Lo lắng xoay quanh Credit Suisse và 3 ngân hàng sụp đổ tại Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những biện pháp ngăn chặn khủng hoảng lây lan của chính phủ Mỹ đang làm dấy lên lo ngại về những hậu quả không lường trước được. Trong khi đó, Credit Suisse, một ngân hàng lớn của Thụy Sĩ, có thể trở thành quân domino tiếp theo sụp đổ.

Khi hậu quả của cuộc khủng hoảng Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) vẫn tiếp diễn, nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích thị trường đang đánh giá tình hình để xác định nguyên nhân chính xác và điều gì có thể xảy ra trong những tháng tới. Với khả năng lây lan tiềm ẩn trong lĩnh vực ngân hàng rộng lớn hơn, các nhà hoạch định chính sách công và cơ quan quản lý đang cố gắng ngăn chặn sự sụp đổ tài chính toàn diện tương tự cuộc Đại suy thoái 2008.

Vụ sụp đổ tại 3 ngân hàng

Sự sụp đổ của SVB là do nhiều yếu tố, một số yếu tố có thể tìm thấy ở các ngân hàng khu vực và quốc gia khác. Đối với tổ chức tài chính có trụ sở tại Santa Clara, ban lãnh đạo ngân hàng đã hấp dẫn được Thung lũng Silicon - với các công ty công nghệ và đầu tư mạo hiểm cũng như các giám đốc điều hành - bằng cách đưa ra mức lãi suất tiền gửi cực kỳ hào phóng, cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh lớn hơn.

Ngân hàng đã tài trợ cho những lãi suất cao ngất ngưởng này bằng cách mua trái phiếu dài hạn và có lợi tức cao trong khi duy trì bảng cân đối kế toán lành mạnh. Tuy nhiên, sau khi Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu chiến dịch thắt chặt định lượng, dẫn đến sự sụp đổ của lĩnh vực công nghệ, giá trị của các công cụ nợ này đã giảm mạnh ở mức đáng báo động.

Các khoản đầu tư của SVB sau đó đã thua lỗ nặng nề.

Sự sụp đổ của công ty càng trầm trọng hơn vì hai lý do. Đầu tiên là mức tiền gửi trong ngân hàng thấp. Nguyên nhân thứ hai là việc SVB cần đầu tư thêm vốn nhằm cố gắng duy trì mức lãi suất tiền gửi cao. Sau khi tổ chức này thông báo rằng họ bị lỗ 1,8 tỷ USD khi bán tài sản và cần huy động hơn 2 tỷ USD, người gửi tiền đã rút tiền của họ khỏi ngân hàng.

Nhưng trong khi Ngân hàng Signature đóng cửa cùng thời điểm với SVB, các chuyên gia cho rằng tình hình của ngân hàng này hơi khác một chút. Bởi vì nhóm khách hàng của họ tương tự như của SVB - các công ty công nghệ và đầu tư mạo hiểm - những khách hàng lo lắng này đã rút 10 tỷ USD trong một ngày, dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng này.

Đối với Ngân hàng Silvergate, tổ chức từng là nền tảng của hệ sinh thái tiền mã hóa, ngân hàng cộng đồng California đã ngừng hoạt động và tiến hành thanh lý tự nguyện do “sự phát triển của ngành và quy định gần đây”.

Silvergate cho biết trong một tuyên bố: “Kế hoạch đóng cửa và thanh lý của Ngân hàng bao gồm việc hoàn trả đầy đủ tất cả các khoản tiền gửi”.

Hiện đã có 3 ngân hàng sụp đổ trong một khoảng thời gian ngắn, bảng cân đối kế toán của các tổ chức này đang được các chuyên gia tài chính xem xét kỹ lưỡng hơn. Cho đến nay, hàng chục ngân hàng, từ Charles Schwab đến Citibank, đang chịu những khoản lỗ đáng kể chưa thực hiện (lỗ của tài sản tính theo giá trị thị trường nhưng chưa được hiện thực hóa bằng giao dịch).

