc, CPI tháng 10 cao hơn 1,5% - không cao như ở Mỹ, nhưng vấn đề chỉ là thời gian. Mức giá xuất xưởng cao của Trung Quốc ảnh hưởng đến toàn thế giới, bởi hầu hết các chuỗi cung ứng toàn cầu đều liên quan đến Trung Quốc. Trên thực tế, con số 1,5% này có thể đã được ĐCSTQ ‘xào nấu’, bởi vì CPI quá cao là một chủ đề rất nhạy cảm đối với sự ổn định xã hội. Các số liệu chính thức cho thấy rằng giá rau tươi trên toàn Trung Quốc đã tăng tới 16,6% trong tháng 10.

lạm phát đang phủ bóng đen lên các nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, và EU
Một người phụ nữ đang chọn thịt lợn tại một siêu thị ở Bắc Kinh vào ngày 10/2/2021. (Ảnh: WANG ZHAO / AFP qua Getty Images)

Hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề lạm phát đình trệ. Lạm phát đình trệ là một trạng thái mà nền kinh tế của một quốc gia bị đình trệ tăng trưởng kinh tế cùng lúc lạm phát gia tăng. Điều này đặc biệt phức tạp vì ngân hàng trung ương không thể sử dụng công cụ thông thường là tăng lãi suất để chống lạm phát mà không làm tổn hại đến hoạt động kinh tế. Mỹ đã trải qua tình trạng này trong những năm 1970 khi suy thoái kinh tế xảy ra cùng lúc với khủng hoảng nguồn cung dầu.

Tại Trung Quốc, tình trạng thiếu điện vẫn chưa được khắc phục triệt để. Thiếu điện khiến nền kinh tế không thể hoạt động hiệu quả. Nếu không tăng nguồn cung điện, Trung Quốc không thể tăng trưởng kinh tế. Tại một số khu vực ở nước này, nhiều nhà máy đang phải đóng cửa để giảm bớt căng thẳng cho lưới điện.

Trong khi đó, kỳ vọng tăng lãi suất của Fed lại đặt ra một mối đe dọa khác đối với nền kinh tế Trung Quốc. Chủ tịch Fed Jerome Powell dự tính rằng Fed sẽ tăng lãi suất vào giữa năm 2022. Nhưng nếu lạm phát của Mỹ tiếp tục xấu đi, ông Powell có thể buộc phải hành động sớm hơn. Cũng từ tháng này, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã giảm mua tài sản hàng tháng.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Caixin năm 2021 được tổ chức vào tháng 11, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Citadel LLC, Ken Griffin đã chỉ ra: “Trung Quốc và Mỹ đang hội nhập rất chặt chẽ. Bất kỳ động thái nào của Mỹ để làm chậm lạm phát đều sẽ gây áp lực lên tăng trưởng toàn cầu”.

Việc Mỹ thắt chặt tiền tệ có thể sẽ làm suy yếu đồng NDT của Trung Quốc và buộc dòng tiền chảy ra khỏi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Lạm phát giá bán buôn của Nhật Bản đạt mức cao nhất trong 40 năm

Lạm phát giá bán buôn của Nhật Bản vào tháng 10 đã đạt mức cao nhất trong 4 thập kỷ, sau khi giá xuất xưởng của Trung Quốc tăng đột biến, theo Reuters.

Chỉ số giá hàng hóa doanh nghiệp (CGPI), đo lường mức giá mà các công ty tính phí lẫn nhau cho hàng hóa và dịch vụ của họ, của tháng 10 tại Nhật đã tăng 8,0% so với một năm trước đó, vượt quá kỳ vọng của thị trường về mức tăng 7,0%, theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Mức tăng này cao hơn mức tăng 6,4% vào tháng 9 - từng là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ khi có dữ liệu so sánh vào tháng 1/1981.