Nhà kinh tế học Mohamed El-Erian gọi đây là trường hợp “quản lý yếu kém” và chính sách tồi.

Ông viết trên Twitter: “3 yếu tố chính đằng sau sự hỗn loạn của thị trường hiện nay. Quản lý yếu kém tại các ngân hàng cá nhân và giám sát mất hiệu lực. Quá trình chuyển đổi chính sách tiền tệ bị xử lý yếu kém làm phức tạp hóa việc điều chỉnh trong khu vực công/tư nhân không thích hợp. Biến động do chính sách gây ra khuếch đại tính lưu động kinh tế/tài chính”.

Chính phủ can thiệp

Lo lắng xoay quanh Credit Suisse và 3 ngân hàng sụp đổ tại Mỹ
Tổng thống Joe Biden nói về những nỗ lực của ông nhằm giảm bạo lực súng đạn tại The Boys & Girls Club of West San Gabriel Valley, Monterey Park, California, Mỹ, vào ngày 14/03/2023. (Ảnh: JIM WATSON/AFP qua Getty Images)

Chính phủ Mỹ đã thông báo hôm 12/03 rằng Cục Dự trữ Liên bang, Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và Bộ Tài chính đã cùng nhau đưa ra một kế hoạch để đảm bảo rằng những người gửi tiền có quyền tiếp cận ngay đối với tiền của họ.

FDIC sẽ bảo đảm an toàn cho tất cả các khoản tiền gửi, được bảo hiểm và không được bảo hiểm, đối với khách hàng tại SVB và Signature. Ngoài ra, FDIC sẽ sử dụng Quỹ bảo hiểm tiền gửi (DIF) trị giá 128 tỷ USD, một chương trình được tài trợ bởi các ngân hàng. Các chuyên gia nói rằng các cơ quan quản lý sẽ cần sử dụng các biện pháp đặc biệt để trả nợ cho người gửi tiền vì SVB duy trì tổng số tiền gửi khoảng 175 tỷ USD.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ thiết lập các cơ sở cho vay lên đến một năm đối với các ngân hàng, hiệp hội tiết kiệm và hiệp hội tín dụng bị ảnh hưởng bởi chuỗi thất bại mới nhất. Fed cũng sẽ cho phép các ngân hàng hoán đổi tài sản gặp khó khăn của họ với mệnh giá ban đầu bằng cách cầm cố tài sản của họ để đổi lấy các khoản vay tương đương với giá trị ban đầu của tài sản. Điều này sẽ loại bỏ mọi rủi ro về kỳ hạn, các quan chức kỳ vọng hành động này sẽ tạo ra niềm tin trong hệ thống ngân hàng.

Đối với Ngân hàng Trung ương có ảnh hưởng nhất trên thế giới, cơ quan đã công bố thu nhập âm, đây có thể là một rủi ro kinh tế.

Lo lắng xoay quanh Credit Suisse và 3 ngân hàng sụp đổ tại Mỹ
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell làm chứng trước Ủy ban Hạ viện về Dịch vụ Tài chính trên Đồi Capitol, Mỹ, vào ngày 08/03/2023. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Bộ Tài chính Mỹ cũng sẽ cung cấp khoản hỗ trợ trị giá 25 tỷ USD cho chương trình của Fed.

Tổng thống Joe Biden cho biết trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn từ Tòa Bạch Ốc hôm 13/03, "Người nộp thuế sẽ không phải gánh chịu tổn thất nào". “Mọi người Mỹ nên cảm thấy tự tin rằng tiền gửi của họ sẽ ở đó nếu và khi họ cần”.

Phản ứng đối với các biện pháp can thiệp

Kể từ khi chính phủ Mỹ đưa ra thông báo, đã có nhiều phản ứng trái chiều từ các nhà kinh tế, nhà phân tích thị trường và quan chức nhà nước.

Ông David Rosenberg, người sáng lập và Chủ tịch của Rosenberg Research & Associates, đã đăng trên Twitter rằng chính phủ đã lơ đãng trong công việc

Ông nói: “Hai ngày điều trần và không có một thông báo nào về SVB từ [Chủ tịch Fed Jerome] Powell. [Bộ trưởng Tài chính Janet] Yellen hôm thứ 6 nói về các ngân hàng 'vững chắc'' và hôm qua 'không có cứu trợ'. Hãy nói lại xem? Chúng ta đang quay trở lại những năm 1970 - khi nói đến vai trò lãnh đạo (hoặc thiếu vai trò lãnh đạo) kinh tế”.

Bất chấp phản ứng chậm trễ, nhiều người đã ca ngợi những hành động mới nhất của chính phủ.

Ông Bill Ackman, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Pershing Square Capital Management, ủng hộ những nỗ lực này bằng cách lập luận rằng chúng sẽ thông báo cho người gửi tiền rằng hệ thống ngân hàng là an toàn. Ông nói thêm rằng nếu không có các biện pháp này, người nộp thuế sẽ bị buộc phải trả giá, và rất nhiều ngân hàng khu vực và cộng đồng sẽ sụp đổ.

Tuy nhiên, ông Ken Griffin, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Citadel, không tin rằng Washington nên thực hiện những hành động này để bảo vệ những người gửi tiền SVB và Signature khỏi bị thua lỗ.

Ông nói với The Financial Times : “Đã có sự mất kỷ luật tài chính với việc chính phủ cứu trợ toàn bộ cho người gửi tiền. "Đó sẽ là một bài học lớn về rủi ro tha hóa [moral hazard]. Nó sẽ nhấn mạnh quan điểm rằng quản lý rủi ro là điều cần thiết”.

Nguy cơ về rủi ro tha hóa - khi một bên được khuyến khích chấp nhận rủi ro mà không phải chịu toàn bộ thiệt hại cho những rủi ro này - là điều mà nhiều chuyên gia tiền tệ đang thảo luận trong vụ việc.

Hậu quả, trường hợp Credit Suisse

Lo lắng xoay quanh Credit Suisse và 3 ngân hàng sụp đổ tại Mỹ
Biển hiệu của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ Credit Suisse trên tòa nhà chi nhánh ở trung tâm thành phố Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 04/11/2020. (Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP qua Getty Images)

Một nhóm các nhà phê bình đã bày tỏ lo ngại về tính hợp lý về mặt tài chính của những hành động này và khả năng dẫn đến những hậu quả không lường trước được cũng như những rủi ro về tha hóa. Vì những hành động gần đây đã tạo ra một tiền lệ đáng kể, nên một số ý kiến ​​cho rằng Fed có thể tiếp tục cứu trợ các tổ chức tài chính ốm yếu để ngăn chặn sự lây lan lan rộng, ngay cả khi nó gây ra rủi ro dài hạn.

Ông Lawrence Lepard, một nhà quản lý đầu tư tại Equity Management Associates, lưu ý rằng bảng cân đối kế toán của Fed là 8,4 ngàn tỷ USD, nhưng toàn bộ cơ sở tiền gửi ngân hàng là 17,6 ngàn tỷ USD. Nếu tình hình trở nên trầm trọng hơn bởi những sự sụp đổ khác, chẳng hạn như sự sụp đổ có thể xảy ra của Credit Suisse, thì Fed sẽ phải gánh chịu một khoản tiền giải cứu đáng kể.

Ông viết trên Twitter, “Có phải FED vừa trở thành FDIC? Ai chịu lỗ? Đây không phải là [nới lỏng định lượng] vô hạn sao? Các ngân hàng có thể thực hiện bất kỳ khoản cho vay nào bây giờ mà không phải lo về hậu quả khi biết rằng FED sẽ mua khoản vay nếu tình hình xấu đi? Tôi có các câu hỏi”.