Giá bán buôn trong tháng 10 tăng đối với một loạt hàng hóa bao gồm nhiên liệu - tăng 44,5% so với một năm trước; và hàng hóa làm từ gỗ - tăng 57,0%.

lạm phát đang phủ bóng đen lên các nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, và EU
Một nhân viên bán hàng đứng đợi khách hàng ở Akihabara, ngày 19/5/2014 tại Tokyo, Nhật Bản. Sau Thế chiến thứ hai, Akihabara có biệt danh là ‘Thị trấn đồ điện’ (Electric Town) Akihabara vì nơi đây tập trung đủ các loại mặt hàng điện tử gia dụng. Ngày nay Akihabara đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch lớn của Tokyo và trung tâm văn hóa Otaku. (Ảnh: Chris McGrath / Getty Images)

Ông Atsushi Takeda, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Itochu cho biết: “Chi phí sản xuất tăng cao chắc chắn có tác động tiêu cực đến lợi nhuận doanh nghiệp. Nếu nền kinh tế tiếp tục phục hồi, các công ty có thể chuyển mức chi phí gia tăng đó [lên người tiêu dùng] vào một thời điểm nào đó”.

Các công ty Nhật Bản cho đến nay vẫn thận trọng trong việc chuyển chi phí lên người tiêu dùng do lo ngại các hộ gia đình nhạy cảm với giá cả hàng hóa có thể kìm hãm chi tiêu. Điều đó đã khiến giá tiêu dùng cốt lõi ở Nhật trong tháng 9 chỉ tăng 0,1% so với một năm trước đó.

Tuy nhiên, nhiều công ty Nhật Bản cho biết họ có kế hoạch chuyển hoặc đã chuyển chi phí lên khách hàng, theo một cuộc thăm dò của Reuters. Đây là dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát đang gia tăng.

Lạm phát tăng với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử đồng tiền chung Euro đặt ECB vào thế khó

Các nhà kinh tế học cho biết khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro đang phải đối mặt với mức lạm phát tăng nhanh nhất kể từ khi đồng tiền này được đưa vào sử dụng từ cuối thế kỷ 20.

Giá tiêu dùng ở khu vực gồm 19 quốc gia này sẽ tăng 4,5% trong tháng 11, theo giá trị trung vị của 40 ước tính có được trong một cuộc khảo sát của Bloomberg. Những người tham gia khảo sát đều dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục tăng, vượt mức 4,1% của tháng 10 - mức tăng nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Giá năng lượng tăng cao đã làm tăng thêm 2,21 điểm phần trăm; dịch vụ làm tăng thêm 0,86 điểm; rượu, thực phẩm, và thuốc lá thêm 0,43 điểm; trong khi hàng hóa công nghiệp phi năng lượng thêm 0,55 điểm, theo số liệu từ Eurostat - văn phòng thống kê của Liên minh châu Âu.

lạm phát đang phủ bóng đen lên các nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, và EU
Các nhà kinh tế học cho biết khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro đang phải đối mặt với mức lạm phát tăng nhanh nhất kể từ khi đồng tiền này được đưa vào sử dụng từ cuối thế kỷ 20.

Nếu không bao gồm giá năng lượng và giá thực phẩm chưa qua chế biến, một thước đo mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gọi là lạm phát lõi, thì giá cả hàng hóa tháng 10 đã tăng 0,3% so với tháng 9, và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, sức ép chi phí sinh hoạt thậm chí còn lớn hơn, với ước tính giá trị trung vị của lạm phát là 5,5%. Tuần trước, ngân hàng Bundesbank cảnh báo rằng lạm phát thực tế thậm chí có thể lên tới gần 6%. Vào tháng 10, CPI ở Đức đã tăng lên 4,5% - mức tăng cao nhất kể từ tháng 8/1993.

ECB muốn giữ lạm phát ở mức 2,0% trong trung hạn và dự kiến việc giá cả tăng cao sẽ chậm lại trong năm 2022, nhưng thừa nhận sẽ mất nhiều thời gian hơn so với tính toán ​​ban đầu.

Với chỉ số lạm phát đang ở mức gấp đôi mục tiêu và có khả năng sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm nay, ECB phải đối mặt với áp lực trong việc từ bỏ chính sách tiền tệ lỏng lẻo và giải quyết tăng trưởng giá đang làm xói mòn sức mua của các hộ gia đình.

Chi Anh



BÀI CHỌN LỌC

Lạm phát phủ bóng đen lên các nền kinh tế hàng đầu thế giới