Bà Genevieve Roch-Decter, Giám đốc điều hành của Grit Capital cho biết, vì Ngân hàng Trung ương và chính phủ liên bang đang can thiệp và giảm bớt khó khăn tài chính, điều này cũng sẽ khuyến khích các ngân hàng chấp nhận rủi ro lớn hơn.

Bà ấy đặt câu hỏi trên Twitter: “Nhưng còn những hậu quả ngoài ý muốn thì sao? Điều này có khả năng chấp thuận để các ngân hàng chấp nhận rủi ro lớn hơn với vốn của chúng ta, biết rằng cuối cùng chính phủ có thể sẽ là người chi trả”.

Sự bất ổn của thị trường đang đóng vai trò là cơ hội to lớn cho các ngân hàng lớn vì những người gửi tiền có thể sợ hãi các tổ chức nhỏ hơn và chuyển tiền gửi của họ sang các tổ chức nổi tiếng hơn.

Giám đốc điều hành Deutsche Bank AG Christian Stitch phát biểu tại Hội nghị Tài chính châu Âu của Morgan Stanley hôm 15/03 rằng ngân hàng đã chứng kiến ​​dòng tiền gửi chảy vào trong bối cảnh thị trường biến động trong bốn ngày qua. Ông Walter Bettinger, Giám đốc điều hành Charles Schwab, tiết lộ rằng ngân hàng của ông đã nhận được 4 tỷ USD tiền gửi mới ở đỉnh điểm của cơn hoảng loạn SVB. Theo Bloomberg, Bank of America đã tích lũy được hơn 15 tỷ USD tiền gửi mới trong vài ngày qua.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một trong những ngân hàng lớn trở thành quân domino tiếp theo sụp đổ?

Cổ phiếu của Credit Suisse, một ngân hàng Thụy Sĩ, đã chạm mức thấp nhất mọi thời đại, giảm tới 30% hôm 15/03.

Ngân hàng Quốc gia Ảrập Xêút (SNB), cổ đông lớn nhất của Credit Suisse, tuyên bố sẽ không mua thêm cổ phiếu do các vấn đề pháp lý. Ngân hàng Ảrập Xêút nắm giữ 9,88% cổ phần của Credit Suisse.

Thông tin được đưa ra sau khi ngân hàng có tuổi đời hàng thế kỷ này xác nhận rằng họ đã phát hiện ra “điểm yếu lớn” trong việc kiểm soát báo cáo tài chính và không thể kiềm chế dòng tiền chảy ra của khách hàng trị giá 120 tỷ USD trong quý IV.

Nhưng Giám đốc điều hành của Credit Suisse, ông Ulrich Koerner, đã xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với “Asia Tonight” (Châu Á tối nay) của CNA rằng “cơ sở thanh khoản của chúng tôi rất, rất mạnh”.

Ông nói thêm: “Về cơ bản, chúng tôi đáp ứng và vượt qua tất cả các yêu cầu quy định”.

Điều này không đủ để ngăn cản sự lo ngại khi các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) liên quan đến khoản nợ một và năm năm của công ty đã tăng điểm lên mức cao nhất mọi thời đại. Nói cách khác, các nhà đầu tư đang đặt cược rằng Credit Suisse sẽ vỡ nợ.

Khi thị trường tài chính và Trái phiếu kho bạc Mỹ lao dốc, ông El-Erian cho biết các nhà đầu tư đang hiểu ra rằng “hoạt động ngân hàng đang thay đổi”.

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 15/03: “Thị trường cổ phiếu đang nhận ra điều mà thị trường trái phiếu đã nhận ra trong vài ngày qua". "Đó không chỉ là một hoặc hai tổ chức. Những gì chúng ta thấy đang phơi bày một điều gì đó lớn hơn nhiều mà theo đó chúng ta phải định giá lại, bao gồm cả việc hoạt động ngân hàng đang thay đổi”.

Theo The Epoch Times

Cát Duyên biên dịch

 



BÀI CHỌN LỌC

Lo lắng xoay quanh Credit Suisse và 3 ngân hàng sụp đổ tại Mỹ